221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1158555
Chia tiền hỗ trợ Tết: “Đã nghèo còn bị ăn chặn…”
1
Article
null
Quảng Nam
Chia tiền hỗ trợ Tết: “Đã nghèo còn bị ăn chặn…”
,

 - Những ngày sau Tết, hàng loạt người dân nghèo ở các vùng quê tại Quảng Nam đồng loạt gửi đơn khiếu nại đến các cấp chính quyền về việc không nhận được số tiền nhà nước trợ cấp trong dịp Tết… Điều nghịch lý là số tiền trợ cấp cho người nghèo theo chủ trương của Chính phủ lại được cấp phát cho những gia đình không phải là nghèo.

Người nghèo... bỗng dưng muốn khóc

Lần theo thông tin người dân cung cấp, PV VietNamNet tìm về các làng quê Bình Sa, Bình Tú, huyện Thăng Bình; xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành để tìm hiểu sự việc.

Câu chuyện mà bà Nguyễn Thị Lại cùng nhiều người dân nghèo tại thôn Phú Bình, xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành kể lại đầy nỗi ấm ức: “Bà con dân nghèo ở đây ai cũng mừng khi biết được chủ trương của Nhà nước hỗ trợ cho người nghèo ăn Tết. Vậy mà không hiểu răng bà con không được nhận, cũng như không được thôn thông báo. Chờ mãi không thấy được nhận tiền, bà con tui đến hỏi thì tiền đã được xã, thôn cấp hết trơn rồi…” - bà Lại bật khóc.

Người dân thôn Tây Giang - Bình Sa (Thăng Bình) cũng ký 1 triệu, nhưng nhận 112.000 đồng

“Những ngày gần Tết, tui qua nhà hàng xóm xem nhờ ti vi, thấy đưa cảnh Nhà nước cấp phát tiền hỗ trợ cho bà con người nghèo ăn Tết, tui mừng và chờ đợi. Ai ngờ, chờ mãi cũng không thấy được nhận. Không có tiền, tui phải bán mấy con gà để lo Tết cho mấy đứa con. Ở đây mưa lụt liên miên, mấy ngày gần Tết trời lại lụt, mấy sào rau hư hết trơn, coi như Tết năm ni đói…” - vẫn lời bà Lại kể.

Không riêng gì bà Lại, nhiều gia đình cùng cảnh ngộ "nghèo rớt mồng tơi" ở vùng thấp trũng thôn Phú Bình, xã Tam Xuân I như gia đình ông Nguyễn Văn Phương cũng bị mừng hụt trong những ngày Tết này.

Còn ông Lê Văn Hội, bị liệt nằm một chỗ, mếu máo không thành lời kể rằng: ông nằm chờ được nhận tiền hỗ trợ Tết như trên báo đài đã thông tin, nhưng chờ mãi đến những ngày giáp Tết cũng không thấy. Thế là ông bấm bụng bảo, chắc cán bộ thôn bận nên chưa đến cấp phát, và ông đã nằm đó đợi chờ những ngày Tết trôi qua trong đói lạnh…

Hay như cảnh đơn chiếc sống một mình nghèo khó của bà Ngô Thị Chuẩn, bà Nguyễn Thị Bửu, bà Ngô Thị Nhàn... Đã hơn nửa tháng nay sống trong tâm trạng khấp khởi mừng thầm rằng mình sẽ nhận tiền hỗ trợ Tết, mặc dù Tết đã qua lâu lắm rồi. Bà Chuẩn nói trong hy vọng: ”Tiền của Nhà nước cấp hỗ trợ, không nhận trước thì nhận sau. Chắc mấy ổng không quên bà con nghèo tụi tui mô…”.

Chờ đợi được nhận tiền hỗ trợ cho dù Tết đã qua lâu rồi, nhưng trong ánh mắt u buồn của người dân nghèo nơi đây vẫn ánh lên những tia hy vọng…

 Người dân thôn Phú Bình -Tam Xuân 1 phản ứng việc không nhận được tiền

Số tiền hỗ trợ cho người nghèo ăn Tết tại thôn Phú Bình, xã Tam Xuân I, Núi Thành đến bây giờ vẫn chưa đến được bà con nghèo. Thế nhưng, khi lật dở danh sách nhận tiền được lưu lại để quyết toán thì người dân mới biết sự thật.

Số tiền hỗ trợ trên đã được lãnh đạo xã, thôn âm thầm đem cấp phát cho nhiều đối tượng là người bà con họ hàng hoặc có quan hệ dây mơ, rễ má của mình. Mặc dù các hộ đó không phải là hộ nghèo mà ngược lại còn khá giả gấp nghìn lần những hộ dân vừa nêu ở trên.

Nhiều gia đình nghèo ở thôn Phú Bình rỉ tai nhau nói, ngay như mẹ, bà con anh em của ông Nguyễn Văn Tín, công an viên thôn; gia đình của các ông Hồ Đắc, ông Bùi Văn Tài... đều làm ăn khấm khá, nhưng không hiểu sao lại được thôn đưa vào danh sách gia đình nghèo để nhận tiền hỗ trợ Tết của Nhà nước.

Đem chuyện người nghèo không được nhận tiền hỏi ông thôn trưởng thôn Phú Bình Ngô Công Cần, ông này vô tư bảo rằng: danh sách người nghèo được nhận hỗ trợ tiền ăn Tết là do xã đưa xuống, ông chỉ có nhiệm vụ thi hành và nộp lại danh sách đã cấp phát cho xã làm quyết toán với Nhà nước...

Đem chia đều tiền hỗ trợ Tết?!

Khác với thôn Phú Bình, xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành, nhiều hộ gia đình nghèo ở Bình Sa, huyện Thăng Bình “lỡ” được nhận tiền hỗ trợ trước Tết, nhưng lại đang bị lãnh đạo của thôn và xã ra lệnh miệng thu hồi lại số tiền này để... chia lại.

Nhiều hộ dân nghèo không nộp lại số tiền đã “lỡ” nhận thì đã bị lãnh đạo thôn dùng biện pháp không cấp thẻ khám bệnh và những giấy tờ liên quan.

Lần theo thông tin phản ánh của người dân, PV VietNamNet tìm về thôn Tây Giang, xã Bình Sa, huyện Thăng Bình để tìm hiểu sự thật.

Cụ Huỳnh Diên, ở thôn Tây Giang, xã Bình Sa, huyện Thăng Bình đếm lại số tiền vừa nhận được trước Tết nhưng không dám tiêu vì thôn thông báo phải nộp lại.

Ngay tại tổ đoàn kết số 3, thôn Tây Giang, xã Bình Sa, ông Huỳnh Diên (SN 1936) cho biết, gia đình ông nhận 800.000 đồng tiền hỗ trợ Tết vào ngày 24/1 (29 tháng Chạp năm Mậu Tý).

Số tiền nhận được chưa kịp mua gạo để đón Tết thì ông Diên nhận được thông báo của thôn là thu hồi trở lại.

Chờ mãi đến sáng ngày 8/2, chưa thấy người đến thu hồi, ông lại đem ra kiểm đếm rồi cất trong túi bằng vải mang suốt bên mình từ trước Tết đến nay mà không dám tiêu.

“Số tiền ni tui nhờ đứa cháu lên xã ký nhận thay, nhưng ông tổ trưởng đoàn kết đến nhà thông báo bắt phải nộp lại để đem chia cho người khác. Chờ mãi đến nay vẫn chưa thấy ai đến thu lại…” - cụ Diên thật thà kể.

Hỏi cụ có biết tổ thông báo thu hồi số tiền trên để chia cho ai không, cụ Diên lắc đầu bảo: "Không biết!".

Không riêng gì cụ Diên mà gia đình anh Huỳnh Được (SN 1967) ở cùng tổ đoàn kết số 3 cũng bị buộc phải nộp lại số tiền 1 triệu đồng vừa nhận sau Tết. Theo anh Được, số tiền hỗ trợ anh nhận được từ sáng ngày 29 Tết, thì trưa hôm đó, ông Huỳnh Cát, tổ trưởng đến nhà bảo đem nộp lại tiền.

Không thể tin được điều đó, anh chạy đến nhà thôn trưởng hỏi lại thì được biết, số tiền anh nhận trên là do thôn ghép chung gia đình anh với 2 gia đình nữa và anh đứng tên ký nhận. Trong số tiền anh ký nhận 1 triệu đồng bao gồm cả gia đình người chị ruột là Huỳnh Thị Lý (neo đơn) và 4 khẩu của một hộ gia đình khác.

Nhận số tiền trên, anh đem chia cho người chị neo đơn của mình 200 nghìn đồng, còn giữ lại 800 nghìn đồng cho 4 khẩu nhà anh. “Kể từ khi nhận được thông báo của tổ nộp lại số tiền trên, gia đình tui chưa nộp, nên ông Huỳnh Cát giữ sổ người nghèo của tui và bảo khi nào nộp lại tiền thì cấp lại…” - anh Được bức xúc.

Đem câu chuyện trên hỏi ông tổ trưởng Huỳnh Cát, ông Cát cho biết, việc giữ lại sổ sách, giấy tờ liên quan của người dân là do lệnh của thôn, xã. Ông Cát thừa nhận là có tạm giữ sổ người nghèo và các giấy tờ liên quan của những gia đình không nộp lại tiền hỗ trợ Tết.

Theo thống kê, tại tổ đoàn kết số 3, thôn Tây Giang, xã Bình Sa, hiện có đến 30 gia đình bị ông Cát “tạm giữ” vô thời hạn các loại giấy tờ liên quan. Trong đó, chủ yếu là phiếu khám chữa bệnh cho người nghèo cùng các loại giấy tờ liên quan khác. Khổ nhất là khi những hộ này cần xác nhận các loại giấy tờ cho con cái đều bị ông tổ trưởng và lãnh đạo thôn, xã từ chối vì còn nợ các khoản thu hồi trên.

Nhiều hộ gia đình ở đây mừng hụt khi nhận tiền hỗ trợ Tết. Có gia đình ký nhận 1 triệu, nhưng chỉ được nhận tiền mặt 500 nghìn đồng, thậm chí có gia đình chỉ nhận vài trăm nghìn đồng. Nhiều gia đình ngậm miệng bảo, có còn hơn không nên im lặng, vì sợ nói ra làm mất lòng lãnh đạo chính quyền địa phương.

Ông Bùi Viết Hướng (ở tổ đoàn kết số 4, thôn Tây Giang, xã Bình Sa), bức xúc kể: “Tui lên xã xã ký nhận 1 triệu đồng, về tổ đoàn kết bảo nộp lại và sau đó “chia” cho gia đình tui 550.000 đồng. Trong đó, có 15.000 đồng là... tiền công đi nhận” (?!)

Khá giả vẫn được hỗ trợ Tết

Không riêng gì xã Bình Sa, mà ngay tại xã Bình Tú huyện Thăng Bình, số tiền hỗ trợ cho người nghèo ăn Tết cũng được lãnh đạo của xã này cấp sai đối tượng. Nhiều gia đình nghèo đói thì không được nhận, nhưng không ít gia đình khá giả thì được lên danh sách ký nhận.

Bà Phan Thị Hải (SN 1941, ở tổ 11, thôn Tú Nghĩa, xã Bình Tú, huyện Thăng Bình) chưa hết bức xúc: “Nhà tui nghèo rớt mồng tơi nhưng không được xét duyệt nhận trợ cấp của Nhà nước trong dịp Tết này. Trong khi đó, một số hộ không thuộc diện nghèo đói nhưng lại được nhận. Thật không công bằng! Hỏi thôn trưởng thì được bảo là gia đình tui đã được nhận gạo cứu đói rồi, nên trợ cấp phải nhường cho gia đình khác…”.

Nhiều người dân kéo đến xã khiếu nại, xã đã cho kiểm tra, nhưng vẫn chưa có kết quả và thường nhận được trả lời rằng việc người nghèo không nhận được trợ cấp theo qui định là do thôn: "Thôn lập danh sách gửi lên xã mới được cấp".

Ông Hồ Văn Tùng (SN 1967), Tổ trưởng tổ đoàn kết số 11 (thôn Tú Nghĩa, Bình Tú), cho biết: "Những ngày qua bà con trong tổ kéo đến thắc mắc hỏi tại sao không nhận được trợ cấp theo qui định, nhiều người còn bảo bà con tin tưởng bầu làm tổ trưởng mà không lo cho bà con dân nghèo. Quá bức xúc, tui lên xã hỏi cho ra lẽ thì nhận được danh sách các hộ nhận trợ cấp, một số hộ không thuộc diện nghèo đói lại được nhận trợ cấp tui mới té ngửa". 

"Nhiều hộ nghèo ở tổ tui quản lý đã được lập danh sách khi họp xét bình bầu như hộ ông Dương Thúy (SN 1932), hộ bà Đỗ Thị Vinh (SN 1927), Dương Thị Diện (SN 1922), Dương Thị Điển (SN 1935), hộ ông Dương Long, Trần Hòa (SN 1933, nằm một chỗ hơn 4 năm nay)… lại không được thôn đưa vào danh sách nhận tiền hỗ trợ" - ông Tùng nói.

Đích thân ông Tùng đã đến tận nhà ông Nguyễn Hùng, thôn trưởng thôn Tú Nghĩa, Bình Tú đề nghị giải thích cho bà con dân nghèo hiểu chủ trương và việc xét trợ cấp thì ông Hùng giải thích: Do những ngày giáp Tết quá bận rộn việc thôn, việc nhà, nên ông nhờ ông Dương Anh Phong, cán bộ UBND xã và Bùi Văn Lộc, cán bộ thôn đội lập hộ danh sách người nghèo trong thôn để nhận trợ cấp. 

Ông Trần Hoà, sống một mình, đau ốm nằm một chỗ nhiều năm nay, thuộc diện nghèo đói của tổ 11, thôn Tú Nghĩa nhưng không được xét trợ cấp.

Không chấp nhận với việc làm thiếu minh bạch và mờ ám, ông Hồ Văn Tùng đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng của xã đề nghị xem xét thu hồi số tiền cấp sai để cấp lại cho đúng đối tượng.

Ông Phan Lân (SN 1965), tổ trưởng tổ 12, thôn Tú Nghĩa nói: Mọi việc xét cho các hộ dân nhận trợ cấp đều do ông thôn trưởng Nguyễn Hùng tự quyết. Chính vì vậy mà xảy ra nhiều trường hợp không phải hộ nghèo cũng được nhận trợ cấp, gây bất bình cho bà con.

Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Phan Thăng An khẳng định, khi nhận được thông tin của người dân phản ánh, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra. Nếu xã nào để xảy ra hiện tượng tiêu cực, cấp không đúng chế độ chính sách thì sẽ bị xử lý nghiêm.

Tại cuộc họp giao ban vừa qua với các ban ngành, lãnh đạo các huyện thị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Minh Ánh đề nghị các cấp chính quyền cần sớm kiểm tra, làm rõ những thông tin mà người dân phản ánh. Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng tiêu cực trong việc cấp phát chế độ chính sách của Nhà nước đối với nhân dân thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước tỉnh và sẽ bị xử lý nghiêm nếu thấy dấu hiệu tham ô.

  • Hoàng Anh

    Đổi 1.000 VNĐ lấy 1.000 USD tại đây

    Click - Rinh dế 2 sim 2 sóng


,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;