221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1170876
Đổ xô khoét núi đào vàng vì tin đồn
1
Article
null
Quảng Nam:
Đổ xô khoét núi đào vàng vì tin đồn
,

 - Thông tin ông Út Huệ trúng hàng trăm cây vàng chỉ trong một đêm đào ở một hầm sâu trên đỉnh dương Thút Bút lan nhanh đã làm náo loạn cả làng Bích An, xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành, Quảng Nam trong mấy ngày qua. Lần theo thông tin, PV VietNamNet tìm đến bãi vàng Bích An để tận mắt chứng kiến cảnh khoét núi đào vàng của hàng trăm người mong tìm vận may nơi lòng đất…

Xâm nhập hầm vàng

Mặc dù đã tìm đủ mọi cách để xâm nhập bãi đào vàng, nhưng chúng tôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn do đám bảo kê, đầu gấu được các chủ hầm vàng thuê từ Tam Kỳ vào bảo vệ. Cả khu vực hầm vàng đều được phong toả, không cho người lạ xâm nhập vào.

Cuối cùng, nhờ chiếc máy định vị cầm tay của anh bạn địa chất và chút kiến thức về khoáng sản được “đào tạo” cấp tốc, tôi trở thành "cán bộ địa chất" thứ thiệt vào khảo sát tại khu vực bãi vàng. Những cặp mắt bảo kê soi mói cũng không dám đụng đến, ngược lại còn được... biệt đãi.

Một hầm vàng tại dương Thút Bút vừa được mở, xung quanh là những bảo vệ.

Ngay tại hầm vàng sâu hun hút chạy vào lòng núi, sau khi chìa bao nilon xin các “đại ca” nắm đất từ dưới hầm sâu đưa lên để làm mẫu thử trước mắt đám bảo kê đông như kiến cỏ, tôi vẫn được an toàn. Thậm chí, được các “đại ca” hầm vàng ân cần mời mọc trà thuốc với lời gửi gắm: “Anh xem chỗ mô có vàng chỉ giúp, anh em tụi tui xin cúi đầu hậu tạ…”.

Ngay lập tức, tôi được các “đại ca” đưa đi xem đất, lấy mẫu đá và được phép chụp ảnh các mẫu đất đá trong khu vực “cấm” nơi bãi vàng này. Lợi dụng lúc sơ hở của đám bảo kê, tôi lia máy chụp vội những hầm vàng đang được khai thác nơi đỉnh dương Thút Bút.

Cả khu dương Thút Bút của làng Bích An bỗng chốc náo loạn khi hàng trăm người dân địa phương và các nơi đổ về giành đất, khai hầm đào vàng trong những ngày qua. Khổ nhất là mấy chủ đất trồng rừng mất ăn mất ngủ, vì hàng trăm người kéo đến giẫm nát cả một khoảnh rừng keo vừa mới trồng.

Nhiều chủ hầm vàng từ Phước Sơn nghe tin cũng kéo quân về tổ chức khai thác. Nhưng các chủ đất không cho nên đã có chuyện xảy ra đánh nhau. Đám bảo kê của chủ đất Út Huệ thuê về đã kịp thời xử lý những kẻ hăm he đào hầm khai thác vàng nơi khu đất được cho là trúng đậm vàng. Cuối cùng, các chủ hầm vàng cũng đã thoả thuận xin mua đất hoặc tổ chức khai hầm ăn chia với chủ đất với giá hàng trăm triệu đồng trên diện tích khoảng 1m2 hoặc ăn chia theo tỷ lệ 6/4.

Hôm tôi đến nơi bãi vàng này, chủ hầm tên K. và tên Đ. được chủ đất cho khai hầm ăn chia. Chỉ trong một ngày đêm, mà các hầm đã được đào sâu găm xuống lòng núi hàng chục mét, và bắt đầu từ đó, những phu vàng tiếp tục khoét sâu vào lòng núi để lấy đất đãi vàng…

"Khoét núi, ngủ hầm"

Câu chuyện đồn thổi ông Út Huệ trúng hàng trăm cây vàng chỉ trong một đêm hư thực thế nào chưa rõ. Chỉ biết sau cái đêm trúng vàng đó, ngôi nhà ông Út Huệ nằm dưới chân dương Thút Bút rất đông người lạ mặt canh giữ. Tôi cố tìm gặp ông Út Huệ để tìm hiểu sự việc, nhưng mọi lời đề nghị thông qua đám bảo kê đều bị chối từ, mặc dù tôi giới thiệu mình là cán bộ địa chất đến để tìm hiểu về khoáng sản mà không có ý định nào khác.

Đội nắng với túi nilon trên tay, tôi lang thang trên đỉnh dương Thút Bút, hiện ra trước mắt dưới tán keo lá tràm là những hầm sâu vừa khai phá. Để tránh những cặp mắt của đám bảo kê, tôi phải đi nhặt từng cục đá để “nghiên cứu”. Hơn 2 ngày làm việc cần mẫn giống như cán bộ địa chất thứ thiệt, tôi mới thoát khỏi những ánh mắt thăm dò của đám bảo kê soi mói.

Một hầm vàng đang được khai thác có rất đông người bảo vệ trên miệng hầm, không cho người lạ mặt vào.

Dường như quá nóng lòng với việc khai hầm tìm vàng, cuối cùng các chủ hầm cũng đồng ý cho tôi xuống hầm khảo sát với điều kiện phải giữ “bí mật” nếu phát hiện có vàng. Tôi gật đầu đồng ý và sẽ nói chuyện riêng với các chủ hầm sau khi có kết quả khảo sát.

Hầm vàng đầu tiên tôi xuống được chủ hầm tên K. giới thiệu là mới thoả thuận với chủ đất cho phép khai hầm vào đêm 28/2, với giá 100 triệu đồng. Chỉ sau 1 ngày đêm, đến sáng ngày 1/3, hầm vàng này đã được các phu vàng đào sâu xuống lòng núi hơn 8m, có diện tích 1m x 1m. Bắt đầu từ độ sâu 8m trong lòng núi này, các phu vàng được điều động đến thay nhau khoét sâu vào lòng núi lấy đất đá suốt ngày đêm đưa lên mặt đất, chuyển đi đánh hoá (dùng cyanua).

“Nếu có vàng, tụi tui chỉ cần làm trong 3 ngày là xong. Mấy ngày ni anh em đi ngách ngang hàng chục mét vẫn chưa tìm được vỉa. Anh là địa chất xem giúp, tụi tui hậu tạ…” - chủ hầm tên K. ân cần bảo nhỏ vào tai tôi khi cùng xuống hầm sâu.

Nơi lòng đất sâu hun hút tối om, tiếng đào đất, đục đá thịch thịch vọng ra cùng với việc thiếu dưỡng khí, tôi thấy khó thở. Nơi đáy hầm, nhiều ngách nhỏ toả đi 4 hướng ăn sâu vào lòng núi hàng chục mét, những người phu vàng bất chấp hiểm nguy thay nhau khoét núi. 

“Mấy ngày ni, anh em tụi tui lấy được hơn 100 bao đất, đem về đãi thử nhưng chưa thấy vàng. Có cách chi anh chỉ giúp…” - vẫn lời năn nỉ của chủ hầm tên K.

Vẫn với vẻ mặt “nghiêm trọng” của một “chuyên gia” về khoáng sản, khi nhìn những ngách hầm ăn sâu vào lòng núi vô cùng nguy hiểm, có nguy cơ đổ sập bất kỳ lúc nào, tôi phán đại một câu: "Không có vàng, đừng đào mất công!”. Nghe tôi phán, mặt K. đang khí thế bỗng xìu xuống như quả bóng xì hơi. "Kiểu ni anh em tụi tui mất toi cả trăm triệu thuê nhân công và mua đất khai hầm mấy ngày ni…” - K. nói với vẻ mặt đưa đám.

Một nhóm phu vàng đang nghỉ lấy sức từ dưới hầm sâu lên vào chiều ngày 1/3 (ảnh trái) và một nhóm người trong làng Bích An đang đào hầm khai thác vàng (ảnh phải)

Cùng chung tâm trạng với K., chủ hầm tên Đ. chờ tôi nơi miệng hầm khi vừa từ hầm sâu của K. ngoi lên để “rước” về xem đất được lấy lên từ hầm sâu của mình. Chủ hầm tên Đ. năn nỉ: “Anh xem giúp tụi tui, đã 3 ngày ni anh em tụi tui khoét núi ngủ hầm nhưng chưa thấy tăm hơi chi…”.

Đ. đưa tay chỉ về phía hầm của ông Út Huệ được đồn thổi là trúng mấy trăm cây chỉ trong 1 đêm, nằm cách hầm của Đ. hơn 30m: “Hơn 3 ngày ni, anh em tụi tui làm ngày làm đêm, tất cả các ngách đều nhằm hướng hầm của ông Út Huệ mà đánh, nhưng chưa thấy tăm hơi chi. Công sức, bạc tiền từ Phước Sơn đều đổ dồn về đây mua đất, khai hầm lên đến hơn trăm triệu đồng rồi, nếu không có vàng chắc lỗ sặc máu…” - chủ hầm tên Đ. than thở.

Quá nóng ruột cho hầm của mình mấy ngày vẫn chưa tìm thấy vàng, Đ. sốt sắng mời tôi xuống hầm xem giúp. Sau hơn 15 phút chui vào ngách hầm tối om ăn sâu vào lòng núi hàng chục mét không hề có cây chống đỡ, rất nguy hiểm có thể sập hầm, tôi chui ra khỏi ngách, vẫn với vẻ mặt “nghiêm trọng” kèm theo cái lắc đầu, tôi phán: "Không có vàng!".

Thú thực, chuyện có vàng hay không tôi nào biết được, chỉ thấy hiểm hoạ sạt núi, sập hầm có thể vùi lấp hàng chục người đang nằm dưới hầm sâu suốt ngày đêm đào quặng trong những ngày qua, nên tôi phán đại để các chủ hầm từ bỏ ý định khoét sâu vào lòng núi.

Quả lừa đắng chát?

Bất chấp các hầm bên đang khoét núi mở vỉa sâu vào lòng núi có vàng hay không, cơn sốt trúng vàng như một lực hút.

Ông H. nhà cạnh dương Thút Bút ở làng Bích An gần đó cũng đang huy động anh em hơn 20 người hì hục khai hầm ngay trên diện tích đất vườn mình đang trồng keo lá tràm. 

Khu vực hầm vàng của ông Út Huệ được đồn là trúng hơn 200 cây trong đêm ngày 27/2 đã được lấp lại, nhưng dấu đất đào bới vẫn còn mới.

Hầm của ông H. vừa mới khai sâu vào lòng đất khoảng hơn 5m, chỉ cách hầm của ông Út Huệ khoảng chừng 50m. “Nếu không có vàng thì tại sao mấy chủ hầm từ Phước Sơn kéo về bỏ bạc triệu mua đất khai hầm. Mình có đất tại sao không làm. Lỡ nếu hầm họ trúng làm răng mà chịu nổi…” - ông H. tâm sự.

Cơn sốt đào hầm khai thác vàng trên dương Thút Bút ở làng Bích An cứ thế lan nhanh. Hơn 2 ngày trời bám trụ nơi bãi vàng này, nhìn gương mặt những chủ hầm ai cũng có vẻ bí mật. Từng nhóm người tụ tập bên miệng hầm nhỏ to như sợ người ngoài nghe thấy.

 Trong câu chuyện của một thanh niên tên Q. người làng Bích An kể cho tôi nghe rằng, hầm của ông Út Huệ trúng hơn 200 cây chỉ trong một đêm. Lo sợ người ta đến cướp hầm, nên ông đã phải ra Tam Kỳ thuê đầu gấu về bảo vệ hầm và bảo vệ mình. Còn hầm trúng vàng thì được ông Út Huệ cho lấp lại để bảo vệ không đào nữa…

Tôi tìm đến nơi hầm vàng của ông Út Huệ nằm giữa một vạt keo lá tràm đã được san lấp. Cạnh bên, cách đó không xa, là 3 hầm vàng khác của các chủ hầm từ Phước Sơn nghe tin về mua đất khai hầm mấy ngày nay. Người ta chỉ biết rằng các chủ hầm này lấy đất từ dưới hầm sâu đưa lên, ấn vô bao tải và cho xe chở về Tam Kỳ đánh hoá.

Chính vì vậy, sự nghi ngờ các chủ hầm trúng đậm vàng được tiếp tục đồn thổi và lan nhanh khiến nhiều gia đình bỏ công ăn việc làm, kéo nhau lên khai hầm tìm vàng. Và hành tung “bí mật” của những ông chủ hầm lại khiến không ít người tò mò kéo đến, gây cảnh mất an ninh trật tự tại địa phương.

 Số quặng đất lấy từ dưới hầm sâu đem đãi thử trên kênh dẫn nước Phú Ninh (ảnh trái). Từng nhóm người nhỏ to bàn bạc về các hầm vàng đang khai thác. (ảnh phải)

Theo ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch UBND xã nhận định, chuyện trúng vàng của ông Út Huệ chỉ là đồn thổi. Tuy nhiên, số người nghe tin đồn đổ về ngày một đông nên xã không đủ lực lượng để truy quét. Cứ khi nào xã nghỉ truy quét thì họ lại lên đào. Hiện xã đã báo cáo với UBND huyện để được chỉ đạo và tăng cường lực lượng giúp xã truy quét, đẩy đuổi số người làm vàng trái phép ra khỏi địa bàn để bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương, tránh những hậu quả xấu như đâm chém tranh giành hầm hoặc xảy ra sập hầm chết người như các địa phương khác.

Rời bãi vàng dương Thút Bút giữa khuya ngày 1/3, ngược đường với tôi, từng đoàn người vẫn kéo nhau đổ về bãi đào vàng để tìm kiếm vận may nơi lòng núi. Không biết vận may có mỉm cười với những phu vàng hay không, chỉ thấy sự hiểm nguy rập rình nơi hầm sâu là có thật.

  • Hoàng Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,