Các vết nứt này xuất hiện tại công trình xây dựng chưa đưa vào sử dụng, chưa ngập nước, bởi vậy ông Hường cho rằng, việc xuất hiện các vết nứt bêtông không quá nguy hiểm, phức tạp cũng như công tác xử lý khắc phục hoàn toàn chỉ là vấn đề kỹ thuật.
Công trường thuỷ điện Sơn La. Ảnh Kim Dung. |
Theo ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng Bộ Công Thương, nguyên nhân những vết nứt cần phải được kiểm tra kỹ lưỡng mới có thể kết luận. Tuy nhiên, ông cho biết, một phần nguyên nhân có thể là do áp dụng công nghệ mới, Thủy điện Sơn La là công trình đầu tiên được áp dụng công nghệ bê tông đầm lăn, nên có thể trong quá trình xử lý còn thiếu kinh nghiệm.
Ngoài ra, do các vết nứt này xuất hiện tại công trình xây dựng chưa đưa vào sử dụng, chưa ngập nước, bởi vậy ông Hường cho rằng, việc xuất hiện các vết nứt bêtông không quá nguy hiểm, phức tạp cũng như công tác xử lý khắc phục hoàn toàn chỉ là vấn đề kỹ thuật.
Bên cạnh đó, việc tìm hiểu nguyên nhân và khắc phục những vết nứt đã và đang được triển khai tích cực. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Công ty Tư vấn 1 kết hợp với tư vấn nước ngoài kiểm tra thực tế, khảo sát đầy đủ các thông số kỹ thuật,... kể cả đánh giá tác động của môi trường để xác định chính xác nguyên nhân, đưa ra giải pháp phù hợp song song với công tác khắc phục các vết nứt.
Sự việc cũng đã được báo cáo lên cấp có thẩm quyền.
Công trình thủy điện Sơn La được khởi công tháng 12-2005. Khi Thủy điện Sơn La được đưa vào vận hành, ngoài việc hằng năm cung cấp khoảng hơn 10,2 tỷ kWh điện lên lưới điện quốc gia phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, công trình còn góp phần chống lũ về mùa mưa, chống hạn trong mùa khô cho vùng đồng bằng Bắc bộ.
(Cổng TTĐT Chính phủ)