- Từ cuối năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh TT-Huế có hơn 1.800 lao động bị thôi việc hoặc nghỉ việc tạm thời do các doanh nghiệp trên địa bàn liên tục gặp phải khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thị trường tiêu thụ bất ổn.
Tin từ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh TT-Huế cho biết, tính đến ngày 23/2, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có lượng công nhân nghỉ việc trên một nửa và chiếm hơn 2/3, như: Công ty cổ phần Cơ khí ô tô Thống Nhất: 105/211 lao động; Công ty cổ phần cảng Thuận An: 44/96 lao động; Công ty cổ phần Frit Huế: 120/129 lao động, Công ty Cosevco7: 160/188 lao động, Công ty Cổ phần Silica: 125/152 lao động, Công ty Cổ phần Cơ khí XK Lao động Huế: 12/34 lao động phải nghỉ việc...
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh TT-Huế gặp khó khăn nên phải cho lao động nghỉ việc tạm thời
Do gặp khó khăn trong kinh doanh nên nhiều đơn vị vi phạm các chế độ chính sách đối với người lao động như: nợ lương, trả lương chậm, không thực hiện nâng lương, nâng bậc, thực hiện các chế độ chính sách cho công nhân…
Ví dụ như, cuối năm 2008, tập thể công nhân ở Khu du lịch Abalone Resort ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang đòi quyền lợi về việc công ty nợ lương kéo dài, thu tiền BHXH của công nhân nhưng không nộp cho công ty bảo hiểm. Đầu năm 2009, Giám đốc Công ty TNHH Quinmax đã thông báo không thưởng lương tháng 13 cho công nhân như đã cam kết trước đây do tình hình sản xuất khó khăn…
Trước tình hình đó, LĐLĐ TT-Huế đã yêu cầu công đoàn cơ sở chủ động gặp công nhân lao động tập hợp ý kiến của NLĐ để làm việc với người sử dụng lao động. Ngành LĐLĐ đã phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết ổn thoả các vụ tranh chấp lao động tập thể và cá nhân…
Trước những khó khăn của các doanh nghiệp, LĐLĐ tỉnh TT-Huế đã lập các dự án vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho 200 hộ vay làm kinh tế gia đính với kinh phí 1 tỷ đồng.
-
Ngọc Lan