221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1154371
“Vú nuôi” tê giác
1
Article
null
“Vú nuôi” tê giác
,

 - Hai con tê giác, mỗi con nặng hàng tấn lùi lũi tiến về phía Tuấn, miệng khục khặc những âm thanh khó hiểu. Đến gần, chúng cúi gằm mặt đưa ra cái sừng nhọn hoắt cho Tuấn “bảo mẫu” vuốt ve...

Vậy mà một năm về trước, có cho vàng, Thái Ngọc Tuấn (26 tuổi, nhân viên chăm sóc thú Thảo Cầm Viên Sài Gòn) cũng không dám đến gần 2 chú tê giác to con này, nói chi sờ vào chúng.

Ăn, ngủ với tê giác và bị… cắm sừng!

Tuấn nhớ lại: Lúc ấy, Phi Phi và Văn Văn vừa được đưa từ châu Phi về Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Tính hung dữ của thú rừng hoang dã vẫn còn ăn sâu vào máu chúng. Chúng quá nặng nên nhân viên sở thú phải dùng xe cẩu chuyên dụng để chuyển chúng vào chuồng.

"Vú nuôi" Tuấn và Phi Phi, Văn Văn. Ảnh: Trần Duy

Đó cũng là lần đầu tiên Tuấn thấy tê giác thật. Trước giờ chỉ thấy trên tivi hay những bộ phim nói về loài tê giác. Anh tò mò tự hỏi: “Không biết tê giác có dễ thuần phục bằng loài hươu hay voi, báo cọp không?”. Đành phải liều thôi! 

Tuấn ôm chăn mền vào ngủ hẳn ở Thảo Cầm Viên hàng tháng trời. Anh dành phần lớn thời gian quan sát thói quen của loài tê giác từ sở thích ăn uống, giờ giấc ngủ nghỉ đến việc tê giác phản ứng trước những tác động từ đối phương. Khi đã chuẩn bị cho mình kha khá lòng can đảm, Tuấn mới dám tiếp xúc với Phi Phi (con cái, 4 tuổi) và Văn Văn (con đực, 5 tuổi).

Văn Văn có khả năng "măm" hết 70kg cỏ một ngày. Ảnh: Trần Duy

Thị giác của tê giác không được tốt lắm nhưng ngược lại, thính giác của chúng rất nhạy. “Kỷ niệm” đầu tiên giữa “vú nuôi” với Phi Phi, Văn Văn là cú húc như búa giáng ngay lưng “vú nuôi” vào một đêm tháng 12/2008. Hôm ấy, Tuấn mở cửa cho “cô”, “cậu” ăn. Luýnh quýnh thế nào, anh làm rơi thùng đựng thức ăn xuống đất. Văn Văn giật nẩy mình “đóng dấu” cho Tuấn ngay lưng. “Chỉ sây sát nhẹ nhưng cũng là bài học nhớ đời. Dù sao thú cũng là thú” - Tuấn nói, miệng cười tươi. “Sừng tê giác dù sao cũng cứng và lợi hại. Phải cẩn thận để còn lấy vợ, sinh con”.

Lo bị trộm… sừng

Tuấn kể, mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên anh làm trong ngày là chạy ra chuồng xem sừng tê giác còn hay đã bị cắt trộm! Lo xa như vậy vì Thảo Cầm Viên cũng đã từng bị “đạo tặc” chui rào cuỗm mất một số chim quý hiếm.

“Mất sừng tê giác không những mất việc mà có khi đi tù như chơi” - Tuấn thật thà nói. Nhưng có mấy bác nhân viên lâu năm trong sở thú đùa dai trêu Tuấn: “Mày không để người ta lấy mất sừng tê giác nhưng người ta chỉ cần mài một ít sừng ngâm rượu mày cũng tiêu”. Những lúc ấy, chàng “bảo mẫu” chỉ biết gãi đầu gãi tai khổ sở.

Thuần phục tê giác. Ảnh: Trần Duy

Một ngày, Phi Phi và Văn Văn có thể “măm” hết 160kg cỏ voi, cỏ an pha. Chưa kể, chúng có thể “tráng miệng” thêm các món trái cây, ngũ cốc, cám... Hiện Phi Phi và Văn Văn lên cân vùn vụt. Trọng lượng của “cô”, “cậu” đã xấp xỉ 2 tấn và đặc biệt đã đến tuổi... “thành hôn”.

Thạc sĩ Phạm Anh Dũng “bật mí”: đầu năm mới sẽ làm “đám cưới” cho hai “anh, chị”. “Sứ mệnh” của Phi Phi và Văn Văn là sinh cho sở thú những chú tê giác con giống châu Phi đầu tiên tại Việt Nam. Thạc sĩ Dũng nói đến chuyện “cáp đôi” nhưng mấy ngày nay Văn Văn đã đánh hơi có cái gì là lạ ở người bạn cùng chuồng.

Tuấn hóm hỉnh cho biết: “Chúng còn “con nít” lắm! Hễ vuốt ve đứa này nhiều hơn một chút là đứa kia hờn dỗi đòi húc nhau liền”.

"Đám cưới" tê giác

Tuấn luôn miệng nói tê giác dễ thương như “chó con” nhưng lần đầu tiên đứng trước Phi Phi và Văn Văn, chúng tôi không khỏi giật mình dù ngăn cách giữa chúng tôi là dãy hàng rào xung điện. Cái dáng lững thững, lớp da đen trùi trũi, thô ráp; tướng chạy nặng nề rầm rập như đoàn quân ra trận khiến kẻ yếu bóng vía không khỏi hồn bay phách tán. Chỉ có đôi mắt của tê giác là dễ thương. Nó ươn ướt, buồn buồn.

Phi Phi và Văn Văn thỉnh thoảng vẫn "hục hặc" nhau. Ảnh: Trần Duy

Chúng tôi thắc mắc về hai cái tên rất “người” - Phi Phi, Văn Văn của hai con tê giác. Thạc sĩ Phạm Anh Dũng, Đội trưởng Đội Động vật Thảo Cầm Viên Sài Gòn giải thích: con vật nào nhập về sở thú cũng phải có tên gọi để huấn luyện viên, người chăm sóc nhớ. Và thực tế cho thấy, một số loài động vật cũng nhận được tên mình.

Cái tên “Văn Văn” không lấy gì xa lạ, bởi lẽ tên đệm của người đàn ông Việt Nam thường dùng chữ “Văn” nên dùng tên này để gọi tê giác đực. Còn “Phi Phi” là tên nữ khá dễ thương và “Phi” cũng là quê quán của hai con tê giác nên dùng tên này để ghi nhớ xuất xứ của chúng.

Sự có mặt của Phi Phi và Văn Văn tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn là “kỷ lục” trong hơn 144 năm hình thành và phát triển nơi này. Do vậy, “cô”, “cậu” thu hút sự tò mò của khá nhiều người nhất là sau vụ cán bộ ngoại giao của Việt Nam buôn lậu sừng tê giác ở Nam Phi.

  • Trần Duy
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,