221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1109010
Bộ TN-MT yêu cầu tịch thu toàn bộ lô thép “rác bẩn”
1
Article
null
Bộ TN-MT yêu cầu tịch thu toàn bộ lô thép “rác bẩn”
,

 - Bộ TN-MT yêu cầu tịch thu sung công toàn bộ lô sắt thép phế liệu nhập trái phép của Công ty Thành Lợi (Đà Nẵng) sau khi tiêu huỷ tạp chất.

 

Buổi làm việc giữa đoàn liên ngành TƯ với lãnh đạo TP Đà Nẵng sáng 18/9 Ảnh: HC

Ngày 18/9, Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã chủ trì buổi làm việc giữa đoàn công tác liên ngành TƯ với lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng về việc xử lý vụ nhập khẩu trái phép 1.000 tấn sắt thép phế liệu của Công ty Cổ phần Thép Thành Lợi. 

 

Lãnh đạo Đà Nẵng: Không buộc tái xuất, chỉ tịch thu… tạp chất!

 

Báo cáo với đoàn công tác liên ngành TƯ, lãnh đạo Cục Hải quan, Sở TN-MT, Phòng Cảnh sát Môi trường Đà Nẵng đều xác nhận lô sắt thép phế liệu của Công ty Thành Lợi không được phân loại tạp chất và làm sạch trước khi nhập khẩu vào VN nên đã vi phạm khoản 1, điều 43 Luật Bảo vệ môi trường.

 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Thọ, Cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng cho rằng, việc buộc tái xuất là hết sức khó khăn. Phía xuất hàng sẽ không chịu nhận lại hàng, dẫn tới kiện cáo kéo dài hàng năm trời sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp về chi phí lưu kho bãi cũng như làm ảnh hưởng xấu thêm cho môi trường. Do vậy, ông cho rằng việc UBND TP. Đà Nẵng không buộc tái xuất lô hàng là hợp lý.

 

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng phân tích, luật cho phép lựa chọn một trong hai biện pháp là buộc tái xuất hoặc tiêu huỷ. Trong trường hợp này, căn cứ tình hình thực tế, UBND TP. Đà Nẵng đã chọn biện pháp tiêu huỷ. 

“Do phôi thép quá đắt nên 75% nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp ngành thép Đà Nẵng là sắt thép phế liệu nhập khẩu, mà trong phế liệu thì tất nhiên phải lẫn tạp chất. Nếu căn cứ theo luật hoàn toàn sẽ triệt tiêu sản xuất, còn nếu không đảm luật thì sẽ tạo tiền lệ xấu cho doanh nghiệp. Do vậy, chúng tôi đề nghị Bộ TN-MT có phương án dung hoà cho trường hợp này!” - ông Nguyễn Điểu phân trần.

 

Còn Phó Chủ tịch Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho rằng, quy định của Luật Bảo vệ môi trường về xử lý các trường hợp này còn chung chung, chưa rõ ràng. Thế nào là làm sạch, thế nào là không sạch? Tỷ lệ tạp chất bao nhiêu là vừa?... Do luật không quy định rõ nên gây khó cho doanh nghiệp trong việc ký kết các hợp đồng ngoại thương cũng như việc xử lý của cơ quan nhà nước. Và ông Chiến khẳng định, cách xử lý của UBND TP. Đà Nẵng là hợp lý!

 

Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà: "Phải tịch thu toàn bộ lô hàng sau khi tiêu huỷ tạp chất!" Ảnh: HC

Bộ TN-MT: Tịch thu toàn bộ lô hàng sung công quỹ

 

Điều khiến cuộc họp khá bất ngờ là phát biểu của Đại tá Nguyễn Đình Chính, Phó Giám đốc Công an Đà Nẵng, lại gần như trái ngược với xu hướng trên đây của lãnh đạo TP và các ban ngành địa phương. 

 “Hải quan xử lý như vậy đã đúng quy định pháp luật chưa? Phải làm cho minh bạch, rạch ròi đúng sai chứ không thể vì phát triển kinh tế mà để dân kêu, công luận phản đối. Không thể để Đà Nẵng trở thành bãi rác, rồi rác sẽ tiếp tục từ Đà Nẵng đi các nơi khác, gây hại cho môi trường. Tôi đề nghị đoàn công tác liên ngành cần giúp TP có hướng xử lý đúng!” - Đại tá Chính nhấn mạnh.

 

Trước đề nghị này, Thứ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ với Đà Nẵng quan điểm về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, ông Hà nhấn mạnh đến trách nhiệm lớn đối với nhân dân, đối với cộng đồng trong bối cảnh việc xử lý chất thải trong nước còn chưa thấu đáo thì lại phải đối mặt với việc vận chuyển chất thải từ nước ngoài vào VN.

 

Ông Hà cho rằng, trong hội nhập kinh tế, doanh nghiệp phải hiểu luật chơi, luật buôn bán. Chính quyền địa phương không phải ưu ái, lo ngại việc họ không tái xuất được. Theo hợp đồng đã ký kết, nếu hàng được giao không đúng thì họ có quyền từ chối. Nếu có kiện tụng thì họ phải tự chịu trách nhiệm. Ông cũng thông tin, Bộ TN-MT đã liên hệ với Đại sứ quán Ý tại VN, yêu cầu Bộ Công an nếu cần thiết thì phối hợp với cảnh sát quốc tế để làm rõ bên mua, bên bán. Do vậy, theo Thứ trưởng Hà, việc Bộ TN-MT yêu cầu tái xuất lô hàng là có cơ sở.

 

“Bản hợp đồng giữa Công ty Thành Lợi và đối tác Italia có vấn đề. Nếu không thì khi hàng đến họ đã không nhận. Làm ăn kinh tế không ai dại gì đâu. Chúng ta vì doanh nghiệp nhưng cũng phải vì người dân, vì cộng đồng nữa. Nhập khẩu đã vi phạm rồi, xử lý lại không nghiêm minh, không công bằng, tạo nên tiền lệ cho các doanh nghiệp vi phạm, gây nên sức ép đối với các nhà quản lý là không thể chấp nhận được!” - Thứ trưởng Hà chỉ rõ.

 

Để việc tiêu huỷ được thực hiện đúng luật, Thứ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu: “Phải chấm dứt quyền sở hữu của doanh nghiệp đối với cả lô hàng. Sau khi tiêu huỷ tạp chất, tịch thu toàn bộ số sắt thép còn lại đưa vào công quỹ để đầu tư cho việc kiểm soát, xử lý môi trường. TP. Đà Nẵng cần sớm có thông báo chính thức về quyết định xử lý cuối cùng để Bộ TN-MT báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ!”.

  • Hải Châu
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,