- Phường Định Công cần từ 20-25 tỉ đồng để hoàn thành mạng đường ống dẫn nước vào từng hộ dân. Tuy nhiên, khoản tiền này hiện chưa biết trông vào đâu, chủ đầu tư mới thì thiếu vốn, thành phố lại chưa có ý kiến. Vì thế gần như chắc chắn dân Định Công còn “khát” nước sạch dài dài.
Chủ đầu tư định vay tiền… dân, nhưng bất thành
Như VietNamNet đã phản ánh, 3 vạn 2 nghìn dân phường Định Công thiếu nước sạch để dùng từ hàng chục năm qua. Người dân vẫn phải dùng nước mưa, giếng khơi, giếng khoan và mua nước theo xe téc để sinh hoạt.
Ông Nguyễn Văn Tuyến: Tình hình này chưa thể biết khi nào Định Công có nước sạch. (Ảnh:Cao Minh)
Đầu năm 2003, thành phố phê duyệt cho dự án cung cấp nước sạch của Công ty TNHH Hoàng Hà. Công ty này tiến hành được một số hạng mục rồi… để đấy suốt nhiều năm, khiến phường Định Công phải mời một đơn vị mới vào thế chỗ hồi tháng 8/2008 - đó là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch Viwaco.
Theo dự kiến của chủ đầu tư mới này, thì đến tháng 6/2009 khu Hạ sẽ là khu có nước sạch đầu tiên trong phường Định Công, những khu còn lại cũng sẽ có nước sạch để dùng sau khoảng 3 tháng. Người dân nghe thông tin này, khấp khởi mừng.
Tuy nhiên gần đây, thông tin từ người dân khu Hạ phản ánh, Công ty Viwaco lại đang định vay tiền dân để tiến hành dự án nước sạch. Ngày 16/4, P.V VietNamNet đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Tuyến - Chủ tịch UBND phường Định Công về vấn đề này.
Ông Tuyến cho hay: Thực tế dự kiến trên về thời hạn cấp nước cho dân của Công ty Viwaco được đưa vào buổi làm việc giữa đại diện UBND quận Hoàng Mai (Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải), UBND phường Định Công và Công ty Viwaco ngày 25/2.
Khi đó Công ty Viwaco kêu rằng thiếu vốn để triển khai dự án, và cần có sự chia sẻ từ phía người dân. Nếu người dân đồng ý với phương án này thì thời hạn có nước ở từng khu trong phường là vào tháng 6 và tháng 9/2009.
Sau đó, phường Định Công đã cho nhóm họp, gồm bí thư chi bộ và tổ trưởng các tổ dân phố trong khu Hạ, đồng thời phát phiếu thăm dò xuống dân. Tổng cộng có khoảng 2.500 hộ dân khu Hạ được phát phiếu.
Mức tiền mà Công ty Viwaco định vay của dân là 3,5 triệu đồng/hộ, bao gồm 1,5 triệu đồng theo quy định khi cấp nước vào nhà (tiền đường ống, tiền đồng hồ), số tiền còn lại được dùng vào việc xây dựng mạng đường ống chung. Tiền vay được cấn trừ vào tiền nước dân phải trả hằng tháng.
Tuy nhiên, khi mới chỉ phát phiếu thăm dò, thì ý tưởng “vay tiền dân” này đã vấp phải sự phản đối của chính người dân khu Hạ. Rất nhiều ý kiến được đưa ra, tựu trung lại: nếu dân cho doanh nghiệp vay mà không ai đứng ra bảo lãnh thì liệu có đảm bảo, trong khi số tiền trên là không nhỏ đối với mỗi hộ.
Tôi cũng không dám chắc khi nào có nước
Ông Tuyến ngần ngừ khi được hỏi về mốc thời gian dân Định Công bắt đầu có nước sạch để dùng: Tình hình này tôi cũng không chắc khi nào có nước sạch. Thực ra, nước thì nằm ở ngay trục đường ống chính trong phường rồi, nhưng chưa có các nhánh.
Giếng khơi, giếng khoan, nước mưa... vẫn là nguồn nước sinh hoạt chính của các hộ dân phường Định Công. (Ảnh: Cao Minh)
Do tỉ lệ người dân đồng thuận cho Công ty Viwaco vay tiền là quá nhỏ, nên hôm 10/4, UBND quận Hoàng Mai phải làm công văn gửi xuống công ty này yêu cầu: Công ty Viwaco phải xây dựng kế hoạch đầu tư mạng lưới đường ống cấp nước tại phường Định Công bằng nguồn vốn của công ty hoặc vay ngân hàng, không được huy động vốn của nhân dân (trừ phần kinh phí của nhân dân nộp để lắp đặt đồng hồ và đấu nước vào nhà theo qui định).
Quận Hoàng Mai đồng thời cũng thúc giục Công ty Viwaco đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Vậy, cần bao nhiêu tiền để làm mạng đường ống vào nhà dân Định Công?
“Thực ra, hiện Công ty Viwaco cũng mới chỉ đang lên phương án thiết kế mạng đường ống khu Hạ, sau đó mới tiến hành khảo sát, lập dự toán nên chưa thể có con số chính thức. Song tôi ước tính cần khoảng 20-25 tỉ đồng cho việc này. Nếu như thành phố đã giao cho Viwaco đầu tư vào Định Công thì giờ cũng là lúc thành phố nên có văn bản yêu cầu công ty tự xoay vốn, hoặc có phương án hỗ trợ họ”, ông Tuyến nói.
“Thực sự, nếu thành phố chưa giúp đỡ thì dù có nhà đầu tư mới, cũng còn rất khó khăn trong việc cấp nước cho người dân trong phường”- ông Tuyến kết.
- Đỗ Minh