221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1153097
Cạn vé tàu Tết, nhà xe tha hồ chặt chém
1
Article
null
Đà Nẵng:
Cạn vé tàu Tết, nhà xe tha hồ chặt chém
,

 - Vé tàu đã cạn, giá vé xe tăng chóng mặt khiến hàng chục ngàn sinh viên, công nhân từ nơi khác đến Đà Nẵng học tập, làm việc rất lao đao chuyện về quê đón Tết.

 

Ga Đà Nẵng đông nghịt khách trong những ngày giáp Tết Ảnh: HC

Vé tàu Tết đã cạn

 

Theo thông tin từ ga Đà Nẵng, đến thời điểm này, vé ghế cứng các tàu TN đã hết, chỉ còn tàu SE nhưng giá rất cao. Bình thường giá vé tàu SE đã cao hơn tàu TN khoảng 20% và vào dịp cận Tết còn tăng khoảng 26%. Hiện giá vé ghế ngồi cứng điều hòa, từ Đà Nẵng đi Huế là 45.000 đồng, đi Đồng Hới 116.000 đồng, đi Vinh 202.000 đồng, đi Thanh Hóa 264.000 đồng, đi Nam Định 302.000 đồng, đi Hà Nội 338.000 đồng/vé...

 

Với mức giá này, hơn 30.000 sinh viên từ các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung bộ… đến Đà Nẵng học tập và khoảng 40.000 công nhân từ các địa phương khác đến đây lao động kiếm sống đang gặp rất nhiều khó khăn khi muốn về quê ăn Tết. Đặc biệt, năm nay phải đến 25 tháng Chạp âm lịch, sinh viên nhiều trường mới thi xong. Lúc này mà kéo ra ga thì chỉ có nước “méo mặt” quay về.

 

Lê Thị Dung, từ Thanh Hoá vào học tại trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết, do lường trước việc giá vé tàu sẽ khan hiếm và tăng cao trong dịp cận Tết nên em và một số người bạn đã tranh thủ mua từ cách đây 1 – 2 tháng. Tuy nhiên không phải ai cũng kiếm được tấm vé về quê thuận lợi. Riêng Dung chỉ mua được vé của ngày 27 tháng Chạp nên phải chịu mức giá 190.000 đồng (đã giảm 25% cho sinh viên). Nhưng như thế đã là may, nhiều bạn thấy giá vé cao quá cứ chần chừ, đến bây giờ thì bó tay luôn!

 

Để có được tấm vé tàu với giá rẻ hơn, nhiều sinh viên ở Bình Định, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An phải chấp nhận lựa chọn tàu VQ1, 2 vốn được gọi tên là “tàu chợ”. Bình thường đôi tàu này đã rất đông khách, vào dịp Tết thì lượng khách, hàng hoá lẫn mức độ “chợ búa” càng tăng gấp bội. Chưa hết, vì là tàu “chợ” nên tàu VQ chạy rất chậm và phải liên tục nhường đường cho các tàu TN, SE. Cũng vì thế mà sự bầm dập của các “ông nghè” tương lai trên những chuyến tàu này càng tăng theo bội phần.

 

Nhà xe tha hồ chặt chém

 

Trong khi đó, bà Trương Thị Hà, Phó Giám đốc Bến xe Trung tâm Đà Nẵng cho biết, để phục vụ Tết, bến xe này đã tăng đến 60% lượng xe phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách, tuyến Đà Nẵng - Quy Nhơn có trên 100 xe, tuyến Đà Nẵng - Đông Hà có 80 xe và hàng trăm xe các tuyến đường dài, loại từ 15 - 40 chỗ ngồi.

 

Bên cạnh đó, bến xe có chính sách giảm giá vé cuối năm trung bình từ 10 - 15% để phù hợp với giá xăng dầu như hiện nay. Cụ thể, tuyến Đà Nẵng - Huế giảm từ 38.000 đồng xuống còn 35.000 đồng/vé, tuyến Đà Nẵng - Đông Hà giảm từ 50.000 đồng xuống còn 45.000 đồng/vé, tuyến Đà Nẵng - Quy Nhơn giảm từ 85.000 đồng xuống còn 75.000 đồng/vé.

 

Ban quản lý bến xe cũng bắt buộc các chủ xe phải ký cam kết thu tiền vé đúng giá niêm yết, không chạy lòng vòng đón khách gây mất trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, do lượng khách tăng đột biến so với ngày thường nên tình trạng bát nháo, tự tăng giá vẫn đang tăng dần vào những ngày giáp Tết.

 

Sinh viên, công nhân mệt mỏi trả giá xe dù dọc tuyến QL1A Ảnh: HC

Hiện giá vé trên các tuyến xuất phát từ bến xe Đà Nẵng đã tăng 30 – 60%. Công ty cphần Vận Tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng niêm giá một số tuyến như sau: Đà Nẵng - Hà Tĩnh từ 130.000 đồng tăng lên 180.000 đồng đối với xe thường và 210.000 đối với xe chất lượng cao; Đà Nẵng - Hà Nội từ 200.000 đồng lên 300.000 đồng đối với xe thường và 400.000 với xe chất lượng cao; Đà Nẵng - Đăk Nông từ 200.000 đồng lên 300.000 đồng; Đà Nẵng - TP.HCM từ 250.000 đồng lên 420.000 đồng...

 

Giá vé của các công ty vận tải khác cũng tăng tương tự. Ngoài ra, các chuyến xe ngoại tỉnh chạy qua địa phận Đà Nẵng đã tự tăng giá vé từ 30 - 40% so với ngày thường, ngay cả những chủ xe đã ký cam kết không tự tăng giá khi rời bến cũng rất khó kiểm soát.

 

Trước tình hình trên, rất nhiều sinh viên và người lao động phải chọn giải pháp bắt xe dọc đường. Những ngày này, trên khắp các ngả đường xung quanh các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các khu công nghiệp ở Đà Nẵng xuất hiện rất nhiều sinh viên, công nhân tay xách nách mang mệt mỏi, lo lắng đứng trên vỉa hè chờ xe. Nhưng họ không biết rằng, đây cũng chính là dịp để các nhà xe kiếm ăn!

 

Với đồng lương còm cõi, chị Hồ Thị Nga, công nhân trong khu công nghiệp Hoà Khánh phải đứng từ sáng đến chập tối để trả giá nhưng rốt cuộc vẫn phải chấp nhận về quê ở Hà Tĩnh với giá 150.000 đồng, so với ngày thường chỉ có 80.000 đồng. Còn sinh viên Lê Văn Hiếu ở trường Cao đẳng Công nghệ thì phải mất đến 2 ngày mới đón được xe về quê với giá 200.000 đồng, trong khi bạn cùng quê về trước đó 2 ngày chỉ tốn 130.000 đồng...

 

Tết năm ngoái, nhiều người phải chấp nhận bị nhồi nhét đến nghẹt thở trên những chiếc xe “chất lượng cao” với giá cao, năm nay tình hình cũng chẳng khác hơn. Mới đây, chiều 16/1, tại Km 7 trên đường từ QL1A rẽ vào cửa hầm phía Nam hầm đường bộ Hải Vân, đội tuần tra kiểm soát của trạm CSGT Kim Liên phát hiện xe khách 43K-9175 do Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1967, trú tổ 29, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) điều khiển chạy theo hướng Đà Nẵng – Hà Nội chở vượt số khách quá quy định.

 

Chiếc xe này xuất phát từ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng với sức chở cho phép là 43 người. Nhưng chỉ mới chạy được vài chục km thì số khách trên xe đã tăng lên đến 68 người. Lực lượng CSGT đã di lý chiếc xe này về bến, yêu cầu nhà xe chuyển toàn bộ số khách trên xe sang hai xe khác để tiếp tục hành trình. Tài xế Nguyễn Văn Hùng bị cơ quan công an tước giấy phép lái xe 30 ngày, chiếc xe 43K-9175 cũng bị tạm giữ 10 ngày theo quy định.

 

Tuy nhiên, các nhà xe chẳng lấy đó làm… sợ. Hiện trên tuyến QL1A, ở đoạn từ cầu vượt Hòa Cầm, dọc theo đường Trường Chinh đến Ngã ba Huế, dọc đường Tôn Đức Thắng… có rất nhiều xe khách chọn các cây xăng làm điểm đón khách dọc đường khiến lực lượng chức năng rất khó xử lý.

 

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP Đà Nẵng cho biết, với các xe này chỉ có thể xử lý hành chính, phạt đậu đỗ sai quy định với số tiền từ 200.000 – 400.000 đồng. Một số chủ xe bất chấp bị phạt cứ lượn lờ, quan sát thấy lực lượng CSGT không có là tấp vào. Họ chỉ cần bắt thêm một vài khách là đủ bù số tiền bị phạt mà thôi!

  • Hải Châu
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,