- “Thôi thì đủ mọi chuyện từ việc không có nước sạch: Cả nhà tôi không dám ăn phở trong phường; rửa xe máy cũng chạy tít vào trong phố; có dùng dầu gội loại xịn thì tóc vẫn cứ bết bết. Không có nước cũng sinh ra lắm bệnh, Hà Nội xuất hiện loại dịch nào thì phường Định Công này dẫn đầu đủ cả: sốt sốt huyết, tiêu chảy…”.
Trong khi Nhà nước chuẩn bị tăng giá nước sạch, thì ngay tại Hà Nội, 3 vạn 2 nghìn dân của phường Định Công (quận Hoàng Mai) từ nhiều năm nay phải sử dụng nước giếng khoan. Nước sạch là một thứ xa xỉ đối với họ.
Nhà nào cũng có giếng khoan, bể lắng
Trước khi vào từng hộ dân thực tế, chúng tôi chạy xe máy một vòng qua các tuyến đường trong phường Định Công, từ khu Thượng, khu Hạ đến khu Trại. Hình ảnh quen thuộc đập vào mắt là nhà nào cũng có giếng khoan, bể lắng.
Ông Sinh về đây sống từ năm 1987, khi đó còn gọi là xóm Cầu, thôn Hạ, xã Định Công, nên ông nắm rất rõ chuyện “khát” nước sạch. “Chẳng có gì khác lúc tôi mới về đây” - ông nói - “trước là vùng sâu vùng xa thì không nói, nhưng quãng năm 2000 thành phố chủ trương cấp nước sạch cho 24 xã và thị trấn Văn Điển, thì riêng Định Công lại không được cấp”.
Lý do là khi đó đã có quy hoạch khu đô thị mới Định Công, thành phố định lấy nước từ khu đô thị cấp cho toàn phường. Nhưng thực tế đến nay cả khu đô thị mới cũng chỉ có một trạm bơm mini, nằm cạnh bãi gửi xe. Trạm bơm này dùng riêng cho khu đô thị còn chưa đủ, nói gì đến chuyện cấp ngược ra cho cả phường?
Bát nước giếng khoan nhà ông Sinh, sau khi để vài phút. (Ảnh: Cao Minh)
Bẵng đi khoảng 2 năm, có Công ty TNHH Hoàng Hà vào đầu tư dự án nước sạch. Công ty này khoan được 3 cái giếng ở khu Trại, rồi… bỏ đấy.
Ông Sinh dẫn chúng tôi ra hông nhà. Nhà ông có 1 giếng khoan, dùng bơm cao áp, bơm lên bể lọc nhiều ngăn trên nóc nhà. Nhưng thứ nước mà ông thu được chỉ dùng để đi… vệ sinh, mà ngay kể cả dùng để dội toa-lét cũng khiến bồn cầu cũng bị ố vàng rất nhanh.
“Trăm nghe không bằng một thấy”, ông Sinh thực nghiệm, lấy một cái bát nhựa múc ít nước giếng khoan lên. Chỉ sau vài phút, quan sát bằng mắt thường đã thấy nước bị biến màu, ngả sang màu vàng như nước chè, nhìn nghiêng có cả một lớp váng. “Đấy! Nước kiểu này thì làm sao dùng mà ăn uống được” - ông Sinh ngán ngẩm.
Nhà ông còn có một cái giếng khơi từ ngày xưa - cả gia đình phải dựa vào cái giếng này để tắm giặt. Còn nấu nướng ăn uống thì phải mua nước ngọt từ ôtô téc của các xí nghiệp kinh doanh nước. Giá hiện nay là 70 nghìn đồng/m3; bể chứa nhà ông Sinh chứa được 10 m3, dùng được khoảng 3 tháng, vị chi trả tiền nước 230.000đồng/tháng chỉ để nấu cơm, đánh răng.
Khoan sâu 57m mới có nước … bẩn
Sang nhà ông Nguyễn Văn Nhì (ngõ 176, tổ 25, phường Định Công), ông Nhì dẫn ra giếng khoan và nói: “Hiện mặt nước tĩnh của phường này bị tụt rồi. Nhà nào cũng khoan giếng, nên càng ngày càng phải khoan sâu hơn mới có nước, mà nước rất bẩn”.
Nhà ông làm giếng cách đây 2 năm, đã phải khoan sâu đến 57m. Ông Nhì nhẩm tính số tiền để làm một cái giếng khoan hiện nay: tiền khoan hết 1,4 triệu đồng; rồi cũng chừng ấy tiền để mua máy bơm loại tốt; còn chưa kể đến cát, đá, than hoạt tính dùng làm bể lọc. Sơ sơ hết chừng 3,5 triệu đồng.
Bể lọc nhà bà Song đã ố vàng góc trái. (Ảnh:Cao Minh)
Ông Nhì cho hay: “Nhà nào lười thì một năm phải thay 2 lần nguyên vật liệu bể lọc, còn trung bình thì cứ hết quý là phải thay. Chỉ cần 10 ngày thôi, cả bể lọc đã lắng được một lớp phù sa dày chừng 3cm, lại phải hót đi thì mới có thể lọc tiếp”.
“Thôi thì đủ mọi chuyện từ việc không có nước sạch: Cả nhà tôi không dám ăn phở trong phường; rửa xe máy cũng chạy tít vào trong phố; có dùng dầu gội loại xịn thì tóc vẫn cứ bết bết. Không có nước cũng sinh ra lắm bệnh, Hà Nội xuất hiện loại dịch nào thì phường Định Công này dẫn đầu đủ cả: sốt sốt huyết, tiêu chảy…”.
Sang nhà bà Phạm Thị Song (số 6, ngõ 226, phường Định Công), bà vừa chỉ cái bể lọc ngay trước cửa vừa oang oang: “Đấy, nhà báo nhìn thực tế mà kêu hộ dân chúng tôi, khổ hết chịu nổi, toàn phải mua nước đóng chai ngoài phố về… nấu cơm”.
Cái “thực tế” mà bà Song muốn kêu ở đây là cả một góc bể lọc nhà bà bị nước giếng khoan tràn ra, đã mốc vàng như gỉ sắt. Lúc này chúng tôi mới chợt nhớ, trên đường Lê Trọng Tấn (một trong những lối vào chính của khu Định Công) có đến mấy cửa hàng bán phụ kiện lọc Asen- một tạp chất độc hại thường có trong nước giếng khoan.
Giáp ranh phường Định Công có nhiều trường đại học, cao đẳng nên số sinh viên đến tá túc trên địa bàn phường cũng đáng kể. Đối diện nhà bà Song cũng có một khu nhà trọ sinh viên (số 5, ngõ 226, phường Định Công).
Vào sân, thấy có một đường ống bơm nước chảy tong tong vào cái bể lắng. Phía dưới bể lắng, lổn nhổn mấy viên gạch, cặn nước giếng khoan lâu ngày đóng vàng ươm toàn bộ bể. Nước từ đây chảy qua sân của khu sinh viên đến một bể ngầm.
Vừa hay, có một cô sinh viên thản nhiên ngồi gội đầu bằng thứ nước trong bể ngầm ấy. Hỏi chuyện, em ngẩng lên tỏ vẻ ngạc nhiên: “Thế anh bảo chúng em nên làm thế nào bây giờ, mua nước đóng chai về gội đầu à?”.
Hỏi chuyện thêm mới biết, em và các bạn cùng phòng thường chỉ dám mua nước đóng bình về để nấu cơm mà thôi. Mà chỉ là dùng vào nước cuối, kiểu: vo gạo thì dùng nước giếng khoan, tráng lần cuối mới dùng nước bình. Xong, lượng nước này lại được dùng để rửa rau. Thế mà cứ 1 tuần mỗi phòng sinh viên lại dùng hết 2 bình nước lớn, loại 22.000 đồng/bình- đã trừ vỏ.
Đến giữa năm nay, dân Định Công có hết “khát”
Theo ông Khánh cung cấp, Định Công được chuyển từ xã lên phường năm 2004. Cả phường có tổng cộng 32.000 dân, chia làm 93 tổ dân phố, trải rộng trên diện tích 257ha. Đó là chưa kể số sinh viên, người lao động tự do thuê trọ ở phường. Bởi thế, nhu cầu sử dụng nước sạch tại đây hết sức bức thiết.
Được biết, theo xét nghiệm, nước giếng khoan ở khu vực Định Công còn nhiều tạp chất độc hại (asen) gây ảnh hưởng tới sức khoẻ người dùng. Thực tế, dịch tiêu chảy cấp đã từng xảy ra tập trung tại phường này.
Theo lời ông Phó Chủ tịch phường, Định Công đã nhiều lần kiến nghị lên cấp quận và thành phố về chuyện nước sạch. Vào khoảng tháng 3/2003, dự án cung cấp nước sạch của Công ty TNHH Hoàng Hà trên địa bàn phường đã được cấp thành phố phê duyệt, cho phép khởi công xây dựng khiến dân nơi đây khấp khởi mừng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, công ty này đã triển khai quá chậm. Làm việc với phường, chủ đầu tư cam kết sẽ có nước sạch cho dân trong năm 2007. Nhưng hết năm đó, trạm nước sạch không hoàn thành, công trình thi công thì ngổn ngang.
Theo phê duyệt chi tiết quận Hoàng Mai của UBND Thành phố Hà Nội, phần quy hoạch cấp nước sạch phục vụ nhu cầu nhân dân, thì phường Định Công thuộc khu vực 1, được cấp bổ sung nguồn từ nhà máy nước sạch Sông Đà.
“Để dân sớm có nước sạch Sông Đà, cuối tháng 8 năm ngoái chúng tôi đã mời Công ty Hoàng Hà và một đơn vị mới là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch Viwaco cùng ngồi lại với nhau, tháo gỡ những vướng mắc” - ông Khánh nói tiếp - “Cuối cùng thì công ty cũ cũng đồng ý ra văn bản để công ty mới được đầu tư cung cấp nước sạch cho dân”. Được biết, hôm 25/2, UBND phường Định Công đã làm việc với Viwaco về thiết kế và lộ trình đưa nước sạch về đồng bộ cho toàn phường. Nói là đồng bộ, nhưng thực chất nếu nhanh nhất phải đến tháng 6 năm nay, khu đầu tiên trong phường là khu Hạ mới có nước sạch; các khu còn lại phải đợi thêm 3 tháng mới đến lượt, vì hệ thống đường ống đi theo bờ trái sông Tô Lịch chưa thông. Rút kinh nghiệm từ Công ty Hoàng Hà, lần này, UBND phường đã đề nghị chủ đầu tư mới phải hoàn thành đúng tiến độ nêu trên. Dù sao, đề nghị cũng chỉ là đề nghị, còn thực tế bao giờ dân Định Công được xài nước sạch thì vẫn cứ phải... chờ.
- Đỗ Minh
Bài 2: Dùng "nước sạch" khoan bên cạnh... nghĩa địa
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng
hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi !
Đường dây nóng:
Email: bvkh@vietnamnet.vn