221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1145084
Hà Nội: Đường vành đai 3 có nhiều chỉ giới đường đỏ?!
1
Article
null
Hà Nội: Đường vành đai 3 có nhiều chỉ giới đường đỏ?!
,

 - Dù thành phố đã hạ "quyết tâm tăng tốc giải phóng mặt bằng đường vành đai 3" gần 1 tháng qua, thế nhưng, đến hôm qua (30/12) cả chủ đầu tư, các ban ngành thành phố và dân trong diện giải toả vẫn "cãi nhau" về chỉ giới đường đỏ!

Đó là vấn đề nóng nhất tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội với Ban quản lý dự án Thăng Long, các ban ngành thành phố và các hộ dân về dự án đường vành đai 3 và nút giao Thanh Xuân.

Chỉ giới đường đỏ: 68m, 74m hay bao nhiêu mét?

Dù đã có quyết địnhh phê duyệt dự án của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2001, và không ít lần lãnh đạo cao nhất của thành phố Hà Nội "lệnh" phải tăng tốc giải phóng mặt bằng, cho phép áp dụng những cơ chế đặc thù cho dự án, song cho đến hôm qua (30/12), cuộc tranh luận về chỉ giới đường đỏ của dự án này vẫn chưa ngã ngũ.

Ông Lê Trung Kiên, đại diện các hộ dân cho biết, do không thấy mốc chỉ giới, hỏi khắp các ban ngành thành phố từ Sở Quy hoạch Kiến trúc, đến chủ đầu tư là Ban Quản lí dự án Thăng Long, đến khi quận thực hiện cưỡng chế, mỗi nơi đem ra một chỉ giới đường đỏ khác nhau nên dân không biết đâu là chỉ giới thật để biết được nhà mình nằm trong chỉ giới đường đỏ không?

Đại diện dân cũng cho biết, trong buổi làm việc trước đó với Sở Quy hoạch Kiến trúc, giám đốc sở này, ông Tô Anh Tuấn cũng không trả lời được cho dân chỉ giới đường đỏ là 68m hay 74 m!

Theo kiến nghị của dân, Đoàn đại biểu Quốc hội hỏi giúp dân chỉ giới đường đỏ là bao nhiêu, được thể hiện tại quyết định nào, thời gian nào?

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Khôi tại buổi làm việc (Ảnh: C.Hiếu)

Trả lời thắc mắc này của dân theo sự phân công của Phó Chủ tịch UBND TP.Nguyễn Văn Khôi, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Tô Anh Tuấn cho biết, Quyết định 112 tháng 12/1999 về đường vành đai 3 có mặt cắt ngang 68m - 73m. Trong hồ sơ cuối cùng gửi Bộ GTVT, có những đoạn chỉ giới là 68m, có đoạn lớn hơn. Sau này, khi TP.Hà Nội phê duyệt, cũng có nhiều đoạn chấp nhận chỉ giới đường đỏ lớn hơn 68m.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi khẳng định, căn cứ pháp lý quan trọng nhất là Quyết định phê duyệt của Thủ tướng về chỉ giới cho toàn tuyến tại Quyết định 575 ngày 14/9/2001 hoặc những quyết định của cấp được uỷ quyền sau đó, nếu được phê duyệt điều chỉnh và yêu cầu chủ đầu tư đưa ra bản vẽ thiết kế này hay những thiết kế được phê duyệt cuối cùng.

Ông Phạm Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc BQL dự án Thăng Long, đơn vị chủ đầu tư cho biết, trong Quyết định phê duyệt số 597 thì chỉ giới đường đỏ là 68m. Ban quản lí cũng đã nhiều lần cung cấp cho dân nên không nghĩ rằng tại buổi làm việc này dân lại hỏi chuyện đó, vì thế không thể đưa ra tại buổi làm việc.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi lập tức phê bình: "BQL chưa đủ trách nhiệm với dân khi không trình được bản vẽ và quyết định phê duyệt". Ông Khôi yêu cầu trong sáng 31/12, BQL dự án, cùng Sở Quy hoạch có thêm một buổi làm việc với dân để khẳng định rõ chỉ giới đường đỏ là bao nhiêu. "Nếu vẫn không ra, thành phố sẽ ngồi lại với Bộ GTVT để làm rõ vấn đề này" - ông Khôi nói.

Sao không có quyết định thu hồi đất với từng hộ dân?

Một trong những lí do làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng nữa là việc không có quyết định thu hồi đất với từng hộ dân.

Các hộ dân cho rằng, chưa biết chỉ giới đường đỏ thì chưa biết mình có vi phạm chỉ giới, thêm vào đó, không có quyết định thu hồi đất với nhà mình thì không thể an tâm mà di dời.

Ông Lê Trung Kiên cũng bày tỏ: Việc không có quyết định thu hồi đất với từng hộ dân là trái với Luật Đất đai năm 2003 và điều này là nguồn cơn nảy sinh những rắc rối trong đền bù, chế độ tái định cư về sau.

Lý giải điều này, đại diện Sở Tài nguyên Môi trường khẳng định: Theo Luật Đất đai 2003 thì phải có quyết định thu hồi đất của địa phương với từng hộ sau khi có quyết định thu hồi, tạm giao đất của Thủ tướng và thành phố cho BQL dự án. Thế nhưng, dự án thực hiện từ năm 2001, có quyết định thu hồi đất trước năm 2004, tức trước khi Luật Đất đai có hiệu lực nên không cần thêm quyết định thu hồi đất với từng hộ của quận Thanh Xuân.

Đại diện của Sở Tài nguyên Môi trường cho biết thêm, các dự án "chuyển tiếp" giữa hai thời kì Luật Đất đai có hiệu lực, như dự án đường Láng - Hoà Lạc, Kim Liên - Ô Chợ Dừa đều thực hiện thu hồi mà không cần có quyết định thu hồi đất của chính quyền quận với từng hộ dân.

Dự án đường Vành đai 3 (đoạn qua quận Thanh Xuân) vẫn còn ngổn ngang! (Ảnh: VNN)

Các hộ dân cho rằng, vì không có quyết định thu hồi với từng hộ đã dẫn đến kẽ hở, khiến khi cấp nhà tái định cư, có hộ đã tách hộ, nên nhận được 2 căn nhà.

Giải trình vấn đề này, ông Hoàng Nam Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho hay, đúng là có chuyện một hộ được cấp 2 căn nhà, nhưng là do họ đồng ý đổi 1 căn lấy 2 căn có diện tích chỉ bằng một căn. Ông Sơn cũng thông tin thêm, có hiện tượng 5 hộ chưa nhận nhà là do 5 hộ này không chịu nhận nhà ở khu đô thị Dịch Vọng mà yêu cầu được bố trí nhà tại Trung Hoà - Nhân Chính.

Sau 4 tiếng tranh luận, kết luận hội nghị, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hoá - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mong muốn thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các ngành giải quyết triệt để những thắc mắc của dân về chỉ giới đường đỏ, chế độ đền bù tái định cư... trước ngày 10/1/2008 như thời hạn mà Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi đã hứa với dân.

  • Chí Hiếu

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;