- Quyết định xử phạt hành chính 200 triệu đồng đối với việc Vedan gây ô nhiễm nghiêm trọng sông Thị Vải 14 năm được coi là mức hình phạt cao nhất hiện nay, song nhiều người lại cho rằng "chẳng bõ bèn gì". Còn theo PGS - TS Nguyễn Đình Hoè- Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, có thể nâng mức phạt bằng tổng thu nhập hàng năm của doanh nghiệp vi phạm.
Lòng tốt phải có đi có lại!
- Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Vũ Phạm Quyết Thắng đã nói: "Xử phạt hành chính Vedan hơn 200 triệu đồng, không bõ bèn gì, chẳng mua nổi một chiếc xe ôtô cho quan chức địa phương đi công tác. Quá nhẹ, nhưng cũng không thể nặng hơn vì thiếu luật. Vì vậy, cái án phạt nặng nhất là hãy làm cho người dân biêt tôn trọng sản phẩm của DN có trách nhiệm với môi trường". Với tư cách là chuyên gia môi trường và Ủy viên Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
- Vụ việc Vedan khiến chúng ta phát hiện nhiều bất cập trong khâu quản lý nhà nước cũng như trào lưu ứng xử lách luật của không ít doanh nghiệp.
Khâu quản lý nhà nước cũng có phần trách nhiệm lớn trong việc để cho doanh nghiệp không bảo vệ môi trường. Xử phạt hành chính quá nhẹ, không sắc sảo trong khâu lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, không chặt chẽ trong khâu cấp phép cũng như chồng chéo và chậm trễ trong khâu thanh tra kiểm tra,… tạo nhiều khe hở cho không ít doanh nghiệp vi phạm môi trường.
Miệng cống xả nước thải ra sông Thị Vải (Ảnh: Hồ Thu)
Khung hình phạt của chúng ta còn quá nhẹ, quá mềm dẻo, chưa phản ánh đúng mức độ gây ô nhiễm của DN nói chung và Vedan nói riêng. Qua vụ việc của Vedan chúng ta ngộ ra nhiều điều, chúng ta hiểu mình, hiểu người và hiểu luật của chúng ta hơn.
Luật bảo vệ môi trường của chúng ta vẫn còn sơ sài, đơn giản, không để ý đến mức độ tàn phá môi trường của DN, chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
Chúng ta đã đối xử tốt với khách và mong khách đối xử tốt lại, nhưng quốc tế hóa cần phải thực hiện nghiêm theo Luật.
Món nợ môi trường có thể phải trả bằng sinh mệnh của DN
- Ngoài khung hình phạt hành chính gần 217 triệu, Vedan phải làm gì để trả món nợ môi trường đã gây ra? Liệu Vedan có khả năng trả được món nợ này?
Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ và Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Phú Thọ vừa tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty Miwon, chuyên sản xuất bột ngọt tại TP Việt Trì, Phú Thọ. Kết quả thanh tra cho thấy, từ năm 1996 đến nay, Miwon đã xả thẳng nước thải công nghiệp chưa qua xử lý ra sông Hồng. Đường ống dẫn nước thải của Miwon còn bị vỡ khiến người dân xung quanh phải sống trong cảnh ô nhiễm. Miwon đã thừa nhận trung bình xả ra sông Hồng 150m3 nước thải chưa qua xử lý mỗi ngày.
- Trách nhiệm của Vedan còn nhiều. Ví dụ truy thu phí nước thải, đền bù cho những hộ dân ven sông Thị Vải bị thiệt hại sinh kế, đền bù cho các hộ trồng sắn sử dụng “phân bón” vedagro, đóng góp làm sạch môi trường sông Thị Vải.
Ngoài ra, DN này có thể còn phải trách nhiệm hình sự theo quy định ở Chương 17 Bộ luật Hình sự Việt Nam…
Việc Vedan có đủ khả năng trả món nợ này hay không thì chỉ có Vedan biết. Nếu không đủ thì Vedan phải phát mại tài sản như bất cứ pháp nhân vi phạm khác, không thể phân biệt.
Tuy nhiên, trách nhiệm Vedan đến đâu phải chờ pháp luật quyết định.
- Vụ bê bối môi trường của Hyundai Vinashin cũng chỉ bị phạt hành chính 10 triệu. Nay còn có thông tin cả Công ty Miwon (Phú Thọ) cũng mắc sai phạm giống như Vedan - mỗi ngày xả hàng trăm mét khối nước thải chưa xử lý ra thẳng sông Hồng. Như vậy, đã đến lúc phải sửa luật chưa?
- Vấn đề Vedan quá bức xúc và như một giọt nước tràn ly. Trước thực trạng bức tranh ô nhiễm môi trường của chúng ta hiện nay, đã quá muộn để hoàn thiện các văn bản pháp lý và Luật bảo bảo vệ môi trường. Vedan là trường hợp chúng ta cần phải tổng kết.
Ngay Bộ TN-MT đã rất lúng túng trước sự kiện này. Bộ này đã thông qua Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam tổ chức hội thảo trách nhiệm giữa DN và xã hội ngày 25/10 tới, trong đó có phân tích kỹ vấn đề của Vedan.
Quản lý môi trường phải có "tai mắt" của dân
- Nhìn từ vụ vi phạm môi trường của Vedan, Miwon và trước đây là vụ Hyundai-Vinashin, đều coi nhẹ trách nhiệm với môi trường. Theo ông, mấu chốt vấn đề ở đây là gì? Trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
- Trách nhiệm ở cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Mặt khác nếu cơ quan quản lý chịu khó để ý đến ý kiến và biết dựa vào nhân dân địa phương thì sự việc không đến nỗi trở nên tồi tệ như hiện trạng Vedan bây giờ.
Cống xả nước thải của Công ty Miwon ra sông Hồng. Ảnh: ANTĐ
Tai mắt của nhân dân có ở mọi nơi và không có gì có thể che mắt được nhân dân. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận nhà quản lý “nhìn mà không thấy hoặc cố tình không thấy, nghe mà không hiểu hoặc cố tình không hiểu”.
Ở Đồng Nai cũng có nhiều doanh nghiệp vốn nước ngoài lớn và trong số họ, có những DN gương mẫu trong thực thi trách nhiệm với môi trường. Cùng một điều kiện như nhau, hành xử của Vedan cho thấy trách nhiệm của doanh nghiệp là chủ yếu.
- Vừa qua Cục bảo vệ môi trường hạ quyết tâm đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội nâng mức xử phạt lên 500 triệu đồng đối với cơ sở gây ô nhiễm, theo ông mức xử phạt này đã đủ sức răn đe?
- Như tôi đã nói, mức phạt này chưa phản ánh đúng mức độ gây ô nhiễm của DN. Tại sao chúng ta không nâng mức phạt bằng tổng thu nhập hàng năm của DN hoặc bằng mức độ DN đã gây ô nhiễm? Nếu như chất thải của Vedan có chất phóng xạ thì kể cả mức phạt 500 triệu không thấm vào đâu so với việc phải xử lý ô nhiễm.
- Về mặt luật pháp, chúng ta phải làm gì để đủ răn đe và ngăn chặn những Vedan, Hyundai-Vinashin, Miwon và các DN vi phạm khác?
- Điều này thì các cơ quan quản lý sẽ trả lời. Tuy nhiên, vấn đề quản lý môi trường cũng không có gì mới. Nhiều nước công nghiệp hóa xung quanh ta có đủ kinh nghiệm quản lý tốt môi trường. Sang học tập họ cũng không có gì khó khăn. Vấn đề là chúng ta có muốn quản lý tốt và bài bản như các nước ấy hay không.
Tôi nói “muốn” bởi vì vẫn còn có người coi trọng tăng trưởng kinh tế hơn bảo vệ môi trường, vẫn còn có người chưa quán triệt tốt Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị và Chương trình Nghị sự 21 về Phát triển bền vững của Việt Nam do Chính phủ ban hành.
-
Minh Nguyệt (thực hiện)