Ngày 11/5, với lãnh đạo 3 địa phương: TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm đánh giá tình hình khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường của Công ty Vedan.
Hy vọng đây là lần cuối Vedan hứa...
Đánh giá kết quả kiểm tra, giám sát việc khắc phục hậu quả vi phạm tại Công ty Vedan, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Môi trường (Bộ TN-MT) Bùi Cách Tuyến, cho biết: “Qua 6 tháng giám sát chặt chẽ việc khắc phục hậu quả vi phạm, phía Công ty Vedan đã thấy rõ trách nhiệm của mình, nghiêm túc khắc phục những sai phạm và có thái độ hối lỗi; ngoài ra Công ty còn tích cực đầu tư kinh phí cho xử lý môi trường nhằm lấy lại hình ảnh trong công chúng và dư luận xã hội”.
Vedan đã đầu tư cải tạo hệ thống xử lý nước thải...
Ông Tuyến khẳng định: Hiện nay, chất lượng nước sông Thị Vải đang dần được cải thiện và phục hồi một cách đáng kể. Kết quả quan trắc nhanh liên tục cho thấy: Vùng ô nhiễm nặng (có DO (oxy hòa tan)<1mg/l) trước đây dài trên 15km thì nay hầu như không còn; vùng ô nhiễm nhẹ (DO trong khoảng 2-3 mg/l) chỉ còn khoảng 5km; từ cảng Phú Mỹ (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đến vùng cửa sông, nước biển đã có màu xanh bình thường.
Mặt khác, các kết quả phân tích hàm lượng các thông số ô nhiễm khác và độ đục của nước cũng giảm đáng kể. “Điều này cho thấy khả năng tự làm sạch của sông tại khu vực này là rất cao và nguồn gây ô nhiễm đã được hạn chế đáng kể”, ông Tuyến nói.
TIN LIÊN QUAN
Còn theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Xuân Cường, thời gian qua Vedan đã khắc phục hết sức nghiêm túc, sông Thị Vải đã bắt đầu “xanh” trở lại. Tuy nhiên theo ông Cường, đây chỉ là kết quả “hết sức bước đầu”, bởi Vedan còn 21 hồ xử lý hiếm khí, qua kiểm tra vẫn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, lây nhiễm bệnh cho bên ngoài và ngay cả Công ty Vedan.
Bộ trưởng TN-MT Phạm Khôi Nguyên cũng đồng tình cần phải giám sát chặt các hồ sinh học này, mà theo Bộ trưởng là “rất ô nhiễm”, đồng thời ông lưu ý việc đánh giá chất lượng nước Vedan xả ra tốt là với công suất hiện tại, nếu sau này các nhà máy khác đi vào hoạt động, công suất thải lớn gấp nhiều lần hiện nay, liệu chất lượng nước có tương ứng?
Theo Bộ trưởng, đây là lần đầu tiên Vedan thực hiện lời hứa, và họ đã thực hiện nghiêm túc khi đầu tư hàng chục triệu USD cho việc khắc phục ô nhiễm môi trường.
“Trước đây 5 -7 năm, tôi đã từng nhiều lần nghe họ hứa, nhưng thực hiện thì không tới đâu. Hy vọng đây là lần cuối cùng…” - Bộ trưởng nói.
Gây ô nhiễm phải có trách nhiệm với nông dân
Đó là ý kiến chung của nhiều đại biểu dự hội nghị. Họ cho rằng Vedan gây ô nhiễm thì phải bồi thường cho người dân…
...tuy nhiên vẫn tồn tại hàng chục hồ chứa sinh học có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo Vedan, Công ty đã công bố hỗ trợ nông dân ở mức khoảng 25 tỉ đồng (nông dân Đồng Nai 7 tỉ đồng, TP.HCM 7 tỉ đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu 6 tỉ đồng). Tuy nhiên, mức hỗ trợ này chưa được người dân 3 địa phương bị ảnh hưởng đồng tình.
Ông Huỳnh Ngọc Tới – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, cần phân biệt rõ tiêu chí giữa đền bù và hỗ trợ… Phải có một cơ quan độc lập, khách quan để xác định thiệt hại; đối với người nuôi trồng thủy sản, bị thiệt hại trực tiếp thì phải đền bù; còn đối với những người sống trên sông bằng nghề đánh bắt, nay tôm cá không còn, phải chuyển đổi nghề nghiệp thì phải được hỗ trợ…
Ông Tới lưu ý là không nói đền bù, hỗ trợ chung chung, việc cần làm rõ là mức độ gây ô nhiễm của Vedan là bao nhiêu %, để từ đó xác định bồi thường, phần còn lại là các doanh nghiệp gây ô nhiễm trên sông Thị Vải.
Quan điểm này nhận được sự đồng tình của đại diện Cục Cảnh sát môi trường. Theo đại diện này, “chúng ta vẫn làm chưa quyết liệt”, bởi nếu thực hiện các khảo sát đánh giá tác động môi trường, đồng thời làm luôn việc đánh giá thiệt hại thì kết quả việc hỗ trợ, đền bù cho người dân không “dậm chân tại chỗ” kéo dài như hôm nay.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng, quan điểm của Bộ là ai gây ô nhiễm phải tiến hành khắc phục. Bộ không quá nặng nề về bồi thường hay hỗ trợ mà kêu gọi doanh nghiệp có trách nhiệm với người dân.
“Tốt nhất là hiệp thương thỏa thuận, đưa vụ việc ra tòa thì khó cho cả công ty lẫn người dân. Hiện nay 3 tỉnh, TP cũng đang thực hiện theo hướng này để tìm tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và người dân”.
“Có Vedan ở đây, tôi khuyến cáo doanh nghiệp hãy quan tâm, có trách nhiệm hơn với nông dân” - Bộ trưởng thẳng thắn.
Tổng Cục Môi trường đề nghị Bộ trưởng TN-MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan chuyển toàn bộ kinh phí thu được từ xử phạt vi phạm hành chính và truy thu phí bảo vệ môi trường trốn nộp của Công ty Vedan về Quỹ Bảo vệ môi trường VN trong quý II/2009 để xây dựng và thực hiện đề án khắc phục hậu quả về môi trường, kinh tế - xã hội trên lưu vực sông Thị Vải. UBND các địa phương Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành liên quan kiểm tra thực tế (trên cơ sở đòi bồi thường của nhân dân), tổng hợp các thiệt hại để yêu cầu Công ty Vedan và các doanh nghiệp khác gây ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Thị Vải có trách nhiệm chi trả, bồi thường thiệt hại hoặc hỗ trợ theo quy định pháp luật…