221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1124953
“Đại hồng thủy” ở Hà Nội - giật mình nhìn lại TP.HCM
1
Article
null
“Đại hồng thủy” ở Hà Nội - giật mình nhìn lại TP.HCM
,

- Trận “đại hồng thủy” như ở Hà Nội hoàn toàn có khả năng xảy ra ở TP.HCM và hậu quả đem lại sẽ nặng nề không kém.

Hệ thống thoát nước quá tải

Thạc sĩ Hồ Long Phi, Phó ban Điều phối chống ngập TP.HCM cho biết, theo số liệu quan trắc gần đây, hệ thống cống thoát nước tại TP.HCM chỉ có thể chịu đựng những cơn mưa có vũ lượng dưới 40mm (khoảng 1/10 so với lượng mưa gây ngập nặng tại Hà Nội).

Chỉ cần những cơn mưa có vũ lượng trên 40mm trùng với thời điểm triều cường dâng cao, người dân TP.HCM đã rất khốn đốn. Ảnh: Trần Duy

Hệ thống cống thoát nước của các dự án lớn sử dụng nguồn vốn ODA đang xây dựng và dự kiến hoàn tất trong năm 2010 như dự án Vệ sinh Môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm tuy có tiết diện cống lớn gấp hai nhưng cũng chỉ chịu đựng những trận mưa có vũ lượng dưới 100mm. “Tôi có tiến hành một số nghiên cứu về  khả năng thoát nước của hai dự án Vệ sinh Môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tân Hóa - Lò Gốm. Bước đầu có thể nhận định: Chỉ cần trận mưa có vũ lượng trên 140mm như hồi 8/2008 thì hệ thống thoát nước tại thành phố sẽ quá tải”- Ths Hồ Long Phi nói. “Nguy cơ TP.HCM ngập nặng như Hà Nội là hoàn toàn có thật”.

Mặt khác, việc xả lũ của hồ chứa nước Trị An và Dầu Tiếng ở thượng du cũng có thể ảnh hưởng đến ngập lụt tại TP.HCM. Đặc biệt hồ Trị An chỉ nằm cách TP.HCM khoảng 50km.  

GS Nguyễn Sinh Huy - người đứng đầu một nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về giải pháp chống ngập cho TP.HCM từng dự báo: Nếu lũ lớn xảy ra, toàn bộ phần hạ du của thành phố sẽ ngập chìm trong nước và sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Phần lớn diện tích đất của Q.2, , 7, 8, 9, huyện Nhà Bè...sẽ chìm sâu trong nước.  

Trong khi đó, theo Ths Lê Thị Xuân Lan, Phó Phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, thời tiết những năm gần đây ở phía Nam cũng có những diễn biến rất phức tạp. Mặc dù cuối tháng 11 nhưng vẫn còn những trận mưa trên diện rộng.

Học sinh đến trường trong vùng ngập. Ảnh: Trần Duy

Ths Xuân Lan cho biết, gần đây, tại TP.HCM mưa lớn xảy ra dồn dập; dông và sét cũng nhiều hơn. Đặc điểm mưa của TP.HCM khác với các tỉnh ở phía Bắc là mưa kéo dài không lâu trừ khi có bão nhưng lại thêm triều cường nên hoàn toàn có thể xảy ra ngập lớn. 

Sài Gòn từng có “đại hồng thủy”

Năm 1994, tại TP.HCM, một trận mưa như trút nước với vũ lượng 200mm kéo dài suốt 3 giờ kết hợp với triều cường đã làm nhiều nơi tại thành phố ngập nặng.  

Những diễn biến của dòng chảy các sông cho thấy lũ lụt đã xảy ra liên tục tại TP.HCM từ 1978, 1984, 1991, 1999, 2000. Triều cao bất thường, nước dâng do gió bão cũng xảy ra liên tục từ 1997, 1999, 2000, 2002, 2003, 2004, 2006, 2007. Năm 2007 là năm có mực nước triều cường cao nhất trong 50 năm trở lại đây. Những trận lũ năm 1996, 2000, những đợt triều cường năm 2006 và nhất là 2007 đã gây nên những khó khăn và thiệt hại đáng kể cho người dân thành phố. Chỉ riêng năm 2000, khi các hồ ở thượng nguồn xả tràn đã làm ngập trên 22.300 căn nhà, di dời hơn 2.200 hộ dân và phải cứu trợ trên 1.460 hộ. Chỉ tính riêng cơn lũ lụt kinh hoàng xảy ra năm 2000 đã phá hủy hơn 40.200km bờ bao, 31km kênh mương, 254km đường nông thôn.

Lúc đó, khu vực chợ An Đông ngập trắng nước, gây thiệt hại nặng nề về tài sản, tiền bạc cho hàng trăm tiểu thương. Đến thời điểm này, trận mưa năm 1994 vẫn được coi là là trận mưa lớn nhất từng xảy ra tại thành phố.  

Ít bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lớn, bão lụt gây ra như người dân ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc... nhưng người dân TP.HCM thường xuyên bị triều cường “hành hạ”.

Ths Hồ Long Phi cho rằng, trong tương lai, nếu Thành phố được bao vây bởi những con đê theo như phương án đề xuất chống ngập của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (quy hoạch vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), “con dao” hai lưỡi này sẽ gây hại cho người dân.

Lúc ấy, TP.HCM sẽ bị biến thành vùng trũng. Nước ở ngoài sẽ khó tràn vào nhưng nước mưa ở trong sẽ không thể thoát ra ngoài. TP.HCM cũng chưa có trạm bơm với công suất cao do vậy sẽ càng nguy hại hơn.

Đại biểu HĐND TP.HCM Đặng Văn Khoa nói rằng nếu TP.HCM ngập nặng như Hà Nội, tình trạng sẽ còn tồi tệ hơn nhiều do thành phố đang là một đại công trường với nhiều cái bẫy chết người giăng mắc khắp nơi. Nước ngập phủ tràn khắp mặt đất rồi sẽ cướp đi nhiều sinh mạng. “Phải coi tình trạng cẩu thả của nhà thầu thi công gây ra những cái chết thương tâm là tội ác và cần được truy cứu trách nhiệm hình sự”- ông Khoa nói.

Nhiều ý kiến cũng lo ngại: Nếu đúng như dự kiến, năm 2015, TP.HCM sẽ có hệ thống metro đầu tiên. Đến lúc ấy, nếu có trận mưa như ở Hà Nội, hậu quả khó có thể lường hết.

"Trông người ngẫm tới ta"

Tuy chưa có thống kê chính thức về những thiệt hại do ngập lụt, triều cường, mưa ngập gây ra cho người dân TP.HCM, nhưng nhiều cái chết thương tâm đã được ghi nhận như vụ em bé 8 tháng tuổi bị rớt xuống nước chết ngạt trong lúc cha mẹ đang tìm cách tát nước ở cư xá Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh (10/2004).
 
Cũng tại đây, một người đàn ông trung niên đã bị điện giật chết khi đang tìm cách sửa điện vào đầu giờ sáng lúc đỉnh triều dâng cao. Người dân ở bến Mễ Cốc (Q.8) cũng chưa quên cái chết thương tâm của một học sinh tiểu học bị lọt thỏm xuống sông chết đuối vì trong lúc nước dâng cao không phân biệt được ranh giới giữa đường và sông...
 

Bé Nguyễn Hoàng Bảo Khang (8 tháng tuổi), nạn nhân của một vụ ngập nước. Ảnh: Trần Duy


Theo Ths Trương Văn Hiếu, Phân viện Khí tượng thủy văn và Môi trường phía Nam, qua khảo sát số liệu mực nước đo được ở trạm Vũng Tàu (từ 1979 đến nay) cho thấy, mực nước biển sẽ tăng 20cm trong vòng 50 năm tới, tăng 40cm trong 100 năm và 80cm cho thời kỳ dài hơn.
TIN LIÊN QUAN


Quy hoạch thủy lợi thoát nước và chống ngập cho TP.HCM do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì vừa mới được phê duyệt “đón lõng” trước nguy cơ mực nước biển dâng cao. Bằng cách đưa ra giải pháp đê bao cho thành phố ngăn nước từ ngoài tràn vào, quy hoạch này cho thấy tầm nhìn xa của các nhà hoạch định.
 
Tuy nhiên, một yếu tố khác là lối thoát cho nước mưa từ bên trong chưa được quan tâm đúng mức. Giải pháp đề ra ở quy hoạch này, chưa tính đến những trạm bơm thoát nước ra ngoài trong trường hợp TP.HCM bị ngập do mưa.

Đến thời điểm hiện tại, TP.HCM cũng chưa đưa ra được cốt san nền để áp dụng chung cho toàn thành phố. Giải pháp hữu hiệu mà các đô thị mới hiện nay ở TP.HCM như Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm, Hiệp Phước áp dụng là đôn nền cao. Thế nhưng, một khi chưa có sự thống nhất và không đầu tư xây dựng các trạm bơm công suất lớn, việc chống ngập tại TP.HCM cũng giống như cuộc giằng co giữa Sơn Tinh - Thủy Tinh.

Tập cho người dân kỹ năng sinh tồn

Những thiệt hại lớn do “trận đại hồng thủy” gây ra ở Hà Nội là bài học lớn cho TP.HCM.

Ths Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, nhiều cơ quan quản lý chưa chú ý đến những dự báo được phát ra từ các trung tâm dự báo thời tiết.

Theo Ths Xuân Lan, nếu ngành khí tượng dự báo rằng sẽ có mưa lớn thì ít ra, các trường học cũng sẽ đưa ra phương án cho học sinh nghỉ học để tránh những cái chết do học sinh trên đường đến trường trượt chân xuống hố sâu. 
 

Cần hướng dẫn người dân kỹ năng sinh tồn khi sống chung với ngập. Ảnh: Trần Duy


Mọi người chưa thấy thông tin thời tiết là cấp bách. Người ta thường cho rằng mưa nắng là chuyện của ông trời. Muốn giảm nhẹ thiệt hại do mưa lũ, ngập lụt gây ra, phải làm sao cho mọi người biết được thông tin thời tiết là thiết thực với cuộc sống của họ”- Ths Xuân Lan trăn trở. “Nên có những cuộc hội thảo để đưa ra những cảnh báo, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân. Đừng để có chuyện rồi mới nghĩ đến trách nhiệm thuộc về ai”.

Theo Ths Hồ Long Phi, sau 2010, các dự án thoát nước quy mô lớn mới phát huy tác dụng giảm ngập cho 50% diện tích khu vực nội đô (khoảng 140km2). Để chống ngập cho các vùng khác, Ths Phi cho rằng cần rất nhiều tiền. Trước mắt, cần xây dựng trạm bơm ở một số khu vực trũng như Q.8, bán đảo Thanh Đa, Bình Quới, Văn Thánh - Nguyễn Hữu Cảnh...

Giải pháp nâng nền cũng được tính đến. Tuy nhiên, trong tình hình đô thị hóa diễn ra quá nhanh như tại TP.HCM, giải pháp này cũng cần được cân nhắc.

Tình trạng ngập nặng sẽ xảy ra trong thời gian gần chứ không phải là chuyện cuối thế kỷ”- Ths Hồ Long Phi cảnh báo. Do vậy, những giải pháp kiến trúc đô thị cũng phải được tính đến như phương án “giải vây” xe trong các tầng hầm ở chung cư, các tòa nhà cao tầng.
 

Bà Võ Thị Nhỏ (75 tuổi, đường số 9, khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM) bị tấm phản đè chết ngợp trong nước khi con cháu đang đi đắp đê. Ảnh: Trần Duy

 
Rút kinh nghiệm từ hậu quả nặng nề do trận lụt lịch sử tại Hà Nội mang đến, hiện Ban điều phối chống ngập đang nghiên cứu phương án đối phó với những trận mưa trên 200mm có khả năng xảy ra tại TP.HCM.

Nhiều chuyên gia tại trung tâm chống ngập cho rằng nếu dựa vào những trận mưa có vũ lượng trên 200mm để tính toán giải pháp công trình thì không kinh tế lắm. Tuy nhiên, cần thiết phải đặt ra tình huống để luôn có những giải pháp mang tính chất dự trữ trong trường hợp cấp bách. Một trong những giải pháp đang được tính đến là sử dụng hệ thống đường giao thông để làm “kênh thoát nước”. Vì hệ thống đường giao thông tại TP.HCM dốc, thuận lợi cho nước tự chảy.

Một vấn đề khác được đặt ra là cần phải tập cho người dân những kỹ năng thích ứng với ngập lụt. Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP.HCM cho rằng không như các tỉnh ở miền Tây Nam Bộ, TP.HCM không cần thiết xây dựng “cụm dân cư tránh lũ” nhưng nên đưa ra cốt san nền thống nhất cho các công trình xây dựng.

Theo ông Khoa, một giải pháp nhỏ có thể làm ngay là soạn thảo sổ tay hướng dẫn cho người dân biết cách tự xử lý trước một số tình huống có thể xảy ra khi ngập nước như: điện giật, sập hố, vệ sinh, phòng dịch bệnh, côn trùng cắn...
  • Trần Duy- Hà Dịu
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,