221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1136089
Những hành khách về muộn từ “chảo lửa” Thái Lan
1
Article
null
Bài 1:
Những hành khách về muộn từ “chảo lửa” Thái Lan
,

 - Sống lay lắt trên đất Thái Lan nhiều ngày, không thể về VN do sân bay quốc tế Suvarnabhumi tại Bangkok đóng cửa, những hành khách đặc biệt đã được Đại sứ quán VN tại Thái Lan “giải cứu”. Họ mừng khó tả khi đặt chân về nhà. 
Gần nửa đêm 5/12, văn phòng MailinhTourism (Q.1, TP.HCM) vẫn sáng đèn khác thường lệ.

23h, chiếc xe liên vận quốc tế loại 16 chỗ chạy từ Phnom Penh (Camphuchia) về TP.HCM đỗ xịch trước cửa văn phòng. Hành khách lục tục mệt mỏi bước xuống xe. Họ là những hành khách đặc biệt mắc kẹt tại “chảo lửa” Bangkok (Thái Lan) vừa được “giải cứu” trở về trên chuyến xe nhân đạo từ vùng chính biến do Đại sứ quán VN tại Thái Lan phối hợp cùng MailinhTourism và Donatour tổ chức.

Câu chuyện của Duyên

Hoàng Thụy Duyên, nhân viên của một công ty tuyển dụng lao động (quê Đồng Nai) bước xuống xe, cười rạng rỡ.
Võ sĩ Muay Thái Trần Trung Sơn nói những người cùng đi trên chuyến xe nhân đạo từ Thái Lan về TP.HCM thật đáng thương. Ảnh: Trần Duy

Khó có thể tìm thấy nụ cười ấy của Duyên trong suốt một tuần đầy biến động tại Thủ đô Bangkok. Chỉ một tuần thôi nhưng cô nói còn “dài hơn cả thế kỷ”. Có lúc cô đã tự xỉ vả mình vì đã ham chơi đến nỗi phải lâm vào cảnh một thân một mình lạc lõng nơi xứ lạ quê người đầy bất ổn...

Hơn một tháng trước, vào 31/10, từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Duyên quảy ba lô làm một chuyến du lịch “bụi” qua Thái Lan. Đến 29/11, ngày thời hạn ghi trong visa du lịch sắp hết hạn được phép ở lại trên đất Thái, cô đến sân bay quốc tế Suvarnabhumi để trở về nước như lịch trình.

Thế nhưng, bày ra trước mặt cô là cảnh tượng hỗn loạn khủng khiếp. Khắp sân bay, người biểu tình nằm ngồi la liệt. “Mới đầu thấy lác đác vài nhóm người tụ tập tại sân bay. Sau đó, người đông dần lên. Họ mang cả ghế bố, thức ăn và được xe tải chở thành từng đoàn đến chiếm hết cả sân bay”- Duyên nhớ lại.

Trên các kênh truyền hình của Thái, những hình ảnh về cuộc biểu tình của hàng chục ngàn người thuộc Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD) xuất hiện gần như cả ngày. Cô càng thêm lo lắng, bất an.

“Hoang mang lắm! Không biết làm thế nào để về VN trong khi sân bay đã đóng cứng. Nếu tiếp tục ở lại Thái Lan sẽ bị cảnh sát phạt 500 baht/ngày. Tôi bắt đầu thấy hối hận. Nếu trở về sớm hơn thì sẽ không xảy ra tình trạng tồi tệ như thế này”- Duyên nhớ lại thời điểm cách đây một tuần. “Liên lạc với chi nhánh của hãng hàng không AirAsia tại Bangkok thì biết được hãng này đóng cửa. Tìm cách nhờ bạn bè gọi điện đến chi nhánh của AirAsia đặt ở TP.HCM thì nhân viên tại đây trả lời tự tìm cách về VN, tiền bạc sẽ thanh toán sau”.

Duyên nói nếu không biết được đường dây nóng của Đại sứ quán VN tại Thái Lan để gọi và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các nhân viên ngoại giao ở đây thì đến giờ này cô đã trở thành “dân lang thang”.

Những ngày đen tối trên đất lạ

Để về được TP.HCM, những hành khách đặc biệt trên chuyến xe nhân đạo tối 5/12 đã phải mất 15 tiếng di chuyển bằng ôtô.

Xuất phát từ Bangkok, những du khách này được đưa đến cửa khẩu Poipet (Campuchia) bằng đường bộ, sau đó tiếp tục chuyển xe về TP.HCM.

Trao đổi với VietNamNet qua điện thoại, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán VN tại Thái Lan Nguyễn Đăng Nghĩa cho biết, theo danh sách ban đầu, có 45 du khách người Việt đang kẹt tại Thái Lan đăng ký trở về VN vào 5/12 do các chuyến bay bị hoãn. Thế nhưng, danh sách này đã rút ngắn xuống do một số du khách có thể tự tìm cách về nước khi sân bay quốc tế Suvarnabhumi mở cửa hoạt động trở lại vào hôm 4/12.
Nụ cười rạng rỡ của những người khách vừa được "giải cứu". Ảnh: Trần Duy

Trong số hành khách đăng ký về VN bằng đường bộ lần này, nhiều người không có thân nhân, người quen tại Thái. Một số người đi lao động ở nước ngoài mắc kẹt khi quá cảnh tại sân bay Suvarnabhumi, thậm chí còn không có đồng xu dính túi và lâm vào cảnh khốn khổ, thiếu ăn.

“Nhờ có anh Nghĩa (Bí thư thứ nhất Đại sứ quán VN tại Thái Lan Nguyễn Đăng Nghĩa- PV) trực tiếp giúp đỡ bố trí chỗ ăn, chỗ ngủ ngay tại nhà khách trong khuôn viên đại sứ quán, nếu không cũng chẳng biết phải làm thế nào”- Nông Văn Phương (26 tuổi, quê Bắc Giang), một trong những “nạn nhân” của các công ty xuất khẩu lao động xúc động nói.

Phương được đưa đi làm việc có thời hạn tại Maldives do một công ty tại Hà Nội tổ chức. Anh đã cùng nhiều người lao động khác cùng cảnh ngộ kẹt lại tại Bangkok từ 26/11.

Tương tự như Phương, anh Phạm Văn Định (quê Hà Nam) và chị Phạm Thị Lam (quê Phú Thọ) cũng không có tiền trong người. Sau khi về đến TP.HCM, MailinhTourism đã tiếp tục tài trợ cho những hành khách này vé xe về Hà Nội cùng với một số tiền làm lộ phí.

Trần Trung Sơn (ngụ tại TP.HCM), võ sĩ môn Muay Thái theo đoàn vận động viên quốc gia tập huấn tại Thái Lan có chuyện đột xuất phải về trên chuyến xe nhân đạo đã mô tả những người khách đặc biệt đi cùng xe thật đáng thương. “Có người kể phải kiếm thức ăn thừa và bị chủ người nước ngoài quỵt lương, sống lay lất. May nhờ có nhân viên Đại sứ quán VN tại Thái Lan tận tình giúp đỡ”- anh Sơn nói.

Bí thư thứ nhất Đại sứ quán VN tại Thái Lan Nguyễn Đăng Nghĩa cho biết vào lúc 19h50 ngày 7/12, sẽ có thêm 10 lao động làm việc tại Maldives trở về VN trên chuyến bay TG 684 Bangkok- TP.HCM. Nhiều người trong số họ đã phải cầm sổ đỏ, cầm cố nhà cửa để nuôi hy vọng ra nước ngoài lao động kiếm tiền.

Vì sao những hành khách này lại rơi vào thảm cảnh như vậy? Ở đất nước mà họ đến bán sức lao động để mong kiếm được số tiền kha khá, họ đã bị chủ đối xử thế nào? Đó là câu chuyện dài mà PV VietNamNet sẽ tiếp tục ghi lại ở phần sau từ lời kể của những hành khách về muộn từ “chảo lửa” Thái Lan.

(còn tiếp...)

  • Trần Duy

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,