221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1121947
TP.HCM: Sốt xuất huyết tăng, nguy cơ thay đổi tuýp virus
1
Article
null
TP.HCM: Sốt xuất huyết tăng, nguy cơ thay đổi tuýp virus
,

 - Từ đầu năm đến nay, TP.HCM có hơn 10.000 ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện. Cho dù ngành y tế thành phố đã tích cực thực hiện các công tác chống dịch, nhưng vào mùa cao điểm trung bình 600 ca nhập viện mỗi tuần, cao hơn cùng kỳ năm ngoái gần 100 ca.

Người dân thành phố không có thói quen ngủ mùng. Trong khi, các chuyên gia lo ngại tuýp virus đang thay đổi hay ổ dịch chưa được xác định chính xác?

Bé Nguyễn D. H. sinh ngày 28/8/2007 ngụ tại quận 6, đang được truyền dịch và theo dõi do mắc sốt xuất huyết. Ảnh chụp ngày 27/10 (Ảnh: H.Cát)

Bé Phạm A. P. (2004, Tân Phú) bị sốt nhiều, ói nhiều, đau kèm với chướng bụng, nhưng không đi cầu được. Bệnh viện Tân Phú ban đầu chẩn đoán sốt siêu vi. Sau 5 ngày, trẻ không hạ sốt, BV Tân Phú đã chuyển đến BV Nhi Đồng 1 vào ngày 25/10, và đột ngột vào sốc độ III.

Theo chị Dương Thị B.T., mẹ của bệnh nhân này, hai bên vách nhà chị có đến 3 người lớn vừa khỏi bệnh sốt xuất huyết. Vào mùa sốt xuất huyết hàng năm, Tân Phú là một trong những quận nóng.

Tại khoa Nhiễm - BV Nhi Đồng 2, khoảng 100 ca sốt xuất huyết đang điều trị, gần 10 ca vào sốc độ III và IV. Bé Lê Nguyễn H.K. (5 tuổi, ở Nguyễn Trãi - Q.5) bị sốt, ói, đau bụng từ thứ hai tuần trước (20/10). Ba ngày liên tục bé vào bệnh viện để các bác sĩ khám và theo dõi. Đến ngày thứ ba, bé bắt đầu bị lạnh chân tay, tím tái, và nhập cấp cứu. Bé trở nặng do sốc độ IV vì sốt xuất huyết, rối loạn đông máu và bị tràn dịch đa màng (màng phổi, màng bụng, và ở tinh hoàn).

Dịch sốt xuất huyết xuất hiện sớm và kéo dài

Tại TP.HCM, sốt xuất huyết đã vào mùa cao điểm theo chu kỳ dịch hàng năm, từ tháng 9, tháng 10 cho đến tháng 11. Ngày 27/10, khoa Sốt xuất huyết - BV Nhi Đồng 1 đang theo dõi và điều trị cho 166 ca mắc bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, 22 ca nặng, vào sốc, đang truyền dịch và điều trị tích cực tại phòng cấp cứu của khoa. Mùa dịch năm nay, 70 - 80% trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết đều có địa chỉ ở thành phố.

"Sốt xuất huyết năm nay xuất hiện sớm, kéo dài trội hơn các năm trước. Ngay từ đầu mùa (tháng 6 - tháng 7), số ca mắc đã tăng khá nhanh. So với năm ngoái, tình hình sốt xuất huyết nhập viện tăng gần 1,5 lần. Ước tính vào mùa điểm của năm 2007, từ tháng 8 - tháng 10, mỗi ngày khoa chỉ có 120 - 130 ca. Nhưng hiện nay, trung bình đã lên tới 160 - 180 ca/ngày. Ca nặng luôn chiếm 10 - 15%", - ThS. BS. Lê Bích Liên, Trưởng khoa Sốt xuất huyết - BV Nhi Đồng 1 lo lắng.

Bệnh sốt xuất huyết thường sốt từ 2 - 7 ngày. Triệu chứng nguy hiểm có thể tử vong là sốc trụy tim mạch, thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh (85% rơi vào ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh). 

Để hạ sốt, các bậc cha mẹ có thể cho trẻ uống paracetamol (liều 10 – 15 mg/ kg/ lần x 3 – 4 lần/ ngày) và lau mặt bằng nước ấm khi trẻ sốt cao. Nên cho trẻ ăn chất lỏng để dễ tiêu, và cho uống nhiều nước (nước chín, nước trái cây (cam, dừa...), nước biển khô, nước trà....)

Không nên cạo gió, cắt lễ, cho trẻ uống aspirin, quấn kín hay mặc quần áo dày khi trẻ sốt.

Các bậc cha mẹ phải theo dõi thường xuyên và đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi thấy chỉ một trong các dấu hiệu sau: Lừ đừ, bứt rứt - Lạnh tay chân (nhất là khi trẻ hết sốt) - Ói nhiều, tiểu ít - Đau bụng nhiều - Chảy máu bất thường

 Theo BS. Liên, chỉ tính riêng trong tuần vừa qua, khoa đã tiếp nhận 4 ca nhũ nhi đều mắc sốt xuất huyết nặng, có bé chưa tới hai tháng tuổi. Ngay sáng 27/10, bé Nguyễn D. H. sinh ngày 28/8/2007 ngụ tại quận 6, đang được truyền dịch và theo dõi do mắc sốt xuất huyết. 

Lúc đầu, bé bị sốt cao, có lúc lên đến 39oC, và thường sốt vào buổi chiều. Do bé bỏ ăn, quấy khóc, nên chỉ sau 2 ngày sốt cao thất thường, người nhà đã đưa bé vào nhập viện ở Nhi Đồng 1.

Trong khi đó, trong khoảng 20 ngày của tháng 10, BV Bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận hơn 1.160 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn nguyên tháng 10 năm ngoái gần 400 ca. 

Tại khoa Nhiễm D - BV Bệnh Nhiệt đới, trong những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày trong khoa có từ 45 - 55 ca. Tuổi trung bình thường dưới 35 tuổi, có ca lớn tuổi nhất là trên 50 tuổi. Mỗi ngày có từ 15 - 20 ca bệnh mới. Năm 2007, vào thời điểm cao nhất, mỗi ngày cũng chỉ khoảng 50 ca.

Theo BS. Nguyễn Thị Dung - Phó khoa Nhiễm D, BV Bệnh Nhiệt đới, mọi năm, sau cao điểm tháng 9 - tháng 10, mùa mưa chấm dứt, số ca sốt xuất huyết sẽ giảm, trong khi vào năm 2008, sốt xuất huyết vẫn còn cao, chưa có dấu hiệu giảm xuống. 

Đối với người lớn trong mùa sốt xuất huyết, nếu sốt cao 3 - 4 ngày, và không tìm ra một ổ nhiễm trùng nào, phải nghĩ ngay đến sốt xuất huyết. Những triệu chứng khác cần quan tâm là ăn uống không được, nhức đầu, ói nhiều, mệt.

"Sốt xuất huyết người lớn bắt đầu đáng báo động trong vòng 3 - 4 năm nay. Người lớn khi mắc bệnh sốt xuất huyết thường vào sốc ít hơn trẻ em, nhưng lại xuất huyết nhiều hơn, như thường chảy máu mũi, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa. Khi làm xét nghiệm, người ta sẽ nhận thấy lượng tiểu cầu hạ xuống rất thấp, từ 5.000 - 6.000 tiểu cầu/ml máu, trong khi bình thường là trên 100.000. Mạch máu dễ vỡ bể, ứ máu. Còn đối với nữ, sốt xuất huyết có thể khiến bệnh nhân bị rong kinh, trường kinh" - BS. Dung cho biết.

Thay đổi tuýp virus và những ổ dịch di động

Một số trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết nặng đang điều trị tại khoa Nhiễm - BV Nhi Đồng 2. (Ảnh chụp ngày 27/10: H.Cát)

"Nhìn chung, phần lớn các quận, huyện đã kiềm chế và đẩy lùi dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên, số ca mắc vẫn còn ở mức cao, trên 500 ca mỗi tuần. Thậm chí, vào những tháng đỉnh dịch, trên 600 ca/tuần. Trong khi vào mùa cao điểm của năm 2007, số ca mắc trung bình là 500/tuần" - TS. BS. Lê Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói.

Tính từ đầu năm đến nay, TP.HCM có trên 10.000 ca nhập viện vì sốt xuất huyết, cao hơn nhiều so với năm ngoái. Một phần do khởi phát điểm của năm 2008 đã rất cao, nằm ở đuôi dịch của 2007. Các chuyên gia cả về điều trị lẫn dự phòng đều quan ngại về diễn biến dịch khá phức tạp trên địa bàn thành phố. TP.HCM có một mô hình sốt xuất huyết đô thị không đơn giản.

Đa phần người dân thành phố không sợ sốt xuất huyết, vì bao nhiêu năm nay, họ sống chung với muỗi. Do đó, người dân TP.HCM gần như không còn thói quen ngủ mùng, vì sử dụng máy lạnh và cửa lưới. Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp phòng ngừa không đủ mạnh để đối phó với dịch sốt xuất huyết. 

"Ngoài ra, ý thức của người dân trong giữ gìn sạch sẽ môi trường xung quanh không cao, đặc biệt là các khu lao động và lao động nhập cư: chứa nước, vứt rác. Các ổ lăng quăng chủ yếu tập trung trong các vật chứa nước hàng ngày dùng trong sinh hoạt, để ngoài trời, không che đậy. Một ổ lăng quăng nữa là các vật chứa nước vô tình như hộp cơm, bao nilông... Do đó, để giảm nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết, người dân phải tự giác dọn sạch vật chứa nước đặc biệt là các bãi rác tại những khu đất trống" - BS. Giang nói.

Tuy nhiên, trong khi ngành y tế đang thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để khống chế, nhất là dập dịch trên từng ổ dịch, nhưng dịch vẫn được đẩy lùi như mong muốn.

Theo BS. Lê Trường Giang, các chuyên gia dịch tễ học đang điều tra hai vấn đề liên quan đến sự biến đổi của tuýp virus gây bệnh sốt xuất huyết, và điểm xuất phát của ổ dịch.

"Lẽ ra nếu tuýp virus Dengue 1 gây bệnh sốt xuất huyết không thay đổi thì số ca mắc phải giảm xuống, do đã được miễn dịch. Nhưng từ cuối mùa dịch 2007 cho đến tháng 6/2008, tuýp Den-1 chiếm chủ đạo. Trong khi đó, những tháng cuối này, tuýp virus Den-3 là chủ yếu. Do đó, nhiều người chưa được miễn dịch và mắc bệnh chăng?" - BS. Giang đặt nghi vấn.

Ngoài ra, hơn 30% ca mắc sốt xuất là ở người lớn. Trẻ em mắc bệnh sốt xuất huyết chủ yếu do ảnh hưởng của môi trường xung quanh khu vực sống. Còn người lớn thường hay di chuyển. Ở những quận nóng như Thủ Đức (26 ca/tuần), Tân Bình (27 ca/tuần), số ca sốt xuất huyết ở người lớn có nơi lên đến 50%. 

Phải chăng các ổ dịch sốt xuất huyết không phải ở tại các khu nhà trọ của công nhân, mà lại tồn tại trong các khu công nghiệp?

  • Hương Cát 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,