- Sau khi Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ PCI, dư luận quan tâm đến vụ bê bối tại dự án Đại lộ Đông Tây nóng từng ngày. Mọi người quan ngại về tiến trình làm rõ vụ án từ chứng cứ có được từ bên ngoài.
Kể từ trước khi vụ PCI được cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, dư luận biết đến ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Phó Giám đốc Sở GTCC TP.HCM, kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây, là người có liên quan trực tiếp đến vụ bê bối này.
Nhưng để làm rõ “trắng đen” sự liên quan của ông Huỳnh Ngọc Sĩ trong vụ này, đặc biệt là vụ việc được “bùng nổ” không phải từ trong nước, mà từ Nhật Bản, thì những chứng cứ để cơ quan tố tụng và công tố Việt Nam cáo buộc pháp nhân có liên quan không hề đơn giản, nhất là khi dính đến quan chức.
VietNamNet có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Trường Thành, Văn phòng luật sư Vạn Lý ở TP Cần Thơ và Tiến sỹ, luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì dân- Đoàn Luật sư TP Hà Nội xung quanh quan ngại này:
- Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án “đưa, nhận hối lộ xảy ra tại dự án Đại lộ Đông Tây”, mà trong đó, ông Huỳnh Ngọc Sĩ được biết đến là người có liên quan, để tiến hành các thủ tục tố tụng tiếp theo, như khởi tố bị can, bắt tạm giam bị can để phục vụ công tác điều tra, thì cần phải củng cố chứng cứ, thủ tục như thế nào?
Luật sư Nguyễn Trường Thành: "Ông Huỳnh Ngọc Sĩ có nhận tội hay không, không ý nghĩa!" |
Trên cơ sở thu thập đầy đủ chứng cứ xác định có hành vi phạm tội, cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can. Còn việc có bắt tạm giam hay không, sẽ căn cứ vào thực tế thái độ của bị can cũng như yêu cầu của quá trình điều tra.
- Luật sư Trần Đình Triển: Hiến pháp đã quy định, một người có tội khi và chỉ khi bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án kết tội. Các vị quan chức PCI đã thừa nhận và tài liệu của Tòa án quận Tokyo- Nhật Bản là nguồn tài liệu quan trọng, tham khảo và chỉ được coi là chứng cứ khi phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
- Thưa luật sư, theo ông, đã có đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Huỳnh Ngọc Sĩ chưa? Khi mà ở phía Nhật, các cựu quan chức của PCI đã thừa nhận tại Toà quận Tokyo là có đưa hối lộ cho ông Sĩ, để được nhận thầu tư vấn dự án Đại lộ Đông Tây.
- Luật sư Nguyễn Trường Thành: Cần lưu ý rằng, mặc dù Tòa án Tokyo đã xét xử các cựu quan chức đưa hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nhưng để đủ căn cứ khởi tố bị can hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Sĩ theo pháp luật Việt Nam, thì cần phải thu thập đầy đủ chứng cứ có liên quan đến vụ việc theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam.
Bản án của Tòa án Tokyo là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng cần thiết phải được thu thập.
- Việt Nam và Nhật Bản vẫn chưa ký kết hiệp định “tương trợ tư pháp”, liệu lời thừa nhận tội của các cựu quan chức PCI tại toà án quận Tokyo, Nhật Bản, cũng như những chứng cứ có được trong vụ án này ở phía Nhật có được xem là chứng cứ để cơ quan cảnh sát điều tra và công tố của Việt Nam cáo buộc người bị tình nghi?
- Luật sư Nguyễn Trường Thành: Mặc dù giữa Việt Nam và Nhật Bản chưa có hiệp định tương trợ tư pháp, nhưng những tài liệu, lời khai của phía các quan chức Nhật Bản, cũng như tài liệu xét xử của Tòa án Tokyo vẫn có thể được xem là nguồn chứng cứ khi giải quyết vụ việc tại cơ quan tố tụng Việt Nam.
Nếu như các văn bản lời khai nói trên được thu thập theo đúng trình tự thủ tục, mà Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định và đương nhiên vẫn có thể được sử dụng làm chứng cứ giải quyết vụ án.
- Luật sư Trần Đình Triển: "Hiệp định tương trợ tư pháp" giữa các nước ký kết với nhau là sự hỗ trợ, phối hợp trong công tác phòng chống tội phạm, giải quyết tranh chấp, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo... Tuy nhiên, tất cả không chỉ phụ thuộc vào đó mà còn được điều chỉnh bởi các quy định pháp lý khác như: Luật pháp quốc tế, quan hệ đối ngoại và trong các cam kết khác mà các quốc gia ký kết với nhau (như ODA là một dẫn chứng).
Ảnh minh hoạ: Phan Công
Dù có hiệp định tương trợ tư pháp hay không thì tất cả thông tin, tài liệu của phía nước ngoài cung cấp chỉ được coi là chứng cứ buộc tội khi phù hợp với pháp luật VN hoặc Điều ước Quốc tế mà VN tham gia ký kết, công nhận.
- Trong trường hợp, ông Huỳnh Ngọc Sĩ vẫn khẳng định hoàn toàn không có chuyện nhận tiền hối lộ từ các cựu quan chức của PCI và không có bằng chứng gì về việc chuyển nhận tiền, thì những lời thừa nhận tội của các cựu quan chức PCI ở toà quận Tokyo, Nhật Bản có giá trị pháp lý đối với cơ quan điều tra và công tố ở Việt Nam trong quá trình điều tra và cáo buộc hành vi nhận hối lộ?
- Luật sư Nguyễn Trường Thành: Việc ông Huỳnh Ngọc Sĩ có nhận tội hay không nhận tội, không có ý nghĩa trong quá trình tố tụng! Bởi lẽ, việc chứng minh hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật Việt Nam thuộc về trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể trong vụ án này là cơ quan điều tra Bộ Công an và VKS nhân dân tối cao.
- Luật sư Trần Đình Triển: Theo quy định tại Điều 72- Bộ luật tố tụng hình sự: "...Lời nhận tội của các bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội".
Do vậy, việc thừa nhận hay không của ông Huỳnh Ngọc Sỹ phải căn cứ vào các chứng cứ khác của vụ án; trong đó có tài liệu lời khai của các vị PCI và Tòa án quận Tokyo.
- Đến khi phía Nhật tạo sức ép về việc tạm ngưng cấp ODA cho Việt Nam cho đến khi vụ PCI được phía Việt Nam làm rõ, cơ quan tố tụng của Việt Nam mới có động thái đầu tiên là khởi tố vụ án, trong khi đó, thông tin vụ bê bối tại dự án Đại lộ Đông Tây đã được báo chí đưa ra cách nay vài tháng, và người trong cuộc bên phía Nhật đã nhận tội tại toà, theo ông, động thái này của Việt Nam có quá cẩn trọng và chậm trễ?
- Luật sư Nguyễn Trường Thành: Như chúng ta đã biết, thông tin về vụ bê bối tham nhũng tại dự án Đại lộ Đông Tây TP.HCM đã được nhiều phương tiện thông tin đại chúng trong, ngoài nước đề cập và được đưa ra bàn thảo tại diễn đàn Quốc hội cách đây nhiều tháng. Chỉ đến khi phía Nhật Bản tạo sức ép tạm ngưng cấp vốn ODA cho Việt Nam thì vụ PCI mới được khởi tố - như thế là có phần chậm, nhưng có thể hiểu được do hệ thống pháp luật hai nước có sự cách biệt.
Việc thận trọng trong quá trình xử lý cũng là điều cần thiết. Nhưng chắc chắn vụ việc sẽ được giải quyết một cách triệt để không rơi vào sự quên lãng, chúng ta hãy đặt niềm tin vào cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam.
- Luật sư Trần Đình Triển: Đây là một câu hỏi rất khó. Tuy nhiên không chỉ đối với dự án này, mà nhiều dự án khác sử dụng nguồn vốn ngân sách, vốn vay, tài trợ; cổ phần hóa doanh nghiệp; đất đai; thành lập khu công nghiệp, chế xuất, dân cư... đang được công luận và nhân dân quan tâm với nhiều câu hỏi đặt ra.
Nhưng giải quyết bất cứ một vụ việc nào cũng phải đúng phương châm: "đúng pháp luật, thận trọng và kịp thời". Tôi là người ngoài cuộc, không thể kết luận là do phía Nhật Bản tạo sức ép ngưng cấp ODA cho VN và Tòa án Quận Tokyo xét xử một số quan chức CPI thì cơ quan tố tụng của VN mới vào cuộc giải quyết.
Vấn đề quan trọng là ở chỗ phải làm rõ, xử lý đúng và nghiêm minh theo pháp luật, "không để lọt tội phạm, không để làm oan người không có tội" cho dù bất kỳ người đó là ai; nghiêm cấm mọi hành vi bao che, dùng quyền uy để can thiệp trái pháp luật, hoặc bị bóp méo bởi sự tác động tiêu cực khác. Niềm tin của nhân dân là tài sản vô giá, là "rường cột" của chế độ, đừng để bị bào mòn và đánh mất đi.
- Xin cảm ơn luật sư!
-
Phan Công - Tuyết Nhung (thực hiện)