- 7h30 sáng ngày 25/1 (30 Tết), chuyến đò định mệnh chở 80 khách đi chợ Tết qua sông Gianh (xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) bị chìm khiến 40 người tử nạn. Và tại TP.HCM, vẫn còn đó những chuyến đò “đánh cược” mạng sống với tử thần.
Sự cố xảy ra tại sông Gianh đã làm người dân cả nước bàng hoàng. Một cái Tết đau thương đối với bà con vùng đất Quảng Trạch.
Đây không phải là thảm họa chìm đò đầu tiên. Trước đó, những chuyến đò ngang đã cướp đi hàng chục sinh mạng dường như vẫn chưa làm nao núng những người liên quan.
Sự đau thương ấy, lẽ ra phải khiến nhiều người dân và cả cơ quan chức năng ở những địa phương khác trên cả nước cảnh tỉnh. Thế nhưng...
Áo phao chỉ để làm “kiểng”
17h ngày 29/1 (mồng 4 Tết), chúng tôi có mặt tại một bến đò trên đường Trần Xuân Soạn trước nhà số 853 (phường Tân Hưng, Q.7, TP.HCM).
Con đò nhỏ chở trên đó vài người khách và xe máy. Những chiếc áo phao màu vàng được gói gọn trong một chiếc sọt.
Đò ngang trên bến Phú Định. Ảnh: Lê Du An |
Khách vẫn ung dung trong khi nước triều trên dòng kênh Tẻ mỗi lúc một dâng cao.
Một chiếc xà lan vụt ngang qua. Sóng đánh nhấp nhô làm đò ngang chao đảo. “Nếu không may sự cố xảy ra, liệu những người khách trên đò có kịp rút áo phao trong chiếc sọt kia không?” - chúng tôi tự hỏi.
Hàng chục người khách trên chuyến đò Hoàng Đạo Thúy và Rạch Cát chỉ có dăm ba áo phao treo dọc mạn đò. Ảnh: Lê Du An |
Ở Bến Đá, cuối đường Phạm Thế Hiển (P.7, Q.8) những chuyến đò sang sông Cần Giuộc và Rạch Cát cũng trong tình trạng như thế.
Một chuyến đò từ bến Hoàng Đạo Thúy (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh) chuẩn bị tách bến sang bên này sông, trên đó đầy ắp khách và xe. Vài chiếc áo phao treo chiếu lệ dọc mạn đò.
Cách đó không xa, bến Phú Định cũng không khác hơn. Nhiều chuyến đò trên đó chỉ treo sẵn khoảng dăm ba chiếc áo phao trong khi số khách lên đến vài chục người.
Trước bến đò, một biển nội quy đi đò đã hoen rỉ. Cố gắng mãi mới đọc được nhưng không có khoản nào buộc người đi đò phải mặc áo phao. Ảnh:Lê Du An |
Một tài công cho biết: “Trước đây, chúng tôi sắm đủ nhưng không ai chịu mặc. Dần dần thành thói quen nên cũng chỉ treo sẵn mỗi khi có kiểm tra thì mình cũng đủ”.
Tại bến đò Long Sơn (ấp cầu Ông Tán, phường Long Bình, Q.9), hàng chục chiếc đò đưa khách qua cù lao Long Sơn tấp nập vào những ngày Tết. Vậy mà, áo phao chỉ treo sẵn trên nóc mui “làm cảnh”.
Sông Đồng Nai vốn là một con sông hung dữ bởi nơi đây là đường thủy nội địa huyết mạch với những ghe tàu lớn qua lại ngược xuôi. Thế mà những người cầm giữ sinh mạng của hàng chục con người trên đò vẫn không một chút âu lo.
Chuyện đau lòng sao vẫn mãi tái diễn?
Ngày 15/5/2003, tại bến Cà Tang trên sông Thu Bồn (Quảng Nam) 18 em học sinh trên đường đến trường đã bị chết đuối khi chuyến đò sang sông bị chìm.
Ngày 26/8/2004, tại Cửa Lục (Quảng Ninh) một vụ lật đò đã làm 19 người chết và mất tích. Chưa hết, trên sông Lam (Nghệ An), tại bến đò Chôm Lôm, một vụ đắm đò khác cũng đã làm cho 19 học sinh thiệt mạng.
Con số thảm họa về người chết vì những chuyến đò ngang không an toàn chưa dừng lại? Sẽ còn những thảm họa tiếp tục gieo rắc kinh hoàng cho người dân ở những vùng sông nước cách trở mà phương tiện giao thông chính là đò ngang?
Hàng chục người khách trên đò Long Sơn không mặc áo phao. Ảnh: Lê Du An |
Theo số liệu thống kê của ngành giao thông vận tải, cả nước có trên 2.300 bến khách sang sông, dọc tuyến trong đó có khoảng 1.000 bến chưa có giấy phép hoạt động. Số phương tiện chở khách lên đến trên 3.000 và 6.000 người điều khiển nhưng đã có gần 2.000 người chưa có bằng, chứng chỉ chuyên môn. Những yếu tố này đã góp phần đáng kể vào nguyên nhân xảy ra tai nạn lật đò, đắm đò.
Con số 2.304 người chết và mất tích, 483 người bị thương 1.949 phương tiện bị chìm gây thiệt hại khoảng 87 tỉ đồng trong khoảng thời gian từ 1997 đến 2006 có lẽ cũng đáng cho chúng ta suy ngẫm.
Riêng tại TP.HCM, theo số liệu của ban An toàn giao thông, trong năm 2008, đã xảy ra 33 vụ tai nạn giao thông đường thủy làm 4 người chết và 1 người bị thương. Số tai nạn này tăng 10 vụ so với năm 2007.
Bến đò Phú Định. Ảnh: Lê Du An |
Đặc biệt, sau những thảm họa nêu trên, đã có quy định buộc các chủ đò, thuyền làm nhiệm vụ đưa người sang sông phải trang bị áo phao và phao cứu sinh. Những người tham gia trên những chuyến đò, phải mặc áo phao nhưng thực tế đã cho thấy . . . “áo phao chỉ để làm kiểng”.
Nhìn lại những thảm họa đã xảy ra, nếu những người trên những chuyến đò oan nghiệt kia có chiếc áo phao trên người, chắc chắn con số thương vong đã giảm hơn nhiều.
-
Lê Du An