- Trong khi người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài làm việc phải được đơn vị tiếp nhận khai báo với chính quyền sở tại, thì lao động nước ngoài (LĐNN) vào Việt Nam số lượng bao nhiêu, làm việc và cư trú ở đâu cơ quan quản lý không nắm chắc.
Tuyển dụng lao động ngoại
Hiện nay toàn TP.HCM có khoảng 8.000 lao động nước ngoài (LĐNN) được cấp phép lao động. Hai nơi nắm chắc số lượng LĐNN là Ban Quản lý các khu chế xuất, Khu công nghiệp (HEPZA) TP.HCM và Sở Công thương TP.HCM. Tuy nhiên, con số LĐNN được quản lý và cấp phép chỉ là bề nổi của tảng băng.
TP.HCM hiện có 1.790 LĐNN đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc HEPZA, trong đó có 103 LĐNN không thuộc đối tượng cấp phép và 166 LĐNN chưa cấp phép. Theo đại diện Sở Công thương TP.HCM, đến thời điểm hiện tại, toàn TP.HCM có hơn 2.000 văn phòng đại diện đang hoạt động, trong đó, 70–80% số lao động làm việc tại các văn phòng đại diện là LĐNN. |
Theo ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP.HCM, đối với các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, Sở LĐTB&XH không thể biết rõ số lượng LĐNN là bao nhiêu vì nhiều doanh nghiệp sử dụng LĐNN “chui”, không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ; đồng thời có nhiều người nước ngoài khai báo đi du lịch nhập cảnh vào Việt Nam nhưng thực chất là làm việc.
Trong khi đó, số liệu các doanh nghiệp sử dụng LĐNN do các cơ quan cung cấp lại “vênh” nhau. Có nhiều trường hợp doanh nghiệp sử dụng LĐNN thay đổi địa chỉ, cơ quan chức năng cũng không thể nắm được.
Chưa bao giờ, hiện tượng LĐNN vào làm việc tại Việt Nam trở nên phổ biến như hiện nay. Thậm chí ngay cả doanh nghiệp trong nước giờ đây cũng thuê mướn cả LĐNN.
Theo Thanh tra Lao động TP.HCM, vừa qua nơi này đã tiến hành thanh kiểm tra 543 doanh nghiệp, trong đó có 200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Kết quả cho thấy khoảng 30% LĐNN không được doanh nghiệp đăng ký với cơ quan chức năng và khoảng 10% LĐNN không đủ điều kiện cấp phép lao động.
Khách du lịch dạy ngoại ngữ “chui”
Ông Phan Quốc Thái, đại diện Cục Quản lý Xuất nhập cảnh khu vực phía Nam (Bộ Công an) cho biết: Hiện nay, công tác quản lý LĐNN còn bất cập. Việc quản lý nguồn chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng một số LĐNN lý lịch tư pháp “có vấn đề” vẫn lọt vào Việt Nam. Một số doanh nghiệp sau khi không tiếp tục sử dụng LĐNN lại không báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước biết, dẫn đến tình trạng LĐNN lợi dụng giấy phép lao động đó sang nơi khác làm việc.
Giờ tan ca của lao động nước ngoài tại xóm công nhân ở quận Tân Phú (TP.HCM). |
Nhiều khách du lịch nước ngoài vào nước ta dạy học ở các trung tâm ngoại ngữ nhưng cơ quan chức năng không quản lý được.
Nguyên nhân dẫn tới bất cập là luật pháp nước ta còn sơ hở, chồng chéo; sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực tế còn thiếu thông suốt; cơ chế trao đổi thông tin còn trục trặc.
Khó khăn lớn nhất hiện nay trong quản lý nguồn LĐNN là việc cấp visa không thể giúp nhận diện được số lượng LĐNN vào Việt Nam làm việc. Các sứ quán đã quá “dễ dãi” khi cấp visa loại C (du lịch) và loại D (do sứ quán cho phép) cho người nước ngoài, để rồi nhiều người lợi dụng vào nước ta làm việc, không khai báo, không xin giấy phép lao động.
“Trong khi đó, việc quản lý nguồn của nước ta lại… không giống ai” - ông Thái nói.
Theo ông Thái, tại các nước có nhận LĐNN, cơ quan quản lý nắm rất rõ số lượng, danh sách LĐNN nhập cảnh làm việc. Trước tiên, doanh nghiệp sở tại cần tuyển lao động nước ngoài phải đến làm việc với cơ quan quản lý lao động nước đó để đăng ký số lượng LĐNN, trên cơ sở đó, đại sứ của nước có lao động xuất khẩu xét duyệt hồ sơ của LĐNN. Ở ta thì ngược lại.
Ông Thái đề nghị cần có biện pháp quản lý chặt chẽ người nước ngoài tại Việt Nam, nhất là đối với một số LĐNN vào kinh doanh trong một số ngành nghề nhạy cảm như nhà hàng, vũ trường, karaoke…
-
Đồi Đông