- Chuyện ly kỳ về bùa ngải của cộng đồng bà con dân tộc sinh sống giữa đại ngàn trường sơn đến nay vẫn được truyền tụng qua những câu chuyện kể đầy huyền hoặc. Mỗi câu chuyện được kể là lát cắt trong đời sống tâm linh của những con người khao khát kết nối sợi dây giữa cõi người trần thế với thế giới thần linh.
Người đàn bà 2 chồng và mối tình với chàng 20
Gần một tuần rong ruổi qua những cung rừng miền tây đất Quảng, đến từng bản làng của người Xê Đăng, Tà Riềng, Cơ Tu …sinh sống dọc theo dãy trường sơn sát vùng biên giới Việt-Lào thuộc địa bàn hai huyện Nam Giang và Tây Giang, Quảng Nam, tôi đã nghe kể nhiều câu chuyện miền rừng về những chuyện bùa ngải, phép thuật của bà con dân tộc vùng cao…
Ông Bhling Eng (xã Đội trưởng, xã Atiêng, Tây Giang) mời tôi về nhà và đã “chiêu đãi” một đêm chuyện ma thuật của bùa ngãi mà chính người trong gia đình ông kể lại.
Bà A Lăng Hút, năm nay đã 90 tuổi, chị họ của ông Eng bảo với tôi rằng: “Làng này có nhiều người biết ngải lắm, nhưng không ai nói ra thôi. Ngải dùng để yêu, không hại người...”.
Ông Bhling Eng và những cầu chuyện kể về bùa ngải. Ảnh: Hoàng Anh.
Lần theo câu chuyện của bà Hút, tôi bắt đầu gợi chuyện. Một chút suy nghĩ như cố lục tìm trong trí nhớ già nua tuổi tác, bà Hút bắt đầu kể chuyện đời mình. Bà bảo rằng nhờ bùa ngải nên bà mới có người thương và có tổng cộng 3 đời chồng với 10 đứa con, 14 đứa cháu nội ngoại.
Bà bắt người chồng đầu tiên năm 14 tuổi, sau 6 năm chung sống, người chồng thứ nhất qua đời khi bà mới 20 tuổi. Sau hai năm sống trong cảnh đơn chăn gối chiếc, bà Hút đã “để ý” một người cũng cùng cảnh ngộ đã chết vợ nhưng “ông ấy” có vẻ “lơ đễnh” lắm.
Sống trong cảnh đơn chiếc giữa núi rừng, bà Hút thèm hơi ấm của đàn ông trong ngôi nhà có bếp lửa, mỗi sáng dắt nhau lên rẫy, tối về cùng chung chăn gối bên bếp lửa. Nghĩ nhiều đến người đàn ông cùng cảnh ngộ, nhưng vẫn không được đáp trả, bà phải cậy nhờ đến cây ngải của già làng bên cạnh.
Chỉ một lần dính ngải của bà Hút, ông ấy đã phải lòng rồi về kết đôi với bà. Nhưng trớ trêu, hai người chỉ chung sống được mươi năm, rồi ông ấy lại bỏ bà mà "về với Yàng", để lại cho bà 3 mụn con. Lúc đó bà Hút gần ở tuổi 35, hương sắc cũng đã héo tàn.
Nhưng kỳ lạ thay, bà Hút cũng chỉ đơn chiếc trong vài năm sau khi mãn tang chồng. Trước mùa
phát rẫy năm bà Hút tròn 35 tuổi, người làng lại thấy một anh thanh niên chưa vợ, tuổi chỉ hai mươi, dáng người cao ráo, mạnh mẽ lại tình nguyện về làng chung sống với bà. Người làng đồn rằng, bà Hút lại dùng ngải để bắt chồng.
Cây bùa ngải? Ảnh: Hoàng Anh.
Nghe chuyện đến đây, ông Eng khó lòng giấu diếm mà tiết lộ rằng, mẹ ông cũng từng có ngải yêu. Theo tập quán, ngải yêu chỉ truyền cho nữ. Nhà ông không có con gái nên không được mẹ ông truyền lại cho ai.
Một câu chuyện khác cũng được rất nhiều người trong vùng biết. Ông Pơlong Zéc, vừa già lại xấu, còn nuôi mấy mụn con, goá vợ đã cưới được cô gái mới 18 tuổi tên Hốih Nhéet về làm vợ. Nghe nói, mới đầu cô này “lắc đầu không chịu” nhưng sau đó, không biết bằng cách nào Hốih Nhéet vẫn tìm thấy hạnh phúc bên người chồng lớn gấp đôi tuổi của mình.
Chuyện bùa ngải yêu được kể trong đêm miền rừng với bao huyền hoặc, nhưng khi tôi hỏi người kể có biết và thấy ngải yêu chưa thì tất cả đều lắc đầu bảo không biết. Người biết ngải chỉ có đàn bà con gái, còn đàn ông thì… không.
Vén bức màn bí mật bùa ngải
Theo thạc sỹ dân tộc học Nguyễn Tri Hùng, Phó Ban dân tộc - miền núi tỉnh Quảng Nam, người có hơn 20 năm nghiên cứu các dân tộc tại vùng miền núi Quảng Nam khẳng định rằng: Chuyện ngải yêu là có thật. Lâu nay đồng bào Cơ Tu, Xê Đăng, Bhnoong… còn có nhiều ngải với nhiều công dụng khác nhau. Sống giữa rừng núi thâm sâu, chuyện bùa ngải cứ như là phép màu, là sức mạnh của đồng bào.
Theo ông ALăng Sơn - Phó GĐ Trung tâm văn hoá Tây Giang: " Chuyện bùa ngải suy cho cùng cũng là nét văn hoá đặc trưng của đồng bào miền núi". Ảnh: Hoàng Anh.
Ngoài yếu tố tâm linh, nhiều loại bùa ngải còn có thể giải thích theo cách của khoa học. Nhiều phân tích khoa học chứng minh rằng, những cây bùa ngải mà người đồng bào thường dùng là những cây dược liệu sống trong rừng. Các cây này được bà con sử dụng, bào chế theo phương pháp bí truyền. Vì không giải thích được bằng lý thuyết khoa học, đồng bào hiển nhiên xem đó là những cây thuốc của trời, của thần linh và của riêng họ. Giống như cây thuốc giấu của đồng bào Xê Đăng trên đỉnh Ngok Linh, mãi đến sau này cán bộ ngành y tế của Khu 5 nghiên cứu mới phát hiện là cây sâm Ngok Linh hay còn gọi là cây sâm K5 có công dụng chữa bách bệnh.
Có nhiều loại ngải khác nhau, nhưng chung qui lại có hai tác dụng là ngải dùng để cứu người hoặc hại người. Riêng chuyện bùa yêu, theo giải thích của ông Hùng, có lẽ loài cây Ameer cùng loại với cây gừng, cây nghệ này hẳn đã có chất kích thích tình dục. Có khi người ta say đắm nhau bởi mùi vị, hương liệu đã được kích thích. Hay chỉ là yếu tố tâm lý. “Nhưng đó chỉ là chất xúc tác ban đầu của hai người khác giới, còn về sau, có lẽ cuộc sống chung đụng hôn nhân gia đình, sợi dây “yêu” đã kết nối họ lại với nhau chứ chẳng là chuyện bùa ngải” – ông Hùng giải thích trên cơ sở khoa học về tâm lý.
Chung quanh chuyện bùa ngải, cũng có không ít chuyện rắc rối bởi nhiều người đã lợi dụng yếu tố tâm linh, ma thuật để trục lợi. Chuyện gần đây nhất, có một ông thầy cúng ở tận Trà Bồng (Quảng Ngãi), sau khi được người bà con mời ăn đám giỗ ở Tam Trà (Núi Thành), bỗng dưng đồn đại rằng một cán bộ xã Tam Trà là người có ngải khiến nhiều người địa phương khiếp vía rồi tin như thật. Và cũng từ niềm tin này, ông thầy cúng kia đã dở trò trục lợi bằng cách hù dọa rằng, bà con nào muốn thoát được chuyện bỏ ngải, cứ mời thầy về “yểm bùa” là xong.
Lễ hội cồng chiêng ở Tây Giang.
Ảnh: Hoàng Anh.
Tất nhiên những chuyện như thế này cơ quan chức năng đã sớm phát hiện và kịp thời ngăn chặn. Và, cũng theo lời ông Hùng, không hiếm những vụ án ly kỳ liên quan đến chuyện bùa ngải đã được ngành chức năng giải quyết. Chỉ tiếc một điều, những loài thảo dược mà bà con sử dụng vào việc bùa ngải từ rất lâu, khoa học có thể phân tích được, nhưng đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào để giải mã, và biết đâu, loại thảo dược trên có giá trị cao vẫn mãi mãi là điều bí mật.
Rời làng Tà Vàng, cầm lá ngải thương ngải nhớ, tôi chợt rùng mình khi xuống núi, bởi trong tôi luôn bị ám ảnh bởi cái nhìn u ám và khuôn mặt dị tướng của bà Ria Thị Điệp khi vò nát thứ lá cây mà cả đời bà lặng lẽ giữ gìn như một báu vật, và là thứ vũ khí lợi hại của người phụ nữ vùng cao này.
-
Hoàng Anh