221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1190048
Tăng 50% mức đóng bảo hiểm y tế để tránh vỡ qũy?
1
Article
null
Tăng 50% mức đóng bảo hiểm y tế để tránh vỡ qũy?
,

 - Mặc dù đến ngày 1/7/2009, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) mới được áp dụng nhưng nay đã bộc lộ khá nhiều bất cập gây tranh cãi.

 

Tăng mức đóng BHYT lên 50%

 

Ngày 17/4, Bộ Y tế đã có buổi phổ biến và xin ý kiến Dự thảo Nghị định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm y tế, diễn ra tại TP.HCM.

 

Theo đó, từ ngày 1/1/2010 sẽ áp dụng mức thu tiền BHYT mới 4,5% (trước đây là 3%) của mức lương tối thiểu, tiền lương hưu, trợ cấp hoặc của khu vực hành chính. Trong đó, người sử dụng lao động phải chi trả 2/3 mức đóng cho người được hưởng BHYT.

 

Tuy nhiên, mức đóng BHYT sẽ được Chính phủ xem xét điều chỉnh nằm trong mức dao động tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội… của từng thời điểm.

Bác sỹ thăm khám cho bệnh nhân điều trị theo BHYT. Ảnh: Thu Hòa

 

Bộ Y tế đề nghị bổ sung thêm 5 nhóm đối tượng được hưởng BHYT bao gồm: công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng, lực lượng Thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thân nhân học sinh cơ yếu đang được hưởng chế độ phụ cấp được đào tạo về kỹ thuật, nghiệp vụ mật mã do Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý, người lao động hưởng chế độ ốm đau thuộc danh mục bệnh cần điều trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, người hoạt động không chuyên trách.

 

Bà Nguyễn Thị Xuyên – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ ban hành danh mục một số bệnh mà BHYT chi trả trong khám, chẩn đoán sàng lọc nhằm giảm bớt chi trả cho BHYT. Đồng thời, bổ sung thêm lực lượng thanh tra chuyên ngành giám sát việc thi hành Luật BHYT.

 

Về việc vận chuyển bệnh, BHYT chỉ chi trả cho các trường hợp chuyển bệnh nặng từ các trung tâm y tế quận, huyện lên tuyến trên.

 

“Thẻ BHYT hoặc khám chữa bệnh miễn phí dành cho trẻ em dưới 6 tuổi dù được cấp hạn sử dụng đến ngày nào thì cũng chỉ được dùng đến hết ngày 31/12/2009” - Bà Xuyên nhấn mạnh.

 

Có giải quyết được “vỡ” quỹ?

 

Trả lời nguyên nhân tăng mức thu đóng tiền bảo hiểm lên cao tới 50% so với hiện hành, bà Xuyên giải thích: Những năm trước đây, quỹ BHYT luôn trong tình trạng bị “vỡ” - số tiền chi lớn hơn số thu vào. Chưa kể, mức lương tối thiểu lao động cũng đã được điều chỉnh tăng lên…

 

Cụ thể, năm 2008 bội chi lên đến 1.700 tỷ đồng; năm 2009, dự báo sẽ bội chi khoảng 2.000 tỷ đồng. Vì vậy, đến cuối năm nay cần khoảng 9.300 tỷ đồng để đảm bảo cho khả năng chi trả của quỹ BHYT.

 

Tuy nhiên, những lý giải của bà Xuyên không nhận được sự đồng tình của các đại biểu tham dự.

 

“Theo báo cáo tài chính, nguồn thu của quỹ BHYT đã tăng thêm rất nhiều vì lượng người tham gia ngày càng đông. Vả lại, mức lương tối thiểu chỉ tăng thêm 20% mà mức đóng BHYT lại tăng thêm 50% là bất hợp lý” - ông Bùi Đình Công - đại diện Sở Y tế Sóc trăng nói.

 

Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, nguyên nhân “vỡ” quỹ là do cách chi tiêu, quản lý chưa đạt hiệu quả chứ không phải vì mức đóng trước đây quá thấp.

 

Theo bà Nguyễn Kim Phương - đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại VN thì việc tăng mức đóng BHYT như thay đổi là quá cao với đối tượng học sinh - sinh viên đến dưới 23 tuổi. Nói là tăng mức đóng BHYT lên để không bị “vỡ” quỹ BHYT là không thực tế.

 

“Hiện, chúng ta đang lãng phí rất nhiều, dù tăng mức đóng lên 6% cũng chưa đảm bảo không bị “vỡ” quỹ, mà cần tăng cường kiểm soát việc chi BHYT trong khám chữa bệnh, không lãng phí một số chi phí khác trong BHYT” - bà Phương nhận định. 

Bệnh nhân chờ khám bệnh theo BHYT. Ảnh:Thu Hòa

 

“BHYT VN đang đối đầu với việc lạm dụng và kém hiệu quả! Việc lạm dụng diễn ra ở cả khu nội, ngoại trú lẫn chuyển viện” - ông Lê Thanh Liêm - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An thẳng thắn. 

 

Ông Liêm cho rằng: có đến khoảng 90% bệnh nhi mà các BV tuyến trên tiếp nhận chỉ cần điều trị ở tuyến dưới là được, nhưng vì muốn thu nhiều tiền nên vẫn cho điều trị và tái khám ở bệnh viện của mình chứ không chuyển xuống tuyến dưới. Việc nhiều bệnh nhân từ tỉnh lên TP.HCM tái khám với căn bệnh thông thường theo chỉ định của bác sỹ, sau đó BHYT lại phải chi trả là gây lãng phí rất lớn.

 

Theo nhiều ý kiến tại buổi trao đổi, việc siết chặt nguồn quỹ cần phải được phối hợp thực hiện giữa quản lý BHYT và các cơ sở. Bên cạnh đó, việc khám chữa BHYT còn rất nhiều bất cập, nhiêu khê thông qua các thủ tục cho người đi khám lẫn cơ quan quản lý hành chính.

 

“Mã số thẻ BHYT quá phức tạp, số thẻ bị “loạn”, nhiều nơi không thanh toán được vì mã số sai, bị thay đổi lung tung, cần sử dụng mã vạch trong thẻ BHYT”, bác sỹ Nguyễn Văn Châu - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói.

 

Tới đây, quỹ BHYT chỉ chi trả cho đối tượng được cấp thẻ. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh lại chưa được cấp thẻ BHYT nhưng lại thuộc vào trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi và được miễn 100% trong điều trị. Như vậy, nếu không quy định rõ ràng sẽ gây nhiều “bối rối” vì quá chồng chéo.

 

“Sẽ có những sửa đổi, bổ sung trong Luật BHYT” - bà Xuyên khẳng định.

 

  • Thu Hòa

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,