- Để giảm bớt gánh nặng trước mắt, nhiều doanh nghiệp đã phải hạ lương, thưởng, giảm giờ làm, thậm chí sa thải nhân viên trước Tết. Ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, "cực chẳng đã" các doanh nghiệp mới phải làm vậy nếu như không muốn cả con thuyền cùng chìm.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cuộc lãn công đòi lương cuối cùng năm 2008
Sáng 31/12, rất nhiều công nhân đã tập trung trước cổng Công ty Sambu Vina (huyện Hóc Môn) tiến hành lãn công nhằm yêu cầu công ty hỗ trợ thêm 1 tháng lương sau khi nghỉ việc ngoài chế độ trợ cấp thôi việc theo điều 42 Bộ luật lao động.
Nguyên nhân khởi phát từ sự việc ngày 12/12, phía công ty đã có quyết định cắt giảm 224 lao động của chuyền 7 và một bộ phận kiểm hàng. Ngay khi sự việc xảy ra, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) huyện Hóc Môn đã có công văn yêu cầu phía công ty phải thanh toán các chế độ theo Luật lao động.
Tuy nhiên, sau đó, đến ngày 30/12, công ty có quyết định không cắt giảm lao động nữa và đề nghị những người nằm trong danh sách cắt giảm quay lại làm việc vào ngày 30/12, công ty sẽ bố trí họ vào 6 chuyền còn lại.
Công nhân Sambu VIna trong giờ làm việc. Ảnh: Hà Dịu
Tuy nhiên, rất nhiều công nhân không muốn quay lại làm việc và họ có nguyện vọng ngoài việc trả trợ cấp thôi việc theo luật, công ty hỗ trợ cho họ thêm 1 tháng lương do nghỉ việc vào dịp cuối năm nên công nhân gặp nhiều khó khăn.
Cùng ngày, LĐLĐ huyện Hóc Môn đã làm việc với lãnh đạo công ty và đề nghị xem xét, chia sẻ với người lao động. Tuy nhiên, Ban giám đốc công ty đã không đồng ý với đề nghị trên của công nhân.
Ngoài ra, công ty cũng cho biết sẽ thực hiện theo thông báo ngày 30/12, điều chuyển công nhân chuyền 7 về các chuyền khác. Những công nhân nào không muốn tiếp tục làm việc ở công ty nữa có thể làm đơn xin nghỉ việc và công ty sẽ cho nghỉ mà không cần đợi đủ 30 ngày theo luật quy định và sẽ trả đầy đủ các chế độ vào ngày 2/1/2009.
Cho đến cuối buổi chiều ngày 31/12, đã có khoảng 90 công nhân nộp đơn xin nghỉ việc còn những công nhân khác chưa có dấu hiệu sẽ quay trở lại làm việc ở công ty.
Khuyến khích công nhân... làm đơn nghỉ việc
Thời điểm cuối năm, tại KCN Thăng Long (Hà Nội), nhiều DN nước ngoài đã tìm mọi cách để cắt giảm lao động. Công ty H (chuyên sản xuất phụ tùng thiết bị xe máy) chỉ có khoảng 600 công nhân, nhưng trong thời buổi ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, đã có nhiều chiêu để giảm giờ làm và “ép” công nhân phải tự bỏ việc.
Anh Thọ (Thanh Hoá), nhân viên của công ty này cho biết: Công ty viện lý do là khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thậm chí dùng hình thức đánh giá xếp hạng cho công nhân loại thấp để kỷ luật, trừ lương, khiến nhiều công nhân thấy bất mãn rồi đành phải bỏ việc. Hiện tại, vào thời điểm này, công ty còn khuyến khích công nhân nghỉ phép 100% không lương.
Nhiều doanh nghiệp tại KCN Thăng Long (Hà Nội) thực hiện giảm giờ làm, giảm lương... khiến người LĐ phải bỏ việc. Ảnh: Vũ Điệp |
Nhận định về mức thưởng Tết năm nay, anh Thọ bảo: “Năm ngoái còn được tính nhân hệ số rồi được thưởng tương đương một tháng lương thứ 13. Năm nay chắc thưởng cuối năm không đáng kể vì đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy công ty thông báo”.
Công ty Canon, một “đại gia” tại KCN Thăng Long có hơn 13.000 NLĐ, là một công ty được xem có mức lương cơ bản trả cho công nhân cao nhất KCN Thăng Long. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, Canon cũng phải cắt giảm 2.000 nhân công để cân đối thu, chi. Anh Hùng (Vĩnh Phúc), nhân viên của Canon cho biết: “Canon tuyển nhiều nhưng cũng thải nhiều lao động. Cuối năm nay là thời điểm Canon cắt giảm lao động nhiều hơn mọi năm”.
Được biết, để sớm giảm bớt số lao động, Canon đã tung ra “chiêu” khuyến khích người lao động làm đơn xin thôi việc với chỉ tiêu 800 người. Những người làm đơn xin thôi việc trước khi hợp đồng lao động hết thời hạn sẽ được nhận một tháng lương cơ bản cộng với 3 triệu đồng phí trợ cấp thất nghiệp. Cộng hai khoản này được gần 5 triệu đồng. Như vậy, với 800 chỉ tiêu giảm nhân lực, Canon sẽ mất gần 4 tỷ đồng đề thanh toán hợp đồng lao động trước thời hạn.
Thời điểm này, các xóm trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh vắng bóng công nhân của Canon vì Công ty này cho CN nghỉ Noel và Tết Dương lịch đến 8 ngày. PV VietNamNet đã đến Công ty Canon để tìm hiểu thêm thông tin thì được bảo vệ công ty cho biết, hiện tại Canon đang nghỉ Tết Dương lịch nên không thể tiếp báo chí.
Nhiều doanh nghiệp khác tại KCN Thăng Long khi không có nhiều việc cũng chủ động cho NLĐ nghỉ việc, hưởng 70% lương. Chị Trần Thị Thắm, công nhân làm việc hơn một năm ở KCN Thăng Long cho biết: “Việc cho nghỉ Tết dài hạn trong điều kiện thiếu việc làm có thể là dấu hiệu doanh nghiệp sa thải công nhân, bởi họ cứ hứa khi nào có việc sẽ gọi lại làm việc, nhưng nhiều khi chúng tôi chờ mãi chẳng thấy gọi”.
Nhiều công ty khác thì cắt giảm hơn một nửa nhân công trong dây chuyền sản xuất. Bùi Thị Thơm, nhân viên Công ty Nissei cho biết: “Bộ phận em làm trước đây có hơn 400 người nhưng giờ chỉ còn khoảng 200 người. Sau khi mất việc, nhiều người phải bỏ về quê làm ruộng, hoặc đi làm việc thời vụ để có tiền sắm Tết chứ chẳng mong vào tiền thưởng tết của công ty năm nay”.
Công ty Chiyoda Integre (Nhật Bản), sản xuất, lắp ráp, gia công, đột dập, in trên các linh kiện, chi tiết phục vụ ngành công nghiệp điện, điện tử, ô tô, xe máy cũng đang ở vào tình trạng ít việc vào cuối năm nay.
Mọi ngày, công ty có ba ca làm việc, nhưng thời điểm cuối năm dồn vào hai ca, không còn việc tăng ca như mọi khi. Chị Nguyễn Thu Hương (Vĩnh Phúc) cho biết: “Những người mới được tuyển vào thường có hai tháng thử việc trước khi ký hợp đồng chính thức. Vì vậy, những lớp mới được tuyển gần đây hầu như không được ký hợp đồng. Họ tuyển vào chỉ để làm thời vụ cho hết những hợp đồng đã ký”.
Honda được xem là công ty làm ăn khá thành đạt, nhưng trong thời gian gần đây cũng không nằm ngoài vòng xoáy phải xoay chuyển nhằm giảm nhân lực.
Chị Thanh, nhân viên phòng nhân lực của Công ty Honda cho biết: “Hiện công ty có khoảng gần 5.000 nhân công, nhưng do hợp đồng đặt hàng gần Tết không được như trước đây, nên công ty phải phối hợp với công đoàn cho công nhân nghỉ phép luân phiên để giảm bớt giờ làm, tránh tình trạng phải giảm nhân lực trong thời điểm khó khăn này”.
Ông Nguyễn Mạnh Tùng, Trưởng phòng Quản trị Hành chính (Công ty cổ phần sữa Hanoimilk - doanh nghiệp vừa cho 250 lao động nghỉ việc) cho biết: "Công ty cũng phải thực hiện giãn ca để tất cả số công nhân còn lại đều có việc làm, mặc dù thời gian làm việc sẽ giảm xuống, cố gắng mỗi công nhân được làm việc từ 15-20 ngày/tháng. Thời điểm trước khi xảy ra sự cố melamine, mỗi công nhân đều làm 26 ngày công lao động/tháng.
Về con số 250 lao động phải nghỉ việc, ông Tùng cho biết, trong đó có nhiều công nhân không chấp nhận được mức thu nhập thấp như hiện tại đã xin chuyển sang các công ty khác.
Thưởng Tết sẽ giảm khoảng 20-40%
Theo ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, có thể khẳng định là năm nay, tiền thưởng Tết cho người lao động sẽ thấp hơn năm ngoái. Ngành tài chính ngân hàng chắc chắn sẽ giảm rất mạnh, chỉ còn bằng 40-60% so với năm ngoái. Doanh nghiệp sản xuất sẽ giảm còn khoảng 60% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, cũng theo ông Đức, nếu năm nay các công ty chỉ thưởng cho công nhân thấp hơn hoặc bằng mức thưởng năm ngoái sẽ không còn phù hợp, trước tình hình biến động về giá như hiện nay, khó có thể giúp người dân có một cái Tết đầy đủ.
Một giám đốc công ty dược phẩm cho biết, từ cuối tháng 6, khi có qui định giá thuốc sẽ theo giá thị trường, công ty đã gặp rất nhiều khó khăn nên kế hoạch doanh thu mới chỉ đạt được 80% so với năm ngoái, vì vậy công ty sẽ không thể giữ mức thưởng như năm ngoái.
"Năm ngoái bình quân là thưởng Tết từ 1-2 tháng lương, bình quân thu nhập trong ngành khoảng 2 triệu đồng, nhưng năm nay, khả năng tiền thưởng sẽ tăng lên là rất khó, hàng năm công ty vẫn tổ chức cho nhân viên đi du lịch nhưng năm nay cũng cắt giảm. Tuy nhiên, công ty sẽ cố gắng duy trì mức thưởng lương tháng thứ 13 cho nhân viên" - vị giám đốc này nói thêm.
Không chỉ các công ty nhỏ mà nhiều công ty có quy mô tương đối lớn ở Hà Nội cũng phải "cắt xẻo" bớt tiền thưởng Tết. Ông Nguyễn Văn Thơm, Chủ tịch Công đoàn Công ty Động Lựu trình bày: "Năm nay thị trường xuất khẩu bị thu hẹp nên thưởng Tết của công nhân cũng sẽ giảm sút. Nếu năm ngoái mỗi công nhân được thưởng một tháng lương thì năm nay có lẽ chỉ được một nửa. Đây là khó khăn chung mà mỗi công nhân cũng phải chia sẻ".
Thưởng Tết năm nay với nhiều lao động chỉ là tháng lương thứ 13 theo quy định. |
Tuy nhiên, nhiều công ty vẫn cố gắng tìm nguồn trả lương, thưởng cho công nhân, ít nhất cũng bằng một tháng lương.
Anh Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty da giày Hà Nội cho biết, sức mua của người dân cũng giảm, thêm nhiều công ty cạnh tranh nữa nên doanh thu năm nay vẫn chưa thể đạt được như kế hoạch. Lượng hàng tồn lớn nên công ty phải trích khoản dự phòng rủi ro lớn khiến lợi nhuận của công ty giảm. Đến hiện tại công ty mới đạt được 80% kế hoạch doanh thu. Công ty đã phải cắt giảm chi tiêu, giảm bớt một số cửa hàng nhưng công ty vẫn trả lương đầy đủ cho nhân viên, còn thưởng Tết thì sẽ cố gắng đảm bảo bằng mức năm ngoái.
“Không thể lấy lí do khó khăn mà cắt xén tiền thưởng của nhân viên. Cả năm làm việc, nhân viên chỉ trông chờ vào tiền lương, tiền thưởng cuối năm nên công ty sẽ cố gắng để mọi người có một cái Tết vui vẻ”, anh Thanh nói.
"Lao động nên chia sẻ với doanh nghiệp"
Trao đổi với VietNamNet, ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong tình cảnh các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, người lao động nên cảm thông chia sẻ với doanh nghiệp nếu như tiền lương, tiền thưởng vào cuối năm không bằng với năm trước.
Theo ông Huy, người lao động có thể nhìn thấy rõ các doanh nghiệp xuất khẩu do chịu ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế nên bị cắt giảm các đơn đặt hàng. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn biện pháp giảm nguồn nhân lực để duy trì sự tồn tại, chờ lúc hồi phục trở lại.
Việc phải giảm nhân lực, theo ông Huy đây là điều “cực chẳng đã” đối với doanh nghiệp. Vì khi phải giảm nhân lực, nhiều doanh nghiệp phải giảm hàng nghìn nhân công mà họ phải bỏ công sức đào tạo ra. Doanh nghiệp còn phải mất một khoản tiền lớn để trả trợ cấp cho người lao động thôi việc, đó là chưa nói đến đầu tư về thiết bị kỹ thuật phải chấp nhận để sản xuất cầm chừng.
Thiếu nhiên liệu, thuyền phải bớt đá để tránh chìm. Ông Huy nhấn mạnh, tiền lương, tiền thưởng gắn liền với hiệu quả sản xuất kinh doanh, chính vì vậy người lao động nên nhìn nhận rõ và chia sẻ cùng DN.
Trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Quang Điều, Phó ban chính sách XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng nhìn nhận. Tổng Liên đoàn có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, nhưng trong điều kiện khó khăn hiện tại, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân công để tồn tại cũng là điều “bất khả kháng”.
Theo ông Điều, các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc các chế độ thôi việc cho người lao động mất việc làm, thanh toán nợ lương, nợ BHXH để đảm bảo chế độ đúng chính sách, đúng pháp luật cho người lao động.
-
Vũ Điệp - Thu Trà - K.Trung - H.Dịu
Bài 4: Vất vả quanh năm, công nhân dài cổ ngóng thưởng