- Thống kê tại BV Nhi Đồng 1, BV Nhi Đồng 2, BV Bệnh Nhiệt đới, sốt xuất huyết tăng rất cao so cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là người dân thành phố. UBND TP.HCM chỉ đạo, toàn thành phải hạ nhiệt sốt xuất huyết trong vòng hai tuần tới.
Ngày 28/10, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà đã làm việc với Sở Y tế TP.HCM, lãnh đạo chính quyền và các phòng y tế ở 24 quận huyện về vấn đề kiểm tra, phòng chống dịch sốt xuất huyết.
ThS. BS. Lê Bích Liên, Trưởng khoa Sốt xuất huyết - BV Nhi Đồng 1, đang theo dõi một ca sốt xuất huyết nặng.
(Ảnh chụp ngày 27/10: H.Cát)
Sốt xuất huyết “có mặt” ở 322 phường xã TP.HCM
Do đuôi dịch năm 2007 kéo dài, nên khởi phát điểm của mùa dịch sốt xuất huyết năm 2008, số ca bệnh cao gấp 2 lần so với năm 2007. Hơn thế nữa, mùa cao điểm bệnh sốt xuất huyết bắt đầu vào tháng 6, tức là sớm hơn cùng kỳ 1 tháng.
Theo báo cáo tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết của Sở Y tế TP.HCM, hiện nay, sốt xuất huyết đang vào đỉnh dịch và lan rộng. Hầu hết 322 phường xã của 24 quận huyện đều có sốt xuất huyết.
Từ đầu năm đến nay, tổng số ca nhập viện vì sốt xuất huyết là 11457, tăng 61,5% so với cùng kỳ năm ngoái. 4.500 ca sốt xuất huyết vào điều trị tại BV Nhi Đồng 1, với 50 – 60% dân thành phố, tăng 130% so với cùng kỳ này năm ngoái (10 tháng đầu năm 2007: 3.500 ca).
Còn tại BV Nhi Đồng 2, theo TS. BS. Hà Mạnh Tuấn – Giám đốc BV Nhi Đồng 2, sốt xuất huyết đến khám và nhập viện đều tăng so với cùng kỳ 2007; cụ thể phòng khám tiếp nhận 4.200 ca, tăng 264%, còn nội trú nhận điều trị cho 3080 ca, tăng 169%.
“Tuổi nhập viện dưới 5 tuổi trong mùa dịch 2008 có xu hướng tăng cao hơn 2007, đặc biệt là lứa tuổi dưới 1 tuổi. Tiến triển bệnh cũng phức tạp hơn, như tổn thương đa cơ quan, sốc kéo dài, suy hô hấp nặng,” BS. Tuấn nhận xét.
Trong khi đó, tại BV Bệnh Nhiệt đới, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trong 9 tháng qua là 6185 ca, trong đó người lớn là 4037 tăng gần gấp 2 so với cùng kỳ năm 2007, với 3267 ca và 2078 ca người lớn.
TS. BS. Lê Trường Giang – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cảnh báo, đỉnh dịch trong năm 2008 là vào tháng 9 – 10. Sau đó dịch bệnh sẽ giảm nhưng không nhiều do yếu tố dân cư và môi trường chưa được giải quyết một cách đồng bộ. Nếu lơ là trong công tác chống dịch, nhiều quận khác sẽ gia tăng nhanh số ca mắc sốt xuất huyết, đặc biệt là Q. 1, Q.2, Q.3, Q.5, Q.10, Q. 11, Phú Nhuận, Gò Vấp
Phải hạ nhiệt trong vòng 2 tuần nữa
Theo đại diện của Quận Thủ Đức, số ca trên 15 tuổi chiếm tới 60% tổng số mắc bệnh sốt xuất huyết của quận. Phần lớn là lực lượng lao động đến từ các tỉnh giáp ranh với TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai… Sốt xuất huyết hiện nay không còn là vấn đề của riêng TP.HCM, vì vậy, Thủ Đức đã làm việc với huyện Dĩ An, tuy nhiên, nhân lực y tế của huyện này cũng khá “lép”.
Còn tại Quận Bình Thạnh và Quận 8, những quận nóng trong dịch sốt xuất huyết, thừa nhận, các nhân viên y tế dự phòng chỉ chăm chú tìm kiếm các ổ lăng quăng, nguồn lây bệnh trong các lu vại chứa nước lớn, mà bỏ quên những loại vật chứa vô tình (hộp cơm, miểng chai, bao ni-lon…). Đặc biệt địa bàn quận lại có rất nhiều khu nhà trọ chen chúc, và các dự án xây dựng còn đang dang dở.
“Trữ nước sinh hoạt rất phổ biến do quận 8 nằm ở cuối nguồn, nước sạch không đủ. Đồng thời, phường có ổ dịch sốt xuất huyết là những nơi có dự án xây dựng dở dang, vệ sinh môi trường khó kiểm soát được. Đồng thời, các phường không có sự quan tâm đồng đều về dịch bệnh sốt xuất huyết,” đại diện quận 8 cho biết.
Thực tế, với 500 – 600 ca sốt xuất huyết trong mùa cao điểm, phân bổ trên 322 phường xã ở 24 quận huyện, với khoảng 10 triệu dân số, tình hình sốt xuất huyết ở TP.HCM nằm trong mức kiểm soát được. Nhưng, nhiều phường xã đã để dịch bệnh kéo dài, dập hết ca này lại nảy sinh ra ca khác, do đó dẫn đến nhiều ổ dịch mới.
“Hơn thế nữa, khi có bất cứ một ca sốt xuất huyết nào nhập viện, các bệnh viện đều có thể xác định chính xác đến 90% địa chỉ của bệnh nhân. Nhưng khi báo về địa phương, các quận huyện chỉ có thể xác minh địa chỉ đạt được 60 -70%. Do đó các quận huyện đã bỏ lỡ rất nhiều ổ dịch sốt xuất cần phải bẻ gãy,” BS. Lê Trường Giang nhận xét.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hà, đã yêu cầu các quận huyện phải xem xét lại trách nhiệm quản lý nhà nước của mình. Bà Thu Hà đã chất vấn Trung tâm Y tế Dự phòng Quận huyện, Trạm Y tế phường, Phòng Y tế Quận/Huyện, Bệnh viện… chưa làm hết chức năng trong việc theo dõi diễn tiến dịch trên địa bàn.
Theo giám sát sốt xuất huyết tháng 9/2008 ở Khu vực phía Nam của Viện Pasteur TP.HCM, đây là thời điểm cao trào mùa mưa, khu vực phía Nam đang trong tình trạng báo động dịch sốt xuất huyết. Trong tháng 9/2008, số ca sốt xuất huyết của khu vực phía Nam là 8628 ca, giảm 9% so với tháng 8/2008 (9484). 11/20 tỉnh phía Nam có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tăng so với tháng 8/2008. Gồm có: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang. Trong tháng 9/2008, khu vực phía Nam có 13 ca tử vong ( Bình Dương: 4 ca, TP.HCM: 2 ca, và 1 ca ở các tỉnh: Bạc Liêu, Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Tiền Giang và Vĩnh Long), tương đương so với tháng 8/2008 và tăng so với tháng 9/2007 (12 ca). Số ca sốc độ III/IV chiếm 13,2 % tổng số mắc tháng 9/2008, tăng nhẹ so với tháng 8/2008 (11,2%), và so với cùng kỳ năm ngoái (11,5%). Týp vi-rút Dengue 1 gây bệnh sốt xuất huyết vẫn tiếp tục chiếm ưu thế hơn so với các týp khác, tương tự tình hình sốt xuất huyết năm 2007. Trong khu vực xuất hiện cả 4 týp vi-rút D1, D2, D3, D4. |
-
Hương Cát