Saigon Water Park (SWP) từng là nơi vui chơi giải trí số một, công viên nước đầu tiên của TP HCM. Thế nhưng, gần đây, khu vui chơi này lại bị âm thầm đóng cửa và phá bỏ, biến thành dự án xây biệt thự để bán.
Một thời hoàng kim
Năm 1994, Công ty Dịch vụ Thương mại Eden (thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, nay là Công ty Cổ phần Eden) liên doanh với Công ty Pegasus Leisure Ltd thành lập Công ty liên doanh Văn hóa thể thao dưới nước để đầu tư xây dựng SWP. Đến năm 1997 thì SWP hoàn thành và đưa vào hoạt động.
Đây là một khu vui chơi lớn, rộng gần năm héc ta, nằm cạnh rạch Gò Dưa, có số vốn đầu tư khoảng 11,2 triệu USD, do đặc điểm mới lạ và nhiều trò vui chơi hấp dẫn nên công viên thường xuyên bị quá tải, mặc dù giá vé khá cao. Thế nhưng, thời kỳ hoàng kim này không kéo dài (được khoảng 2 năm).
SaiGon Water Park khi còn thời hoàng kim... Ảnh: Dân trí
Với sự thành công choáng ngợp ban đầu của SWP, hàng loạt các khu vui chơi giải trí khác cũng vào cuộc, cạnh tranh vô cùng khốc liệt như Vietnam Water World, Công viên Văn hóa Đầm Sen, khu Du lịch Suối Tiên, Trung tâm Văn hóa quận 5 và Trung tâm Văn hóa quận 10…
Do chậm cải tiến và ít chịu đổi mới, SWP đã lâm vào tình trạng thua lỗ, bắt đầu từ năm 2000. Sau bảy năm đi vào hoạt động, liên doanh này liên tục lỗ và tổng số tiền lỗ trước thuế đến hết năm 2005 là gần 200 tỉ đồng. Theo báo cáo mới nhất của liên doanh, tính đến hết tháng 4/2006, số tiền lỗ đã lên đến 207 tỉ đồng.
Lập lờ đánh lận con đen
Năm 2006, Công ty Eden rút khỏi liên doanh vì cho là hoạt động kinh doanh quá lỗ. Công ty đã bán lại phần hùn trong liên doanh (vốn nhà nước) của mình cho công TNHH tư vấn đầu tư kinh doanh nhà Thiên Tuyến.
Tháng 5/2006, SWP xin đóng cửa tạm ngừng hoạt động để sửa chữa, bảo dưỡng. Tuy nhiên, thay vào đó lại là một dự án “âm thầm” xây dựng khu biệt thự, nhà ở tại đây. Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) cho là việc xây dựng nhà ở tại vị trí này là “có thể chấp nhận được”. Dựa vào đó, UBND quận Thủ Đức đã phê duyệt quy hoạch cho khu này thành khu dân cư, mặc dù, UBND TP vẫn chưa phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Tuy nhiên, trong thời gian này, SWP đã thuê công ty tư vấn xây dựng Meinhardt quản lý dự án, giám sát thi công, khảo sát khối lượng và hoàn tất các thủ tục xây dựng một khu nhà ở, biệt thự vườn với quy mô 500 dân, gồm 52 căn biệt thự để bán, cho thuê và một câu lạc bộ giải trí.
Mặc dù chưa được UBND TP thông qua, nhưng chủ đầu tư dự án này đã tổ chức phun cát, ép cọc bê tông, san lấp mặt bằng xây bờ kè ven sông Sài Gòn và rạch Gò Dưa… với chi phí trên 10 tỉ đồng.
Đến cuối năm 2007 thì phần san lấp mặt bằng đã xong. Cả khu công viên nước đã biến mất, thay vào đó là một bãi đất trống, trong tình trạng sẵn sàng thi công xây dựng, bờ rạch Gò Dưa cũng đã được làm kè, gia cố lấn về phía rạch….
Đằng sau sự thật
Năm 1995, UBND TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho Công ty Saigon Water Park, tuy nhiên chỉ cho phép công ty sử dụng mặt bằng trong 25 năm. Theo đó, nếu hợp đồng sử dụng đất thay đổi để xây dựng biệt thự, thì người mua biệt thự chỉ có thể sử dụng cho đến năm 2019. Nếu nhà đầu tư không xin phép được cấp quyền sử dụng đất tiếp tục, khách hàng sẽ phải xin cấp quyền sử dụng đất và trả phí sử dụng.
Đầu năm 2008, nhiều cơ quan báo chí đã vào cuộc, phanh phui hành động “biến” công viên thành biệt thự, nhà ở này. Nhờ đó, TP đã phát hiện vụ việc và giao Thanh tra TP vào cuộc điều tra. Kết quả điều tra cho thấy có rất nhiều sai phạm trong dự án “chui” này.
... nay chỉ còn là bãi đất trống. Ảnh: Tin 247
Ngày 3/1/2008, UBND TP.HCM đã có buổi họp về vấn đề này. Tại buổi họp, UBND TP thông báo sẽ cho thanh tra việc lấn chiếm sông rạch của Công ty Sài Gòn Waterpark. Trước mắt, UBND TP không xem xét cho công ty này chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Tiếp đó, tháng 2/2008, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín có công văn yêu cầu Thanh tra TP.HCM thanh tra toàn diện dự án này.
Tháng 3/2009, Văn phòng HĐND - UBND TP đã có văn bản số 118/TB-VP thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân về vụ việc này. Theo đó, Chủ tịch Lê Hoàng Quân thống nhất với các kết luận của Thanh tra TP và chỉ đạo “giữ nguyên khu đất 4,85 ha tại phường Linh Đông, quận Thủ Đức với công năng khu công viên vui chơi, giải trí, không chuyển đổi sang chức năng xây dựng nhà ở, biệt thự vườn”.
Ngoài ra, ông yêu cầu Chủ tịch UBND quận Thủ Đức tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và kiểm điểm các cá nhân có liên quan đến các sai phạm đối với việc để cho SWP tự ý san lấp mặt bằng trên địa bàn mình khi chưa được phép.
Chủ tịch Lê Hoàng Quân cũng yêu cầu Giám đốc Sở QHKT tổ chức kiểm điểm làm rõ lý do vì sao có sự thay đổi liên tục quy hoạch khu đất này. Ông chỉ đạo: tất cả báo cáo, văn bản của Sở QHKT phải thể hiện rõ ràng, “được” hoặc “không được”, tuyệt đối không dùng cụm từ “có thể chấp nhận được”.
Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Tài chính được giao rà soát lại phương án liên doanh ban đầu của Công ty Eden với Công ty Pegasus Leisure Ltd; xem xét lại cách tính toán không chính xác dẫn đến hạch toán lỗ trong hoạt động của SWP để bán tài sản nhà nước cho công ty tư nhân. Từ đó, đề xuất UBND TP hướng xử lý trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc thẩm định, quản lý tài sản nhà nước đưa vào liên doanh.
(VNN Tổng hợp)