221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1107426
Gặt lúa chạy lũ
1
Article
null
Quảng Trị:
Gặt lúa chạy lũ
,

 - Mặc cho những giọt mưa nặng hạt xối xả, người nông dân Quảng Trị đang chạy đua với “ông trời”, để mang những hạt thóc đẫm mồ hôi về nhà, thay vì bị lũ cuốn đi.

 

Chạy đua với lũ!

 

Huyện Hải Lăng được coi là vựa lúa của tỉnh Quảng Trị, hằng năm chiếm hơn 1/3 sản lượng lúa của tỉnh. Đồng thời, đây cũng là vùng thấp trũng, thường gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề do mưa lũ gây ra.

 

Những ngày qua, Hải Lăng mưa to, nông dân đang lo một cơn lũ bất ngờ ập về sẽ cuốn đi tất cả. 

Về Hải Lăng những ngày này, đâu đâu cũng tràn ngập không khí ngày mùa. Những đồng lúa vàng rộm, thơm ngút ngàn trải dài tít tắp. Người dân dậy từ 4 giờ sáng, chuẩn bị nông cụ, 5 giờ mọi người rủ nhau ra đồng.

 

Chạy đua với lũ. Ảnh: Hoàng Táo.

 

Ông Nguyễn Nhân Trí (thôn Diên Khánh, xã Hải Dương) cho biết: “Chú dậy từ mờ sáng, cơm nước xong là ra đồng ngay. Trưa về nghỉ được tý lại làm tiếp”. Gia đình ông có 7 khẩu, làm 1,8 mẫu ruộng.

 

Chừng đó con người cùng với sự giúp sức của 3 người em, gặt hái cật lực, xong xuôi số ruộng 3 ngày. Tuy nhiên, không phải cứ có người là gặt được. “Lúa vừa chín đến là gặt luôn. Số ruộng ở đồng ngoài phải đến 20/9 mới gặt. Giờ gặt xong ruộng này, tui phải sang gặt cho mấy đứa em ngay. Sợ nhất bây giờ là trời tiếp tục mưa to, lũ về” - ông Trí nói.

 

Đồng lúa chín vàng, người nông dân căng mình gặt chạy lũ. Ảnh: Hoàng Táo.
Đây cũng là tâm lý chung của nhiều nông dân có mặt tại cánh đồng thôn Diên Khánh những ngày này. Gia đình ông Phạm Ngọc Trì (thôn Diên Khánh, Hải Dương) có 3 mẫu ruộng mà chỉ mới gặt được 8 sào. 

Nhà có 10 khẩu nhưng người lớn có thể ra đồng chỉ có 4. Ông Trì nhìn trời nói: “Những ngày tới mà mưa to thêm nữa chắc phải thuê người gặt thôi”.

 

Chị Nguyễn Thị Liên cùng xã cũng nói: “Nhà ít người, trời mưa thế này, tranh thủ được tý thời gian nào hay tí đó. Gặt sớm cho rồi, không lo lắm”. Sáng 14/9, chị gặt được hai sào, đến quá trưa, trời vẫn còn mưa, chị ăn cơm ngay bên chân ruộng.

 

Ngay cạnh cánh đồng này là con sông Cựu Vĩnh Định. Nhiều lão nông ở đây cho biết, kinh nghiệm hằng năm, vào nửa sau tháng 9 và đầu tháng 10 thường là thời điểm bắt đầu mùa lũ. Và năm nào cũng vậy, lũ về là đê vỡ. Nếu không gặt hái kịp, nước vào đồng coi như một vụ mùa mất trắng.

 

Được mùa vẫn không vui!

 

Ông Tạ Sáu, Phó phòng NN&PTNT huyện Hải Lăng vui mừng báo tin: “Năng suất bình quân của vụ hè thu năm nay khoảng 53 tạ/ha. Ở một số xã, con số đó lên đến 60 tạ/ha”.

 

Tuy nhiên, ông Sáu cho biết thêm, dù được mùa nhưng bà con vẫn không vui vì nhiều nỗi lo luôn thường trực bên người nông dân. Cái lo đầu tiên và lớn nhất đó là lũ về. Do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại đầu năm nên phần lớn diện tích bị chậm so với thời vụ hằng năm khoảng 20 ngày. Đây chính là nguyên nhân khiến lúa bị đe dọa bởi lũ.

 

Lúa gặt về, trời mưa, nảy mầm, giá hạ, nông dân chỉ biết kêu trời! Ảnh: Hoàng Táo.

 

Cái lo thứ hai đó là trời mưa, gặt xong, bà con nông dân không có nơi phơi lúa. Lúa của nhiều gia đình đã mọc mầm, lên mộng, làm giảm chất lượng, thậm chí không bán được.

 

Gia đình chị Nguyễn Thị Hải Yến (thôn Kim Giao, Hải Dương) có 2 mẫu ruộng thì đã gặt được một nửa. Hơn 2 tấn lúa được dồn đống lại trong ngôi nhà chưa đến 50m2. Phần còn lại chị phải chất đống rồi phủ bạt ở ngoài sân, phó mặc cho ông trời. 

“Trời mưa, không có chỗ phơi, lúa ướt nên mới gặt về 2 ngày mà lúa đã thi nhau lên mộng” - chị buồn rầu nói.

 

Gia đình anh chị Võ Văn Thại - Hồ Thị Kim Anh cũng trong tình cảnh tương tự. Lúa gặt về trùm

Phó mặc cho trời. Ảnh: Hoàng Táo.
bạt, chất đống giữa sân. Trong khi đó, một số gia đình dù đã mua thêm quạt điện, than củi để hong khô lúa nhưng vẫn không tránh được lúa lên mộng.

 

Toàn huyện Hải Lăng có 6.200ha lúa vụ hè thu, sản lượng vụ này hơn 32 tấn. Thế nhưng cả huyện không có lấy một cái máy sấy lúa. Những ngày tới nếu trời tiếp tục mưa, hoặc bà con phải tự hong sấy bằng than, hoặc sẽ có thêm nhiều tấn lúa bị lên mộng.

 

Niềm vui được mùa không thắng được nỗi lo lúa lên mộng và rớt giá. Lúa Khang Dân trước thu hoạch là 5.000 đ/kg nay còn 4.000 đ/kg, những giống chất lượng cao thì rớt giá 1.000–1.500 đ/kg.

 

Ông Tạ Sáu cho biết, huyện sẽ giục bà con ra đồng với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, cố gắng trong một tuần nữa sẽ thu hoạch xong chừng 80% diện tích. Số còn lại (1.500ha) sẽ tiếp tục thu hoạch đến 30/9.

 

Người nông dân ở Hải Lăng đang bảo nhau, muộn một ngày là thêm một ngày lo, lũ về khi nào, chỉ ông trời mới biết được. Vụ mùa này đã đi được 9/10 chặng đường. Chặng còn lại, tất cả ở hai chữ “nhờ trời”. Lúa đã đầy bồ, nhưng nụ cười vẫn chưa thể nở trên môi những người nông dân vùng trũng Hải Lăng

 

  • Hoàng Táo 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,