221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1110334
Đại công trường dang dở, chưa biết ngày hoàn thành !
1
Article
null
Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước :
Đại công trường dang dở, chưa biết ngày hoàn thành !
,

- Chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra; “lô cốt” chắn đường nhưng không thi công; sự cố nứt đốt hầm dìm Thủ Thiêm... Tất cả cho thấy dự án Đại lộ Đông Tây và Cải thiện môi trường nước TP.HCM đang “bộc lộ” nhiều bất cập...

Đường Cao Lỗ thành đường “nhiều lỗ”

Trong số trên 200 “lô cốt” thường xuyên chiếm đường, phân nửa thuộc về các công trình thi công của dự án Đại lộ Đông Tây và dự án Cải thiện môi trường nước thành phố (viết tắt ĐLĐT và MTN). 

"Lô cốt" trên các tuyến đường trung tâm vào giờ cao điểm là nguyên nhân gây kẹt xe "dài dài". Ảnh: Trần Duy
Theo nhận xét của Thanh tra GTVT TP.HCM, mặc dù công tác đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và an toàn lao động của các nhà thầu còn nhiều vi phạm, thiếu sót, nhưng lại chậm khắc phục sửa chữa nên đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, đi lại của người dân trong khu vực thi công.

Điển hình nhất là “lô cốt” kéo dài hàng chục mét (đoạn từ ngã ba đường Yersin - đường Bến Chương Dương) chỉ chừa vừa đủ cho một chiếc xe gắn máy đi lọt. 

“Chúng tôi nhờ mặt tiền để buôn bán, nhưng hơn một năm nay công việc làm ăn rất ế ẩm vì lô cốt che chắn hết cửa hiệu”- anh Nguyễn Phúc, chủ một cửa hàng bán vật liệu xây dựng trên đường Bến Chương Dương than thở. 

Sáng 22/9, trở lại hai “lô cốt” thuộc dự án ĐLĐT nằm trên đường Cao Lỗ (Q.8) vừa thoát khỏi lệnh “phong tỏa” thi công của Sở GTVT cách đây ít ngày, PV VietNamNet nhận thấy vẫn còn nhếch nhác.

Theo thống kê mới nhất của Thanh tra GTVT TP.HCM, hiện nay trên địa bàn thành phố có tổng cộng 248 “lô cốt” án ngữ trên 90 tuyến đường. Đây là các “lô cốt” phục vụ việc thi công cho 12 dự án giao thông trọng điểm. Các “lô cốt” này chậm được giải tỏa là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên nhiều tuyến đường. 

Nhiều “lô cốt” đã bị Thanh tra GTVT TP.HCM lập biên bản vi phạm và yêu cầu nhà thầu tạm ngưng thi công, khắc phục hậu quả như 5 “lô cốt” trên tuyến đường Trường Chinh, Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình), Cao Lỗ, Dương Bá Trạc (Q.8). 

Một cán bộ thanh tra GTVT cho biết, một tuần, ít nhất cũng lập 29 biên bản vi phạm hành chính đối với các nhà thầu thi công với tổng số tiền phạt lên đến 62 triệu đồng. Thế nhưng, nhiều nhà thầu vẫn cố tình tái phạm sau khi bị phạt.

Vào giờ cao điểm, không thấy bóng dáng nhân viên của nhà thầu thi công đứng ra hướng dẫn giao thông cho các phương tiện đi qua khu vực này. Suốt đoạn đường Cao Lỗ, gập ghềnh nhiều “ổ gà”, “ổ voi” đến nỗi người dân ở đây gọi chệch tên đường Cao Lỗ thành đường “nhiều lỗ”. 

Do đặc điểm thi công trên đoạn tuyến kéo dài trên 21km từ phía Tây sang phía Đông thành phố nên trên công trường thi công của dự án ĐLĐT, có nhiều khoảng đất trống nhếch nhác, thuận tiện để người dân vô ý thức phóng uế bừa bãi, đổ rác chất cao thành đống.

Một số đoạn che khuất tầm mắt dọc theo đường ven kênh Trần Văn Kiểu là địa điểm “tập kết” thuận lợi cho bọn chích choác. Ống tiêm ma túy còn dính máu tươi nằm rải rác đường ven kênh khiến những người yếu bóng vía gai người.

Anh Sơn, quê Thanh Hoá, làm công nhân trên công trường ĐLĐT hơn 1 năm nay cho biết: “Bọn em chỉ là công nhân có nhiệm vụ đảm bảo vật tư của công ty không bị mất mát chứ đâu dám lại gần dân chích choác để gây thù chuốc oán”. 

“Thỉnh thoảng, lại thấy một cặp chở nhau trên xe gắn máy dừng gấp ở một góc khuất công trường rồi tự tiêm ma túy cho nhau. Bị bọn em phát hiện, chúng con giương mắt gườm gườm, dọa nạt” - anh Sơn nói thêm.

Chưa chống ngập đã gây ngập

Dự án ĐLĐT và MTN được xem là hai trong số năm dự án sử dụng vốn ODA có chức năng chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường và chống ngập cho TP.HCM trong tương lai.

Một "góc khuất" trên công trường thi công Đại lộ Đông Tây. Ảnh: Trần Duy
Nhưng trước mắt, người dân TP.HCM chưa “mục sở thị” được hiệu quả chống ngập mà chỉ biết trong quá trình thi công hai dự án này, nhà thầu đã lấp luôn miệng cống thoát nước gây ngập nặng cho khu vực trung tâm thành phố.

Mới đây, sau khi khảo sát hiện trường các cửa xả ra kênh Bến Nghé trên tuyến thi công dự án ĐLĐT, tuyến cống Trần Bình Trọng - Nguyễn Trãi; khu vực ngập tại Hàng Bàng - Bến xe Chợ Lớn; khu vực vòng xoay Cây Gõ, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Trung Tín đã chỉ đạo Sở GTVT, Ban quản lý dự án (PMU) ĐLĐT và MTN, các đơn vị liên quan nhanh chóng khắc phục khơi thông dòng chảy ngay trong 9/2008.

Theo đó, đối với các khu vực ngập do quá trình thi công dự án ĐLĐT và MTN, ông Tín yêu cầu nạo vét đoạn kênh Bến Nghé (từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến cầu Calmette).

TIN LIÊN QUAN
Nguyên nhân được xác định là do tắc nghẽn dòng chảy nên ông Tín yêu cầu PMU đào tuyến mương hở nối hai đoạn kênh Bến Nghé tại vị trí trước và sau khu vực chặn dòng thi công cầu Calmette để tăng cường khả năng thoát nước cho các tuyến cống khu vực trung tâm thành phố.

Tương tự, đối với vùng ngập khu vực đường Ba Tháng Hai, Lê Hồng Phong, Cao Thắng (phía thượng lưu của tuyến cống Trần Bình Trọng), ông Tín yêu cầu PMU tập trung nhân lực, thiết bị khẩn trương thực hiện và hoàn thành các hạng mục đang thi công của tuyến cống Trần Bình Trọng; thông dòng, nối kết với tuyến cống vòm hiện hữu để đảm bảo khả năng thoát nước trong mùa mưa năm nay.

UBND TP.HCM cũng vừa yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các hạng mục công trình của dự án ĐLĐT và MNT để hoàn chỉnh hệ thống thoát nước thành phố nhằm phát huy tác dụng xóa, giảm ngập.

Trong số các công trình giao thông trọng điểm được yêu cầu “dứt điểm” ngay trong năm 2008, UBND TP.HCM đốc thúc PMU ĐLĐT và MTN đảm bảo các công trình cầu như cầu Khánh Hội phải hoàn thành trong 12/2008; cầu chữ Y, cầu Chà Và, cầu Calmette phải xong trong 4-5/2009. Trong quá trình thi công, nhà thầu phải đảm bảo chất lượng và an toàn giao thông.

Một biện pháp “mạnh tay” cũng sẽ được UBND TP.HCM áp dụng là hình thức “phạt lũy tiến” (phạt gấp đôi so với mức phạt được áp dụng trước đó) đối với nhà thầu chậm tiến độ nhiều lần.

Giữa tháng 8/2008, sự cố nứt bốn đốt hầm dìm Thủ Thiêm được công luận chính thức đưa ra. Theo báo cáo của Tổ chuyên gia hội đồng (trực thuộc Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng), các vết nứt xuất hiện ở thành vách hộp dạng thẳng đứng, kéo dài khoảng 2-3m từ cao độ sát bản đáy hộp lên phía trên. Các chuyên gia nhận định là các vết nứt do co ngót dẻo khi lớp bê tông bản đáy đổ trước đã hóa cứng ngăn cản co ngót của phần bê tông đổ sau đó của phần thành vách hộp. Bề rộng lớn nhất của vết nứt từ 0,5 đến 1mm.

Ngoài ra, còn có các vết nứt ở vị trí các phân đoạn đổ bê tông của đốt hầm. Các vết nứt này thẳng đứng ở vị trí kéo dài gần như cao hết chiều cao đốt hầm, bề rộng vết nứt khoảng 0,1-0,3mm. Các chuyên gia nhận định các vết nứt này không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của hầm dìm Thủ Thiêm nhưng có ảnh hưởng đến tuổi thọ và khả năng chống thấm của vỏ hầm. “Đây là điều đáng lo ngại”- các chuyên gia cảnh báo. 

Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường gói thầu số 1, số 2 của dự án ĐLĐT, các chuyên gia cũng cảnh báo về độ an toàn của hệ thống đà giáo. Các chuyên gia tỏ ý lo ngại rằng chất lượng loại đà giáo này (do Công ty Đông Dương sản xuất) không thể kiểm soát tuyệt  đối được. Đặc biệt là phần đà giáo được lắp bên trên các cột thép hình chữ H chống thẳng đứng của phần hầm dìm Thủ Thiêm có thể sẽ xảy ra hiện tượng lún chênh lệch so với phần khác, có nguy cơ gây nứt kết cấu dầm bê tông cốt thép được đúc bên trên phân đoạn đà giáo này.

  • Trần Duy
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,