221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1201928
Bài 2: Những trò ma cô của "cò" bệnh viện
1
Article
null
Bài 2: Những trò ma cô của 'cò' bệnh viện
,

  - Từ mờ sáng, “cò” bệnh viện đã đi gom số thứ tự khám bệnh khiến bệnh nhân phải vật vờ chờ đợi mãi mà không đến lượt mình vào khám. Muốn khám sớm, bệnh nhân phải  chi ra cho “cò” 50.000-100.000 đồng.

 

“Chặt” nhanh, “chém” đẹp

 

Bệnh viện Đại học Y dược (BV ĐHYD) mỗi ngày đón hàng ngàn bệnh nhân nên việc xếp hàng vào khám có thể ví như phát gạo thời bao cấp. Nắm bắt tình hình này, nhiều người dân vốn làm nghề sửa xe trong khu vực chuyển hẳn sang làm “cò” đi gom số thứ tự bán lại cho bệnh nhân.

 

10h sáng ngày thứ 6, trong vẻ mặt lơ ngơ vì bệnh viện không cấp số khám tổng quát, PV VietNamNet được “cò” Tèo, vốn là dân xe ôm trước cổng khu B, Bệnh viện Đại học Y dược xáp lại hỏi chuyện và hứa giúp đỡ: “Để em dẫn anh vào khám, không đáng là bao, tới lui chờ đợi làm gì cho mất công”.

 

Nhóm "cò" lấy số thứ tự tập trung trước cổng BV Đại học Y dược.

 

Sau vài phút rào đón, "cò" Tèo ra giá: số thứ tự khám bệnh giá 50.000 đồng/người, dẫn vào khám tổng quát 350.000 đồng/người. Sau khi tôi đặt cọc 50.000 đồng đề nghị lấy số cho 2 người vào sáng đầu tuần, Tèo rút trong ví ra một tệp phiếu đăng ký số thứ tự giống hệt ở quầy phát số của BV ĐHYD và bảo tôi đọc tên người cần khám cho “cò” này viết vào.

 

Tại khu vực BV ĐHYD không chỉ “cò” Tèo có cách “chặt chém” chuyên nghiệp như vậy mà những cò khác cũng luôn có sẵn những tệp phiếu đăng ký lấy số khám bệnh.

 

Một số người dân trong khu vực cho biết, “cò” trước cổng BV ĐHYD luôn có sẵn phiếu để thay phiên nhau đi đăng ký từ lúc 4h sáng.

 

Do số lượng người khám đông và cả trăm số thứ tự nhỏ đã nằm trong túi “cò” nên xảy ra tình trạng nhiều người đến từ 7h sáng nhưng vật vờ đến chiều mà chưa đến lượt.

 

"Cò" cùng nhau phân phối "chiến lợi phẩm" chuẩn bị giao cho bệnh nhân ở tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.

 

Khi đó, các “cò” bắt đầu rảo quanh xem ai có nhu cầu sẽ gạ gẫm và bán phiếu đăng ký khám bệnh.

 

Một “cò” nữ tên Bảy, trước cổng khu B BV ĐHYD khẳng định: Một ngày chị lấy số thứ tự cho hơn chục người vào khám, nếu đi khám bệnh một nhóm đông người sẽ lấy giá hữu nghị.

 

Nhưng so với nhóm “cò da” trên đường Nguyễn Thông, những cò ở khu vực BV ĐHYD vẫn chỉ là cò con vì chưa “móc ngoặc” được với những phòng khám tư.

 

“Xỏ mũi” bệnh nhân

 

Đối với phần đông người dân từ các tỉnh thành mắc bệnh da liễu, do nhận thức vệ sinh chưa tốt và một phần vì hoàn cảnh khó khăn nên khi căn bệnh đã trở nên trầm trọng họ mới tìm đến thành phố chữa trị. Họ mang theo hy vọng sẽ có một làn da khỏe mạnh hay chí ít cũng giảm những nét dị thường nhưng vì nhẹ dạ, cò mồi vẫn cho họ những liều thuốc đắng.

 

Qua tìm hiểu của chúng tôi, ngoài phòng khám của bác sĩ Ng. trong đường Phạm Đình Toái, “cò” trước cổng BV Da liễu cũng có sẵn danh sách gần chục phòng khám da liễu khác ở các quận lân cận.

 

Sau khi “lót tay” 50.000 đồng cho một “cò”, chúng tôi được dẫn đến phòng khám da liễu của bác sĩ S. trong hẻm 127 đường Bà Huyện Thanh Quan.

 

Lấy lý do “nghe nói chỗ này chữa không hay”, “cò” dẫn đường lập tức vòi thêm 50.000 đồng nữa và dẫn chúng tôi đến phòng khám tư của bác sĩ Th. nằm gần ngã tư Trần Nhân Tôn - Trương Định, quận 1.

 

Anh Trần Minh Cường (quê Kontum) cho biết: “Tôi bị căn bệnh vẩy nến hành đã nhiều năm nay. Nghe nói ở thành phố có bệnh viện chuyên về da liễu nên vợ tôi gom góp tiền đưa xuống chữa bệnh. Vừa xuống xe ôm, tôi đã bị cò “vỗ mặt” rằng hôm nay BV chỉ khám cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế, muốn khám phải đến phòng khám bên ngoài cũng của bác sĩ trong BV Da liễu. Sau đó, tôi bị “cò” dẫn đến một phòng khám tư nằm trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1). Tiêm thuốc một thời gian thì thuyên giảm hẳn nhưng khi tốn hết hơn chục triệu rồi thì bỗng nhiên bệnh nặng hơn”.

 

Tình trạng quá tải tại các bệnh viện là cơ hội để "cò" "bóp cổ" bệnh nhân.

 

Gặp phải tình trạng như trên, không ít bệnh nhân đã quay lại BV Da liễu chữa trị theo phương pháp khoa học chứ không theo kiểu “cắt đoạn” nhằm câu khách mà một số bác sĩ phòng khám tư hay áp dụng.

 

Khi đã được các bác sĩ trong BV giải thích, nhiều bệnh nhân da liễu mới biết, đến phòng khám tư hầu hết bệnh nhân được tiêm kháng sinh liều cao để kích thích lớp da mới sinh ra. Một thời gian ngắn, da người bệnh có nhiều thuyên giảm, nếu nhẹ thì gần như khỏi hẳn, hồng hào trở lại và nhất là bệnh nhân thường xuyên đến tái khám và tiêm thuốc. Nhưng kế đó là giai đoạn kinh hoàng của người bệnh. Da dẻ sần sùi, bong tróc trở lại, lở loét nhiều hơn. Gặng hỏi thì bác sĩ phòng khám tư chỉ phán đó là… tác dụng phụ.

 

Bác sĩ Vũ Hồng Thái, Giám đốc Bệnh viện Da liễu cho biết: “Chúng tôi đã công bố danh sách địa chỉ những phòng khám tư nhân cấu kết với "cò" để cảnh giác cho bệnh nhân đến khám nhưng vẫn nhiều người mắc lừa, có nhiều người khi biết bị lừa rồi vẫn tiếp tục chữa ở những bác sĩ này, lúc rệu rã thân thể rồi mới vào nhập viện”.

 

Hiện nay, trước cổng Bệnh viện Da liễu có hơn chục “cò” hoành hành nhưng số người bệnh bị “xỏ mũi” dắt đi phải đến con số hàng ngàn.

  • Quốc Quang - Thu Hòa

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>