- Anh Phan Văn Thuyên khẳng định, gia đình nhận được 1 triệu đồng, nhưng đã nạp cho trưởng xóm 800 ngàn để... xây cổng văn hóa xóm. Không chỉ riêng nhà anh Thuyên, rất nhiều người nghèo ở Hà Tĩnh cũng bị xà xẻo tiền hỗ trợ Tết.
Không nạp tiền sẽ bị cắt... chế độ hộ nghèo!
Chuyện khó tin này xảy ra tại xóm 7 xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) trong đợt nhận tiền hỗ trợ Tết Kỷ Sửu của Chính phủ vừa qua.
Xóm 7 xã Sơn Ninh huyện Hương Sơn có 35 hộ nghèo được nhận hỗ trợ tiền Tết theo Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, số tiền thực mà người nghèo ở đây nhận được ít hơn nhiều so với quy định.
Chị Thái Thị Hiền, xóm 7, xã Sơn Ninh, Hương Sơn:"Gia đình tôi nhận được 950 nghìn đồng nhưng phải nộp lại cho xóm 600 nghìn đồng để xây cổng làng". Ảnh: H.V |
Khi chúng tôi hỏi tại sao chị và nhiều hộ khác lại chấp nhận nạp lại số tiền lớn như thế cho xóm mà không phản đối, chị Hiền buồn rầu cho biết: ”Nếu như chúng tôi không làm theo, ông xóm trưởng dọa sang năm sẽ cắt mất chế độ hộ nghèo”.
Khi chúng tôi đề cập vấn đề này với xóm trưởng Nguyễn Xuân Hùng, lúc đầu ông Hùng khăng khăng chối là không hề có chuyện thu tiền của các hộ nghèo để xây cổng, nhưng sau đó ông thừa nhận là chỉ mới có chủ trương, và tiền thì chưa thu.
Tuy nhiên, khác với những lời của ông xóm trưởng, qua tiếp xúc với nhiều hộ nghèo ở xóm 7 được biết, trong số 35 hộ được nhận tiền hỗ trợ đã có 20 hộ đã đến tận nhà nạp tiền cho ông Hùng.
Anh Phan Văn Thuyên khẳng định: ”Gia đình nhận được 1 triệu đồng, nhưng tôi đã nạp cho ông Hùng 800 ngàn để xây cổng văn hóa xóm”.
Gia đình bà Nguyễn Thị Lan 82 tuổi (xóm 7) thuộc diện nghèo nhất xóm, con trai và con dâu bà phải vào Nam làm thuê kiếm sống bà một mình nuôi hai cháu nhỏ nhưng trong đợt nhận tiền hỗ trợ vừa qua, bà cũng chỉ nhận được 190 ngàn đồng.
Mặc dù, sự việc này diễn ra khá lâu ở xóm 7, nhưng khi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hạ - Phó Chủ tịch xã lại tỏ ra khá bất ngờ: ”Đến thời điểm hiện tại tôi chưa hề nghe bất cứ thông tin nào về việc này”.
Bà Nguyễn Thị Lan, xóm 7 phải nuôi 2 cháu nhưng cũng chỉ nhận được 190 nghìn đồng tiền tết. Ảnh: Sỹ Thông |
Ông Nguyễn Chí Thanh - Chủ tịch UBND xã Sơn Ninh cho biết: ”Do nhận tiền từ huyện thiếu 15 triệu đồng nên chúng tôi phải nợ dân mỗi khẩu là 10.000 đồng, khi nào huyện trả đủ thì xã sẽ tiếp tục phát”.
Giải thích về việc này, ông Phan Tiến Hùng - Quyền Trưởng phòng Phòng LĐTB&XH huyện Hương Sơn cho hay: ”Do thời gian lập danh sách nhận tiền gửi lên tỉnh quá gấp nên có xã nhận thiếu, có xã thừa, nhưng sau đó chúng tôi sẽ điều chỉnh lại”.
“Tuy nhiên, UBND huyện đã quán triệt nếu xã nào thiếu thì phải lấy tạm ngân sách để phát chứ tuyệt đối không để bà con thiếu đồng nào. Tôi sẽ cho kiểm tra ngay việc này, nếu đúng sẽ xử lý nghiêm” - ông Hùng cho biết thêm.
Rà soát xong trước ngày 28/2
Ngày 10/2, ông Nguyễn Xuân Lập - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) đã có cuộc trao đổi với PV VietNamNet về những vấn đề liên quan đến việc tiền hỗ trợ Tết của người nghèo ở một số địa phương bị xà xẻo, sử dụng sai mục đích.
Ông Lập cho biết, trước Tết Kỷ Sửu, Bộ LĐTBXH đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố (đặc biệt là những địa phương bị thiệt hại do thiên tai) rà soát những hộ gia đình có nguy cơ thiếu lương thực trong dịp Tết, xây dựng phương án trợ giúp trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định; đồng thời tổ chức cứu trợ kịp thời cho những gia đình nghèo thiếu lương thực.
Ông Nguyễn Xuân Lập - Ảnh: Cao Minh |
Dù Bộ LĐTBXH không có tên trong quyết định 81, nhưng ngay hôm sau (16/1), Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân đã có điện khẩn gửi Sở LĐTBXH các tỉnh, yêu cầu phối hợp với các sở, ngành khác tiến hành rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ số hộ, số nhân khẩu thuộc diện nghèo.
- Vậy toàn quốc có bao nhiêu hộ nghèo thưa ông?
- Khoảng 2,4 triệu hộ, tức là trên dưới 10 triệu người.
- Có khá nhiều địa phương xảy ra việc xà xẻo tiền Tết của người nghèo, theo ông nguyên nhân do đâu?
- Trong tổ chức triển khai cấp tiền, gạo, cấp thôn, bản, xã tại một số địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Trà Vinh… đã để xảy ra sai sót. Việc các phương tiện thông tin phản ánh điều này tôi khẳng định là có thật.
Chủ yếu do cán bộ xã, thôn, bản nhận thức chưa đúng về ý nghĩa việc hỗ trợ này, trình độ kém; cũng do chưa có cán bộ chuyên trách về LĐTBXH ở cấp xã phường để phối hợp thực hiện, nên đã có những việc làm tuỳ tiện: cấp tiền kiểu cào bằng; cấp cho người thân quen, khá giả; khấu trừ vào tiền làm đường trong xã, tiền điện sinh hoạt…
- Vậy theo ông, cần quy trách nhiệm chuyện này ra sao?
- Đương nhiên, chịu trách nhiệm đầu tiên phải là chính quyền cấp uỷ. Mỗi cấp xã, phường đều có Đảng uỷ và lực lượng thanh tra nhân dân; để xảy ra việc cấp tiền sai có nghĩa là vai trò chỉ đạo của cơ sở yếu.
- Về phía mình, Bộ LĐTBXH đã làm gì sau khi sự việc xảy ra?
- Bộ đã cho thành lập ngay các đoàn kiểm tra, giám sát. Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh hiện nay đang kiểm tra tại Nghệ An, trước đó, ông đã dẫn đoàn đi Quảng Bình và Hà Tĩnh; đoàn của Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Ngô Trường Thi cũng đang có mặt ở Thanh Hoá từ hôm 9/2…
Ngay trong hôm nay (10/2), chúng tôi đã yêu cầu Sở LĐTBXH tất cả các tỉnh, thành tổ chức kiểm tra, rà soát lại toàn bộ việc cấp phát tiền, gạo hỗ trợ người nghèo ăn Tết ở cơ sở. Khắc phục và kiên quyết xử lý những nơi làm sai.
Tiền cấp sai phải được thu hồi, tiền cấp thiếu phải bổ sung, nơi nào làm chưa kịp thì khẩn trương cấp phát cho dân. Đối với cán bộ làm sai thì cần làm rõ trách nhiệm, mức độ sai phạm để đề nghị cấp thẩm quyền có hình thức xử lý nghiêm.
Các Sở LĐTBXH phải tổng hợp số liệu chính thức và báo cáo bằng văn bản về Bộ LĐTBXH trước ngày 28/2.
Dịp Tết Kỷ Sửu, Chính phủ đã chi 3.800 tỉ đồng để hỗ trợ người nghèo ăn Tết, mỗi nhân khẩu 200.000 đồng hoặc 1 triệu đồng/hộ. Thế nhưng, chủ trương hợp lòng dân đó đã bị một số nơi làm méo mó. Phổ biến nhất là tình trạng tiền cho dân nghèo bị xà xẻo hoặc lấy của người nghèo chia cho người không nghèo khiến dư luận vô cùng bức xúc.
-
Đỗ Minh - Hà Vy - Sỹ Thông