221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1162346
130ha "đất vàng" hoang phí giữa Thủ đô: Giải không đơn giản!
1
Article
null
130ha 'đất vàng' hoang phí giữa Thủ đô: Giải không đơn giản!
,

 - 130ha "đất vàng" trải dọc mặt đường 21A đã được Thủ tướng duyệt làm hành lang bảo vệ các đường giao thông tại đây đang được Bộ Xây dựng đề xuất "gộp" vào qui hoạch khu ĐH Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc để "đất đẻ ra tiền", trong khi chủ đầu tư cũ (ĐH Quốc gia Hà Nội) lại muốn "gửi gắm" thêm vào qui hoạch này chỗ ở cho hàng nghìn cán bộ, nhân viên...

Lý bên nào đưa ra cũng... có lý, nhưng một "lời giải trên giấy tờ" cho 130ha "đất vàng" này chắc chắn đơn giản hơn nhiều "lời giải trong thực tế"!

San sát nhà kiên cố trên dải đất 130ha quay ra đường 21A thuộc địa phận Hà Nội (Chụp tháng 2/2009 - Ảnh: H.H).

Khác với 1.220ha đất đã "yên ổn" trong qui hoạch dự án đầu tư xây dựng ĐH Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, hiện chỉ toàn đất trống, đồi trọc, cây khô, cỏ úa - 130ha sát mặt đường kia hiện là dãy phố sầm uất nhất trục đường 21A, với san sát các công trình tiền tỉ của dân mà người dân lại không công nhận là họ lấn chiếm!

"Nói chúng tôi lấn chiếm là không đúng!"

Đó là khẳng định của anh Kiều Văn Thư - chủ một cửa hàng lớn mặt đường 21A (thuộc thôn 7 xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội) khi đón nhận thông tin cơ ngơi khang trang đang "hái ra tiền" của anh có khả năng bị giải tỏa cùng cả dãy dài suốt từ nút giao Hòa Lạc đến gần ngã ba Hòa Lạc, nếu Chính phủ đồng ý "gộp" 130ha này vào qui hoạch ĐH Quốc gia Hà Nội.

Chủ hộ Kiều Văn Thư (Ảnh: H.H)

Anh Thư cho biết: "Chúng tôi trước đây đều là công nhân viên Nông trường 1A, được nông trường giao mảnh đất này từ năm 1989 với mục đích làm nhà và vườn, nhằm ổn định cuộc sống lâu dài. Mỗi hộ được phân trung bình 12m mặt tiền, sâu 150m vào trong. Mãi đến tận năm 1995-1996, Nông trường 1A mới giao hơn nghìn hecta đất cho ĐH Quốc gia, nhưng chúng tôi được biết dải đất 130ha suốt dọc này ngay sau đó đã được Thủ tướng định hướng làm hành lang bảo vệ cây xanh, nằm ngoài qui hoạch chung ĐH Quốc gia HN!".

Thế là, yên tâm không bị qui hoạch, hàng trăm hộ được phân đất suốt dọc đường này bắt đầu mở quán, xây nhà. 

"Nếu chúng tôi lấn chiếm thì ngay khi vài hộ có động thái xây nhà to, chính quyền hoặc chủ đầu tư đã phải cảnh cáo, đình chỉ chứ?! Bây giờ nhiều nhà đã xây mất tiền tỉ, đất thì ở ổn định từ trước 1990 cả - tại sao tự dưng bây giờ lại bảo chúng tôi lấn chiếm, rồi dọa giải tỏa?" - anh Thư bức xúc.

Bao quát cả dọc đường 21A đoạn sát dự án ĐH Quốc gia Hà Nội, đúng là có rất nhiều công trình đã xây cao tầng, kiên cố, mang dáng dấp đô thị rõ rệt... Hầu như, không còn dạng nhà cấp 4 ọp ẹp như mấy năm về trước. Nhiều người dân nơi này cho hay, giá chuyển nhượng thời kỳ chưa "đóng băng" trước đây (mới nhập về Hà Nội) khoảng 2 triệu đồng/m2 đất ở!

Chủ nhân một ngôi nhà 3 tầng khá đồ sộ tại dải đất 130ha này - chị Nguyễn Thị Nụ nói như đinh đóng cột: "Không đơn giản mà tịch thu đất, phá nhà tôi được! Lấy lại dải đất này có mà đền bù lớn, dân không nghe đâu! Nhìn thì thấy, suốt dọc đường này đã san sát nhà cao tầng mồ hôi nước mắt của dân đấy, đền có mà ốm?!"...

Chị Nguyễn Thị Nụ. (Ảnh: H.H)

Theo lời kể của chị Nụ, cả hai vợ chồng chị trước đều là công nhân Nông trường 1A, chuyên trồng dứa, sắn, chè... Trước, chị ở tập thể trong nông trường, nhưng theo "chế độ" ngày ấy là cứ ai lấy vợ lấy chồng thì được phân đất ra mặt đường này, trong khi vẫn có đất trồng trọt phía trong nông trường. 

Chị Nụ bảo, đầu tiên, mảnh đất này đâu có được bằng phẳng, anh chị phải bỏ công tôn tạo và chỉ làm được gian nhà nhỏ thôi, sau tiết kiệm trồng dứa, trồng sắn mới "lên" được 1 tầng.

"Cách đây 4, 5 năm nông trường giải thể, hỗ trợ 5.000 đồng/m2 đất cho chị, còn cây chị trồng bao nhiêu năm thì cứ đo theo đường kính mà đền bù, cây nào to cũng được khoảng 1 triệu, cây nhỏ vài chục nghìn, tổng cộng cũng được vài trăm triệu đồng. Cả một sự nghiệp của vợ chồng chị đấy! Rồi anh chị đi vay đi mượn, làm ăn tích cóp thêm xây được cái nhà này. Bao nhiêu năm vất vả cứ nhìn ngôi nhà là mát lòng mát dạ, giờ lại thu nốt thì khổ quá!" - chị Nụ than.

"Muốn thu hồi phải công khai qui hoạch, giá cả và thỏa đáng!"

Đã một lần cảm thấy thiệt thòi và "mất lòng tin" khi bị thu hồi đất và cây trồng trong Nông trường 1A để giao cho ĐH Quốc gia Hà Nội mà theo người dân ở đây là "rẻ mạt và không công bằng" - những chủ hộ này hiện như "con chim sợ cành cây cong", lo lắng và thất vọng khi biết rằng họ có thể phải di dời thêm lần nữa, lại "đối mặt" với những việc cực chẳng đã: kiểm đếm, đo đạc, đền bù, di dời, tạo lập nơi ở mới, kiếm công ăn việc làm...

Ngôi nhà 3 tầng kiên cố của gia đình công nhân Nguyễn Thị Nụ, sát mặt đường 21A (Chụp tháng 2/2009 - Ảnh: H.H).

"Cuối đời mà vẫn chưa ổn định, chỉ vì lúc thì bảo không đưa dải đất này vào qui hoạch khu đô thị đại học, lúc lại ý kiến phải đưa vào! Chúng tôi dân đen mù mờ, thật thà, hễ cứ được phân đất làm nhà mà lại thấy bảo là không qui hoạch thì bao nhiêu tiền dành dụm cả đời, vay mượn dốc hết ra xây... Cái nhà đối với các bác không là cái gì nhưng đối với dân quê chúng tôi quan trọng lắm!" - một bác lớn tuổi ai oán.

Còn rất nhiều anh, chị nguyên là cán bộ, công nhân Nông trường 1A cũ như anh Thư, chị Nụ (kể trên) chung quan điểm, nếu Nhà nước quyết thu hồi thì cũng chấp nhận thôi, song "cần bồi thường công bằng cho chúng tôi, đừng như lần trước, hai bên đường 21A mỗi bên đền bù một giá, bên rất cao, bên thấp tẹt! Chúng tôi không lấn chiếm, khi xây dựng không ai cấm thì khi thu hồi phải định giá nhà, đất chúng tôi cho sát với thị trường"!

Được biết, một trong những ý đồ của Bộ Xây dựng khi đề xuất "gom" dải đất 130ha sát mặt đường 21A này vào qui hoạch chung dự án ĐH Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc là "nghiên cứu xây dựng các phương án, cơ chế khai thác khu đất này trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt... nhằm tạo thêm nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho dự án".

Tuy nhiên, hiện nhiều ý kiến cho rằng, trước thực trạng một thời gian dài buông lỏng quản lý, thiếu hướng dẫn đối với người dân hoặc định hướng thiếu nhất quán, người dân đã đầu tư quá lớn vào khu vực này (như đã nói ở trên) và vì vậy khi dự định coi đây như một điểm khai thác, cần thiết phải tính đến khả năng đền bù xem liệu có khả thi không, hay lại khiến cho chi phí chung toàn dự án "đội" cao thêm, và dải đất 130ha trở thành "gánh nặng", "lực cản" cho cả dự án 1.220ha cùng chậm tiến độ?

TIN LIÊN QUAN
Về phía ĐH Quốc gia Hà Nội, với lý do có tới 4.000 cán bộ, nhân viên cần thu xếp chỗ ở (dự án đã được phê duyệt trong qui hoạch hơn 1.000ha không có hạng mục nào là chỗ ở cho cán bộ, giảng viên, công nhân viên ĐH Quốc gia HN), nhất là khi di chuyển toàn bộ đội ngũ này lên Hòa Lạc làm việc - cũng đề xuất dùng một phần trong 130ha đất ven đường làm nhà ở cho cán bộ, giảng viên, viên chức ĐH Quốc gia Hà Nội.

"Giải" thế nào cho "bài toán" 130ha "đất vàng" để không quá tả cũng chẳng quá hữu: bộ mặt ĐH Quốc gia Hà Nội được phong quang, trục đường 21A vẫn được mở rộng và bảo vệ, người dân vui vẻ lên đường, không trở thành một "lực cản mới" cho dự án vốn đã quá chậm trễ và nan giải này?

Giải trình của ĐH Quốc gia Hà Nội: Theo Quyết định 372/TTg ngày 2/6/1997 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng qui hoạch các đô thị Miếu Môn - Xuân Mai - Hòa Lạc - Sơn Tây được ban hành trên cơ sở bản thuyết minh của Viện Qui hoạch đô thị - nông thôn (Bộ Xây dựng) thì 130ha đất kể trên không nằm trong Qui hoạch chung Dự án Khu ĐH Quốc gia Hà Nội mà là hành lang bảo vệ các đường giao thông.

Năm 1996, ĐH Quốc gia Hà Nội đã nhận bàn giao đất từ Nông trường 1A thuộc Bộ Quốc phòng bao gồm cả 130ha nằm trải dài trên đất canh tác và đất ở của cán bộ, công nhân viên Nông trường 1A.

Quyết định 702/QĐ-TTg ngày 23/8/2002 của Thủ tướng Chính phủ sau đó đã phê duyệt điều chỉnh qui hoạch ĐH Quốc gia Hà Nội trong khu vực các đô thị Miếu Môn - Xuân Mai - Hòa Lạc - Sơn Tây, nêu rõ: "Ranh giới và phạm vi lập qui hoạch được điều chỉnh như sau: Phía đông giáp quốc lộ 21 (có hành lang bảo vệ và cách ly 150m); vẫn giữ nguyên ranh giới cũ; phía nam giáp đường cao tốc Láng - Hòa Lạc và Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt".

Như vậy, ngay cả trong qui hoạch điều chỉnh xây dựng ĐH Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, diện tích 130ha nói trên vẫn không nằm trong qui hoạch chung của khu ĐH Quốc gia Hà Nội mà chỉ là hành lang bảo vệ (có các nút giao thông lập thể, khoảng 40ha) cách ly ranh giới khu đất qui hoạch trung bình 150m (dọc đường 21 và đường Láng - Hòa Lạc kéo dài).

Do vậy, 130ha đất thuộc hành lang bảo vệ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1997 không thể đưa vào qui hoạch chung của khu ĐH Quốc gia Hà Nội được phê duyệt năm 2002.

  • Tràng An Nguyễn 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,