- Sau khi "trả nhầm" tiền cho kẻ đã ăn trộm sổ tiết kiệm và chứng minh thư của người khác rồi giả chữ ký, rút tiền trong sổ, Ngân hàng NN&PTNT chưa biết phải chịu trách nhiệm thế nào đối với khách hàng của mình.
Bị người quen trộm sổ tiết kiệm
Ngày 28/5/2008, chị Nguyễn Thị Mai, quê Bắc Giang, tạm trú tại số nhà 68, tổ 3, làng Thành Công, Ba Đình, Hà Nội, gửi số tiền 626.932.000 đồng tại sở giao dịch số 2 Láng Hạ, Ngân hàng NN&PTNT.
Đến ngày 24/7/2008, chị Mai đã rút ra 350.000.000 đồng, số tiền còn lại trong sổ tiết kiệm là 276.932.000 đồng.
5 tháng sau, ngày 24/12/2008, chị Mai phát hiện ra sổ tiết kiệm bị mất nên vội đến ngân hàng trình báo, thì được nhân viên giao dịch cho biết, tiền trong sổ đã rút sạch từ ngày 11/11/2008.
Quá ngỡ ngàng, chị Mai đã làm đơn với nội dung cam đoan chị không hề rút tiền vào ngày 11/11/2008 và đề nghị ngân hàng làm rõ.
Sau đó ngân hàng đã phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế, Công an Thành phố Hà Nội tiến hành xác minh, bắt kẻ gian đã lấy cắp sổ tiết kiệm và giả mạo chữ ký của chị Mai để rút tiền.
Ảnh minh họa. |
Chị Mai cho biết, trước đó Nết và chị Mai ở chung một nhà thuê. Chị Mai ở tầng 5, còn Nết ở tầng 4. Chị Mai coi Nết như chị em gái nên Nết đã có cơ hội để lấy trộm sổ tiết kiệm và chứng minh thư của chị Mai để ra ngân hàng rút tiền.
Theo cơ quan công an, Nết đã mang sổ tiết kiệm và chứng minh thư của chị Mai ra ngân hàng rồi giả chữ ký của chị Mai, rút được số tiền gần 300 triệu đồng trong sổ tiết kiệm.
Theo khai nhận ban đầu của Nết, do biết chị Mai có khoản tiền gửi tiết kiệm, Nết đã vào phòng của chị lấy cuốn sổ tiết kiệm. Sau khi lấy trộm được sổ tiết kiệm và số tiền trên, Nết lập cho mình sổ tiết kiệm 100 triệu đồng và dùng số tiền còn lại ăn chơi, cho người thân vay.
Qua khám xét nơi ở của Nết, cơ quan điều tra đã thu được sổ tiết kiệm của Nết gửi và tiếp tục điều tra vụ việc.
Ngân hàng không chịu trách nhiệm về sai sót của mình?
Chị Mai cho biết, sau toàn bộ sự việc kể trên, chị Mai đã đến làm việc với Ngân hàng vào ngày 30/12/2008, nhưng quan điểm của Ngân hàng NN&PTNT là: “Căn cứ vào điều 20 QĐ 123, nếu khách hàng không báo mất sổ tiết kiệm kịp thời thì mọi thiệt hại do khách hàng chịu. Nếu thấy cần thiết thì có thể đề nghị Ngân hàng giúp đỡ làm thủ tục đề nghị cơ quan pháp luật xử lý. Mọi chi phí về điều tra làm rõ vụ việc đều do khách hàng chịu”.
Còn về phía chị Mai thì cho rằng: "Thực tế, từ khi công an vào cuộc bắt kẻ gian, sự việc đã “hai năm rõ mười”. Tôi phải cứ chạy theo cơ quan công an để thu hồi tài sản của mình mà chưa được, nghĩ mà uất ức cho cái thân phận khách hàng của mình".
Trao đổi với VietNamNet, chị Mai cho biết: "Tôi đã xem lại mẫu chữ ký của mình, đem so sánh với chữ ký mà Nết đã giả mạo thì thấy là hai chữ ký không hề giống nhau. Bên cạnh đó, ảnh trong chứng minh thư của tôi với ngoại hình của Nết cũng không hề giống nhau, vậy mà ngân hàng vẫn trả tiền cho người giả mạo...".
Vì đang cần tiền, chị Mai đã đến ngân hàng với mong muốn được nhận lại số tiền còn lại trong sổ tiết kiệm đã bị lấy cắp của mình thì được ngân hàng yêu cầu: qua bên công an giải quyết!?
Chị Mai tỏ ra bức xúc: "Tôi nghĩ rằng mình mất giấy tờ chứ đâu phải mất tiền! Kẻ gian đã lừa đảo được ngân hàng, nhưng sơ suất của ngân hàng không phải chịu trách nhiệm gì, đổ hết phần thiệt lên tôi, như vậy có phải tôi bị ngược đãi hay không?".
Ngày 21/1, VietNamNet đã đem những thắc mắc kể trên của chị Mai để trao đổi với ông Nguyễn Tiến Đông, Giám đốc Sở giao dịch số 2 Láng Hạ, Ngân hàng NN&PTNT thì được trả lời tỉnh queo như sau: "Vụ việc đã được bên công an vào cuộc thì để cơ quan công an xử lý"!?
Khách hàng có quyền khởi kiện
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Trần Anh Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Trần cộng sự cho biết, trong trường hợp này, sau khi có văn bản yêu cầu Ngân hàng NN&PTNT trả tiền mà ngân hàng không thực hiện thì khách hàng hoàn toàn có quyền khởi kiện theo Điều 304, 305 và 307, Bộ luật dân sự năm 2005.
Luật sư Trần Anh Tuấn: "Khách hàng hoàn toàn có quyền khởi kiện theo Điều 304, 305 và 307, Bộ luật dân sự năm 2005." Ảnh: Tuyết Nhung. |
Trong trường hợp khách hàng chứng minh được việc chậm trả tiền gây thiệt hại cho họ thì phía ngân hàng còn phải bồi thường cho khách hàng phần thiệt hại do chậm trả theo điều 307 Bộ luật dân sự.
Trả lời câu hỏi của VietNamNet: trong trường hợp này khách hàng có lỗi không khi đã để mất quyển sổ tiết kiệm và 5 tháng sau mới báo cho ngân hàng biết thì ông Tuấn cho rằng: "Đó là phần lỗi của khách hàng, nhưng đó là lỗi do vô ý. Bình thường sổ tiết kiệm người ta cất kỹ trong tủ chứ không ai suốt ngày lôi ra ngắm và đến khi đến hạn, hoặc khi cần mới đem sổ ra và phát hiện mình bị mất".
Cũng theo ông Tuấn, việc công an đã bắt được thủ phạm và đang tiến hành điều tra vụ án thì không có nghĩa ngân hàng có quyền từ chối luôn trách nhiệm của mình đối với khách hàng trong thời điểm đó.
-
Tuyết Nhung
Độc giả: Bùi Trung Khanh
Địa chỉ: Vĩnh Phúc
Ngân hàng cần phải có một phần trách nhiệm và rút ra bài học sâu sắc!
Độc giả: Tống Duy Thanh
Địa chi: 614, CT1, Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, Hà Nội
E-mail: tongdzuy..@gmail.com
Tôi cũng là một khách hàng của Ngân hàng NN&PTNT, khi đọc bản tin của VietNamNet tôi thấy do không dựa vào luật pháp nên ông Nguyễn Tiến Đông, Giám đốc Sở giao dịch số 2 Láng Hạ của Ngân hàng NN&PTNT đã trả lời một cách thờ ơ và thiếu trách nhiệm.
Mọi khách hàng đều được yêu cầu ký tên đến hai lần trong giấy tờ thủ tục mở Tài khoản hoặc Sổ tiết kiệm để tránh sự mạo nhận chữ ký; hơn thế nữa mỗi khi đến lĩnh tiền, nhân viên ngân hàng đều ngắm người so với ảnh của CMT. Thế nhưng, Sở giao dịch số 2 Láng Hạ, Ngân hàng NN&PTNT đã trao tiền cho kẻ gian mà không phát hiện ra chữ ký giả và CMT không đúng của khách hàng. Vậy là phần sai hoàn toàn thuộc về Sở giao dịch số 2 Láng Hạ, Ngân hàng NN&PTNT.
Về phần chị Mai, cũng do chưa hiểu và chưa dựa vào luật pháp nên mới lúng túng và “uất ức cho cái thân phận khách hàng của mình”. Pháp luật sẽ bảo vệ chị, chị Mai ạ.
Tôi thiết nghĩ, Sở giao dịch số 2 Láng Hạ, Ngân hàng NN&PTNT không thể phủi trách nhiệm về cái sai của mình để khách hàng bị thiệt hại.
Độc giả: Quang
Địa chỉ: Huế
E-mail: quang.ht...@gmail.com
Nếu như đi rút tiền tại ngân hàng mà không phải là chủ tài khoản thì phải có giấy ủy quyền của chủ tài khoản cho một người nào đó, việc trả tiền nhầm cho người khác mà không có giấy ủy quyền của ngân hàng như thế là sai. Trong sự việc này, theo tôi trách nhiệm chính phải thuộc về ngân hàng và số tiền trong tài khoản của chị Mai thì ngân hàng phải hoàn trả cho chị.
Độc giả: Phạm Ngọc Biển
Địa chỉ: 116 Huỳnh Văn Nghệ, P15, Q. Tân Bình, TP.HCM
E-mail: phamngocbien20..@yahoo.com
Thật không hiểu nổi tại sao người kẻ gian mang chứng minh của người khác đi rút tiền mà nhân viên ngân hàng lại không đối chiếu kỹ ảnh và chữ ký, lỗi này là do ngân hàng hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Độc giả: Thu Hiền
Địa chỉ: Hoàng Mai - Hà Nội
E-mail: thuhien91...@yoo.com
Theo tôi, người gửi tiền không có lỗi, bởi vì không ai muốn rủi ro xảy ra với chính bản thân mình. Để lấy được tiền trong sổ tiết kiệm thì ngân hàng phải tiến hành một số thủ tục thuộc về nghiệp vụ. Vì vậy, khách hàng yên tâm coi sổ tiết kiệm không phải là tiền. Vì kẻ gian lấy được sổ tiết kiệm khó có thể lấy được tiền nếu như không muốn nói là không thể lấy được tiền nếu nhân viên ngân hàng làm việc có trách nhiệm soi lại chữ ký và chứng minh thư nhân dân của người rút tiền. Kẻ gian đã lợi dụng sơ hở của nhân viên ngân hàng để trộm tiền chứ không phải do sơ hở của người gửi.
Độc giả: Võ Thanh Trắc
Địa chỉ: 11 Phan Huy Ích, Tp Đà Nẵng
E-mail: thanhtrac...@yahoo.com
Trong sự việc này, chị Mai hoàn toàn không có lỗi, việc trình báo chậm là lẽ thường tình vì khi gửi tiết kiệm rồi thì bỏ sổ tiết kiệm vào tủ cất và khi cần mới lấy ra. Lối của Ngân hàng là đã tác nghiệp sai quy trình nghiệp vụ, tại sao Nết cầm chứng minh thư chi Mai nhận tiền mà nhân viên Ngân hàng không kiểm tra hình trên chứng minh thư và người rút tiền, mặt khác theo chị Mai chữ ký người rút tiền và chữ ký đăng ký hoàn toàn khác nhau mà Ngân hàng vẫn đồng ý chi tiền. Như vậy, mặc dù đã tìm ra thủ phạm nhưng tôi đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của Ngân hàng để bảo đảm an toàn cho người gửi tiền.
Độc giả: Ngo Dinh Hung
Địa chỉ: 72, tổ 8b, Vạn Phúc Thượng, Ba Đình, HN
E-mail: hungnd3...@yahoo.com
Tôi là bạn đọc thường xuyên của báo Vietnamnet. Tôi đặc biệt ấn tượng mục BVKH của báo. Mặc dù tôi chưa từng được quý báo đứng ra hỗ trợ bảo vệ quyền lợi chính đáng, nhưng qua một số trường hợp được biết của một số khách hàng đã được báo VNN can thiệp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng tôi hết sức cảm phục và trân trọng quý mến việc làm đó. Trong xã hội ta hiện nay, theo tôi, người tiêu dùng luôn có nguy cơ bị thiệt thòi (nếu xét trong toàn bộ hệ thống các khâu của đời sống kinh tế của xã hội). Luật pháp thì có đấy, nhưng các cơ quan thực thi bảo vệ cho quyền, lợi ích hợp pháp của các cá thể trong xã hội thì thật còn nhiều điều đáng nói.Tôi ước ao, giá như xã hội hiện nay có thêm nhiều tổ chức, cơ quan như mục BVKH của báo VNN thì người tiêu dùng sẽ có thêm chỗ dựa, đồng thời sẽ góp phần thay đổi nhận thức yếu kém của các đơn vị sản xuất, kinh doanh bất chấp thua thiệt của người tiêu dùng,chỉ biết đặt lợi ích (vật chất)của mình lên trên hết, mặc dù họ luôn ra rả quảng cáo rằng nào là khách hàng là thượng đế, chữ tín quý hơn vàng..v.v & v..v.
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi ! Đường dây nóng: Email: bvkh@vietnamnet.vn |