221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1129179
Bão số 10 tăng tốc, bắt đầu ảnh hưởng phía Nam
1
Article
null
Bão số 10 tăng tốc, bắt đầu ảnh hưởng phía Nam
,

 - Bão số 10 đã hơi lệch lên phía Bắc so với bản tin dự báo trước nhưng sức gió vẫn rất mạnh, đe dọa trực tiếp các tỉnh phía Nam. Trong khi đó, một đợt gió mùa đông bắc đang tràn xuống các tỉnh phía Bắc. 


Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, đêm hôm 16/11, bão số 10 đã hơi lệch lên phía Bắc so với bản tin dự báo trước nhưng sức gió vẫn rất mạnh. Sáng 17/11, do ảnh hưởng rìa Tây của bão số 10, ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên đã có gió giật cấp 6; các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ đã có mưa vừa, có nơi mưa to, lượng mưa phổ biến 20-40 mm, riêng ở Nha Trang là 65 mm.

Hồi 9 giờ ngày 17/11, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Khánh Hoà – Bình Thuận khoảng 180km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10.

Đường đi của bão số 10.
Khoảng chiều nay (17/11), vùng tâm bão có khả năng đi vào địa phận các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận, sau đó tiếp tục đi qua các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Đến 9 giờ ngày 18/11, vị trí tâm trên vùng biên giới Việt Nam – Campuchia.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) có gió xoáy mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, biển động rất mạnh. Vùng biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rìa Vũng Tàu (bao gồm cả đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10. Biển động rất mạnh.

Từ trưa 17/11, các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10 và có mưa to đến rất to. Các tỉnh miền Đông Nam Bộ từ chiều 17/11, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 và có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.

Vùng ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 – 4m.

Ngoài ra, từ phía bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam. Dự báo, đêm nay, bộ phận không khí lạnh này sẽ tràn xuống Bắc Bộ và bắc Trung Bộ, sau đó xuống Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc Bộ và bắc Trung Bộ có mưa nhỏ, mưa rào nhẹ rải rác, trời chuyển rét.

Sẵn sàng đối phó với phương án bão đổi hướng

Sáng 17/11, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTW) tiếp tục có công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tập đoàn điện lực Việt Nam.

Để tiếp tục triển khai phòng tránh bão số 10, Ban chỉ đạo PCLBTW yêu cầu, đối với các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa Vũng Tàu phải kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi, khẩn trương sắp xếp neo đậu hoặc kéo lên bờ an toàn; không để người trên tàu thuyền, lồng bè khi bão vào.

Ngoài ra, phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho các lồng bè; triển khai ngay việc sơ tán dân vùng trũng ven biển, ven sông, vùng tâm bão đi qua; Kiểm tra chặt chẽ các hồ chứa và chủ động xả nước đảm bảo an toàn các hồ chứa; Các tỉnh khác chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án để chủ động đối phó với mưa lũ và tình huống bão đổi hướng…

Theo tổng hợp của văn phòng từ báo cáo của các địa phương đến 7 giờ ngày 17/11và báo cáo nhanh của Bộ Tham mưu Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đã kêu gọi được 24.514 phương tiện/133.745 lao động đang hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa và vùng biển từ Ninh Thuận đến Kiên Giang.

Các tỉnh cần thống kê, vận động, có phương án di dời 19.308 hộ/74.273 người; 305 lồng bè, đăng đáy ở khu vực nguy hiểm. Biên phòng các tỉnh đã ngăn chặn không cho phương tiện ra biển hoạt động, trong đó có Ninh Thuận 50 tàu/327 lao động. Đến 7 giờ sáng 17/11, chưa có thông tin về thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 10 gây ra.

TP.HCM: Không chủ quan, chủ động đối phó với bão

Sáng 17/11, Phó Chủ tịch UBND.TPHCM Nguyễn Trung Tín, kiêm Trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TPHCM đã có công văn hoả tốc yêu cầu các quận huyện, sở - ngành TP.HCM trực triển khai đối phó với bão số 10, dự kiến sẽ đổ bộ vào TPHCM tối nay (17/11). 

Cơn bão số 9 năm cuối 2006 đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Đông Nam Bộ.

Mặt khác, TP đang chịu ảnh hưởng bởi đợt triều cường giữa tháng 11 năm 2008 duy trì ở mức cao, dự báo đỉnh triều chỉ xuống dưới mức báo động cấp III từ chiều ngày 17/11/2008 trở đi và lúc 21 giờ ngày 16/11/2008 hồ Dầu Tiếng đã bắt đầu xả tràn với lưu lượng 150 m3/s. 

Theo công điện của UBND.TP, để tránh chủ quan, thiếu sót, bị động trong phòng, tránh, ứng phó với mọi tình huống, nhằm giảm thiểu tối đa các thiệt hại do bão số 10, kết hợp với triều cường và xả lũ của hồ Dầu Tiếng gây ra, UBND thành phố chỉ đạo: Chủ tịch UBND các quận - huyện triển khai ngay phương án phòng, chống tại mỗi quận - huyện, yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở NN&PTNT (Chi cục Quản lý Chất lượng và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản) thực hiện nghiêm lệnh cấm tàu thuyền ra khơi, kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú bão an toàn, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu đúng quy định, không để xảy ra thiệt hại tại nơi neo đậu, đồng thời kiên quyết không để người ở lại tàu thuyền, các chòi canh, sở đáy nuôi trồng thuỷ sản trên biển, ven biển. 

UBND huyện huyện Cần Giờ thực hiện di dời dân xã đảo Thạnh An vào đất liền và các hộ dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển đến các địa điểm kiên cố an toàn trước 16 giờ ngày 17/11/2008.

Kể từ 18 giờ ngày 17/11/2008 nghiêm cấm các phương tiện hoạt động trên sông, kênh, rạch đến khi bão đi qua.

Phương án di dời dân tránh bão đang được TPHCM thực hiện nhằm hạn chế thấp nhất về người, tại các xã ven biển huyện Cần Giờ.      

Yêu cầu các quận - huyện huy động huy động lực lượng, vật tư, phương tiện giúp nhân dân chằng chống nhà cửa…đặc biệt là khu vực ven biển, ven sông, các vùng trũng thấp; bảo vệ các khu vực, công trình trọng điểm, cứu hộ, cứu nạn, cứu sập và giúp đỡ các gia đình bị nạn…Chuẩn bị ngay phương án sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn ngay khi có lệnh.

Tại các quận - huyện có khu vực thường xuyên bị ngập úng ven sông, đặc biệt là quận Thủ Đức, quận 12, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh triển khai ngay các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với tổ hợp bất lợi do triều cường, mưa bão, xả lũ gây ra; thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”; huy động và bố trí lực lượng xung kích túc trực tại các vị trí xung yếu, tập kết vật tư và các dụng cụ, phương tiện cần thiết để gia cố ngay khi phát hiện ra sự cố bờ bao, công trình phòng, chống lụt, bão. 
 
Chuẩn bị máy bơm, nhiên liệu, kiểm tra hệ thống điện và huy động thêm máy bơm nước cơ động của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn quận - huyện để thực hiện bơm chống ngập úng, khắc phục trong thời gian ngắn nhất, không để tình trạng ngập úng kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống, sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn…
 
UBND.TP cũng yêu cầu các sở- ngành như: Bộ Chỉ huy Quân sự TP, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP, Công An TP, Giao thông vận tải, Xây dựng, Công ty điện lực TP, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, Hội chữ thập đỏ, Tổng Công ty cấp nước TP, Sở Công thương, Mặt trận Tổ quốc TP, lực lượng Thanh niên xung phong TP…tuỳ theo chức năng nhiệm vụ, phải chuẩn bị lực lượng, vật lực, triển khai ngay phương án, biện pháp phòng, chống cơn bão số 10, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại khi có bão đổ bộ kết hợp với triều cường, xả lũ xảy ra trên địa bàn… 
 
Các sở - ngành, đơn vị, quận - huyện, phường - xã - thị trấn thực hiện nghiêm túc công tác trực ban lãnh đạo và cơ quan tham mưu, giúp việc 24/24 giờ để nắm chắc diễn biến tình hình, dự kiến các tình huống xấu nhất có thể xảy ra để ứng phó kịp thời. 

  • Lệ Hà - Thái Thiện 

 Mời quý vị gửi thông tin, hình ảnh về bão số 10 tại đây:

 
 

   

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>