221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1136123
Những chuyện hãi hùng của hành khách trở về từ "chảo lửa"
1
Article
null
Bài 2:
Những chuyện hãi hùng của hành khách trở về từ 'chảo lửa'
,

- Suốt 45 ngày, anh Định sống vất vưởng ở công viên. Đói anh phải mót dừa để ăn hoặc nhặt nhạnh từng con cá ươn ở phiên chợ tàn. Thấy nơi đâu có thức ăn, anh tìm đến. Lâu dần, dân bản địa quên tên anh mà gọi anh là “bang chủ” cái bang...

Cầm cố sổ đỏ, gán nhà để mong xuất ngoại làm việc, anh Định không ngờ có ngày thiên đường trong mơ phút chốc biến thành địa ngục.

Tôi vừa trải qua một “kiếp chó”!

Đến khi ngồi trong căn phòng trọ của người cháu tại huyện Bình Chánh (TP.HCM), anh Phạm Văn Định (40 tuổi, quê Kim Bảng, Hà Nam) mới dám tin mình đã về đến VN.

45 ngày lang thang tại Maldives là những ngày đen tối mà anh không thể quên trong cuộc đời. Nhớ lại quãng thời gian cơ cực, được anh mô tả “sống như một kiếp chó” ấy, người đàn ông 40 tuổi bật khóc hu hu như đứa trẻ. 

Anh Nông Văn Phương nói đã thấm thía phận lao động xuất khẩu. Ảnh: Trần Duy

Anh Định kể lại: Nghe đồn thổi sang Maldives lao động dễ kiếm tiền, anh đã tìm đến Công ty Việt Hà (Hà Tĩnh) để làm thủ tục xuất ngoại. Anh về bàn với gia đình, rồi đem cầm sổ đỏ, giao lại công việc chăm sóc ba đứa con nhỏ cho vợ, anh quyết chí ra nước ngoài. Anh cầm 35 triệu đồng đem nộp cho một người đàn ông tên Vượng, xưng danh là nhân viên của Công ty Việt Hà. “Kể cả chi phí học hành và tiền liên hoan, mua sắm đã đi đứt 50 triệu đồng” - anh Định nói.

Ngày 3/8/2008, anh Định xuất cảnh sang Maldives. Trong 2 tháng đầu, anh được bố trí làm thợ sắt, thợ mộc với khoản lương 2.000 - 3.000 Rufiyaa (MVR)/tháng. Ngày làm việc quần quật suốt 10 tiếng nhưng bữa cơm chỉ vỏn vẹn dăm khúc cá, có hôm một ít trứng hoặc cà ri. Thương vợ con, anh cố làm. Lương được bao nhiêu, anh gom góp gửi về cho vợ con, chỉ giữ lại một ít chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu.

Đến tháng thứ ba, chủ đột ngột đuổi việc và trả anh Định lại cho công ty môi giới. Thế nhưng công ty môi giới tại Maldives cũng không chịu nhận.

Anh Định bắt đầu chuỗi ngày dài sống vất vưởng ở công viên. Đói, anh xin cơm của những đồng nghiệp người Việt. Nhưng xin nhiều quá anh đâm ngại. Anh lang thang khắp đảo, mót dừa để ăn hoặc nhặt nhạnh từng con cá ươn ở phiên chợ tàn. Ăn uống kham khổ, mất vệ sinh, anh đâm bệnh.

Đã hai lần, bọn cướp gí dao vào cổ anh nhưng thấy anh không có đồng xu nào, chúng bỏ đi. “May mắn là chúng không lấy đi chiếc điện thoại cùi tôi cất kỹ trong túi” - anh Định nói.

Đến mùa lễ hội, người ta tổ chức những bữa cơm từ thiện vào mỗi tối thứ sáu cho người nghèo, vô gia cư. Anh Định lần mò tìm đến. “Lâu dần, những người vô gia cư ở công viên gọi tôi là bang chủ cái bang vì tôi thường rủ họ cùng đi kiếm thức ăn” - anh Định bật khóc.

Sau hai lần fax đơn kêu cứu về Cục Quản lý lao động với nước ngoài VN (thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), anh Định cho biết “vẫn bặt vô âm tín”.
 
Phải đến khi tôi gọi cho ông Vượng nói nếu không gởi vé máy bay cho tôi về VN, đến chết thành ma tôi cũng không tha cho ông thì ông Vượng mới gởi vé sang” - anh Định bức xúc nói. “Nhưng khi đến Phuket thì bị kẹt lại, cảnh sát Thái đã liên lạc với Đại sứ quán VN tại Thái Lan để tôi tá túc”.

Anh Định nói 5 người đồng hương cùng cảnh ngộ với anh cũng đang vất vưởng ở Maldives, chưa biết ngày về.

Cuộc sống nô lệ

Cùng trở về trên chuyến xe nhân đạo do Đại sứ quán VN tại Thái Lan tổ chức, chị Phạm Thị Lam (32 tuổi, quê Phú Thọ) cho biết mừng “như được tái sinh” mặc dù chị không có nổi một đồng xu dính túi làm lộ phí.

Chị Lam kể, cuối 2006, chị mất việc. Ở nhà một thời gian, chị thuyết phục chồng cho phép qua Ả Rập làm giúp việc gia đình. Ngày 18/10/2007, chị Lam xuất cảnh sang Ả Rập sau khi chạy vạy nộp cho Công ty TLC (160 Lê Trọng Tấn, Hà Nội) 10 triệu đồng.

Theo lời hứa hẹn của Công ty TLC, qua Ả Rập giúp việc gia đình, tháng đầu tiên chị Lam sẽ nhận được 2,6 triệu đồng. Nếu làm tốt, nhiệt tình thì lương có thể lên đến 4-5 triệu đồng/tháng tùy theo gia đình. Giờ làm việc bắt đầu từ 7h cho đến 23h.

Nhưng khi sang đến Ả Rập, chị Lam đã sớm thất vọng. Hai vợ chồng chủ nhà còn khá trẻ. Họ có 2 đứa con trai một đứa 2 tuổi, đứa còn lại lên 1 tuổi. “Tôi phải thức dậy vào 6h sáng làm quần quật đến 3h sáng ngày hôm sau mới được phép đi ngủ. Tình cảnh ấy kéo dài suốt một năm trời” - chị Lam kinh hoàng nhớ lại. “Chủ nhà không cho tôi giữ tiền lương. Bao nhiêu quần áo mang sang mặc họ quăng đi hết, bắt phải mặc y phục Ả Rập. Chủ nhà không cho gọi điện thoại hay liên lạc với người bên ngoài”.

Chị Phạm Thị Lam: "Tôi như được tái sinh". Ảnh: Trần Duy


Những đồng nghiệp người Philippines, Indonesia tốt bụng cho chị Lam mượn điện thoại. Nhưng khi chị gọi vào số điện thoại mà Công ty TLC cho trước khi sang Ả Rập thì không thấy ai bắt máy.

Chị Lam phải chịu đựng tính hà khắc của bà chủ trẻ. Khi không vừa lòng việc gì, bà ta dùng tay đấm mạnh lên đầu chị. Bà ta còn nắm đầu chị đập bôm bốp vào tường. Có lần choáng, ngất xỉu chị phải nhập viện. Bà chủ xin lỗi nhưng những lần sau bà ta vẫn tính nào tật nấy.

Theo phong tục của người Ả Rập, cứ 5 ngày, bà chủ lại đem con cái sang nhà mẹ ruột hoặc nhà các chị em của bà ta ở 2 ngày. Chị Lam cũng phải khăn gói đi theo để phục vụ. “Những chị em gái của bà chủ rất thương tôi, cho tôi tiền và quần áo nhưng bà chủ đều lấy hết không để lại thứ gì” - chị Lam nói.

Thấy chị bị bệnh, ông bà chủ thông qua môi giới bán chị lại cho chủ mới với giá 1.400 Riyal Saudi (SAR). Chị Lam nói, ở đấy, người ta coi người lao động như món hàng. Những người lao động từ Philippines có giá 1.600 SAR, lao động từ VN, Indonesia, Malaysia có giá 1.400 SAR. Để được sử dụng người lao động, chủ sử dụng lao động phải trả rất nhiều tiền cho phía môi giới.

Làm cho chủ mới được 5 ngày, chị bệnh nặng, không thể chịu đựng thêm nên bằng mọi giá yêu cầu chủ cũ phải mua vé cho chị về nước. Chị Lam về đến sân bay Suvarnabhumi (Thái Lan) vào 30/11 và bị “lạc” tại đây 4 ngày.

Chị cho biết, những người dân Thái và cảnh sát Thái rất tốt, họ cho chị tiền và bỏ ra nhiều ngày đi tìm mua vé máy bay cho chị về VN. Cảnh sát Thái còn liên lạc với Đại sứ quán VN tại Thái Lan để giúp đỡ chị.

Nhớ lại hơn 1 năm làm thuê ở Ả Rập chị Lam nước mắt lưng tròng nói: “Có những chuyện nhục lắm, không thể kể ra đây...”. Chúng tôi cũng không muốn làm chị đau lòng thêm về những ngày sống ở địa ngục.

Không đâu cho bằng quê nhà

Trường hợp của anh Nông Văn Phương (26 tuổi, quê Bắc Giang) cũng tương tự. Để được qua Maldives làm việc anh đã đóng hết 2.100 USD cho Công ty Xuất khẩu lao động Thương mại và Du lịch Sovilaco Hà Nội (tầng 2, 14B - khu đô thị Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Theo thỏa thuận, anh Phương sẽ sang Malé (thủ đô của Maldives) làm công nhân xây dựng tại nhà thờ Hồi giáo Thaa Vilufushi. Hai tháng đầu chủ còn trả 250USD/tháng theo hợp đồng nhưng đến tháng thứ ba, chủ chỉ trả 120 USD.
 

Đối với những người lao động trở về VN trên chuyến xe nhân đạo do Đại sứ quán VN tại Thái Lan tổ chức, "thiên đường" lao động ở nước ngoài đã mất. Ảnh: Trần Duy


Sau đó nhóm công nhân của anh Phương gồm 16 người được đưa ra làm ở đảo Thiladhunmathi. Làm 5 tháng nhưng anh Phương không gửi được đồng nào về cho gia đình.

Đến khi được Bí thư thứ nhất Đại sứ quán VN tại Thái Lan Nguyễn Đăng Nghĩa bố trí cho chỗ ăn ngủ ngay trong sứ quán, Phương không có nổi một đồng ăn cơm.

Ngồi thổ lộ với PV VietNamNet ngay tại văn phòng MailinhTourism, sau khi từ Bangkok trở về, câu chuyện của Phương, anh Định, chị Lam... làm ai nghe qua cũng xúc động. Một anh nhân viên kỹ thuật đã móc hết túi lấy ra 500.000 đồng; một anh bảo vệ vét sạch đưa 200.000 đồng cho những người khách khốn khổ làm lộ phí.

Phương nghiệm ra rằng: Sau 5 tháng đi lao động ở nước ngoài mong đổi đời và giúp đỡ gia đình, những đồng tiền anh có được để làm lộ phí về quê không phải là tiền công ở những đất nước trước đây anh nghĩ “mảnh đất nhiều tiền” mà chính của những đồng bào người Việt, những người anh mới gặp, còn chưa thuộc tên.
  • Trần Duy

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,