221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1148503
Phát hiện cây xăng "gian", khách hàng có quyền khiếu nại
1
Article
null
Phát hiện cây xăng 'gian', khách hàng có quyền khiếu nại
,

 - "Khi phát hiện cây xăng gian, người tiêu dùng có thể phản ánh trực tiếp hoặc gọi điện đến Chi cục Quản lý thị trường, Thanh tra Sở KH&CN, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng địa phương để cơ quan quản lý Nhà nước kịp thời kiểm tra và có biện pháp xử lý".

>> Cho rằng bị "móc túi", khách hàng "tố" cây xăng
>> Ma thuật "múa" đồng hồ ở cây xăng gian

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Ngô Quý Việt - Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) cho rằng: "Các biện pháp xử phạt đối với hành vi vi phạm về đo lường, chất lượng xăng dầu hiện nay tại Việt Nam là chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe các đối tượng có hành vi gian lận. Chính vì vậy, cần phải có những chế tài xử phạt mạnh hơn thì mới có thể ngăn chặn được các vi phạm về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng!".

Dưới đây là trao đổi của ông Tổng cục trưởng với VietNamNet xung quanh tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu.

Ông Ngô Quý Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Ảnh: C.T

Xăng xấu, xăng thiếu

- Thưa ông, ông có thể “mách nước” cho người tiêu dùng về một số biện pháp để nhận biết các hình thức gian lận tại các cột bơm xăng?

Trên thực tế, các cây xăng gian lận thường sử dụng hai hình thức gian lận tại các cột đo xăng dầu.

Thứ nhất là gian lận về chất lượng xăng dầu: Bán sai loại xăng như dùng xăng RON 83 để bán như xăng RON 90; xăng RON 90 để bán như xăng RON 92 hoặc xăng RON 92 để bán như xăng RON 95. Trường hợp này người tiêu dùng có thể phát hiện được bằng mắt thường vì theo quy định của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam thì xăng M90 - RON 90: màu đỏ, M92 - RON 92: màu xanh lá cây, M95- RON 95 không pha màu.

Ngoài ra, pha xăng có trị số ốc-tan thấp vào xăng có trị số ốc tan cao để bán với giá cao hơn. Ví dụ: pha xăng không chì có trị số ốc tan (theo phương pháp nghiên cứu - RON) là RON 83 hoặc dầu hỏa, nhiên liệu điêzen (DO) vào xăng có trị số ốc tan cao hơn như RON 92 hoặc RON 95 để bán với giá của xăng RON 92 hoặc RON 95. Trường hợp này không thể phát hiện bằng mắt thường, muốn phát hiện gian lận này phải được lấy mẫu và thử nghiệm tại các phòng thử nghiệm được công nhận.

Một hình thức nữa là bán nhiên liệu điêzen có hàm lượng lưu huỳnh 2500 mg/kg với giá nhiên liệu điêzen có hàm lượng lưu huỳnh 500mg/kg để hưởng chênh lệch giá. Theo quy định của Quy chuẩn quốc gia QCVN 1:2007/BKHCN thì tổ chức, cá nhân bán lẻ xăng, nhiên liệu điêzen phải ghi rõ trên cột bơm nhiên liệu các thông tin sau: trị số ốctan RON đối với xăng không chì; đối với nhiên liệu điêzen có hàm lượng lưu huỳnh lớn hơn 500mg/kg phải thông báo rõ là “không dùng cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, muốn phát hiện gian lận này phải được lấy mẫu và thử nghiệm tại các phòng thử nghiệm được công nhận. 

Thứ hai là gian lận về đo lường. Ngoài các hành vi vi phạm phổ biến như sử dụng cột đo xăng dầu chưa kiểm định, quá thời hạn kiểm định, phá niêm chì, cột đo xăng dầu chưa được phê duyệt mẫu còn có hiện tượng lắp thêm, thay thế các thiết bị để điều chỉnh sai số của cột đo xăng dầu như: thay đĩa tạo xung, lắp thêm bộ kích xung, thay IC vi xử lý kỹ thuật số đảm trách toàn bộ hoạt động của bộ chỉ thị điện tử... 

Nếu phát hiện gian lận xăng dầu, người tiêu dùng có quyền khiếu nại tới cơ quan chức năng (Ảnh minh hoạ P.Hải)

Phạt tiền, tịch thu tang vật, rút phép: "Nước đổ lá khoai"?

- Vậy sau khi xác định được cây xăng có gian lận, cơ quan chức năng sẽ áp dụng những biện pháp nào để xử lý đối với những trường hợp gian lận bị phát hiện?

Các trường hợp gian lận có thể bị phạt tiền từ 13.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi gian lận trong việc sử dụng dấu, tem kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định (tháo, dỡ, gắn lại niêm chì, sửa chữa, tẩy xoá nội dung trong chứng chỉ kiểm định) hoặc làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện đo (điều chỉnh, sửa chữa, thay thế, lắp thêm, rút bớt các chi tiết, thiết bị của phương tiện đo để làm sai lệch kết quả đo).

Ngoài các biện pháp trên, cơ quan chức năng sẽ áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật và tước quyền sử dụng dấu, tem và giấy chứng nhận kiểm định không thời hạn đối với của phương tiện vi phạm.

Nếu sai phạm nghiêm trọng có thể bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hoặc bị truy tố theo quy định của Luật Hình sự.

- Có ý kiến cho rằng, vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe các đối tượng gian lận, bán hàng sai quy cách, không đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng?

Cây xăng số 436 Trần Khát Chân, HN bị khách hàng nghi đong điêu. Ảnh: Bình Dương
Về những chế tài xử lý các hành vi vi phạm hành chính về đo lường, chất lượng trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam hiện nay, pháp luật quy định nhiều cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính (Thanh tra các Sở KHCN, Quản lý Thị trường...). Tuy nhiên, các chế tài đó còn thấp và chưa đủ mạnh để răn đe đối với các đối tượng có hành vi gian lận.

Gần đây, để tăng tính răn đe đối với các hành vi gian lận, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2008/NĐ-CP ngày 22/9/2008 quy định xử phạt vi phạm hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại. Trong đó có các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như buộc đền bù thiệt hại cho khách hàng; Tịch thu số tiền gian lận vào ngân sách nhà nước; Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các loại giấy phép...

Vì các lý do nêu trên, ngày 12/12/2008 Bộ Khoa học và Công nghệ đã soạn thảo và có Tờ trình Chính phủ số 3110/TTr-BKHCN về việc ban hành Nghị định Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong đó có việc thay thế Nghị định số 126/2005/NĐ-CP ngày 10/10/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghi định số 95/2007/NĐ-CP ngày 04/6/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2005/NĐ-CP ngày 10/10/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa với mức phạt tiền cao nhất lên đến 30.000.000 đồng và buộc thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền thu lợi bất hợp pháp theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi thì các biện pháp xử phạt này vẫn chưa đủ mạnh, cần có quy định ở mức cao hơn mới có thể ngăn chặn được các hành vi vi phạm về đo lường, chất lượng xăng dầu.

Nhiều địa chỉ nhận khiếu nại gian lận xăng dầu

- Trong trường hợp phát hiện ra các cây xăng có dấu hiệu gian lận, người tiêu dùng có thể phản ánh thông tin ở đâu để cơ quan chức năng kịp thời có biện pháp kiểm tra, xử lý?

Khi phát hiện ra các cây xăng có dấu hiệu gian lận, người tiêu dùng có thể phản ánh trực tiếp hoặc gọi điện đến các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương như: Chi cục Quản lý thị trường, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng...

Nhiều Sở KHCN địa phương đã thông báo số điện thoại đường dây nóng trên phương tiện thông tin đại chúng để dân biết, giám sát và thông báo nghi ngờ vi phạm về đo lường, chất lượng xăng dầu cho cơ quan quản lý.

Ngoài ra, người tiêu dùng có thể phản ánh đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.

- Thưa ông, ngoài những bức xúc xung quanh hiện tượng gian lận tại các cây xăng, người tiêu dùng còn nêu một số ý kiến thắc mắc về việc mua phải hàng hoá chất lượng kém. Vậy theo ông, khi mua phải sản phẩm chất lượng kém, người tiêu dùng nên làm thế nào để được đảm bảo về quyền lợi?

Đối với trường hợp mua phải hàng hóa không đảm bảo chất lượng thì người tiêu dùng cần khiếu nại trực tiếp tới tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó hoặc thông qua Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng địa phương để được hướng dẫn giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, các tổ chức, cá nhân phải quy định thời gian bảo hành sản phẩm, nếu hàng hóa người tiêu dùng mua nằm trong thời hạn bảo hành thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm bảo hành sản phẩm. Ngoài phạm vi bảo hành nếu có sai, hỏng, người tiêu dùng có thể khiếu nại đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Xin cảm ơn ông!

Cách phòng tránh bị đong xăng thiếu:

Để tránh bị thiệt hại do gian lận đo lường, ông Ngô Quý Việt khuyến cáo người tiêu dùng nên:

- Mua xăng tại những trạm xăng của các Công ty lớn có uy tín;
- Theo dõi hiệu lực của tem kiểm định (còn hạn không?).
- Theo dõi cách thao tác của người bán xăng như có điều chỉnh về “0” trước khi bơm không?
- Theo dõi bảng hiển thị của chỉ số lít và giá tiền có bình thường không?
- Ước lượng lượng xăng của bình xăng xe máy của mình, nhận mặt cột đo xăng hay bán thiếu để tẩy chay.

  • Gia Linh

Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng,
 hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi!

Đường dây nóng: (091)356-4657 hoặc (04)3772-2729
Email: bvkh@vietnamnet.vn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,