221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1198696
Dự án bôxit Tân Rai:Sẽ có “đội đặc nhiệm” về môi trường
1
Article
null
Dự án bôxit Tân Rai:Sẽ có “đội đặc nhiệm” về môi trường
,

Ngày 8/5, đích thân Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Phạm Khôi Nguyên dẫn đầu đoàn đi kiểm tra và làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản VN (TKV) về dự án khai thác bôxit Tân Rai tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Kết luận đợt kiểm tra, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đề nghị chủ đầu tư tập trung giải quyết thật tốt các vấn đề về bảo vệ môi trường của dự án vì đây là dự án thí điểm theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng. 

>> Đại dự án bô-xít Tây Nguyên và ý kiến nhiều chiều

Công trường đào hố móng xây dựng nhà máy alumin Tân Rai tại huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng - Ảnh: T.T.D.

Kết luận đợt kiểm tra, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đề nghị chủ đầu tư tập trung giải quyết thật tốt các vấn đề về bảo vệ môi trường của dự án vì đây là dự án thí điểm theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng. “Ngay sau đợt kiểm tra này, bộ sẽ thành lập một nhóm công tác đặc biệt có vai trò như một đội đặc nhiệm để giám sát công tác bảo vệ môi trường. Nhóm này sẽ có cơ chế, chức năng cụ thể và có mặt thường trực để theo dõi và hỗ trợ chủ đầu tư xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh” - ông Nguyên cho biết.

 Cần thêm ý kiến các nhà khoa học

Sau khi thị sát một lượt công trường xây dựng Nhà máy chế biến alumin Tân Rai - đang trong giai đoạn thi công phần móng, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên và Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường dừng lại khá lâu ở khu vực dự kiến xây dựng hồ chứa bùn đỏ.
 
Ông Dương Văn Hòa, phó tổng giám đốc phụ trách công nghiệp nhôm của TKV, cho biết hồ chứa bùn đỏ giai đoạn 1 có diện tích 109ha được bố trí ngay bên cạnh nhà máy alumin. Đây là một vùng trũng hiện hữu không có lối thông thủy ra bên ngoài nên thuận lợi cho việc gia cố tường chắn, chống thấm theo yêu cầu khắt khe của việc lưu chứa bùn đỏ.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Phạm Khôi Nguyên (giữa) kiểm tra thực địa nhà máy khai thác bôxit tại Tân Rai, Lâm Đồng sáng 8/5.


Theo ông Hòa, căn cứ điều kiện về địa hình, tự nhiên của khu vực, công nghệ đổ thải bùn đỏ được lựa chọn cho dự án Tân Rai là công nghệ thải ướt: bùn đỏ được thải ra các hồ thải cùng với dung dịch từ quá trình lắng rửa. Khu vực hồ thải được chia thành từng bloc nhỏ có diện tích 10-15ha và được thiết kế các mương dẫn nước mặt để thoát nước mưa, tránh khả năng tràn vỡ. Xung quanh hồ bùn đỏ sẽ được bố trí bốn trạm quan trắc để thường xuyên kiểm tra các chỉ tiêu môi trường cũng như phát hiện kịp thời các nguy cơ có thể dẫn đến sự cố.

Theo TKV, tuổi thọ khai thác của hồ bùn đỏ giai đoạn 1 là 10-12 năm. Sau khi chứa đầy, hồ chứa bùn đỏ sẽ được phủ đất bề mặt và có thể trồng cây xanh hoặc xây nhà trên đó. Theo ông Hòa, nếu tính luôn hồ chứa bùn đỏ giai đoạn 2 với tổng diện tích 209ha thì chỉ riêng chi phí xây lắp cho hồ chứa bùn đỏ đã lên tới 25 triệu USD (chưa kể chi phí vận hành, bảo dưỡng).

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho hay ông khá yên tâm với trình bày của TKV về quy mô, công nghệ xử lý bùn đỏ. Tuy nhiên, ông Nguyên lưu ý rằng từ lý thuyết đến thực tế vẫn luôn có một khoảng cách nhất định và đây là dự án đầu tiên của ngành công nghiệp nhôm VN, do đó chủ đầu tư tuyệt đối không được chủ quan.

Bộ trưởng yêu cầu TKV trong quý 3-2009 phải hoàn thiện báo cáo bổ sung đánh giá tác động môi trường, trong đó đặc biệt chú ý vấn đề bùn đỏ, để bộ phê duyệt trước khi cấp phép cho khai thác. Ông Nguyên cũng khuyến cáo TKV cần tổ chức thêm nhiều hội thảo để trưng cầu trí tuệ của các nhà khoa học xung quanh việc xử lý bùn đỏ để bảo đảm phù hợp nhất, an toàn nhất theo điều kiện thực tế của VN.

Lo chuyện dân sinh

Ông Đoàn Văn Kiển, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc TKV, cho biết vấn đề khai thác đối với dự án bôxit Tân Rai không có gì phải lo lắng mà quan trọng hơn là khâu hoàn thổ sau khai thác. Theo ông Kiển, dự kiến việc khai thác quặng bôxit sẽ được thực hiện “cuốn chiếu” với diện tích 70-100ha/năm.

Khu vực sẽ làm hồ chứa bùn đỏ thuộc Nhà máy bôxit Tân Rai, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng - Ảnh: T.T.D.

Trình tự khai thác bắt đầu từ công đoạn dọn sạch bề mặt, bóc lớp đất mặt rồi đến lớp đất lót có độ dày trung bình 0,9m. Lớp đất mặt và đất lót này được trữ tại các khe, chân đồi và được dùng để tái lập bề mặt sau khi tầng quặng (dày trung bình 4m) được bóc đi. TKV đã đề xuất với tỉnh Lâm Đồng thực hiện cơ chế thuê đất của dân trong thời gian hai năm cho từng lô 70-100 ha, sau khi khai thác xong sẽ hoàn thổ và trả lại cho người dân. “Chúng tôi cũng dự kiến thành lập một trung tâm lâm - sinh để nghiên cứu việc hoàn thổ, cơ cấu cây trồng phục vụ quá trình sản xuất của người dân sau khai thác” - ông Kiển giải thích.

Ông Lê Quốc Trung, chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và môi trường, ủng hộ phương án thuê đất theo tiến độ để không gây xáo trộn nhiều đến sản xuất của người dân, và gợi ý tỉnh Lâm Đồng có phương án quy hoạch tổng thể không gian của khu vực Tân Rai sau khai thác để sử dụng hợp lý diện tích sau hoàn thổ, thậm chí nếu cần có thể quy hoạch đô thị, dân cư một cách đồng bộ.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh việc hoàn thổ diện tích sau khai thác mang tính sống còn của dự án, vì đây là mấu chốt quyết định tương lai của khu vực hơn 2.000ha và toàn bộ dân cư trên đó. Đất mặt và thực bì bị bóc đi dù có được lấp lại sau đó thì khả năng kết dính sinh học đã mất, trong khi đó điều kiện khí hậu của Tây nguyên khắc nghiệt, dễ bị mưa lũ cuốn trôi.

“Quan trọng nhất là định hướng quy hoạch và sản xuất sau khai thác chưa rõ. Người dân sẽ làm gì trong hai năm ngồi chờ khai thác? Khai thác, hoàn thổ xong dân sẽ trồng cây gì? Cái này tỉnh Lâm Đồng và TKV phải ngồi lại để quy hoạch ngay nhằm định hướng cho công tác hoàn thổ, sao cho khi trả lại mặt bằng là dân sản xuất ngay được” - Thứ trưởng Xuân Cường gợi ý.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng cho rằng tỉnh Lâm Đồng cần có phương án điều chỉnh quy hoạch sau khai thác theo hướng đa dạng hóa, không nên chỉ dừng lại ở chỗ bóc đất nào trả lại đất ấy.  

Dự án khai thác bôxit Tân Rai

- Tổng vốn đầu tư: 12.000 tỉ đồng.

- Tổng diện tích đất thu hồi trong năm năm đầu: 1.620ha (đến năm 2040 là 2.712,78ha).

- Các hạng mục chính: nhà máy chế biến alumin diện tích 77ha (trong đó có nhà máy cung cấp điện công suất 30MW), hồ bùn đỏ diện tích 209ha, hệ thống băng chuyền vận chuyển quặng từ nhà máy tuyển quặng về nhà máy chế biến dài 5,5km.

- Công suất khai thác mỏ: 4,3 triệu tấn quặng nguyên khai/năm.

- Công suất nhà máy tuyển quặng: 1,6 triệu tấn quặng tinh/năm.

- Công suất nhà máy alumin: 630.000 tấn/năm.


(Theo Tuổi trẻ
 )

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;