221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1137497
Đi tìm những công ty "vẽ mộng"
1
Article
null
Bài 2:
Đi tìm những công ty 'vẽ mộng'
,

 - Đặt chân về Việt Nam sau cơn ác mộng hãi hùng, những người lao động từ Maldives trở về lại phải chấp nhận sống tiếp những ngày vạ vật ở Hà Nội để đi tìm những người đã “vẽ nên giấc mộng đổi đời” cho họ, mong đòi lại sự công bằng...

 

Háo hức ngày đi, thê thảm ngày về
 

Sáng 8/12/2008, một nhóm bốn người đàn ông với gương mặt khắc khổ, mệt mỏi vì thiếu ngủ đã tìm đến địa chỉ số 172 (đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Đây vốn là trụ sở của công ty tuyển dụng lao động mà trước đó mấy tháng, họ gửi gắm niềm hy vọng vào giấc mơ xuất ngoại để đổi đời, và cũng là nơi họ “gửi gắm” số tiền làm chi phí xuất ngoại cho công ty.

 

Khi đó với họ, đó là một gia sản lớn, phải vay mượn, cầm cố khắp nơi họ chấp nhận, những mong ngày ra đi sẽ đánh dấu một tương lai tươi sáng. Thế nhưng, chỉ vài tháng sau đó, những con người đó lại quay về địa chỉ này với một tâm trạng khác, trước mắt họ là những ngày tháng mịt mù…

Sau khi đặt chân về Hà Nội (từ phải sang) anh Sơn, anh Giang, anh Lê quyết ở lại để tìm đến Công ty Việt Hà để giải quyết hợp đồng lao động. Ảnh: Vũ Điệp

Anh Nguyễn Thanh Sơn (quê Đắc Lắk), Cao Văn Giang và Nguyễn Sinh Lê (quê Hà Tĩnh) cùng được Công ty Việt Hà tuyển dụng đi Maldives theo hợp đồng lao động xuất khẩu ngày 17/7/2008. Cả ba anh đều được nhà tuyển dụng hứa hẹn sẽ có công việc và thu nhập đúng như cam kết. Đồng thời, đại diện của công ty (người tên Hán) đã sang Maldives hứa hẹn với các anh sẽ nhận được tiền lương tại Việt Nam nếu như người sử dụng lao động bên Maldives không thanh toán.

 

Ngay khi tay trắng trở về đến Việt Nam, các anh gửi hành lý tại Bến xe Giáp Bát rồi thuê xe ôm đến thẳng địa chỉ cũ mà vài tháng trước, họ nhận được bản hợp đồng lao động.

 

Trụ sở 172 đã thay biển mới: Công ty cổ phần nhân lực Toàn Cầu thay vì Công ty Việt Hà trước đó. Thất vọng, và cũng không biết đi đâu, các anh chỉ biết ngồi vạ vật trước cửa ngôi nhà cũ đã thay biển mới.

 

Vài giờ đồng hồ sau, các anh được một người gọi vào và yêu cầu viết bản tường trình chi tiết cho toàn bộ quá trình lao động tại Maldives, kèm theo một lời hứa hẹn: Sẽ chuyển bản tường trình của các anh đến Công ty Việt Hà để Việt Hà giải quyết!

 

Cùng trở về trên chuyến xe từ thiện của nước bạn còn có anh Vũ Hữu Đức (Tĩnh Gia - Thanh Hoá). Anh Đức đi theo con đường tuyển dụng của Công ty SOVI LACO (72A, khu tập thể Đại Kim, Hà Nội). Cả ngày 9/12, anh chầu chực tại trụ sở công ty mà không được giải quyết, chán nản, anh bỏ đi lang thang cùng nỗi thất vọng, chán chường.

 

Sáng ngày 10/12, sau những bức xúc dồn nén, đứng trước Công ty SOVI LACO, anh Đức bảo: “Thật sự bây giờ tôi không dám về nhà nữa, vì về có còn nhà mô mà về, gán hết cho ngân hàng rồi… Nếu không tìm được sự công bằng thì nói thật tôi chết đi còn hơn là sống…”.

Anh Nông Văn Phương cho rằng: Phía Công ty SOVI LACO không bảo vệ được quền lợi của anh đúng như hợp đồng đã ký. Ảnh: Vũ Điệp

Cũng tại Công ty SOVI LACO, chúng tôi gặp lại anh Nông Văn Phương (Bắc Giang) mới từ Sài Gòn về Hà Nội. Anh Phương cho biết, chiều ngày 9/12, anh có lên gặp công ty thì được chị Hoa ở phòng thị trường của công ty yêu cầu làm tờ trình, rồi bảo anh nhận 500USD phí quản lý, nhưng anh không đồng ý ký nhận.

 

Đại diện của phía Công ty SOVI LACO yêu cầu anh Phương  đúng 15 ngày, sau ngày trở về nước quay lại công ty để tiến hành thanh lý hợp đồng.

 

Sáng ngày 10/12, trao đổi với PV VietNamNet, anh Phương bức xúc: “Theo đúng hợp đồng ký kết với công ty, tôi sang làm việc tại Maldives một ngày làm 8 tiếng với mức lương 250USD, nhưng sang đến nơi chúng tôi phải làm một ngày ít nhất 10 tiếng đồng hồ. Trong khi lương thì liên tục giảm và nợ lương… Phía công ty đã không thể bảo vệ được quyền lợi cho chúng tôi đúng như trong hợp đồng đã ký nên tôi không thể nhận lại số tiền 500USD được".

 

Mập mờ thanh lý hợp đồng lao động

 

Người đàn ông sang Maldives gặp các anh Nguyễn Thanh Sơn, anh Cao Văn Giang và anh Nguyễn Sinh Lê là ông Nguyễn Quốc Hán, Giám đốc Công ty cổ phần nhân lực Toàn Cầu, hiện đang thuê trụ sở tại 172 đường Nguyễn Tuân.

 

Ông Hán cho biết, tháng 7/2007, các anh Sơn, Giang, Lê được ông Hán tuyển dụng để đi xuất khẩu lao động. Khi ấy, ông Hán quản lý Trung tâm Đào tạo - Giáo dục - Định hướng và lo việc tuyển dụng LĐXK cho Công ty Việt Hà. Anh Giang, anh Sơn và anh Lê đều do Trung tâm của ông Hán tuyển dụng.

Ông Nguyễn Quốc Hán cho rằng: Mọi trách nhiệm giải quyết quyền lợi phải do Công ty Việt Hà giải quyết. Ảnh: Kiên Trung

Thế nhưng, khi PV VietNamNet theo chân những lao động bị bỏ rơi từ Maldives trở về đến công ty, thì được ông Hán cho hay, Trung tâm của ông chỉ có trách nhiệm tuyển dụng và  dạy ngoại ngữ cho lao động, còn nghề nghiệp thì người lao động đã… có sẵn.

 

Ông Hán cũng cho biết, theo hợp đồng liên kết với Công ty Việt Hà, Trung tâm của ông Hán được hưởng phần trăm. Việt Hà lo đưa người lao động ra các thị trường đã ký kết, và như thế, ông Hán không còn trách nhiệm gì cả! Mọi quyền lợi, trách nhiệm của người lao động phải sang Công ty Việt Hà giải quyết bởi ông Hán đã tách ra khỏi Việt Hà và thành lập công ty riêng.

 

Ông Hán cho rằng chỉ có trách nhiệm hướng dẫn anh Sơn, Giang, Lê viết… bản tường trình và chuyển cho Việt Hà!

 

Theo lời ông Hán, PV tìm đến Công ty Việt Hà nhưng được nhân viên của công ty thông báo giám đốc đi vắng. Chúng tôi điện thoại cho giám đốc của công ty này thì được vị giám đốc cho biết đang đi công tác xa tại Hà Tĩnh, cuối tuần mới về.

 

Cũng giống như anh Giang, Sơn, Lê, anh Nguyễn Thành Công và Trần Xuân Hoà (Quỳnh Lưu - Nghệ An) cũng nán lại Hà Nội mà không về quê. Hai anh thuê nhà trọ, rồi tìm đến trụ sở Công ty Bạch Đằng (310 Nghi Tàm, Tây Hồ, Hà Nội) để tìm hướng khắc phục hậu quả.

 

Anh Công nói: “Chúng tôi được người của công ty nói sẽ trả cho mỗi người hơn 2 triệu tiền mặt nếu như đồng ý ký tên vào bản thanh lý hợp đồng. Số tiền này là quá ít để chúng tôi khắc phục hậu quả và không đúng với điều khoản sẽ được bồi thường theo hợp đồng!”.

 

Anh Công không đồng ý với mức 2 triệu đồng để thanh lý hợp đồng. Ảnh: Vũ Điệp

Thế nhưng, khi trả lời phóng viên VietNamNet về khoản tiền này, một cán bộ của Công ty Bạch Đằng lại phủ nhận: Anh Công, anh Hoà phải… tiếp tục chờ đợi để công ty nhận đầy đủ giấy tờ từ phía đối tác bên Maldives gửi về, vì cho đến giờ công ty vẫn chưa có bất kỳ thông tin gì!?


Trở lại với trường hợp của anh Nông Văn Phương, tại Công ty SOVI LACO. Sáng 10/12, khi PV VietNamNet đến công ty hỏi về tình hình giải quyết hợp đồng cho người lao động trở về từ Maldives, thì được một người tên Chiến, nhân viên của công ty cho biết:  Theo đúng luật sau 15 ngày về nước, lao động quay lại để thanh lý hợp đồng.

 

Nhưng khi PV đặt câu hỏi: "Tại sao theo đúng luật 15 ngày sẽ thanh lý hợp đồng, nhưng hôm 9/11, phía công ty lại giải quyết chi phí quản lý 500USD cho anh Phương?", thì nhân viên này chỉ trả lời: "Thế thì tôi không biết".


Vậy là theo lời hẹn của những công ty môi giới xuất khẩu lao động này, các anh sẽ phải chờ đợi thêm 10 ngày nữa để chờ được nghe câu trả lời từ phía các doanh nghiệp. Hành trình đi tìm công lý của đoàn người lao động này có thể chưa kết thúc vào "ngày thứ 15", song họ sẽ không đơn độc!


  • Vũ Điệp - Kiên Trung 

    Bài 3: Nhật ký 17 ngày không… “làm người”!

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;