- Phần lớn các Sở LĐ-TB&XH khi được hỏi đều trả lời năm nay các doanh nghiệp báo cáo tình hình lương, thưởng chậm hơn mọi năm. Nhiều doanh nghiệp đã "gục ngã" trước khi lo được Tết cho người lao động, trong khi đa số các doanh nghiệp do làm ăn kém hơn năm ngoái nên đều ở tình trạng cầm cự một mức thưởng cuối năm không quá thấp để an ủi nhân viên.
Doanh nghiệp không dám báo cáo chuyện thưởng Tết!
Phòng Lao động - Tiền lương (Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng) cho hay, theo quy định, đến ngày 31/12 là hạn chót để các doanh nghiệp phải công bố mức thưởng Tết cho người lao động. Phòng đã gửi hàng trăm công văn đến các doanh nghiệp trên địa bàn, nhưng cách thời điểm này chỉ hơn một tuần, mới có khoảng 20 doanh nghiệp nộp báo cáo.
“Các doanh nghiệp này chưa phải là điển hình của tình hình chung toàn TP, số lượng đã có báo cáo còn quá nhỏ so với con số yêu cầu nên chưa phác hoạ được tình hình cụ thể. Mặt khác, vì vẫn còn thời hạn nên một số doanh nghiệp khác đang tiếp tục lập kế hoạch về lương, thưởng Tết cho công nhân. Phải vài ngày nữa mới có thể có con số tương đối chính xác về tình hình lương, thưởng Tết cho người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn!” – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng Nguyễn Văn An cho biết.
Những công nhân Công ty Sambu Vina trình bày hoàn cảnh với cán bộ công đoàn. |
Tuy nhiên, theo nhận định của một cán bộ Phòng Lao động - Tiền lương (Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng), so với mọi năm thì số doanh nghiệp có báo cáo về mức thưởng Tết cho người lao động đến thời điểm này là quá ít và quá chậm. Nguyên nhân có lẽ vẫn là do những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm qua khiến nhiều doanh nghiệp không biết lấy đâu ra nguồn để thưởng, hoặc mức thưởng quá thấp nên cũng không muốn báo cáo!
Khá nhiều doanh nghiệp ở Đà Nẵng khi thấy chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu tình hình lương, thưởng Tết cho người lao động đã nhẹ nhàng… từ chối vì không muốn hình ảnh của đơn vị bị ảnh hưởng. Giám đốc một công ty may xuất khẩu phân trần: “Anh thông cảm, tình hình xuất khẩu may mặc trong năm qua thì anh biết rồi, khó khăn chồng chất, đơn hàng giảm liên tục, chạy cho đủ lương hàng tháng cho công nhân đã mướt mồ hôi nên nói thật là đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa thể tính toán gì được về chuyện thưởng Tết. Nhưng nếu nói ra, công nhân sẽ hoang mang, đối tác mất tin tưởng thì càng… chết nữa!”.
Anh N., giám đốc một công ty tổ chức sự kiện ở Đà Nẵng tâm sự, mọi năm cứ vào dịp này là công ty anh làm không hết việc. Nào là tổ chức khai trương, khuyến mãi, mừng công, khen thưởng… Thế nhưng năm nay, ngay giữa mùa cao điểm mà cả công ty gần như “ngồi chơi xơi nước”, chỉ có vài hợp đồng thuộc dạng… cò con.
Tình hình này phần nào đã phản ảnh những khó khăn đang xảy ra với các doanh nghiệp khác, buộc họ phải “thắt lưng buộc bụng” đối với các hoạt động có tính chất quảng bá. Thậm chí một số doanh nghiệp thuộc loại có tiếng ở Đà Nẵng nhưng vẫn nợ tiền thuê công ty của anh tổ chức sự kiện suốt mấy tháng nay. Và những khó khăn đó lại tiếp tục tác động dây chuyền đến công ty của anh. Tới mức tháng 11 vừa qua, lần đầu tiên sau hơn 5 năm mở doanh nghiệp, công ty của anh phải… chậm lương nhân viên!
Chuyện chậm lương có được chấm dứt trong tháng 12 này hay không thì anh N. vẫn… chưa thể khẳng định. Tuy nhiên anh tâm sự: “Người ta nói “đói cũng ngày Tết, hết cũng ngày mùa”. Anh em gắn bó với mình cả năm, chỉ mong cuối năm có được khoản tiền thưởng để lo cho gia đình. Không lẽ mình chỉ biết… nhe răng cười với họ? Tụi tui đã bàn trong Hội đồng quản trị rồi, dù không được kha khá như mọi năm thì vẫn phải lo cho anh em cái Tết không đến nỗi quá thua thiệt. Nếu cần thì các thành viên HĐQT bán bớt tài sản riêng đi để lo, có gì ra năm tính tiếp!”.
Còn tại TT-Huế, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cũng vừa phải có công văn yêu cầu phía các công ty, doanh nghiệp báo cáo mức thưởng để Sở kịp tổng hợp và trình báo đúng tiến độ 31/12. Ông Quang dự báo, tình hình thưởng Tết năm nay cho công nhân so với các năm trước có giảm, do các doanh nghiệp trên địa bàn đều làm ăn rất khó khăn.
Vay ngân hàng thưởng Tết nhân viên
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM thì tính đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 27 doanh nghiệp đóng cửa, ngoài ra, rất nhiều doanh nghiệp trong tình cảnh lao đao phải sản xuất cầm chừng. Đa phần đây là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn không nhiều, tiềm lực chưa mạnh nên không chống đỡ nổi với khủng hoảng. Với những doanh nghiệp cố gắng trụ lại được thì việc thưởng Tết cũng là một gánh nặng khiến các ông chủ mất ăn mất ngủ.
Anh Trần Quang Hoàng, Giám đốc Công ty Đại Hoàng Hảo chia sẻ: Năm vừa qua, tình hình sản xuất của công ty gặp nhiều khó khăn khi giá nguyên vật liệu quá cao mà hợp đồng ký từ năm trước với giá thấp nên không có lãi. Mặc dù không phải bù lỗ nhưng để duy trì được sản xuất là cả một sự cố gắng rất lớn. Nhiều khi huy động nguồn vốn không kịp, phải chậm lương công nhân nên hầu như không có khoản tích lũy để thưởng Tết cho họ.
Và để có được khoản tiền thưởng Tết cho hơn 200 công nhân, anh Hoàng phải vay gần như 100%. Nhưng theo anh Hoàng thì năm qua, mặc dù công ty gặp nhiều khó khăn nhưng người lao động vẫn gắn bó nên không thể “bạc đãi” được. Hơn nữa, anh cũng muốn giữ chân họ để có nhân lực sản xuất cho năm tới, năm mà anh hi vọng tình hình sẽ bớt ảm đạm hơn.
Thưởng Tết năm nay với nhiều lao động chỉ là tháng lương thứ 13 theo quy định.
Vay ngân hàng để lo thưởng Tết cho công nhân có lẽ là biện pháp chủ yếu mà các doanh nghiệp dùng để giải quyết “bài toán” thưởng Tết. Ngay một công ty lớn như Giày Việt (Vina Giày), mặc dù chưa gặp khó khăn lắm thì để có tiền kịp thưởng Tết cho công nhân, theo như ông Vũ Văn Minh, Tổng giám đốc công ty thì vẫn phải huy động nguồn từ ngân hàng.
Ngoài nguồn vốn vay ngân hàng thì có doanh nghiệp chấp nhận rút tiền vốn ra để thưởng như anh Nguyễn Công Duy, chủ cơ sở sản xuất áo mưa Gia Linh cho biết. Ngoài ra, để có nguồn vốn thì ngay từ một vài tháng cận Tết, với số hàng nhập vào, anh bán luôn, chấp nhận lỗ 1 chút để có nguồn tiền thưởng cho công nhân. Năm ngoái, anh đều “găm" hàng chờ bán Tết nhưng năm nay anh bán luôn vì tiên liệu trước nếu giữ lại chắc chắn sẽ lỗ và như vậy công nhân sẽ không có lương cũng như thưởng Tết để về quê.
Ngoài những doanh nghiệp cố gắng huy động mọi nguồn lực để có tiền thưởng Tết cho công nhân thì có rất nhiều doanh nghiệp báo cáo do tình hình làm ăn thua lỗ nên hầu như không có thưởng. Nhưng theo ông Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, thì nhiều doanh nghiệp thường đưa ra lý do suy thoái kinh tế, khó khăn trong việc ký kết các đơn hàng xuất khẩu để "né" trả lương, thưởng Tết cho công nhân. Nhưng như thế là vi phạm luật. Vì trên thực tế, đơn hàng xuất khẩu năm 2008 đã được ký kết từ đầu năm, không có lý do gì để không trả lương, thưởng cho công nhân.
DN "khoẻ" cố giữ mức 1 tháng lương
Anh Trần Quang Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Đại Hoàng Hảo (Tân Phú) cho biết: “Năm nay công ty chúng tôi vẫn giữ mức thưởng như năm ngoái là 1 tháng lương cộng với thưởng thâm niên. Người cao nhất sẽ có mức 20 triệu đồng và thấp nhất sẽ có mức 1 triệu đồng”. Hiện nay, công ty anh Hoàng có khoảng hơn 200 công nhân nên tổng số tiền thưởng là con số không nhỏ.
Cũng tương tự như ở Công ty Đại Hoàng Hảo, anh Nguyễn Công Duy, chủ cơ sở sản xuất áo mưa Gia Linh (Tân Phú) cũng cho biết: Mức thưởng của chúng tôi năm nay có cao hơn năm ngoái 1 chút vì tình hình giá cả leo thang nhưng không đáng bao nhiêu vì công ty đang trong tình cảnh khó khăn. Mức thưởng cao nhất của chúng tôi là 1 triệu đồng và thấp nhất là 500 ngàn đồng.
Tuy nhiên, đây vẫn là con số cao vì ở một số doanh nghiệp, có công nhân chỉ nhận được số tiền thưởng Tết là 100 ngàn đồng. Đa số, đây là những doanh nghiệp có ít công nhân hoặc chỉ là những cơ sở sản xuất nhỏ. Ngoài ra, mức thưởng này còn áp dụng cho một số công nhân mới vào làm ở công ty vài tháng cận Tết.
Không chỉ những doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong vấn đề thưởng Tết mà nhiều “đại gia” cũng trong tình trạng như vậy. Dù có tiềm lực mạnh thì nhiều công ty lớn cũng chỉ cố gắng thưởng 1 tháng lương cho công nhân.
Ông Vũ Văn Minh, Tổng giám đốc Công ty Giày Việt (Vina Giày) cho biết: Năm nay, mức thưởng trung bình của Vina - Giày là 1,5 triệu đồng trong đó mức thấp nhất là 1,2 triệu đồng. So với năm ngoái thì mức thưởng này tương đương. Năm nay, tiềm lực của công ty vẫn chưa gặp khó khăn lắm trong vấn đề lo thưởng Tết, nhưng nếu năm 2009 nếu tình hình kinh tế vẫn khó khăn như thế này thì chưa biết sẽ thế nào.
Năm nay, hầu hết các ngành sản xuất đều gặp khó nhưng khó nhất vẫn là ngành may mặc và giày da. Mặc dù thế thì các doanh nghiệp vẫn cố gắng để đảm bảo mức thưởng cho công nhân bằng với năm trước hoặc có giảm không quá nhiều. Ông Sam Sy Cau, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Huê Phong (Gò Vấp) cho biết, năm nay công ty phải vô cùng nỗ lực mới có thể thưởng cho công nhân 1 tháng lương cơ bản. Ở một số đơn vị sử dụng nhiều lao động như Pou Yuen (100% vốn Đài Loan, Trung Quốc) ở KCN Tân Bình có đến 70.000 lao động thì công ty cũng bằng mọi giá phải lo trả thưởng cho mỗi người một tháng lương.
-
Hà Dịu - Hải ChâuBài 3: Giảm lao động, hạ thưởng - bớt đá khỏi chìm thuyền!