221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1139486
Tây Nguyên oằn mình vì bô-xít
1
Article
null
Tây Nguyên oằn mình vì bô-xít
,

 - Trong khi các nhà khoa học đang phản biện, cảnh báo những được mất về dự án khai thác bô - xít ở Tây Nguyên, thì nơi này đang phải oằn mình gánh chịu những tác động ban đầu, dù chưa có “mẻ” bô - xít nào được móc lên.

Tương tự dự án khai thác bô - xít, luyện alumin ở Nhân Cơ, huyện Đăk R’Lấp, Đắc Nông, dự án “đào bới” bô - xít luyện alumin Tân Rai, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng chỉ mới dừng lại ở việc san lấp mặt bằng, chuẩn bị dựng nhà máy tuyển quặng.

Những rừng thông và đồi chè trước đây đang bị san bằng để xây dựng nhà máy tuyển quặng bô - xít. Ảnh: P.C

Dù chưa thấy hết những hậu quả từ việc khai thác bô xít, song những gì Tây Nguyên đang trải qua cũng đã báo hiệu những tác hại khôn lường như đã được cảnh báo nếu dự án đi vào hoạt động.

Biến hồ chứa nước thành hồ chứa… bùn đỏ

Qua đoạn đường đồi ngoằn ngoèo hơn 30km, từ thị xã Bảo Lộc, chúng tôi đến thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng. Biển báo trụ sở của Công ty bô - xít Lâm Đồng nằm khiêm tốn như biển hiệu quán cơm ven tỉnh lộ 725.

Cách biển báo của Công ty bô - xít Lâm Đồng chừng 1km, tỉnh lộ 725 đã bị cắt đứt, và phủ kín bởi đống đất đỏ. Người ta đã san bằng rừng thông, và những đồi chè, cà phê để lấy mặt bằng dựng nhà máy tuyển quặng tại đây. Còn tỉnh lộ 725 được uốn chuyển cách vị trí cũ chừng 1km, đi ngang qua mạng sườn của nhà máy tuyển quặng trong tương lai.

Thị trấn Lộc Thắng, nơi đặt nhà máy tuyển quặng, trông đìu hiu, xơ xác bởi những đồi chè và những ngôi nhà đã bị bỏ hoang, từ khi nông dân nhận được tiền đền bù. Chỉ còn lác đác vài căn liêu xiêu có tiếng trẻ con giữa đồi chè trông rệu rã bởi thiếu bàn tay chăm sóc. Họ là những hộ còn “kẹt” lại vì chuyện tiền nong đền bù chưa thỏa đáng.

“Không biết lợi lộc gì, chứ giờ thấy khổ quá chú ơi! Ngày nào cũng đứng nhìn mấy đồi chè mà đau đứt ruột. Chăm tụi nó (chè) thì thấy phí công, vì họ sẽ đẩy xe ủi vô, san bằng hết, mà bỏ không đó thì thấy đau, nhưng chẳng biết làm sao nữa!”, ông Vũ Văn Bảy than thở.

Ông Vũ Văn Bảy chỉ về phần còn lại của đồi chè và ngôi nhà đã bị san bằng để làm nhà máy tuyển quặng. Ảnh: P.C

 Ông Bảy là một trong những hộ đang cố bám đất, đòi công bằng cho mình. Ông kể, từ năm 2006, chính quyền địa phương đã thông báo và tiến hành đo đạc để đền bù, giải tỏa, nhường mặt bằng để người ta khai thác quặng bô - xít.

“Nghe chủ trương của Nhà nước thì dân như tôi chấp hành thôi, chứ chẳng biết cái dự án kia lợi hại thế nào?! Nhưng giờ thì thấy khổ rồi! Không chỉ vì chuyện tiền nong đền bù, mà chúng tôi đang lo lấy đất đâu để trồng cây, mà không có đất thì nông dân như chúng tôi làm sao sống?”, ông Bảy nói thêm.

Chẳng phải là chuyện thiếu đất để trồng cây, mà nông dân cần những khu canh tác gần nguồn nước, để tiện cho tưới tiêu. Đất thì không thiếu, nhưng đất để trồng trọt được thì chẳng phải dễ có giữa đại ngàn luôn thiếu nước như vùng Tây Nguyên.

Ông Bảy chỉ xuống thung lũng, nơi có hồ chứa nước rộng cả trăm hecta, dưới chân đồi, rồi cho biết, đó là một trong những nguồn nước quan trọng để nông dân ở đây tưới tiêu cho mấy đồi chè, cà phê. Nguồn nước này khá dồi dào, vì được cung cấp bởi các suối, mương rạch từ phía thượng nguồn chảy về, và cả nước mưa.

Một phần của hồ chứa nước tưới tiêu cho các đồi chè, cà phê, nơi này sẽ bị biến thành hồ chứa bùn đỏ. Ảnh: P.C

Nhưng theo quy hoạch của dự án khai thác bô - xít ở Lâm Đồng, cái hồ nước rộng cả trăm hecta kia sẽ là nơi chứa bùn đỏ, chất thải từ khâu tuyển quặng bô - xít để luyện alumin.

Ông Lê Việt Quang, Giám đốc Công ty bô - xít Lâm Đồng (thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam) cho biết, công ty này vừa hợp đồng với đối tác Trung Quốc về việc xử lý bùn đỏ. Ông Quang xác nhận việc hồ nước này sẽ bị “xóa sổ”, và các chuyên gia của Trung Quốc sẽ tiến hành nạo vét lòng hồ, lót chống thấm và biến hồ nước này thành hồ chứa bùn đỏ.

Nông dân lao đao vì bô - xít

Từ khi dự án triển khai tại Bảo Lâm, Lâm Đồng, cuộc sống người dân ở đây đã có sự xáo trộn. Chưa thấy được cảnh khá giả, nhưng những thân phận lao đao vì dự án bô - xít thì đã rõ. Nông dân bị đẩy xa những hồ nước, đồi chè, họ được đưa về tái định cư nơi tử tế hơn, nhưng lại lo ngay ngáy vì chẳng biết cách nào kiếm sống, khi những đồng tiền đền bù vơi đi và họ chưa tiếp nhận được phương thức kinh doanh chốn thành thị.

Anh Nguyễn Văn Chuyền lo âu về số phận và cuộc sống tương lai của gia đình mình. Ảnh: P.C

Anh Nguyễn Văn Chuyền là một trong những hoàn cảnh éo le đó. Từ một chủ đất, giờ anh phải đi ở thuê và làm mướn cho người khác kiếm sống qua ngày. 

“Tôi có 2,3ha đất trồng chè và cà phê, mỗi năm thu được khoảng 15 triệu. Khi dự án đến, họ hỗ trợ và đền bù cho chúng tôi được 154 triệu, và tôi phải mua lại nền nhà tái định cư ngoài thị trấn Lộc Thắng. Dù đã đăng ký nhưng đến nay vẫn chưa nhận được nhà, nhưng có về đó ở thì cũng chưa biết phải làm gì ăn”, anh Chuyền tâm sự.

Như gia đình ông Bảy, anh Chuyền đang phải lo đến nẫu ruột chuyện kiếm kế sinh nhai. Đất mình đã bị thu hồi để làm nhà máy tuyển quặng, nhà mới chưa có, giờ vợ chồng và đứa con anh dắt nhau đi ở trọ, còn anh chạy một chân làm thuê cho người khác để kiếm sống.

“Cầm chừng ấy tiền chứ chẳng dễ để mua được miếng đất canh tác đâu anh! Chỗ nào gần nguồn nước tưới tiêu thì cũng chỉ mua được 2 sào, nhưng ai chịu bán lẻ cho mình thế. Còn muốn rộng hơn thì phải vào sâu hơn, nhưng chẳng có nước để tưới tiêu thì cũng coi như tiêu luôn!”, anh Chuyền tính toán.

Với những nông dân quanh năm chỉ biết bám nương, bám rẫy, thì cuộc sống của họ phụ thuộc vào nguồn nước, đất. Khi mà hai điều kiện thiết yếu bị mất đi, cuộc sống họ lao đao là điều tất nhiên.

Trong khi đó, dự án tuyển quặng bô - xít để sản xuất alumin lại cần một nguồn nước dồi dào, nhưng lại chẳng phải dễ dàng với nơi đây, thì khi dự án triển khai, những đồi chè, cà phê chắc chắn phải lao đao theo vì cơn khát. 

Ông Lê Việt Quang , Giám đốc Công ty bô - xít Lâm Đồng. Ảnh: P.C

Để giải quyết bài toán này, ông Lê Việt Quang  cho biết, trong dự án khai thác mỏ quặng Tân Rai có đầu tư xây dựng một đập nước ở Cai Bản, có sức chứa 21 triệu m3. Trong đó, 18 triệu m3 dùng cho việc tuyển quặng, khối lượng còn lại sẽ cung cấp cho nông dân dùng tưới tiêu. Dự án xây dựng đập này sẽ hoàn thành vào mùa khô 2009. 

Mặc dù được “vẽ” một bức tranh sáng màu về nguồn nước cho nông dân trong vùng, nhưng đến nay, đập Cai Bản vẫn chỉ là bản vẽ. Và cho dù có xây được đập đi chăng nữa, thì việc cam kết chia nước trên có thực hiện đều đặn, hay còn phụ thuộc vào công suất của nhà máy, thì điều này không nằm trong tầm kiểm soát của nông dân.

Đó là chưa kể, để dẫn được nước từ đập Cai Bản đến các khu vực trồng trọt của nông dân chẳng hề đơn giản như cắm ống hút vào ly nước. Rồi đây, nông dân đã khó lại càng khó, nay phải đối mặt thêm với thảm cảnh về môi trường mà chưa thể lường hết được hậu quả của nó sẽ kinh khủng như thế nào?!

  • Phan Công

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,