- Mặc dù đã có thông báo từ ngày 21/11 đến 31/12 sẽ ngừng việc tiếp nhận hồ sơ xin thị thực dài hạn và cư trú của công dân Việt Nam sang CH Séc, nhưng đến thời điểm này, bằng hình thức đi theo con đường kinh doanh, thăm người thân, nhiều người lao động vẫn đang loay hoay cố xin bằng được tấm visa để có thể sang nước này.
Thắc thỏm chờ visa
Sáng 25/11, tại khu chờ trước Đại sứ quán CH Séc ở Hà Nội, ông Nguyễn Văn A (Nghệ An) đứng ngồi không yên vì lo lắng không biết con trai mình có được cấp thị thực trong đợt phỏng vấn sáng nay hay không. Ông A. cho biết: Trước đây thông qua Công ty Xuất khẩu lao động, ông đã đăng ký cho con trai đi lao động bên CH Séc. Nhưng kể từ đầu năm, do Nhà nước ngừng tuyển lao động mới đi xuất khẩu lao động và không cấp visa dài hạn cho người sang Séc lao động, thì cũng là lúc gia đình ông lâm vào vòng luẩn quẩn.
Mỗi ngày vẫn có hàng trăm người thấp thỏm lo âu khi vào phỏng vấn cấp visa trước Đại sứ quán Séc. Ảnh: Vũ Điệp |
Sau khi nộp tiền đặt cọc cho công ty đưa con đi xuất khẩu lao động tại CH Séc, để có được visa, theo hướng dẫn của công ty này, ông A phải “lách luật” bằng cách bỏ thêm một khoản tiền làm visa đi theo hình thức kinh doanh. Nhưng dù đã bỏ ra khoản tiền khá lớn nhưng ông A. vẫn không thể yên tâm vì trong những ngày gần đây thông tin ngừng cấp visa dài hạn sang Séc đang làm cho quá trình cấp visa hết sức khó khăn.
Cùng chung tình cảnh như ông A., anh Hoàng văn G. (Hải Dương), lại hết sức lo lắng khi đã phỏng vấn gần một tháng rồi mà vẫn chưa có kết quả. Trước khi đi phỏng vấn, anh G. đã có lịch đặt chỗ thông qua hệ thống tổ chức di dân thế giới (IOM), và dù đã mất một khoản tiền lót tay kha khá cho “cò mồi”, nhưng đến sáng nay anh vẫn chưa thấy có tên mình trong số những người được cấp visa trên bản tin trước Đại sứ quán Séc.
Anh G. cho biết, để được vào phỏng vấn cấp visa, anh đã phải bỏ ra khoản tiền gần 3.000 USD, nhưng mấy hôm nay nghe có thông tin ngừng cấp visa khiến anh như ngồi trên đống lửa, bởi nếu không được cấp visa thì xem như số tiền chi phí gần 7.000 USD của anh cho kế hoạch đi Séc lao động xem như mất trắng. Bởi theo anh G., để đòi lại được tiền đặt cọc cho công ty xuất khẩu lao động và “cò mồi” là rất khó.
Hiện vẫn còn khá nhiều người đang "nhấp nhổm" như ông A. và anh G. Thông thường, người lao động đã phải bỏ ra khoản chi phí từ 2.000 đến 3.000 USD để nhờ “cò” lo lót đặt chỗ phỏng vấn. Phần đông đều đã có chỗ đặt lịch phỏng vấn, nhưng nếu không được cấp visa thì dù có được phỏng vấn thì cũng chẳng ăn thua gì.
Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, phần đông những người đến phỏng vấn để được cấp visa trong những ngày gần đây đều rất lo ngại do tỷ lệ người được cấp visa quá ít. Một người dân đi làm visa cho biết, tỷ lệ được cấp visa trong những ngày này rất ít, 100 người vào phỏng vấn may ra được 20 người được cấp visa, nhiều người phỏng vấn từ 3 đến 4 tháng nhưng khi đến xem kết quả thì "toàn trắng" (không được cấp visa) rồi cũng đành phải ngậm ngùi ra về.
VN không chịu trách nhiệm trường hợp đi XK "chui"
Theo giám đốc của một doanh nghiệp xuất khẩu lao động (xin được giấu tên) thì để được phía Đại sứ quán CH Séc cấp visa, thì người vào phỏng vấn phải mất một khoảng tiền từ 2.000 đến 3.000 USD thông qua các “cò mồi”, và để được “phê đẹp” thì mỗi người phải mất thêm từ 2.000 đến 3.000 USD nữa. Tình trạng này cũng là một trong những nguyên nhân chính làm cho chi phí của người lao động đi Séc tăng cao.
Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lộn xộn trong lao động người Việt tại Séc, vì người có trình độ tay nghề, thành thạo về ngôn ngữ thì không được cấp visa sang Séc lao động, trong khi người thiếu trình độ tay nghề, trình độ hiểu biết về văn hóa Séc lại được cấp visa sang Séc lao động. "Những người này khi sang đến nơi, không đáp ứng được yêu cầu của phía doanh nghiệp Séc sẽ bị sa thải rồi thất nghiệp, nảy sinh tệ nạn, buôn bán phạm pháp cũng là điều dễ hiểu" - vị giám đốc giấu tên trên nói.
Nhìn nhận về vấn đề ngừng cấp visa dài hạn đi Séc, ông Phạm Xuân Hà, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Séc cho biết, quan hệ Séc - Việt vốn đầy triển vọng vì Việt Nam là thị trường lớn về sức lao động, còn Séc thì mạnh về đầu tư cơ bản năng lượng và xây dựng cơ bản lớn… nên có rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động Việt Nam sang làm việc, sinh sống tại Séc.
Ông Phạm Xuân Hà: “Cần phải chỉnh lại toàn bộ chu trình đưa người lao động Việt Nam sang Séc". Ảnh: Vũ Điệp |
Tuy nhiên, theo ông Hà, chu trình đưa lao động Việt Nam sang Séc chưa chuẩn, trong đó có vấn đề cấp thị thực còn thiếu minh bạch. Việc cấp visa sang Séc thiếu minh bạch đang khiến cho tình hình trở nên phức tạp hơn. Do vậy, việc ngừng cấp visa là việc nên làm và hai nước Việt - Séc nên chỉnh lại toàn bộ chu trình đưa lao động Việt Nam sang Séc.
Cũng theo ông Hà thì việc cấp visa theo kiểu này khiến người lao động Việt Nam sang làm ăn gặp rất nhiều rủi ro vì phần đa người lao động làm visa sang Séc theo con đường kinh doanh hoặc thăm thân, nhưng thực tế lại sang Séc để lao động làm thuê.
Khi sang đến nơi, người lao động phải tự xin việc làm ở các công ty, nhà máy…, nhưng đến khi các công ty, nhà máy phá sản thì người lao động Việt Nam lại không được bảo vệ quyền lợi, không được bồi thường hợp đồng lao động, trong khi số tiền đầu tư ban đầu đi sang của người lao động quá lớn, nên nhiều lao động bất mãn và nảy sinh ý tưởng tiêu cực.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, theo thông báo của Đại sứ quán CH Séc, trong số 20.000 người đi Séc trong năm 2007 thì chỉ có 2.000 người đăng ký đi theo con đường lao động, còn lại đi theo con đường kinh doanh và các con đường khác.
"Trước tình trạng cấp visa cho người lao động đi CH Séc ngày càng khó khăn, từ đầu năm 2008 đến nay, Bộ LĐTB-XH đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động không tuyển thêm lao động mới, không nhận hợp đồng của người lao động mới đi Séc, để tập trung xin visa đưa người đã tuyển có giấy phép từ phía Séc" - ông Quỳnh nói.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã yêu cầu phía các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải thanh lý hợp đồng theo đúng luật đối với lao động không xin được visa. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp không được tuyển người đi lao động sang Séc.
Bởi thế, ông Quỳnh cho rằng, việc ngừng cấp visa cho người lao động dài hạn đã được quán triệt từ đầu năm, còn hiện tại, việc ngừng tiếp nhận hồ sơ xin thị thực dài hạn và cư trú của công dân Việt Nam sang CH Séc cũng không ảnh hưởng nhiều đến người đi lao động, vì Cục đã chỉ đạo các doanh nghiệp không được tuyển người lao động xuất khẩu sang Séc từ đầu năm.
Tuy nhiên trên thực tế, có đến 80% người lao động đi sang Séc theo con đường kinh doanh thực chất là đi xuất khẩu lao động. Và dưới hình thức “lách luật” này, nhiều người lao động đang lâm vào cảnh khốn đốn bởi đứng trước nguy cơ không được xuất cảnh đi lao động tại Séc.
Về vấn đề này, khi được hỏi trách nhiệm quản lý thuộc về cơ quan nào, ông Quỳnh trả lời: Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ quản lý về người đăng ký đi lao động ngoài nước, còn đi theo hình thức kinh doanh, thăm hỏi người thân thì Cục không chịu trách nhiệm quản lý.
-
Vũ Điệp