- 9 năm nay, cậu bé có đôi mắt trong veo ấy vẫn mải miết lê đôi chân tật nguyền đi tìm con chữ. Với Lê Hữu Bảo, hạnh phúc thật giản dị, em mơ một ngày tỉnh giấc, mình sẽ có một đôi chân nguyên vẹn để đường đến trường đỡ vất vả.
Nhọc nhằn đi tìm con chữ
Cứ sáng sáng, khi những tia nắng của một ngày bắt đầu loé lên ở vừng đông, người dân xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) lại thấy một cậu bé đen nhẻm, người quắt queo như tàu lá chuối khô lê những bước chân mệt nhọc trên đường. Thấy lạ, bọn trẻ con trong xóm chạy theo cướp cặp sách trên vai chú bé và trêu đùa. Mặc, chú bé vẫn lê những bước chân trên con đường bỏng rát đầy nắng và gió Lào.
Cậu bé tật nguyền Lê Hữu Bảo, thân hình em gầy gò, quắt queo nhưng đổi lại em có đôi mắt thật sáng. Nghị lực phi thường vượt lên hoàn cảnh của Bảo khiến nhiều người nể phục và xem là hình mẫu. Ảnh: Hoàng Sang
Lâu dần, người dân ở đây mới biết chú bé ấy có tên là Lê Hữu Bảo, học sinh lớp 9I, Trường THCS Quỳnh Tân. Hiểu và cảm phục trước nghị lực phi thường của Bảo, người dân nơi vùng núi khô cằn này bắt đầu xem em như một hình mẫu về nghị lực vượt khó.
Sinh năm 1993, lúc mới sinh ra, Bảo cũng khoẻ mạnh như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng, chẳng hiểu thế nào, đến tháng thứ 5 thì Bảo bắt đầu có những dấu hiệu của bệnh tật. Đôi chân Bảo ngày càng teo lại như khúc củi khô, thân hình gầy quắt. Hàng xóm nhìn Bảo và ái ngại cho gia đình. Bố Bảo - anh Lê Hữu Hùng vội bán mấy tạ thóc giống và con lợn nái, đưa Bảo đi khám ở Bệnh viện huyện Quỳnh Lưu. Sau mấy hôm nằm viện, bố Bảo thở dài khi nghe bác sỹ nói rằng: Bảo bị bệnh teo dây thần kinh bẩm sinh, bệnh viện huyện không thể chữa được, phải chuyển ra Hà Nội thì may ra mới có cơ hội chữa lành đôi chân.
Đêm, bố mẹ Bảo không tài nào chợp mắt. Nghĩ đến cảnh đứa con trai mình phải chịu cảnh tật nguyền suốt đời, mẹ Bảo khóc hết nước mắt. Trời tối như bưng, gió rét như muốn cắt từng thớ thịt, chị Nguyễn Thị Liên (mẹ Bảo) vội lao nhanh ra đường. Chị chạy vạy đi vay tiền của hàng xóm và sẵn sàng gán nợ cả con trâu mộng - tài sản duy nhất còn sót lại để kiếm tiền chữa bệnh cho con. Rồi chị trở về, thẫn thờ. Làng xóm ai cũng nghèo cả, kiếm đâu ra chục triệu bạc mà chữa bệnh cho con. Đêm đó, chị ôm Bảo vào lòng, nước mắt ướt đẫm: “Coi như mẹ có lỗi với con, phải để cho con chịu cảnh tật nguyền”.
Ngày lại ngày, Bảo lớn lên, thân hình vẫn quắt queo. Duy chỉ có đôi mắt là rực sáng. Chị Liên chợt nhận ra rằng: Dù đôi chân bị bại liệt nhưng con trai chị lại có một nghị lực phi thường. Chính đôi mắt đầy nghị lực của Bảo đã nói lên điều đó.
Lúc 6 tuổi, chờ cho bố mẹ đi làm đồng là Bảo lê những bước chân ra khỏi nhà. Lúc đầu, bố mẹ Bảo cứ nghĩ: Chắc Bảo sang vui đùa cùng trẻ con hàng xóm cho đỡ buồn. Nhưng rồi, một hôm đi làm về, mẹ Bảo gọi khản cổ vẫn không thấy bóng con đâu. Tìm khắp hàng xóm vẫn không thấy bóng dáng Bảo. Hoảng, cả bố và mẹ Bảo chia nhau đi tìm. Lúc chạy lên phía trên đồi, thấy Bảo đang nằm vắt vẻo trên đống lá khô, mắt dõi theo những con chữ nơi cuốn sách rách lỗ chỗ, tay cầm nhành củi khô nguệch ngoạc những nét vẽ trên đất. Bắt gặp ánh mắt của bố mẹ, Bảo giấu vội quyển sách như là người có lỗi.
Những ngày sau, Bảo nằng nặc đòi bố mẹ cho đến trường. Nghĩ con mình bệnh tật, không đủ sức để đến trường nên bố mẹ ra sức can ngăn.
Trời nắng như đổ lửa, Bảo lê bước chân ra phía ngoài bờ ao rồi ngồi từ sáng tới chiều. Mặc cho người nhà có gọi thế nào, Bảo cũng không nghe. Mặc cho những con đỉa đói thi nhau hút máu, Bảo vẫn coi như không biết gì. Những con chữ trong cuốn tập viết cứ nhảy múa trước mắt cậu.
Những ngày sau, chờ lúc bố mẹ đi làm đồng, Bảo lại trườn ra đường. Bàn tay em và đầu gối rơm rớm máu. Nhiều người đi qua ái ngại, hỏi thì Bảo trả lời: Em muốn được đến trường để xem các bạn học chữ. Nói rồi, Bảo xin bất cứ ai đi qua chở em qua ngôi trường cách đó 3km.
Bảo cứ ngồi ngoài lớp học như vậy cho đến lúc trời đứng bóng. Ở trong lớp, khi các cậu học sinh tập viết chữ trên chiếc bảng đen thì phía ngoài, Bảo cũng lấy một que củi khô và tập viết.
Sau lần đó, bố mẹ Bảo đành phải chịu thua và cho con đến trường. Sáng, anh Hùng dậy sớm hơn mọi ngày để chuẩn bị sách vở cho con. Mẹ Bảo dậy thổi cơm sớm cho 2 bố con ăn lót dạ, để Bảo có sức mà đến trường.
Những ngày đầu tiên đến lớp, Bảo luôn mặc cảm về bệnh tật của mình. Hầu như cả buổi học, Bảo cứ ngồi lỳ trong lớp và không nói chuyện cùng ai. Các bạn của Bảo lúc đầu thường nhìn Bảo như người ngoài hành tinh và chọc ghẹo. Bảo chỉ im lặng và đáp lại bằng những điểm 10 đỏ chót.
Rồi lớp học cũng quen dần với một cậu học sinh bị khuyết tật ngày ngày lê những bước chân nặng nhọc đến lớp. Những hôm Bảo ốm, lớp học buồn tênh. Rồi tất cả nhốn nháo đến thăm và động viên Bảo nhanh chóng trở lại lớp.
Uớc mơ từ đôi chân không nguyên vẹn
Những năm đầu tiên, lúc thì bố, khi thì người em trai thay phiên nhau chở Bảo đến trường. Thương bố vừa phải đi làm thợ xây vất vả và mẹ ngày đêm còng lưng lên rừng kiếm củi để góp tiền cho anh em Bảo ăn học, nhiều lúc Bảo đã có ý định nghỉ học. Biết vậy, mẹ Bảo ôm con vào lòng và khóc: “Dù bố mẹ có cực khổ thì vẫn cố lo cho con ăn học nên người”. Nghe mẹ khóc, Bảo cúi gằm mặt xuống, nước mắt lăn dài: “Từ nay, con sẽ tự đi học bằng đôi chân của mình để bố mẹ đỡ cực và có thời gian nghỉ ngơi”.
Những lúc học xong bài, Bảo lại giúp bố mẹ làm các công việc trong gia đình. Đối với em, đó cũng là niềm vui lớn. Ảnh: Hoàng Sang
Những ngày sau đó, Bảo dậy sớm hơn mọi ngày. Ăn uống qua loa rồi em cắp sách vào người đến trường. Bố bảo lên xe, để bố chở đến trường thì Bảo giãy đành đạch: “Con tự đi bằng đôi chân của mình”. Nói là làm, Bảo dùng 2 tay và đôi chân bò lê, nhích từng bước trên con đường ngoằn ngoèo, gập ghềnh sỏi đá.
Ngày đầu tiên, phải mất gần 1 tiếng, cậu bé mới đến được trường. Mồ hôi nhễ nhại, tay và đầu gối rơm rớm máu nhưng Bảo vẫn không nản và cười mãn nguyện. Từ đó, sáng sáng, người dân nơi đây bắt đầu quen với hình ảnh một cậu bé đen nhẻm, thân hình gầy gò, ốm yếu mang một chiếc cặp xách lê từng bước chân nặng nhọc đến trường.
Vậy mà, đã 9 năm, Bảo bò lê đi tìm con chữ trên đôi chân không nguyên vẹn. 9 năm liền, Bảo đều là học sinh tiên tiến của trường.
Mặc dù đôi chân tật nguyền nhưng dù trong hoàn cảnh nào Bảo vẫn luôn cháy bỏng niềm đam mê học tập. 9 năm đi học là 9 năm em đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Ảnh: Hoàng Sang
Anh Hùng - bố của Bảo nhìn những tờ giấy khen của Bảo mà nghẹn ngào: “Dù có khó khăn mấy đi chăng nữa, gia đình tôi vẫn cho cháu theo học đến cùng. Nhưng, sang năm cháu lên cấp 3, trường học thì lại quá xa, phải gần 10 cây số, làm sao Bảo đủ sức lê chân đến trường. Mà nó thì “lỳ” lắm, nó bảo nó sẽ tự đi bằng đôi chân của mình được. Nhưng, tôi làm sao đành lòng để cháu nó như vậy. Những hôm trời nắng, cực đã đành. Còn những hôm mưa gió, đường nhão nhoẹt và trơn trượt, ai nỡ lòng nào nhìn con bò lê trong mưa gió như thế hở chú”.
Rồi đột nhiên anh hỏi: “Giá như có trường nào có chỗ ở nội trú nhận cháu vào học và cưu mang cháu, để cháu tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ của mình thì tốt biết mấy. Mà tôi chẳng bao giờ đi ra khỏi luỹ tre làng nên cũng chẳng biết được, có lẽ nhờ chú tìm hộ vậy”.
Rồi ông nắm lấy tay tôi, thật chặt, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt chằng chịt dấu chân chim: “Bảo vẫn ngày đêm mong được đến trường bằng đôi chân tật nguyền của mình. Nhiều lần, tôi đã bàn với vợ đi mua cho cháu một cái xe lăn, để cháu đỡ cực hơn. Nhưng, cả nhà chỉ có 3 sào ruộng, lại phải nuôi 7 miệng ăn, có cố gắng chắt chiu thì khỏi đói là may mắn lắm rồi. Lấy đâu ra tiền mà mua xe cho con. Nắng bỏng rát cũng như mưa tầm tã, cháu vẫn một mình đi đến trường trên con đường nham nhở. Những lúc như thế, lòng tôi quặn thắt”.
Rời khỏi nhà Bảo, đi qua những con đường ngoằn ngoèo, gập ghềnh sỏi đá, tôi vẫn mường tượng ra đôi mắt sáng trong khi Bảo tiễn tôi ra về. Tôi đọc được trong đôi mắt đó một nghị lực phi thường và một niềm đam mê mãnh liệt.
Tự hứa, sẽ góp phần thắp sáng ước mơ cho em, để đôi chân tật nguyền của em bớt nhọc nhằn trong hành trình đi tìm con chữ.
- Hoàng Sang - Sao Sao