221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1156461
Vụ chìm đò 42 người chết: "Đẩy" trách nhiệm sang chủ đò!?
1
Article
null
Vụ chìm đò 42 người chết: 'Đẩy' trách nhiệm sang chủ đò!?
,

 - Liên quan đến vấn đề trách nhiệm của các cấp trong vụ đắm đò tại xã Quảng Hải (Quảng Bình) khiến 42 người thiệt mạng sáng 30 Tết, các bên liên quan đều sẵn sàng nhận... một phần trách nhiệm trước thảm họa. Tuy nhiên, trách nhiệm cuối cùng được "đẩy" sang cho chủ đò và ý thức của người dân!

 

Xã và huyện: Sẵn sàng chịu bất kỳ hình thức kỷ luật nào!

 

Tiếp xúc với VietNamNet, ông Đoàn Xuân Thiện - Chủ tịch UBND xã Quảng Hải cho biết: ”Vụ tai nạn ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Nguyên nhân là do thuyền chở quá trọng tải, người dân lúc đó ai cũng muốn đi phiên chợ cuối năm để sắm Tết nên đã chen nhau đi. Khi thuyền còn cách bờ khoảng 30m thì gặp phải cơn sóng dữ nên nước tràn vào, làm chết máy. Lúc đó mọi người hoảng hốt nên đã chìm dần cùng chiếc thuyền”.

 

Khi nói đến trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc quản lý các chuyến đò, ông Thiện nói: ”Chúng tôi đã ý thức được việc sẽ có nhiều người đi lại trong những ngày cận Tết Nguyên đán nên đã chỉ đạo anh em công an giám sát kỹ việc hoạt động của đò. Tất cả các văn bản đều đầy đủ, kiểm tra thường xuyên, bố trí 1 công an viên giám sát hoạt động của các chuyến đò”.

 

Tuy nhiên, trong buổi sáng hôm xảy ra vụ chìm đò, không hề có bất kỳ công an viên nào giám sát như lời ông chủ tịch xã nói. 

 

Chủ tịch xã Quảng Hải Đoàn Xuân Thiện (trái) và Chủ tịch huyện Quảng Trạch Đậu Minh Ngọc (phải): "Chúng tôi sẵn sàng nhận bất kì hình thức kỉ luật nào!" (Ảnh: Duy Tuấn)

 

“Sáng hôm đó, Trưởng công an xã đã giao cho công an viên Cao Xuân Tiếp giám sát, báo cáo lại thì ông Tiếp chỉ ở đó trong 3 chuyến đò đầu tiên. Đến chuyến thứ 4 thì ông bỏ vị trí để đi thắp hương cùng với lãnh đạo xã ở nghĩa trang liệt sỹ. Không ngờ, khi không có người thì họ (chủ đò - NV) lại không thực hiện” - ông Thiện tiếp tục trình bày.

 

Cái sự "không ngờ" và tắc trách của cán bộ xã như lời ông chủ tịch xã nói đã dẫn tới vụ chìm đò thảm khốc nhất trong 50 năm qua ở Quảng Bình. “Tôi nhận trách nhiệm về mình và sẵn sàng chịu bất kỳ hình thức kỷ luật nào!” - ông Thiện nói.

 

Cũng về vấn đề trách nhiệm, ông Đậu Minh Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch lại nói: ”UBND huyện và các ngành liên quan đều đã làm hết sức mình trong việc chỉ đạo hoạt động trên các tuyến đò. Huyện đã giao lại trách nhiệm giám sát thường xuyên trong dịp Tết này cho UBND xã Quảng Hải. Sự cố xảy ra, Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm!”.

 

“Để xảy ra vụ chìm đò làm chết 42 người trên địa bàn mình quản lý, đương nhiên tôi là chủ tịch huyện thì phải chịu trách nhiệm, cùng với đó là Phòng Công thương, xã Quảng Hải và Công an huyện Quảng Trạch. Tuy nhiên, cấp xã đã không thực hiện theo như yêu cầu của huyện từ lâu nay. Nếu cho tôi quyền, tôi đã cách chức nhiều người rồi” - ông Ngọc phân bua.

 

Tuy nhiên, khi giải thích tại sao chính quyền các cấp (nhất là huyện Quảng Trạch) đã làm hết mình trong việc quản lý bến đò Quảng Hải nhưng vẫn xảy ra tai nạn thương tâm thì ông Ngọc không thể giải thích được. Và ông lại nói rằng, do... chủ đò không thực hiện theo quy định và ý thức của người dân.

 

"Xã một phần, huyện một phần, và tỉnh... cũng một phần!"

 

Chiều 2/2/2009, VietNamNet đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Hữu Hoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình. Ông Hoài nói, sáng 2/2, UBND tỉnh đã họp và quan điểm chỉ đạo của ông Phan Lâm Phương, Chủ tịch UBND tỉnh là “xử lý nghiêm những tổ chức và cá nhân có liên quan”!

 

Và ngay lập tức, ông Hoài nhắc đến trách nhiệm của ông lái đò!

 

“Trách nhiệm đầu tiên và nặng nhất là của chủ đò và ông lái đò. Vì dù ông này có phép, nhưng giao cho người không phép lái đò và vì ông này đã kí các cam kết với chính quyền nhưng lại làm trái và gây ra hậu quả nghiêm trọng” - ông Hoài nói - "tiếp đó là trách nhiệm của chính quyền xã rồi mới đến huyện, tỉnh".

Khi đề cập đến trách nhiệm của xã, ông Hoài nói quan điểm của tỉnh phải làm rõ nhất trách nhiệm của người được giao nhiệm vụ quản lí và giám sát hoạt động của bến đò, mà cụ thể là ông công an viên nào đó.

 

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình: "Tỉnh cũng có một phần trách nhiệm"! (Ảnh: C.Hiếu)

Còn ở huyện, ông phó chủ tịch tỉnh cho rằng, nhiều ban ngành phải “san sẻ” trách nhiệm. Cụ thể đó là Ban An toàn giao thông, là Phòng Công thương, là trách nhiệm quản lí của UBND huyện Quảng Trạch.

 

"Nhưng trách nhiệm đến đâu thì chúng tôi đã giao cho cơ quan điều tra công an tỉnh làm rõ. Lúc này họ đang làm và hoàn toàn độc lập nên chúng tôi vẫn đang chờ báo cáo của cơ quan điều tra.

Khi có báo cáo này mới biết mức độ xử lí cụ thể được. Nặng thì xứ lí hình sự, khởi tố. Theo tôi được biết, có thể là mức chung thân với cá nhân anh lái đò. Còn trách nhiệm gián tiếp của chính quyền thì sẽ kiểm điểm, rút kinh nghiệm, kỷ luật hoặc cách chức” - ông Hoài cho biết.

Dưới đây là một số thông tin mà nhóm PV VietNamNet đã trao đổi với ông Nguyễn Hữu Hoài:

 

- Thưa ông, đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo  từ Thủ tướng, của Bộ GTVT về vấn đề an toàn bến đò, và thực tế đã có nhiều vụ chìm đò xảy ra, ngay trên khúc sông này cũng vậy, nhưng có vẻ như tỉnh Quảng Bình đã chủ quan trong công tác này?

 

Cuối tháng 1, tỉnh cũng có công điện số 3 về việc tăng cường công tác an toàn giao thông. Tỉnh chỉ đạo Ban An toàn giao thông và cảnh sát giao thông phát động ra quân chiến dịch Tết. Huyện họ báo cáo cũng có nhiều chỉ đạo lắm chứ. Văn bản, chỉ đạo là nhiều, rất nhiều nhưng ý thức người dân họ kém quá!

 

- Cách đây 3 năm, sau vụ chìm đò ở Chôm Lôm, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã đứng ra nhận trách nhiệm của tỉnh. Vậy còn với Quảng Bình, trong vụ chìm đò này, tỉnh thấy trách nhiệm mình đến đâu, thưa ông?

 

Trong bộ máy tỉnh cũng có nhiều: Sở GTVT, Ban An toàn GT, UBND tỉnh. Và tỉnh sẽ kiểm điểm để làm rõ. Chúng tôi ý thức trách nhiệm là đầy đủ các ngành, cả tỉnh và thậm chí sau đó là Bộ.

 

Về phía tỉnh, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo chủ tịch UBND là Trưởng Ban An toàn giao thông nên cũng sẽ chịu trách nhiệm vì để xảy ra tai nạn nghiêm trọng.

 

Xác định trách nhiệm của tỉnh nên ngay hôm xảy ra chìm đò, tỉnh coi đây không chỉ là đau thương của người dân nào, của riêng Quảng Hải hay huyện Quảng Trạch mà cũng là lễ tang của tỉnh.


Vì thế, ngay hôm đó, Chủ tịch chỉ đạo bỏ lễ bắn pháo hoa, chỉ đạo Đài Truyền hình tỉnh thay đổi chương trình truyền hình tối 30, hủy lễ ca nhạc tại tượng đài Mẹ Suốt...

 

Tôi nghĩ, tỉnh hay thậm chí Bộ cũng không thoái thác! Tôi có biết ở Singapore, sau một vụ chìm tàu ngoài khơi, Bộ trưởng giao thông cũng đã đứng ra nhận trách nhiệm!

 

Cuối buổi làm việc, ông Hoài một lần nữa nhắc lại: Trách nhiệm đến đâu, cụ thể của ai khúc nào... vẫn phải chờ hội nghị kiểm điểm nghiêm túc và kết luận từ cơ quan điều tra. 

  • Duy Tuấn - Chí Hiếu 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>