- Chừng 7h30’ sáng nay (25/1, tức sáng 30 Tết Kỷ Sửu), tại địa phận xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã xảy ra vụ chìm đò thảm khốc trên sông Gianh.
Tin mới nhất từ Quảng Bình lúc 14h chiều nay (25/1) cho hay, danh sách nạn nhân thiệt mạng trong vụ chìm đò ngang thảm khốc tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cập nhật lúc 13h cùng ngày đã lên tới con số 40 người (xem danh sách cuối bài).
Những tiếng gào xé gọi tên người thân ven bờ sông Gianh ở huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) sáng 30 Tết Kỷ Sửu khi con đò chở gần 80 người gặp nạn khi đi chợ phiên cuối cùng trong năm để sắm Tết. Ảnh: Vũ Hoàng.
Trong số các nạn nhân thiệt mạng có những gia đình có từ 3-4 người con cùng đi trên chuyến đò xấu số này và đều không thoát chết dưới dòng nước lạnh giá sông Gianh.
Lúc 12h10’ trưa nay (25/1) cho hay, chuyến đò ngang qua sông Gianh gặp nạn vào sáng 30 Tết Kỷ Sửu tại địa phận huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đến thời điểm này đã cướp đi 36 tính mạng người dân.
Lực lượng cứu hộ đã tập trung toàn bộ phương tiện, nhân lực, cùng sự giúp sức của đông đảo người dân ven bờ, tỏa vùng tìm kiếm rộng khắp ven sông và trên mặt nước, với chiều dài nhiều km để tìm kiếm các nạn nhân.
Được biết, trước khi gặp nạn, chuyến đò ngang định mệnh của chủ đò Trần Xuân Quý chở tới gần 80 khách qua sông, vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn giao thông đường thủy.
Thông tin 36 người thiệt mạng đến thời điểm 12h trưa ngày 25/1 đã được ông Nguyễn Công Thuật (Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình) xác nhận qua điện thoại. Ông Thuật cũng cho biết thêm hiện công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn vẫn đang được tiến hành với tốc độ nhanh nhất có thể.
Triền đê sông Gianh, đoạn qua huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình chiều 30 Tết Kỷ Sửu. Ảnh: Duy Tuấn.
Đến trưa nay, theo người dân tại hiện trường vụ đắm đò, số người chết tìm thấy đã lên đến 20 người, còn lại đội cứu hộ của huyện và xã đang tiếp tục tìm kiếm trên sông Gianh.
Được biết, chủ chuyến đò ngang xấu số này tên Nguyễn Xuân Quý (sinh năm 1976), trú tại thôn Vân
Thông tin ban đầu từ Quảng Bình cho biết, khi gặp nạn, trên con đò ngang chở người qua sông Gianh sáng 30 Tết Kỷ Sửu này chở 60 – 70 người.
Đây là số bà con ở xã Quảng Hải sang chợ xã Quảng Thanh bên kia sông (bờ Bắc) để đi chợ mua lương thực, thực phẩm chuẩn bị đón Tết Kỷ Sửu trong phiên chợ cuối cùng trong năm.
Đến 10h30’ sáng cùng ngày, thông tin từ ông Đậu Minh Ngọc (Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch) cho VietNamNet hay, các đơn vị cứu hộ đã vớt được 16 người từ dưới sông lên bờ. Trong số đó, 10 người đã chết.
Hàng ngàn người dân đã tập trung ra ven2 bờ sông Gianh để trông ngóng tin tức người thân và giúp đỡ các cơ quan chức năng tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi chuyến đò định mệnh chìm sáng 30 Tết. Ảnh: Vũ Hoàng.
Hiện tại, lãnh đạo tỉnh Quảng Binh đang cấp tốc tới hiện trường để chỉ đạo giải quyết vụ việc.
Trao đổi nhanh qua qua điện thoại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Công Thuật cho hay Quảng Bình quyết định chi hỗ trợ khẩn cấp cho các hộ gia đình có người bị thiệt mạng 5 triệu đồng để khắc phục hậu quả ban đầu.
Tang thương tuyến giao thông duy nhất
Độc giả Cao Ngọc Lợi, Chòm Nam, Quảng Hải, Quảng Trạch, Quảng Bình gửi thư về toà soạn viết:
Giao thông duy nhất để nối 2 bờ sông Gianh chính là những chuyến đò ngang và đò dọc, những phương tiện giao thông bằng thuyền máy (có gắng động cơ) đơn giản, phương tiện cứu hộ sơ sài.
Tôi là một người con của quê hương đã xa quê lập nghiệp từ nhiều năm nay, nhưng cứ mỗi lần về thăm nhà đều phải "lụy" vào những chuyến đò "mạo hiểm" này.
Cách quản lý, khai thác những chuyến đò này đều phải thông qua hình thức đấu thầu, và đều do UBND xã Quảng Hải quyết định. Điều đáng nói là phương tiện vận chuyển trên những luồng giao thông này rất sơ sài, chủ yếu là thuyền nhỏ, tải trọng khoảng 3 tấn có gắn động cơ Diezel, phao cứu hộ chỉ được gắn vài cái cho vui mắt, chứ không đảm bảo an toàn khi có tai nạn xảy ra.
Những cỗ quan tài chở vội ra bến sông, khi những người mẹ vẫn ngóng con về từ vùng nước lạnh sông Gianh. Ảnh: Vũ Hoàng.
Mặc dầu đây là một vùng quê nghèo của huyện, nhưng phí qua đò quá cắt cổ. Cứ một lượt đi về người dân phải trả 6 ngàn/lượt cho một người và một xe máy. Một chi phí được xem là "cắt cổ" mà lẽ ra những người lãnh đạo của xã cần phải suy nghĩ, đằng này chi phí này lại do UBND xã ấn định nhằm thu "ngân sách" cho xã. Thiết nghĩ những vị lãnh đạo này có đáng là niềm tin của nhân dân không?
Bao nhiêu năm nay người dân phải chịu cảnh "qua sông thì phải lụy đò" này, ai cũng hiểu phí qua đò là quá đắt, nhưng không ai nói được điều gì vì dân ở đây chủ yếu là người dân chân đất, họ chỉ làm theo hướng dẫn của UBND...
Nhà 4 người, vắng một, hóa mênh mông... trong cái Tết Kỷ Sửu này. Ảnh: Vũ Hoàng.
Nhiều sự thật chưa biết về bộ máy quản lý của chính quyền xã còn bộc lộ nhiều điểm yếu, chuyện chuyến đò cũng là một điển hình trong số đó. Mong rằng các cơ quan ban ngành liên quan sớm vào cuộc để điều tra về sự cố chìm đò mà lẽ ra không nên có này. Đây là một bài học nhãn tiền cho chính quyền xã.
Danh sách 40 nạn nhân thiệt mạng trọng vụ đắm đò ngang sông Gianh tại huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) tính đến 13h ngày 25/1 (30 Tết Kỷ Sửu):
1 - Nguyễn Thị In 2 – Cao Thị Trửa 3 - Phạm Thị Hình 4 – Cao Thị Hồng 5 – Cao Thị Tuyết 6 – Cao Thị Tải 7 – Cao Thị Hà 8 – Cao Thị Hiền 9 - Nguyễn Thị Tiến 10 - Phạm Thị Tơ 11 – Cao Minh Đức 12 - Nguyễn Hữu Thắng 13 – Cao Thị Lan 14 - Phạm Thị Mai 15 – Cao Thị Lương 16 – Cao Thị Phương 17 - Phạm Thị Thủy 18 – Cao Thị Tuyển 19 – Cao Thị Thanh 20 – Mai Thị Bình 21 – Cao Thị Lan 22 – Cao Thị Nga 23 – Cao Thị Nhung 24 – Đoàn Thị Hà 25 – Cao Thị Oanh 26 - Nguyễn Thị Bình 27 - Phạm Thị Thoán 28 – Cao Thị Hoạt 29 – Cao Thị Bé 30 - Phạm Thị Bầu 31 - Nguyễn Văn Tuấn 32 - Nguyễn Thị Thiết 33 – Đoàn Thị Lan 34 – Cao Xuân Hòa 35 - Nguyễn Thị Thanh 36 – Cao Thị Huyền 37 – Cao Thị Tởi 38 – Lê Xuân Hiền 39 - Cao Thị Vân 40 – Cao Minh Tường |
VietNamNet tiếp tục cập nhật thông tin diễn tiến vụ tai nạn đường thủy thảm khốc này.
-
Bùi Thống - Hoàng Sang - Vũ Hoàng - Duy Tuấn.