- "Nước bẩn, người dân không nên biết!" là ý kiến của một người có trách nhiệm tại TP.HCM. Theo ông này, vì người dân đã lo âu quá... nhiều vấn đề, thêm vấn đề nước bẩn, nước ô nhiễm... rất dễ gây đau đầu!
Nước sinh hoạt nhiều nơi: Bẩn!
Bà Hoàng Thị Ngọc Ngân, Trưởng Khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết, rất nhiều hộ dân TP.HCM sử dụng nguồn nước ngầm bị nhiễm vi sinh nặng.
52% mẫu nước sinh hoạt khai thác từ nước ngầm mà TT YTDP TP.HCM kiểm tra ở một số quận ngoại thành như Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức... bị nhiễm vi sinh nặng (nhiễm E.coli, Coliform, Coliform faecal) từ 2.100 - 3.700 MPN/100ml (số vi khuẩn trong 100 ml).
Nước kênh rạch ô nhiễm khiến những giếng nước khoan sử dụng sinh hoạt bị ảnh hưởng. Ảnh: V.Giang |
Trong khi đó, quy định của Bộ Y tế không cho phép các thành phần vi sinh nói trên tồn tại trong nước sinh hoạt vì ảnh hưởng nguy hại tới sức khỏe người dân. Nếu người dân uống nước chưa đun sôi sẽ có nguy cơ cao về các bệnh đường ruột.
Theo nhiều chuyên gia về môi trường nước, vấn đề ô nhiễm nguồn nước ngầm rất nan giải: Trong 3 tầng nước ngầm, tầng 2 đang có chất lượng suy giảm. Nguyên nhân của hiện tượng này là do ý thức bảo vệ môi trường quá kém dẫn tới nước mặt đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguồn nước mặt ô nhiễm thấm vào lòng đất mà trước hết là tầng nước thứ 2.
Trong khi nước ngầm báo động ô nhiễm thì nước mặt sông Sài Gòn cũng ở mức báo động trầm trọng. Tính đến tháng 7/2008, nồng độ amonia trong nước sông Sài Gòn (nhất là tại vùng thu nước thô) đã tăng gấp 20 lần so với tiêu chuẩn. GS. TS Lâm Minh Triết, Viện Nước và Công nghệ Môi trường chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp tổng thể và khả thi bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn đảm bảo an toàn cấp nước cho thành phố” cho biết.
Theo ông Võ Quang Châu, Phó Giám đốc Công ty Cấp nước Sài Gòn: "Việc xử lý chất amonia hiện nay gần như là bế tắc với chúng tôi!”.
Do chất lượng nước đầu vào diễn biến ngày càng xấu nên nhà máy nước Tân Hiệp phải sử dụng hóa chất clor để diệt khuẩn. Hiện các chỉ tiêu pH, sắt, độ đục… đều vượt tiêu chuẩn mặt nước, chất lơ lửng tăng cao, mangan luôn tồn tại trong nguồn nước và có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là hàm lượng coliform, có lúc tăng gấp 50 lần (năm 2007) so với tiêu chuẩn.
Nước sông Sài Gòn ô nhiễm ở mức báo động. Ảnh: VNN |
Tuy nhiên, qua nhiều giám sát, TTYTDP TP.HCM đã có những kết quả cho thấy tại các điểm cuối nguồn độ clor dư (chất khử trùng) thấp, tập trung ở các quận như quận 6, 8, Bình Chánh.
Trước thực trạng trên, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đã có nỗ lực tăng cường độ clor dư trên mạng lưới đường ống. Để đủ độ clor dư các điểm cuối nguồn đạt tiêu chuẩn cho phép thì tại các điểm đầu nguồn độ clor dư lại quá cao.
Lãnh đạo TP.HCM đã rất quan ngại và yêu cầu Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn bổ sung trạm châm bổ sung clor cuối đường ống nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Kết quả gần đây nhất là 100% trạm nước ở Bình Chánh độ clor dư thấp, không đạt quy định.
Không để người dân biết vì sợ nhiễu thông tin?
Điều đáng nói, nước sinh hoạt thiếu hoặc dư clor trên mức cho phép; nước sinh hoạt nhiễm vi sinh, có E.coli là những vi khuẩn không được phép có trong nước sinh hoạt... là thực trạng mà theo nhiều người có trách nhiệm thì "không nên thông tin để người dân lo âu thêm".
Theo GS.TS Lâm Minh Triết, ô nhiễm vi sinh tiếp tục tăng đến mức báo động tới năm 2010 và một số vi khuẩn, virus gây bệnh liên quan đến nguồn nước sẽ xuất hiện: một số vi khuẩn và virus gây bệnh đường ruột (noroviros, rotavirus, enterovirus, heptatitis A Virus)...
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 80% trong tổng số ca bệnh và trên 1/3 ca chết tại những quốc gia đang phát triển là do tiêu thụ nước ô nhiễm. Trung bình mỗi người mất đi 1/10 thời gian và làm việc vì các bệnh có liên quan đến nước. Trong tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, đảm bảo an toàn nước phải bắt đầu từ nguồn, chúng có chứa chất độc hay không, là những loại gì... |
Tuy nhiên, khi hỏi rõ những tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế trong việc quy định cho nước sinh hoạt thì bác sĩ Nghiệm từ chối trả lời vì "nhiều vấn đề khiến người dân đau đầu rồi, rất cần thận trọng khi chọn đưa thông tin".
Đáp lại vấn đề này, GS.TS Lâm Minh Triết cho rằng: "Những thông tin liên quan tới cuộc sống cần có trách nhiệm đưa đến người dân một cách khoa học".
Khi người dân biết rõ thực trạng môi trường nước có những ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe họ như thế nào, ý thức xây dựng vào bảo vệ môi trường của họ sẽ cao hơn.
Đồng thời, khi người dân nhìn thẳng vào sự thật, những người có trách nhiệm sẽ có hướng xử lí quyết liệt hơn, ông Triết thẳng thắn nói.
Bác sĩ Lê Thanh Hải góp ý, việc ăn chín uống sôi là tối cần thiết để đảm bảo VS ATTP, hạn chế vi khuẩn có thể xâm nhập. Tuy sử dụng hóa chất clor sẽ không nguy hại gì khi đun sôi (vì clor bay hơi ở nhiệt độ cao) nhưng nếu dư lượng clor thấp so với quy định, vi khuẩn vẫn còn thì có thể không diệt được hết.
"Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn phải chịu trách nhiệm cung cấp nguồn nước an toàn và vệ sinh đến vòi sử dụng của nhà dân. Trong trường hợp người dân sử dụng giếng khoan, nước ngầm thì đặc biệt không đặt vị trí khoan nước giếng ngầm gần nhà vệ sinh, chuồng heo hoặc kênh rạch ô nhiễm..." - Ông Hải nói.
- Vinh Giang
Bài 4: Lùng sục mua nước sạch với giá... "cắt cổ"