221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1126527
Kỳ I: Tôi đi tìm bùa mê thuốc lú
1
Article
null
Kỳ I: Tôi đi tìm bùa mê thuốc lú
,

 - Qua nhiều lần hẹn không thành, cuối cùng, may mắn khi tôi tình cờ gặp cô gái Cơ Tu trong đêm hội ở nhà Gươl làng Tà Vàng. Cô hỏi tại sao tôi buồn giống như kẻ thất tình và có cần cô giúp đỡ, bởi như lời cô tiết lộ là quen một người có ngải …yêu. Tôi gật đầu nhờ cậy đến sự mai mối để được tận mắt nhìn thấy thứ bùa mê thuốc lú, một loại cây được gọi là ngải thương, ngải nhớ nơi miền rừng biên ải này...

 

Hé lộ bí mật về bùa mê thuốc lú

 

Ngay trong đêm hội ở nhà Gươl làng Tà Vàng tôi đã chuếnh choáng men rượu Tà Đing. Bên góc khuất của nhà Gươl khi mọi người vẫn còn say sưa bên ché rượu, Bhling Thị Bới trong bộ váy thổ cẩm bỏ vòng múa đến bên tôi đưa mời ống rượu Tà Đing và ép phải uống hết cho bằng được.

 

Không biết có phải vì bộ mặt đưa đám của tôi hay sự nhạy cảm của cô gái vùng cao mà cô biết tôi buồn. Trong câu chuyện tình với những tình tiết đầy nước mắt (tôi cố nghĩ ra) để kể lại cho cô nghe trong đêm hội miền rừng, cô cảm nhận ở gã đàn ông lang bạt từ miền xuôi lên là tôi có một mối tình si đang chôn chặt. Cuối cùng Bhling Thị Bới đã gật đầu giúp đưa tôi đi tìm loại bùa mê thuốc lú giữa vùng đại ngàn Trường Sơn đang bắt đầu chuyển vào mùa mưa…

 

Hội làng Tà Vàng, xã A Tiêng, huyện Tây Giang. Ảnh: Hoàng Anh.

Làng Tà Vàng, xã vùng cao A Tiêng, huyện Tây Giang hiện ra trước mắt trong làn sương sớm dày đặc, chìm khuất giữa đại ngàn. Đây là một trong số ít những ngôi làng cổ còn sót lại,  vẫn giữ nét hoang sơ một làng cổ thuần chất Cơ Tu nơi vùng biên ải.

 

Đứng trên đỉnh Agrồng, những nóc nhà dài truyền thống lọt thỏm giữa thung sâu và chạy dọc theo con suối Ma Lơi ngầu đục vì công cuộc khai phá sơn lâm để xây dựng thị trấn miền rừng nơi vùng biên giới này cũng không thể nào xoá đi cái hoang sơ vốn có bao đời nay ở làng cổ này.

 

Dù chỉ cách thị trấn Tơ Viêng đang xây dựng độ chừng hơn 1 giờ leo núi, sự biệt lập, hoang vu của làng với thế giới bên ngoài vẫn hiển hiện trên mỗi bước chân qua lối đường mòn như sợi chỉ vắt qua sườn núi và thung sâu. Làng Tà Vàng đang mở tiệc trước nhà Gươl với tiếng cồng chiêng rộn rã và vũ điệu tung tung da dá của những đôi nam nữ với những váy dài thổ cẩm sặc sỡ cùng hòa nhịp dập dồn theo âm thanh cồng chiêng phát ra từ đôi tay rắn rỏi của trai làng.

 

Bới cầm ống rượu mời tôi và thầm thì vào tai bảo nhỏ: Uống cho say đi sẽ quên hết nỗi buồn. Nếu chưa hết buồn em sẽ giúp…

 

Đúng như lời đã hứa, sau những ống rượu Tà Đing ngập tràn mà như lời bà con vùng cao bảo: Hãy uống cho dân tin. Trong chếnh choáng hơi men, cuối cùng tôi được Bới đưa đến nhà bà Ria Thị Điệp (người Cơ Tu, thôn Tà Vàng), là người đang bí mật nuôi trồng cây ngải yêu trong rừng có thể giúp tôi- gã có bộ mặt thất tình tìm lại người yêu…

 

Vào rừng tìm... ngải

 

Bước qua chiếc cửa hẹp, căn nhà của bà Điệp hiện ra với những cảnh quen thuộc của nếp sống bà con Cơ Tu vùng cao. Một xó bếp đen xỉn, vài thứ đồ đạc đi rừng nằm chen lẫn trong đống gỗ củi. Bà Điệp ngừng tay gọt sắn, ngơ ngác nhìn khách đến. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời bà nhìn thấy một thằng đàn ông lôi thôi lếch thếch như tôi được một cô gái trong làng mà bà tin cẩn đưa đến.

 

Bà Ria Thị Điệp - người lưu giữ bùa yêu! Ảnh: Hoàng Anh.

Phải mất một lúc lâu, bà mới giương cặp mắt dò xét nhìn như thôi miên vào tôi. Cái cảm giác lành lạnh chạy dọc sống lưng khi tôi nhìn thẳng vào mặt bà. Ánh mắt lèm nhèm của một bà già vẫn không thôi nhìn thẳng vào tôi như dò xét. Tôi định thần với gương mặt của kẻ thất tình cố nhìn bà với ánh mắt van nài cầu xin giúp đỡ.

 

Phải mất hơn 15 phút không một lời chào hỏi của người đàn bà già nua, đen đúa, có chiếc răng vẩu hiếm muộn chìa ra khỏi bờ môi trông thật kỳ dị. Mái tóc bà ngắn củn, bạc thếch, bồng bềnh như sương giữa đại ngàn. Chỉ có đôi mắt đen nhánh nhưng u ám, với cái nhìn sâu thẳm khó diễn tả.

 

Lên đường vào rừng tìm bùa yêu. Ảnh: Hoàng Anh.
Tôi liếc mắt quan sát đôi bàn tay thô ráp, sần sùi cong vẹo với nhiều vết cứa của bà chậm chạp đưa đi đưa lại trong điệu nhịp tẻ buồn của phụ nữ vùng cao lo chuyện miếng ăn hàng ngày ở nơi xó bếp.

 

Tôi đã kịp hình dung những nhọc nhằn về cuộc sống mưu sinh giữa rừng già.

 

Không chịu được sự im lặng kéo dài giữa căn nhà u tối của bà Điệp, Bhling Thị Bới bắt đầu lên tiếng chào hỏi bà và “phiên dịch” bằng giọng tiếng Kinh chuẩn giới thiệu với tôi về bà Điệp.

 

Bà năm nay đã 65 mùa rẫy, đang sống với người con gái và là người lặng lẽ, ít tham gia vào những sinh hoạt chung của làng. Bà sống gần như khép kín không hề quan hệ với bên ngoài. Công việc lặng thầm của bà là nơi xó bếp và con đường mỗi ngày từ nhà lên rẫy và ngược lại…

 

Để xua tan cái nhìn nghi hoặc của bà Điệp, Bhling Thị Bới giải thích về sự có mặt của tôi. Nghe xong, bà Điệp như sực nhớ điều gì, bà đứng phắt dậy, cảnh giác nhìn quanh nhà như sợ có kẻ nào đó theo dõi.

 

Nhìn cử chỉ của bà, tôi đoán nơi này có lẽ không thích hợp để hỏi han chuyện bùa ngải. Bới cũng hiểu chuyện nên gật đầu ra vẻ đồng tình. Khi tôi chưa kịp xử trí như thế nào, bà Điệp đã vớ ngay chiếc rựa và gậy lồ ô nơi xó bếp phăng phăng đi về suối Ma Lơi. 

 

Theo “ám hiệu” của Bhling Thị Bới, tôi cùng Bới bước vội theo bà. Ra đến bờ suối sau nhà, Bới “đặt vấn đề” với bà rằng tôi là người con trai từ dưới xuôi lên, đang gặp trục trặc trong chuyện tình duyên muốn nhờ đến phép ngải yêu của bà để hàn gắn.

 

Bà Điệp nghiêm nghị nói với Bới bằng một tràn tiếng Cơ Tu mà như lời phiên dịch lại của Bới cho tôi nghe bằng tiếng Kinh rằng: “Tao có trồng trong rừng, lâu rồi mới có người hỏi đến, để tao đi lấy”. Bà Điệp một hồi lưỡng lự nhưng cuối cùng cũng gật đầu khi chúng tôi xin đi cùng bà vào rừng tìm ngải…

  • Hoàng Anh

 Kỳ sau: Gã si tình diện kiến ngải yêu

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,