- Chỉ một đoạn chừng 500m sông Hồng, ngoài Miwon, người ta còn dễ dàng nhận thấy các đơn vị khác như: Nhà máy nhuộm Pangrim, Nhà máy giấy Việt Trì, Nhà máy hoá chất Việt Trì, Nhà máy bia rượu Viger có những cống xả nước thải ra dòng sông.
Sau khi tiếp nhận mặt bằng của Nhà máy Miến, Mì chính Việt Trì cách đây khoảng hơn chục năm, Công ty Miwon tiếp tục được mở rộng đất và cho ra các sản phẩm bột canh, mì chính, tương ớt…
Năm 2006, công ty này bắt đầu sử dụng công nghệ lên men và đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, tuy nhiên hệ thống này chưa được cấp phép, mặc kệ, Miwon vẫn đưa vào vận hành.
Tháng 11/2007, hệ thống nước thải mới chưa được cấp phép của Miwon được đưa vào sử dụng. Cũng kể từ đó, người dân xung quanh bắt đầu phải sống trong sự ô nhiễm, khi mà hàng ngày, ở các đường cống xả thải cứ ào ào đổ ra thứ nước thải đen sì, bốc mùi hôi thối.
Hồ chứa nước thải của Miwon "nuốt" gọn một phần di tích Khảo cổ Làng Cả. Ảnh: T.N |
Ngày 30/9, đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện Phòng CSMT - Công an tỉnh Phú Thọ, Phòng Quản lý môi trường- Sở TNMT tỉnh Phú Thọ và Trung tâm Quan trắc và bảo vệ môi trường tỉnh Phú Thọ đã đến nhà máy kiểm tra và tiến hành lấy 4 mẫu nước ở 2 điểm: điểm chảy tràn ở hồ sinh học trước khi ra ngoài môi trường và điểm ngoài ống xả thải phía bờ sông Hồng.
Theo kết luận của đợt kiểm tra này, nước thải tại thời điểm chảy tràn trước khi nhập vào cống chung chảy ra sông Hồng có mùi thối, khó chịu. Nồng độ chất hữu cơ như BOD5 là 246-255 mg/l vượt từ 3-3,1 lần so với tiêu chuẩn nước thải công nghiệp mức B. COD là 426-437 mg/l vượt từ 5,3-5,4 lần so với tiêu chuẩn nói trên.
Và nếu đối chiếu với tiêu chuẩn nước thải công nghiệp mức A (mà Công ty Miwon đăng ký khi lập dự án xây dựng nhà máy) thì BOD5 ở bể nước thải công nghiệp lớn gấp 8,2 lần; COD lớn gấp 8,7 lần. Từ bể chứa chất thải công nghiệp, nước thải chảy vào cống chung (gồm cả nước thải sinh hoạt, nước bề mặt), đổ ra sông Hồng.
Theo kết quả quan trắc, nước thải tại vị trí đổ ra sông Hồng có nồng độ chất hữu cơ như BOD5 là 107-109 mg/l vượt từ 2,14 đến 2,18 lần; COD là 165-172 mg/l vượt từ 2-2,15 lần (so với tiêu chuẩn nước thải công nghiệp mức B); Nếu so với tiêu chuẩn mức A, hàm lượng chất hữu cơ BOD 5 lớn gấp 3,3 lần; COD là 3,2 lần.
Sau khi báo chí lên tiếng mạnh mẽ, ngày 6/10, Sở TN - MT Phú Thọ lập đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra lấy mẫu nước tại Miwon và yêu cầu Miwon phải đưa ra bản thiết kế hệ thống xả thải mới chưa được cấp phép xả thải.
Dòng sông Hồng bị ô nhiễm bởi nhiều nhà máy. Ảnh: P.T |
Được biết, dọc bờ sông Hồng, Miwon không phải là đơn vị duy nhất làm ô nhiễm dòng sông, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân khu vực. Chỉ trong chừng 500m sông, ngoài Miwon, người ta còn dễ dàng nhận thấy các đơn vị khác như: Nhà máy nhuộm Pangrim, Nhà máy giấy Việt Trì, Nhà máy hoá chất Việt Trì, Nhà máy bia rượu Viger có những cống xả nước thải ra dòng sông.
Và theo phản ánh của người dân khu vực thì mức độ gây ô nhiễm của các đơn vị kia cũng không kém gì "ông Miwon".
Hệ thống xử lý nước thải của Miwon - Ảnh; TN |
Trong khi chờ tỉnh "giải" được bài toán di dời khu công nghiệp phía Nam thành phố Việt Trì, người ta đặt ra câu hỏi: Liệu người dân và dòng sông Hồng ngày đêm phải chịu đựng sự ô nhiễm đến bao giờ? Và dòng sông có thể tự làm sạch mình, khi mà hàng ngày phải nhận quá nhiều chất xả thải không đạt chuẩn từ các nhà máy?
-
Tuyết Nhung