- Vừa qua, một loạt các địa phương: Bình Dương, Bình Định, Long An, Quảng Trị, Nam Định, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu… đã tăng giá nước sạch. Trong thời gian tới, sẽ còn thêm nhiều địa phương thực hiện phương án tăng giá nước. Ông Nguyễn Tôn, Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt
Xoá bao cấp nước sạch
Một số thông tin trên báo chí cho rằng do điện tăng giá dẫn đến nước tăng giá (giá điện chiếm khoảng 1/3 giá thành sản xuất nước sạch), điều này thực ra chỉ đúng một phần. Giá nước tăng là do cả một quá trình: trước năm 2000, các doanh nghiệp sản xuất nước sạch (DNNS) đều là DN công ích, dựa vào vốn đầu tư Nhà nước, sản xuất nước, vận hành và cung cấp cho nhu cầu xã hội.
Nhà máy nước sạch Sông Đà. (Ảnh: T.C) |
Sau đó, Nghị quyết TƯ 3 xác định các DNNS công ích cần chuyển đổi sang hoạt động sản xuất kinh doanh hoàn toàn (vì có tạo ra sản phẩm đong đếm, định giá được); riêng các đơn vị thoát nước và môi trường thì tiếp tục cho làm DN công ích vì không có nguồn thu.
Chính phủ cũng ra Chỉ thị 04 về cấp nước đô thị và nông thôn, nêu nguyên tắc: giá nước sạch phải tính đúng, tính đủ, bù đắp được chi phí vận hành, sửa chữa, khấu hao và tái sản xuất mở rộng của DNNS.
Trên cơ sở này, hai bộ: Tài chính, Xây dựng cho ra Thông tư liên bộ 104, hướng dẫn về phương pháp tính giá nước theo nguyên tắc chỉ đạo của Chính phủ; UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ được giao cho việc quyết định về giá nước. Tuy nhiên, điểm mắc ở chỗ, trong thông tư liên bộ trên có câu, tính giá nước cần “phù hợp với khả năng chi trả của người tiêu dùng” mà không quy định rõ “phù hợp” là thế nào.
Do đó, dẫn đến việc các địa phương lý giải: Đang từ bao cấp chuyển sang kinh doanh thì cần phải có một quá trình chứ không thể bỏ ngay, nếu tính đúng, tính đủ giá nước thì sẽ vượt khả năng chi trả của người dân, và họ không tăng giá.
Vì thế trên thực tế, giá nước những năm trước đây chỉ đủ bù cho chi phí vận hành và một phần sửa chữa nhỏ, không đủ để đầu tư mở rộng sản xuất
Chi tiền nước không quá 3% tổng thu nhập
- Vậy theo ông, mức nào là phù hợp khả năng chi trả?
Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Châu Á khuyến cáo, mức chi phí cho nước sạch sinh hoạt nếu vượt quá 3% tổng thu nhập thực tế của người dân là vượt khả năng chi trả.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tại các đô thị vào khoảng 1,1 triệu đồng/người/tháng; tính theo khuyến cáo trên tương đương với việc không trả quá 33.000 đồng/tháng cho việc dùng nước sạch.
Nhà nước cũng có quy định, người dân đô thị được dùng cao nhất 4m3 nước sạch/người/tháng (133 lít/người/ngày); nhưng thực tế khảo sát của Hội Cấp Thoát nước Việt Nam trong 4 năm (từ 2004-2007) bình quân người dân chỉ dùng hết 97 lít/người/ngày.
Nghĩa là, dù người dân có dùng hết ở mức cao nhất thì chỉ phải trả 4m3 x 2.700 đồng = 12.800 đồng, nghĩa là mới bằng khoảng 1/3 mức khuyến cáo của thế giới, chưa hề vượt khả năng chi trả.
Định tăng giá lại gặp lạm phát
- Nhưng tại sao không tăng giá nước sạch ngay trong năm 2008 mà phải đợi đến năm 2009?
Năm 2007, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 117, trong đó dành hẳn 1 chương gồm 15 điều nói về giá nước; cho đến đầu năm 2008 các tỉnh bắt đầu xem xét tăng giá nước thì gặp đợt lạm phát.
Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ hồi tháng 3/2008 đã đề ra những nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát; theo đó các mặt hàng thiết yếu cần phải ổn định giá - giá nước vì thế một lần nữa không thể tăng.
Chúng tôi đã phải kiến nghị Chính phủ cho các DNNS giãn nợ vốn vay trong năm 2008 để đầu tư, sang năm 2009 - 2010 trả bù. Có như thế thì không tăng giá nước vẫn có thể sản xuất được.
Tiếp đến cuối năm 2008, liên bộ Tài chính, Xây dựng, NN&PTNT lại một lần nữa ngồi lại với nhau, soạn thảo thông tư mới thay cho Thông tư 104 nêu trên, nếu không có gì thay đổi - thông tư mới này sẽ được ban hành vào cuối tháng 3 này, với chủ trương: thả giá nước sạch theo cơ chế thị trường.
Năm 2009, việc tăng giá nước không còn bị hạn chế nữa nên dù chưa có thông tư mới, song hiện các địa phương vẫn đang dựa vào Thông tư 104 trước đây (còn hiệu lực) để ban hành quyết định tăng giá nước.
- Xin cám ơn ông!
-
Đỗ Minh (thực hiện)