- Hiện đang xảy ra tình trạng cùng một sản phẩm nhưng có hai kết quả xét nghiệm chất melamine trái ngược nhau: Bộ Y tế bảo có, doanh nghiệp bảo không.
Trong vòng một tháng trở lại đây, vấn đề gây xôn xao dư luận nhiều nhất là sự thật về sữa nhiễm melamine. Tại Trung Quốc, con số thống kê về trẻ em bị ảnh hưởng trong vụ sữa nhiễm độc đã lên tới 54.000 trẻ em (số liệu ngày 25/9).
Việt Nam cũng không thoát khỏi cơn địa chấn melamine do sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa là các mặt hàng không thể thiếu cho trẻ nhỏ. Trong vòng chưa đầy một tháng, trên các báo có tới gần 300 tin, bài viết về các sản phẩm liên quan đến chất melamine. Nhiều gia đình, trường mầm non do quá hoang mang đã tạm thời “cấm vận” con em dùng sữa.
Các nhà khoa học, các cơ quan y tế chuyên môn đã lên tiếng trấn an người tiêu dùng hãy bình tĩnh. Mặt khác đã cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác để các cơ quan thông tấn thông tin định hướng dư luận, tránh xảy ra tình trạng tẩy chay thị trường sữa.
Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) đã có cuộc giao lưu trực tuyến với độc giả VietNamNet về vấn đề này.
Toàn cảnh cuộc giao lưu trực tuyến tại TS VietNamNet. Ảnh: LAD |
- Thưa bà, hiện nay có rất nhiều loại sữa và khó nhận biết đâu là sữa có hay không có melamine. Vậy làm thế nào để biết được sữa có nhiễm melamine hay không?
- Hằng ngày Bộ Y tế đều thông báo danh sách các sản phẩm nhiễm melamine. Trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đưa danh sách những sản phẩm nhiễm melamine. Ngoài ra, mọi người có thể dựa vào các phiếu kiểm nghiệm của các labo có đủ điều kiện (hiện có 22 labo được Bộ Y tế cho phép làm xét nghiệm - PV) xác định melamine do các công ty sữa tự gửi mẫu kiểm nghiệm.
- Hiện các phương tiện thông tin đại chúng công bố danh sách sữa nhiễm melamine từ nguồn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, có rất nhiều sản phẩm mà doanh nghiệp gửi đến kiểm nghiệm tại trung tâm đã được cấp giấy chứng nhận không có melamine nhưng không có trong danh sách mà các phương tiện thông tin đại chúng đưa?
- Trong danh sách mà báo chí đưa chủ yếu là các mẫu sữa được Thanh tra Bộ Y tế lấy ngẫu nhiên trên thị trường chứ không phải tất cả các sản phẩm sữa. Trong khi đó trên thị trường có rất nhiểu sản phẩm sữa khác nhau, Bộ Y tế không thể kiểm nghiệm hết được. Do đó, Bộ Y tế khuyến khích các doanh nghiệp tự giác mang mẫu sữa đến kiểm nghiệm tại các labo được Bộ Y tế công bố đủ điều kiện xác định melamine. Viện Dinh dưỡng cũng đã nhận được nhiều mẫu do các doanh nghiệp tự giác mang đến kiểm nghiệm.
- Bà có thể cho biết rõ hơn về cách xác định melamine và tiêu chuẩn của VN? Và tại sao từ truớc đến giờ chưa thấy nói gì đến kiểm tra melamine? Viện Dinh dưỡng sẽ kiểm tra toàn bộ các loại sữa lưu hành trên thị truờng hay chỉ có các công ty đến gửi cho Viện?
- Xác định melamine là một quy trình kĩ thuật trong labo đòi hỏi chuyên ngành sâu về hóa phân tích. Hiện nay ngưỡng phát hiện melamine tại labo kiểm nghiệm của Viện Dinh dưỡng là trên 30 mcg/kg. Từ trước đến nay, Bộ Y tế chưa có quy định về kiểm tra melamine trong sữa bột. Viện Dinh dưỡng có trách nhiệm kiểm tra toàn bộ các mẫu sữa do Thanh tra Bộ Y tế gửi đến cũng như các mẫu sữa mà các công ty nghiêm túc tự giác gửi đến kiểm nghiệm.
- Trên báo chí mấy ngày qua, các công ty liên tục đăng thư ngỏ hay công bố sản phẩm của mình không nhiễm melamine. Liệu người tiêu dùng có thể tin được những thông tin do doanh nghiệp tự đăng tải trên các báo chí?
- Việc các doanh nghiệp công bố thông tin sản phẩm không nhiễm melamine là điều đáng hoan nghênh vì sẽ giúp người tiêu dùng định hướng đúng về sản phẩm. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần kiểm tra một số thông tin xem doanh nghiệp đó có kết quả kiểm nghiệm chưa hay chỉ là cam kết; kết quả kiểm nghiệm đó có được thực hiện tại 22 trung tâm do Bộ Y tế công bố đủ kết quả xét nghiệm hay không; mẫu xét nghiệm là tất cả các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường hay chỉ 1 vài mẫu; mẫu xét nghiệm là sản phẩm đang lưu hành hay chỉ xét nghiệm nguyên liệu của doanh nghiệp…
Hiện một số công ty chỉ tiến hành xét nghiệm nguyên liệu thì không thể khẳng định sản phẩm của công ty không nhiễm melamine vì chúng ta biết melamine cũng có thể bị nhiễm từ khâu đóng gói bao bì chứ không riêng gì từ nguyên liệu.
- Viện Dinh dưỡng đã công bố một số sản phẩm có nguồn gốc từ sữa của Hanoimilk có melamine? Tuy nhiên kết quả của Trung tâm Kiểm nghiệm ở TP.HCM lại khẳng định không có melamine trong mẫu sữa này, xin bà cho biết sẽ xử lý tình huống này ra sao?
- Viện Dinh dưỡng khẳng định tất cả các kết quả kiểm nghiệm về melamine của Viện Dinh dưỡng do Thanh tra Bộ Y tế công bố đều chính xác.
Tập đoàn Bơ sữa Namyang (Hàn Quốc) - một trong những doanh nhiệp nhập khẩu đầu tiên đạt kiểm định không chứa melamine cho các dòng sản phẩm sữa bột Xo và Star Science Gold.
- Thưa bà, có thông tin cho rằng trang thiết bị của Việt Nam chỉ có thể phát hiện sữa nhiễm melamine hàm lượng cao, chưa đủ hiện đại để phát hiện sữa nhiễm melamine với hàm lượng thấp?
- Xin được khẳng định, Viện Dinh dưỡng có đầy đủ điều kiện về trang thiết bị cũng như nhân lực để xác định hàm lượng melamine trong sản phẩm sữa và chế biến từ sữa phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, các bậc phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm với các kết quả kiểm nghiệm của Viện Dinh dưỡng.
- Sau vụ sữa nhiễm chất melamine tại Trung Quốc thì Việt Nam mới vào cuộc để kiểm tra các nhãn sữa nhập khẩu. Nếu không có vụ sữa nhiễm chất melamine tại Trung Quốc được phát hiện ra thì liệu rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam có ý thức bảo vệ người tiêu dùng bằng cách kiểm tra và phát hiện các nhãn sữa không đạt chất lượng?
- Vụ bê bối melamine tại Trung Quốc thì không chỉ các cơ quan chức năng của Trung Quốc mà cả thế giới cũng không ngờ đến. Và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, từ bây giờ Bộ Y tế sẽ thắt chặt việc kiểm định hơn, và tiêu chuẩn về melamine sẽ được đưa vào trong quy định kiểm nghiệm tất các sản phẩm sữa và các sản phẩm chế biến có dùng nguyên liệu sữa. Viện dinh Dưỡng luôn luôn quan tâm và sẽ kiểm nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu cho các sản phẩm sữa và chế biến từ sữa theo đúng quy định của Bộ Y tế.
- Không chỉ sữa mà hiện có nhiều sản phẩm kém chất lượng được bày bán trên thị trường ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Với tư cách là một người hoạt động trong ngành y tế bà có ý kiến gì về việc này?
- Để đảm bảo nguồn thực phẩm sạch trên, tất các các sản phẩm nên được kiểm tra chặt chẽ trước khi cấp phép ra thị trường và nên thường xuyên lấy mẫu ngẫu nhiên để theo dõi chất lượng sản phẩm sau khi đã lưu hành trên thị trường.
- Xin cảm ơn bà!
Chương trình giao lưu trực tuyến này được tài trợ bởi Tập đoàn Bơ sữa Namyang.
-
Lệ Hà (tổng hợp)