221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1161742
Lao động trình độ cao… vã mồ hôi tìm việc
1
Article
null
Lao động trình độ cao… vã mồ hôi tìm việc
,

 - Có trình độ chuyên môn và thậm chí có nhiều năm kinh nghiệm làm việc, nhưng thời điểm hiện tại, nhiều người vẫn mất việc hoặc thôi làm nơi cũ vẫn rất khó... tìm việc mới.

 

Mất việc hàng loạt

 

Tốt nghiệp đại học báo chí, lại có trình độ ngoại ngữ và nhiều năm kinh nghiệm, nhưng hiện Nguyên đang làm việc tại một cơ quan truyền thông có tiếng ở Hà Nội với công việc chính là biên dịch.

 

Hai năm làm việc hăng say, thu nhập ở mức khá, ít ai ngờ thời điểm cuối năm vừa qua cô cùng vài đồng nghiệp phải ngậm ngùi viết đơn xin nghỉ việc, trong khi chưa có nơi nào mới nhận vào làm.

 

Số là do kinh doanh khó khăn, công ty Nguyên công tác phải cắt giảm, đóng cửa một số ấn phẩm ít mang lại lợi nhuận. Các nhân sự tại đây được khuyến khích tìm một công việc mới, hoặc sẽ được cơ quan phân bổ vào làm tại các mảng khác.

 

Công việc mới chưa quen, đã vậy tâm lý lại không yên tâm, chán nản do công ty thường xuyên tuyên bố "ngừng ký tiếp hợp đồng nếu làm việc không hiệu quả", sau vài tháng mệt mỏi, cuối cùng bất đắc dĩ Nguyên phải tự nộp đơn xin nghỉ việc.

 

Nhiều lao động trình độ cao trong thời buổi kinh tế suy thoái cũng khó tìm việc mới. (Ảnh minh họa của Phan Hùng).

 

Hồng Ngọc, sinh năm 1975, phóng viên tại một tờ báo kinh tế của Hà Nội cách đây không lâu phải chịu cảnh bị sa thải. Trong số 7 người mà tòa soạn nhận vào làm từ năm 2008 thì 5 người khá hơn được giữ lại, cùng “bị cắt giảm” với Ngọc còn một nam thanh niên nữa.

 

May mắn hơn Ngọc, nam thanh niên này hiện đã xin được công việc mới, dù mức thu nhập giảm nhiều so với trước. Còn Ngọc, sau vài tháng nghe ngóng, gửi hồ sơ tới các nơi, hiện cô vẫn ở nhà “ngồi chơi xơi nước”.

 

Là nhân viên quan hệ công chúng cho một công ty tư nhân, chuyên tổ chức các sự kiện cho doanh nghiệp, bằng quan sát trò chuyện với các lãnh đạo doanh nghiệp, Kim Chi cho biết, chuyện cho nhân viên nghỉ việc hiện rất phổ biến đối với nhiều đối tác thuộc các lĩnh vực như sắt thép, đầu tư tài chính của công ty cô. Có nơi đã cho nghỉ tới gần 50% nhân sự.

 

Đi xin việc lúc này, ngay cả với người có bằng đại học, cao học có nhiều năm kinh nghiệm cũng không hề đơn giản. Trường hợp của Thu (quê Hà Nam), tốt nghiệp Học viện Tài chính là một ví dụ.

 

Nhiều công ty tiến hành sa thải nhân viên  thông qua chính sách khuyến khích cho lao động nghỉ việc nhận thêm 2 tháng lương. (Ảnh minh họa).

 Tốt nghiệp bằng khá, vừa ra trường Thu được vào làm công việc kế toán tại một doanh nghiệp chuyên sản xuất vỏ chai, lon bia tại một công ty đóng tại khu vực Hà Đông. Thu nhập tốt nhưng Thu không bằng lòng, cô sang làm cho một công ty kiểm toán tư nhân, rồi chuyển vào Sài Gòn cùng người yêu, mong sẽ tìm được công việc có thu nhập cao hơn tại một ngân hàng.

 

Nhưng sau gần một năm trời long đong rải hồ sơ, chờ đợi phỏng vấn "không nên cơm cháo gì", trước Tết Nguyên đán Thu lại quay ra Hà Nội. Thời gian thất nghiệp đã khá dài để Thu mong muốn được đi làm, nhưng vấn đề của cô bây giờ là chưa tìm được một chỗ nào.

 

Thu tâm sự, “lúc đầu còn kén chọn công ty tốt, nay thì công ty bình thường cũng chẳng vào được. Kinh tế khó khăn, tiền chi tiêu sinh hoạt thường ngày nhiều nên nếu không có việc làm thì chắc chỉ còn nước về quê”.

 

Khó tìm việc làm mới

 

Anh Nguyễn Cường, Trưởng bộ phận của một công ty Nhật Bản tại Hà Nội được hưởng mức lương 8 triệu đồng/tháng. Nhưng trong thời buổi này, ông chủ người Nhật đã bán lại công ty cho một người Đài Loan và “thay máu” nhân sự mới. Trong môi trường làm việc hiện tại, anh Cường thấy vị trí mới của mình không phù hợp nên đã yêu cầu với lãnh đạo công ty cân nhắc cho anh vào vị trí khác, tuy nhiên lãnh đạo công ty không chấp thuận.

 

Anh Cường bảo: “Công ty thay chủ, thấy vị trí công việc không phù hợp, nên mình muốn tìm việc làm mới ở công ty khác. Bởi có ở lại công ty thì cũng không thể phát triển được nên tôi phải đi tìm việc ở nơi khác để làm chứ lâu dài không thể làm ở đây được. Tuy nhiên trong thời buổi tìm việc khó khăn như hiện nay thì phải vừa làm, vừa đi tìm việc mới, chứ nghỉ việc vào lúc này thì sẽ không thể cân đối chi tiêu trong gia đình được”.

 

Bỏ việc ở công ty cũ, nhiều lao động có trình độ cao vẫn khó tìm việc làm mới trong điều kiện kinh tế suy thoái.(Ảnh minh họa của Phan Hùng)

 

Mới đây, qua giới thiệu của người quen, anh Cường định xin vào một công ty khác cũng của Nhật. Nhưng khi được bạn cho biết, giám đốc công ty ít dùng tiếng Anh mà thường dùng tiếng Nhật trong trao đổi công việc, thì anh Cường lại nản… nên không xin vào công ty này nữa.

 

“Xin làm vị trí quản lý mà sếp thường trao đổi bằng tiếng Nhật, trong khi mình lại không giỏi tiếng Nhật nên cũng rất khó trong trao đổi công việc. Nếu xin vào làm với mức lương bằng với công ty đang làm mà điều kiện làm việc không khá hơn thì tốt nhất là chờ tìm công ty khác phù hợp hơn” - anh Cường cho biết.

 

Anh Thương, cán bộ quản lý của một công ty sản xuất máy tính của Trung Quốc tại Việt Nam đã làm việc hơn 2 năm tại công ty này. Mới đây, anh Thương được công ty yêu cầu sang Trung Quốc công tác 2 năm. Anh thấy việc phải chuyển sang Trung Quốc đối với anh là bất hợp lý nên đã yêu cầu công ty cho anh được ở lại Việt Nam làm việc. Yêu cầu của anh Thương đã nhanh chóng bị công ty bác bỏ và ra tối hậu thư nếu anh Thương không đi thì phải nghỉ việc.

 

Quá bức xúc, anh Thương cho biết: “Vì đã có gia đình nên tôi không thể đi xa nhà theo yêu cầu của công ty được. Nhưng quả thật, nếu công ty cứ nhất quyết yêu cầu phải đi công tác hai năm thì chẳng khác nào bắt ép tôi phải nghỉ việc”.

 

Sau gần một tháng mất việc, đến nay anh Thương đã nộp hồ sơ ở nhiều công ty mới nhưng hiện tại vẫn chưa có công ty nào tuyển dụng. 

“Trước đây nhiều công ty lôi kéo mời vào làm nên xin việc là chuyện nhỏ. Bây giờ kinh tế khó khăn nên tìm được công việc như ý thật không dễ” - anh Thương cho biết.

 

Quỳnh - nhân viên của một công ty nước ngoài trong Khu công nghiệp Bắc Thăng Long tốt nghiệp Đại học Ngoại thương với tấm bằng giỏi. Nhưng khi xin vào công ty này làm việc đến nay chưa đầy một năm, Quỳnh đành phải xin thôi việc vì hoạt động sản xuất của công ty ngưng trệ và không có việc thì Quỳnh không có tương lai.

 

Quỳnh bảo: “Em học chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, nhưng khi vào công ty lại làm chuyên về sản xuất, công việc hiện tại không phù hợp nên em phải nghỉ làm để đi xin việc khác, dù chưa biết sẽ xin ở đâu”.

 

Để khuyến khích nhân viên nghỉ việc trong thời buổi khó khăn này, có công ty còn đưa ra chính sách mỗi nhân viên nghỉ việc được nhận thêm 2 tháng lương.

Nhưng như Quỳnh cho biết, hai tháng lương không phải là vấn đề quan trọng, mà thực tế có ở lại công việc của Quỳnh cũng không khả quan hơn, nhất là khi sản xuất hàng hoá trong công ty này đang giảm mạnh, nhiều công nhân và cả nhân viên trong công ty không có đủ việc làm đành phải tự xin nghỉ.

  • Vũ Điệp - Nguyễn Nga  

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;