Ngoài ra, Công ty đã tự ý nâng công suất và đưa công trình vào hoạt động nhưng không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường gồm dự án đầu tư nâng công suất đối với phân xưởng sản xuất Xút – Axít từ 3.116 tấn/tháng lên 6.600 tấn/tháng.
Kết quả xét nghiệm mẫu nước thải tại khu vực bể bán âm và bồn chứa của Công ty Vedan cho thấy các thông số về độ màu, COD, BOD5... tỷ lệ vượt từ 10 cho đến 2.000 lần, cá biệt lên tới 3.675 lần.
Dự án đầu tư nâng công suất đối với một loạt nhà máy: bột ngọt (từ 5.000 tấn/tháng lên 15.000 tấn/tháng); tinh bột biến tính (từ 2.000 tấn/tháng lên 4.000 tấn/tháng); Lysine (từ 1.200 tấn/tháng lên 1.400 tấn/tháng) bột gia vi cao cấp (20 tấn/tháng); PGA (700 tấn/năm); phân Vedagro 70.000 tấn/ năm (rắn), 280.000 tấn/năm (lỏng) và cảng 12.000 tấn.
Một con mương xả nước thải của Vedan.
Công ty Vedan đã thiết kế và lắp đặt hệ thống bơm, đường ống kỹ thuật để bơm dịch thải sau lên men của Nhà máy sản xuất bột ngọt và Lysine từ bể chứa bán âm và bồn chứa theo hệ thống đường ống (có đoạn chôn ngầm, có đoạn đi trên bề mặt đất) ra cầu cảng số 1 qua đường ống cao su gân thép chìm sâu dưới sông Thị Vải và cầu Cảng số 2 qua 2 trụ bơm cũng được cắm sâu xuống lòng sông nhằm đổ trực tiếp ra sông Thị Vải.
Việc lắp đặt hệ thống xả dịch thải trên của Công ty Vedan là trái với quy trình kỹ thuật xử lý chất thải, không đúng với nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Hệ thống ống chằng chịt, trong đó có nhiều đường ống ngầm xả thẳng nước thải chưa qua xử lý xuống sông Thị Vải.
Theo tính toán của đoàn kiểm tra, tổng lượng dịch thải sau lên men xả trực tiếp ra sông Thị Vải đã xác định được tính đến ngày 25/92008 từ xưởng Lysinee và các bể chứa là 105.600 m3/tháng.
Công ty Vedan đã thiết kế và lắp đặt hệ thống bơm, đường ống kỹ thuật để bơm dịch thải sau lên men của nhà máy sản xuất bột ngọt và lysine từ bể chứa bán âm (có dung tích 6.000 - 7.000m3, bồn chứa 15.000m3) và một số bồn bể khác theo hệ thống đường ống ngầm kết hợp với nổi đưa chất thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải.
Tổng khối lượng dịch thải sau lên men mà Vedan xả trực tiếp ra sông Thị Vải là 105.600m3/tháng (trước đó chỉ phát hiện 44.800 m3/tháng). Ngoài ra, khối lượng dịch thải sau lên men, Vedagro dạng lỏng và CMS hiện đang lưu giữ trong các bồn chứa và bể chứa của Công ty Vedan là 20.500m3.
Theo đoàn kiểm tra, các hành vi vi phạm cố ý xả trực tiếp dịch thải sau lên men của Công ty Vedan ra sông Thị Vải mang tính hệ thống, có tổ chức và kéo dài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đối với sông Thị Vải.
Từ các nhận định trên, đoàn công tác Bộ TN&MT sẽ kiến nghị xử lý theo pháp luật 2 hành vi ”có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bảo vệ môi trường”, cụ thể là việc thiết kế, lắp đặt hệ thống bồn chứa, bể chứa, máy bơm, hệ thống đường ống kỹ thuật tinh vi... xả trực tiếp dịch thải sau lên men ra sông Thị Vải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Hành vi trốn nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp (dịch thải sau lên men xả ra tại cầu Cảng số 1 và cầu Cảng số 2) và nước thải phát sinh từ nhà máy nước cấp theo quy định tại Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và Pháp lệnh Phí và lệ phí.
-
Thái Thiện