221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1150855
Bài 4: Ngày về hoang mang, ngày trở lại mịt mùng
1
Article
null
Khốn cùng cảnh mất việc giáp Tết:
Bài 4: Ngày về hoang mang, ngày trở lại mịt mùng
,

 - Mọi năm, ngoài 20 Tết mới thấy công nhân kéo nhau về quê , thậm chí đến tận 29 Tết có người mới về vì công ty cho nghỉ muộn. Nhưng năm nay, ngay từ đầu tháng chạp, có khi cách đó cả 2 tháng, đã có nhiều công nhân lên xe về quê. Mất việc, việc không ổn định đã khiến nhiều người phải về quê sớm. Nếu như mọi năm, được về quê, ai cũng háo hức vui mừng thì năm nay gương mặt nào cũng buồn rười rượi, vì họ không biết sau Tết có cơ hội trở lại hay không...

Cứ về đã, rồi tính

Tại Bến xe miền Đông (TP.HCM), chị Nguyễn Thị Bé (quê Thái Bình) mệt mỏi kéo lê chiếc túi xách cũng chẳng lấy gì làm nặng lắm, nhưng có cảm giác như chị đang kéo cả một tảng đá. Chị tâm sự: Vào Sài Gòn làm 7 năm, lâu lâu mới được về quê ăn Tết nên năm nào có ý định về là háo hức chuẩn bị từ mấy tháng trước. Rồi sau đó hẹn hò với mấy chị em cùng làng mua vé về chung cho vui. Và khi ra bến xe thì ai cũng tíu tít, cười nói rộn ràng.

Năm nay thì ngược lại. Về mà không thấy vui chút nào. Một vài chị cùng làng đã về từ trước đó cả tháng, do công ty đóng cửa, nhưng không xin được việc mới. Mọi người về lẻ tẻ chứ chẳng ai đợi được ai như năm ngoái.

Chị Bé cho biết, cách đây gần 1 tháng, công ty chị đóng cửa, đột nhiên chị trở thành người thất nghiệp. Chị đã đi xin việc nhưng không được. Nếu cứ ở lại thì sẽ không có tiền tiêu nên được mẹ động viên, chị gom góp những đồng tiền cuối cùng đủ mua vé xe rồi về quê. Chị ngậm ngùi: “Về mà chẳng biết ra Tết có vào lại được không nên tôi thấy nản và hoang mang lắm. Nhưng mặc kệ, cứ về đã rồi tính sau”.

Hai vợ chồng quyết định đưa con về quê sớm, ra Tết rồi tính. Ảnh: Hà Dịu
Cùng quê với chị Bé, chị Trần Thị Ngọc Hạnh đã về quê trước đó cả tháng do công ty ngừng hoạt động. Từ Thái Bình, trao đổi qua điện thoại, chị Hạnh cho biết quyết định về sớm vì nghĩ có ở lại cũng khó xin việc, vì cận Tết rồi. Ở lại sống vật vờ còn khổ nữa. Suy đi tính lại, tốt hơn hết là về giúp mẹ... cấy mấy sào ruộng. Ra Tết, nếu thấy tình hình khả quan thì lại vào sống đời công nhân, còn không thì ở nhà tiếp tục làm... nông dân.

Chị nói với vẻ dửng dưng, bất cần nhưng có lúc lại rất chua chát. Chị vào Sài Gòn làm công nhân vì sợ cảnh "chân lấm tay bùn". Tha hương bao nhiêu năm với hi vọng đổi đời, nhưng lại trở về với 2 bàn tay trắng, và có thể sẽ phải quay lại kiếp sống "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". "Nghĩ mà ngao ngán" - chị nói.

Và chắc chắn, năm nay, cái Tết của chị Bé, chị Hạnh sẽ không trọn vẹn khi "cái án thất nghiệp" còn treo lơ lửng trên đầu và phía trước là một tương lai ảm đạm, chưa có dấu hiệu nào cho thấy có "ánh sáng cuối đường hầm".

10 năm vào Sài Gòn làm công nhân, từ khi còn là thiếu nữ, đến nay khi đã bước sang cái tuổi “toan về già”, chị Hồ Thị Ngọc Hạnh (Hưng Yên) vẫn chưa tìm được cho mình một mái ấm. Và tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Đã thế, vừa rồi công ty đột ngột đóng cửa, bỗng dưng chị rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Quá mệt mỏi sau những năm tháng xa quê sống kiếp tha hương nơi xứ người, chị quyết định về quê, lại gắn bó với mảnh ruộng.

Chị tâm sự: "Tôi nghĩ trở lại thành phố mà thấy tương lai mù mịt thì thà ở nhà với mẹ còn hơn. Ai dám đảm bảo là trở lại đó sẽ xin được việc ngay và ai dám chắc xin được việc rồi có thể làm được lâu dài". Chị Hạnh cũng kể cùng công ty với chị có chị Lê Thị Mỹ, sau khi công ty đóng cửa, chị xin việc được ở một công ty khác, nhưng cũng chỉ làm được nửa tháng thì chính công ty mới đó cũng đóng cửa. Chán nản, chị Mỹ cũng bỏ về quê luôn và không có ý định trở lại.

Tại Bến xe miền Đông, trong khi đứng chờ xe tới, vợ chồng anh Hòa (quê Vĩnh Phúc) cho biết: "Chúng tôi đã trả phòng trọ và quyết định về luôn, chấm dứt đời công nhân, chứ quanh năm vất vả, con gái phải gửi lại quê mà việc thì bấp bênh lúc có lúc không. Nghe nói qua Tết tình hình cũng chẳng khá hơn nên chúng tôi quyết định về quê làm ruộng, vừa không sợ đói, vừa được ở gần con".

Vợ chồng anh Hòa có một con gái 2 tuổi nhưng phải gửi về quê cho ông bà nuôi giúp vì chi phí gửi trẻ trong này quá cao, hai vợ chồng đi làm nhưng cũng không đủ lo cho con với tình hình cái gì cũng đắt đỏ. Cực chẳng đã, anh chị đành phải chấp nhận xa con. Nhưng vừa rồi, công ty của anh chị ngừng sản xuất, hai vợ chồng quyết định từ giã đời công nhân, trở về quê.

Không chỉ chị Hạnh, chị Mỹ, vợ chồng anh Hòa, rất nhiều công nhân khác đã quyết định về quê hẳn vì cảm nhận rõ, nếu ở lại, thì chỉ thấy một tương lai mù mịt, không lối thoát.

“Ở lại thì buồn, mà về quê cũng… chẳng vui”

 

Chỉ còn chưa đầy chục ngày nữa là đến tết, nhưng những ngày này, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) với gần 2 vạn công nhân vẫn vắng vẻ như ngày thường. Phần đông, công nhân ở đây đều đang rất khó khăn vì mất việc làm nên mỗi khi nhắc đến Tết thì lòng họ lại như trĩu nặng. 

 

Gặp Mai, quê ở Hà Tĩnh, công nhân của Công ty Masuo đang thẫn thờ trên đường từ KCN Bắc Thăng Long về khu trọ làng Bầu. Mai cho biết: “Năm nay ngành ô tô thế giới đang điêu đứng nên công ty của em chuyên sản xuất phụ tùng ô tô cũng  chịu ảnh hưởng nặng. Trong đợt giáp Tết này, em vừa nhận được quyết đinh thôi việc của công ty do chính sách giảm hơn 100 công nhân dịp cuối năm".

 

Nhiều công nhân KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) chưa dám nghĩ đến chuyện... Tết - Ảnh: Vũ Điệp

Mất việc, không có tiền nên Tết này Mai đành phải ở lại để đi xin việc mới. Giọng buồn rầu, Mai bộc bạch: “Tết không thể về quê cùng gia đình em rất buồn, nhưng vì đã mấy tháng nay không có việc làm nên chẳng tích cóp được đồng nào, em đành chấp nhận ở lại sống vật vưởng cho qua mấy ngày Tết rồi đầu năm đi tìm việc mới”.

 

Cũng như Mai, nữ công nhân Hoa quê ở Sơn La, làm công nhân ở Công ty Canon, nhưng Tết đã đến cận kề mà số tiền Hoa dành dụm tích cóp được cũng không đáng là bao. Hoa tính sẽ không về quê ăn Tết.

 

“Quần quật tha hương làm việc cả năm trời chỉ mong đến Tết về đoàn tụ cùng gia đình. Nhưng năm nay tiền không có, tiền lo về quê đã khó rồi chứ em chưa dám nghĩ đến chuyện lo tiền đầu năm quay ra đi tìm việc” - Hoa thành thật cho biết.

 

Không đắn đo ở lại như Mai và Hoa,  Minh, công nhân của Công ty Nissei cho biết, Tết nay dù không có tiền cũng sẽ vẫn về quê. Ít ai biết, chỉ mới mấy hôm trước, Minh còn điện về cho bố mẹ thông báo Tết nay sẽ không về vì không có tiền gửi về giúp bố mẹ lo Tết. Nhưng sau đó anh lại nhận được quyết định nghỉ hưởng 70% lương và sau đó là quyết định thôi việc.

 

“Về quê chưa biết sẽ làm việc gì, nhưng chắc chắn sau Tết em sẽ không quay lại khu công nghiệp nữa, vì có ra thì cũng không thể xin được việc làm, nhất là khi tình hình kinh tế còn khó khăn kéo dài” - Minh nói.

 

Trong những ngày này, chị Lê Thị Lý (Bắc Giang), công nhân của Công ty Hoya sau khi nhận quyết định thôi việc cũng quyết định về quê sống để tìm một công việc khác làm. Chị bảo mình sẽ không nghĩ tới chuyện quay lại đi làm công nhân nữa.

 

Chi  Lý nói: “Làm công nhân vất vả quanh năm, tưởng chịu khó tích cóp rồi cũng có đồng ra đồng vào về quê tiêu Tết, nhưng ai ngờ lại rơi vào tình cảnh thất nghiệp, không có việc làm. Nhiều đêm nằm nghĩ mà buồn, không muốn có Tết nữa! ”.

DN cũng... chưa biết đi đâu về đâu!

Không chỉ công nhân hoang mang chưa biết tương lai sau Tết sẽ như thế nào, mà bản thân nhiều doanh nghiệp khi đóng cửa, ngừng hoạt động cũng chưa biết tương lai sẽ thế nào. Nhiều doanh nghiệp cho biết, chỉ tạm đóng, nhưng khi được hỏi bao giờ hoạt động trở lại thì họ không có câu trả lời.

Đại diện Công ty TNHH AirCamp (100% vốn Hàn Quốc), một doanh nghiệp đã phải đóng cửa trong thời gian vừa qua cho biết:, công ty chủ yếu là may gia công nên phải có đơn đặt hàng của đối tác thì mới hoạt động được. Giờ không còn đơn hàng, công ty chẳng biết sản xuất cho ai nên đành chấp nhận đóng cửa, mặc dù chưa biết ra Tết có khả năng mở lại hay không.

Ngồi chờ xe trong tâm trạng thấp thỏm không biết ra Tết có cơ hội trở lại hay không. Ảnh: Hà Dịu
Đa số các doanh nghiệp đóng cửa do không có đơn hàng sản xuất hoặc do giá nguyên vật liệu tăng, mà đơn hàng thì ký theo giá cũ nên bị lỗ, không tiếp tục duy trì được. Qua khảo sát của LĐLĐ các quận, huyện tại TP.HCM, 90% các doanh nghiệp đóng cửa từ đầu quý III/2008 đến nay tập trung vào các doanh nghiệp ngành dệt may, giày da.

Điều đáng nói là có rất nhiều doanh nghiệp đã từng hoạt động ổn định nhưng sau đó lại rơi vào tình cảnh khó khăn và phải đóng cửa. Cũng có nhiều doanh nghiệp vẫn còn khả năng nhưng do không có đơn hàng mà cứ phải trả lương chờ việc cho công nhân nên phải chọn giải pháp tạm đóng cửa, chờ có đơn hàng rồi mở cửa trở lại.

Họ chấp nhận phải tuyển công nhân mới, như trường hợp của Công ty Sunrising Kim vina, đóng cửa vào đầu tháng 11 vừa qua, công ty phải thông báo với công nhân tạm đóng cửa trong vòng 4 tháng để công nhân đi tìm việc mới, vào tháng 3/2009, công ty sẽ mở cửa và công nhân nào còn nhu cầu thì vẫn có thể quay trở lại.

So với Công ty Sunrising Kim vina thì tình hình của nhiều công ty không được sáng sủa như vậy. Đa số các doanh nghiệp khi đã tuyên bố đóng cửa đều không hẹn ngày trở lại. Và khi nơi chủ động tạo ra việc làm cho công nhân mà còn chưa biết tương lai của mình thế nào thì làm sao công nhân có thể đặt niềm tin và hi vọng vào họ. Chính vì thế, mà sau khi công ty tuyên bố đóng cửa, nhiều công nhân đã quyết định về quê luôn.

Theo dự báo thì năm 2009 kinh tế sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, trong khi đó, đây còn là thời điểm thực hiện lương tối thiểu mới và bảo hiểm thất nghiệp. Riêng chi phí tiền lương đã tăng khoảng 20%, chưa kể phải đóng BHXH theo lương mới sẽ gây nhiều áp lực cho doanh nghiệp. Một tương lai không lấy gì làm sáng sủa đang chờ đợi nhiều doanh nghiệp ở phía trước, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

  • Hà Dịu - Vũ Điệp - Vũ Hoàng

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;