Ký ức về một hồ nước trong
Theo những người dân sống lâu năm tại khu di tích làng Cả, hồ Phong Thủy là địa điểm có ý nghĩa lịch sử, tinh thần. Trước đây, hồ nằm cạnh đình làng Cả tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Vào những ngày lễ hội, dân làng Cả lại hội tụ tại đây để thỏa mãn những tín ngưỡng dân gian của mình.
Ông Lưu Văn Cân (75 tuổi), người lớn lên từ nhỏ tại làng Cả cho biết: “Nước của hồ trong veo, trước đây trong hồ có rất nhiều cá. Người dân không bao giờ bắt cá đó để ăn mà chỉ dùng trong việc cúng tế mỗi dịp lễ hội. Đối với người dân trong làng hồ phong thủy và đình làng là nơi rất linh thiêng!”.
Ông Cân còn kể, ngay bên cạnh đình còn có một cái giếng nước trong veo nhờ có cùng mạch nước với hồ. Ngày đó, người dân trong làng không dám đào giếng vì sợ “động mạch” nên vẫn lên đình lấy nước ở giếng về ăn.
Ông Lưu Văn Cân tiếc nuối về hồ nước trong veo của một thời đã xa.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, năm 1948 khi giặc càn quét, người dân làng Cả phải di tản khỏi làng. Sợ đình trở thành nơi trú ngụ của giặc, ông Chánh phó làng thời đó đã đành phải châm lửa đốt đình. Sau khi đánh thắng giặc Pháp, dân trở lại làng, nơi đây vẫn là khu hồ nước trong và thói quen lấy nước hồ để ăn uống sinh hoạt không bị thay đổi.
Tuy nhiên, từ khi Nhà máy mì chính Việt Nam được xây dựng, nhất là khi Miwon mua lại, tiếp quản và mở rộng thì khu đất đình làng đã bị san bằng, còn hồ Phong Thủy được quy hoạch thành khu xử lý nước thải.
Được biết, sau khi phần đất của đình - hồ được phía Miwon có ý định mua lại để xây khu xử lý nước thải, đã có rất nhiều người, kể cả Sở VHTT tỉnh lên tiếng phản đối, nhưng tỉnh Phú Thọ vẫn đồng ý để Miwon sử dụng khu đất này.
Một người dân sống gần hồ bức xúc: “Bốn năm về trước trong ngày Quốc lễ giỗ Tổ Hùng Vương, đích thân ông chủ tịch tỉnh Phú Thọ đã hùng hồn tuyên bố tại sân vận động: Di tích Làng Cả là di tích quốc gia cần phải được bảo tồn. Thế nhưng “lời nói gió bay”, chẳng hiểu vì lý do gì mà tỉnh vẫn thản nhiên cấp phần đất di tích hồ Phong Thủy cho phía Miwon, để rồi đến nay hồ di tích trở thành hồ ô nhiễm”.
Theo một cán bộ chính quyền lâu năm tại phường Tiên Cát (xin giấu tên), người nắm rõ quá trình hồ phong thủy bị biến thành hồ xử lý nước thải: Sau khi mở rộng phần đất ra cả phần hồ Phong Thủy và đình làng Cả, Miwon định mở rộng hoạt động ra hết lòng hồ, nhưng do bị chỉ trích là lấn chiếm khu di tích lịch sử nên Miwon chỉ xây bao quanh trong một diện tích hẹp.
Qua nhiều cuộc hội thảo khoa học, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, làng Cả là một trung tâm kinh tế - chính trị lớn gắn với Nhà nước Văn Lang thời đại các Vua Hùng. Di tích Làng Cả là dấu tích nổi bật và duy nhất về cố đô Văn Lang, có giá trị đặc biệt lớn lao đối với lịch sử dân tộc.
Bản vẽ thu hồi và bàn giao đất cho Công ty Miwon. Ảnh: T.Nhung
Có thể thấy rằng, dự án của Miwon hoàn toàn “chọi lại” với dự án xây dựng, đầu tư, tôn tạo, bảo tồn di tích làng Cả đang được khẩn trương hoàn thành với mục đích đưa làng Cả thành một khu tham quan lịch sử, văn hóa với nhiều hạng mục như bảo tàng ngoài trời, nhà trưng bày, khu ẩm thực…
Mặc dù khu vực hồ nước cắt cho Miwon không còn di vật sau cuộc san ủi và khai quật chữa cháy năm 1976-1977, nhưng việc cắt bớt phần đất này đã phá vỡ không gian tổng thể của khu di tích làng Cả!
Khu di tích nay đã bốc mùi!
Việc mở rộng dây chuyền sản xuất 2 với công suất lớn nhưng chưa xử lý được chất thải của Công ty Miwon gây hôi thối, ô nhiễm môi trường khu di tích.
Mới bước chân vào khu vực, chúng tôi đã phải bịt mũi vì những mùi hôi thối nồng nặc, rất khó chịu bốc lên từ lòng hồ. Chị Nguyễn Tố Oanh, nhà ngay cạnh khu vực cho biết: “Hơn 11 năm nay chúng tôi đã phải chịu cảnh này và vô cùng bức xúc. Mùi hôi thối của chất thải bốc ra từ đường ống, lòng hồ làm cho không khí luôn bức bí. Mỗi buổi sáng thức dậy chúng tôi luôn có cảm giác khô họng, khó thở, nhức đầu”.
Nước thải của Miwon bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Chị Nguyễn Thị Dung, gần nhà máy Miwon nói: “Chúng tôi lúc nào qua đây cũng phải bịt khẩu trang kín mít mà không tránh được mùi! Có ai nghĩ đây là khu di tích lịch sử văn hóa không?!”
Một phần là nơi chứa nước thải, một phần đất bên hồ phong thủy lại được biến thành nơi ngâm bột sắn làm nguyên liệu cho việc chế biến mì chính. Xung quanh nhà máy, những đường ống cống bốc mùi, những bãi nước đen ngòm. Có những đầu thông cống làm cho người dân không chịu được, quá bức xúc nên họ đem bê tông đến lấp!
Dẫn PV đi xem lòng hồ, Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh phố Gát, phường Tiên Cát, Việt Trì Trần Xuân Bản cho biết: “Xung quanh khu vực này cây cối không sống được, trước đây nhà nào cũng có giếng dùng nhưng đều đã lấp hết vì nước giếng luôn đen và có mùi. Hồ phong thủy phong cảnh hữu tình, tươi đẹp giờ chỉ còn là quá vãng!”.
Trước những bức xúc, kiến nghị của người dân trong khu vực về việc chất thải từ Công ty Miwon gây ô nhiễm môi trường khu di tích, trong một cuộc gặp mặt giữa hai bên, ngày 2/10/2008, Giám đốc Công ty Miwon đã thừa nhận: “Năm 2007, công ty có ký hợp đồng xây dựng bể xử lý lên men 8 tỷ đồng, nhưng đến nay không thực hiện được nên đã cắt hợp đồng này. Bể nước thải chưa xử lý được mùi nên gây mùi khó chịu là đúng, việc cam kết với nhân dân chúng tôi chưa thực hiện được”.
Một phần hồ phong thuỷ - niềm tự hào xa xưa của người dân làng Cả.
Cũng trong buổi gặp mặt này, Giám đốc Công ty Miwon nói: “Kể từ ngày 2/10/2008 do chưa xây dựng xong bể xử lý chúng tôi sẽ giảm công suất để khắc phục mùi. Thời gian khắc phục bể xử lý là 4 tháng.”
Hứa thật nhiều nhưng chưa thành hiện thực, người dân ở đây chỉ biết rằng, hiện tại, một phần của khu di tích đang bị lấn chiếm đã ô nhiễm nghiêm trọng. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tổng thể khu di tích lịch sử đã được xếp hạng quốc gia này.
-
Bài, ảnh: Trà My - Vũ Điệp