- Có dấu hiệu cho thấy sự "biến hóa" từ một chủ trương "xin - cho" xây dựng chợ tạm dân sinh trên sân chơi Con Voi (phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội) thành hẳn một dự án xây tòa nhà kiên cố 3 tầng!
Và, tòa nhà kiên cố 3 tầng này được đặt tên là "Chợ Trung Tự". Tuy nhiên, vấn đề không phải gọi tên tòa nhà ấy thế nào, mà là ban đầu, cả Sở Thương mại (nay là Sở Công Thương), Sở Qui hoạch - Kiến trúc và UBND TP Hà Nội đều chấp thuận cho UBND quận Đống Đa đứng ra xây dựng chợ tạm dân sinh tại sân Con Voi, chứ không phải xây một tòa nhà kiên cố 3 tầng!
Chủ tịch Hội Qui hoạch phát triển đô thị Hà Nội - ông Đỗ Hoàng Ân (Ảnh: H.H) |
"Chợ tạm chỉ là nhà cấp 4, lán trại!"
VietNamNet đã trao đổi với ông Đỗ Hoàng Ân - Chủ tịch Hội Qui hoạch phát triển đô thị Hà Nội. Thời kỳ năm 2005 - 2006 (khi Phường Trung Tự, Quận Đống Đa đang xin chủ trương lập chợ tạm tại sân Con Voi), ông Ân là Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội, chuyên trách lĩnh vực xây dựng - đô thị.
- Thưa ông, chợ tạm được hiểu là chợ như thế nào?
Ông Đỗ Hoàng Ân: - Đã là tạm thì không phải là xây kiên cố. Chợ tạm thường được hiểu là di chuyển chợ vào tạm một nơi nào đó hoặc một công trình nào đó, để sử dụng tạm làm chợ trong một thời gian nhất định thôi chứ không thể kéo dài mãi được! Đã gọi là tạm, nếu phải xây dựng công trình thì cũng chỉ là công trình xây tạm, như nhà cấp 4, lán trại, hoặc lắp ghép khung thép thôi, chứ không phải công trình xây kiên cố, cao tầng!
- Với chủ trương hình thành chợ tạm trên sân chơi Con Voi ở phường Trung Tự, ông có ý kiến gì?
- Tôi nghĩ rằng Trung Tự là nơi đất rất hẹp, để kiếm được một mảnh đất giữa các khu chung cư cũ để xây xen đã khó rồi, nhất là lại làm chợ, làm đầu mối thì càng khó! Nếu vì nhu cầu cấp thiết của dân phải có chợ thì vẫn phải xây nhưng cần xác định rõ: nếu tạm thời thì ứng với mô hình thế nào, tạm đến bao giờ...; nếu lâu dài thì tác động thế nào để cùng kết hợp với tổng thể cả khu dân cư ấy, vì hiện nay Thành phố đã có chủ trương qui hoạch xây dựng lại các khu chung cư cũ. Vậy thì phải kết hợp trong qui hoạch lại sao cho có các mạng lưới thương mại văn minh, đây là việc làm cần thiết!
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh: Xây xen là vô cùng khó, càng phải tính toán và thận trọng! Những khu lắp ghép cũ như Trung Tự, khó mà tìm được những chỗ rộng lớn mà xây xen!
Tôi nhớ không nhầm thì khi xin làm chợ tạm tại đây, Phường, Quận báo cáo là "bí" chỗ để họp chợ sau khi đã dẹp vài chợ cóc ven đường, ảnh hưởng giao thông nên xin di chuyển tạm chợ đến chỗ này. Thành phố căn cứ vào đề xuất của Quận thôi! Nhưng vấn đề là, di chuyển tạm nghĩa là giải quyết gấp rút, đáng ra đã phải di chuyển ngay từ lúc đó (2006 - PV), chứ mãi đến bây giờ vẫn chưa di chuyển, lại thành xây kiên cố thì cần xem lại...
"Chợ không nên gần trường học, bệnh viện..."
- Theo chủ trương của Chính phủ, từ nay đến năm 2015, các khu chung cư cũ, xuống cấp đều phải cải tạo, xây dựng lại, Trung Tự cũng không ngoại lệ. Vậy theo ông nếu bây giờ (2009) chính quyền mới bắt đầu xây xen một công trình mới vào giữa khu cũ trong khi chắc chắn sẽ phải qui hoạch lại toàn bộ khu này có hợp lý không, có lãng phí ngân sách không? Liệu có thể để riêng những công trình mới xây xen mà chỉ qui hoạch những phần cũ?
- Cải tạo, nâng cấp các khu chung cư cũ là vấn đề rất khó cho các nhà kiến trúc, vì vẫn phải dựa vào các cơ sở hạ tầng xã hội - thương mại - dịch vụ đã có, trên cơ sở đó để tạo nên tổng thể. Vậy nên, khi qui hoạch lại cả một khu như thế, không thể tách rời từng công trình ra được, chỉ trừ các công trình cấp thiết, thiết yếu như nhà nguy hiểm chẳng hạn... Nói chung, không nên tách ra làm từng cái mà phải có qui hoạch tổng thể!
Một công trình (nhất là sử dụng ngân sách, phục vụ cộng đồng) khi xây dựng cần được các ngành xem xét, quan điểm là phải đáp ứng mục tiêu lâu dài, đảm bảo tính hài hòa và bền vững. Nếu không, vừa xây xong lại phải phá đi làm lại thì đúng là lãng phí!
Dù sân chơi Con Voi đã bị chính quyền "khai tử" phần lớn để xây tòa nhà kiên cố 3 tầng có tên là "chợ Trung Tự", người dân vẫn thèm khát khoảng không gian xanh, ra ngồi ngắm... bức rào ngăn! (Chụp tháng 2/2009 - Ảnh: H.H) |
- Vậy theo ông, cần giải quyết vấn đề chợ trong các khu chung cư cũ (đang chờ cải tạo) như thế nào?
- Tôi nghĩ rằng từng dự án, chủ đầu tư phải trình rất rõ các phương án lựa chọn. Các cơ quan thẩm định của Thành phố, của các Quận, đặc biệt là qui hoạch và kiến trúc, kế hoạch và đầu tư - phải xem xét cụ thể để quyết định phương án về mặt qui hoạch, tổng mặt bằng, vị trí của từng khu vực chợ, trên cơ sở đó mới có thể xác định làm chợ ở đâu là hợp lý! Chợ không nên gần trường học, bệnh viện.
Một điều đáng phải quan tâm nữa, tôi cho rằng phải xem xét nguyện vọng, nhu cầu của cộng đồng dân cư tại nơi dự định xây chợ, từ đó mới xác định được qui mô, vị trí và qui hoạch tổng mặt bằng của chợ cho phù hợp! Nó phải phù hợp với mạng lưới chung, một khu dân cư nhiều chợ khác với khu chưa có chợ.
Trước, tôi từng khảo sát khu Trung Tự này khi chủ trương xây ốp một số nhà tập thể ở đây, theo tôi biết khu vực đó dân cư đông đúc và đã có khá nhiều chợ, siêu thị, nếu để tìm đất trống mà xây xen thì không thể có mảnh nào lớn, cùng lắm chỉ 1.000 - 2.000m2, trong khi đường rất nhỏ - vì vậy càng cần cân nhắc.
-
Thoại Mi (thực hiện)
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi ! Đường dây nóng: Email: bvkh@vietnamnet.vn |